CẦN ĐẾN LÒNG THƯƠNG XÓT

Kính chào Lòng Chúa Thương Xót, bài 7

Sau hôm gặp chung các cụ, tôi đi giúp tĩnh tâm hai khóa. Mãi chiều Chúa nhật 30-6-2019 mới có giờ đến thăm nhà bà Sáu rồi được bà đưa đi thăm các gia đình khác.

XÓM CHUỒNG GÀ

Ông Sáu trước làm thợ hồ, nay đang chạy thận tuần ba ngày, bệnh viện cho biết chắc chẳng còn bao lâu. Thế nhưng ông Sáu chẳng tin Chúa cũng chẳng tin Phật. Bà Sáu bị chấn thương khớp gối đã ba tháng nay. “Mỗi tuần ba buổi chiều con phải dùng thuốc giảm đau để đưa ổng đi chạy thận. Chiều nào ba giờ con cũng cầu nguyện Lòng Chúa Thương Xót. Các bài kinh trúc trắc, không vần điệu như kinh chùa nhưng con thuộc lòng hết. Con cầu nguyện mà nó không lành. Chắc Chúa bỏ rơi con rồi!” Tôi bảo bà cứ cầu xin Chúa nhưng cũng hãy thưa thêm với Chúa rằng: “Nếu Chúa muốn thì con sẵn lòng bị đau để chồng con được ơn đức tin. Chắc Chúa muốn con đồng cảm với những đau khổ của Chúa. Cám ơn Chúa!” Bà hiểu và đồng ý.

Bà Sáu đi cà nhắc khó khăn nhưng có thể đạp xe đưa tôi đến thăm ba cụ khác cùng ở giáo xứ Đồng Tiến. Ở Quy Nhơn bao nhiêu năm rồi, nay tôi mới có dịp len lỏi vào những ngóc ngách của xóm này lần đầu. Tới nhà bà Tư thì có cả bà Năm ở đó. Các cụ quen nhau vì cùng sinh hoạt Phật tử với nhau. Cụ Năm khẳng định:

– Mấy bà này đạo theo. Con là Phật tử nòi. Con kính Chúa, đến cầu nguyện Chúa thôi chứ con vẫn là Phật tử.

Bà Tư thì bảo: “Con bây giờ có sống hay chết cũng nhờ Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Con đã cầu nguyện và hết đau khớp, bây giờ chỉ biết tín thác thôi.” Ông Tư mặc vội bộ đồ lam vào để tiếp khách. Ông bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Trước có lần không chịu nghe các bài giảng nhưng nay ngày nào ông cũng mở TV nối mạng để nghe giảng. Ông nhắc lại để điều chỉnh những gì bà Tư kể không chính xác. Ông vui vì được biết Lòng Chúa Thương Xót và thấy lạc quan vui sống những ngày cuối đời.

Đến thăm nhà cụ Năm, một bà cụ 90 thấy vui cũng qua chơi. Sau đó chúng tôi tới nhà cụ Ba. Cụ Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ đang giúp giáo lý cho cụ Ba và cụ Tư, tuần ba hay bốn buổi. Đã tới bài 34 trong tổng số 37 bài. Mỗi chiều, hai bà cùng hẹn nhau đi dự lễ nhà thờ Đồng Tiến.

Chỉ một buổi chiều, Chúa cho tôi được chia sẻ cảnh sống của bốn gia đình đang đến với Lòng Chúa Thương Xót.

TỪ NHÀ XỨ ĐẾN NHÀ THƯƠNG

Hai ngày sau, tôi hẹn đến thăm cha sở Đồng Tiến để mừng ngài mới về nhận xứ và cũng để thông tin về các dự tòng thuộc giáo xứ ngài. Đây là công đoạn chuyển từ ống nghiệm ra mấy luống vườn. Dù chỉ mới về nhận xứ được năm ngày, Cha Vinh Sơn vẫn lên chương trình nhờ chức việc đưa đi thăm họ.

Rời nhà xứ, tôi tới khu vực chạy thận lọc máu ở bệnh viện, thăm cả ông Bảy và ông Sáu. Khi nghe tôi hứa cầu nguyện, ông Sáu đã cám ơn, chẳng tỏ vẻ gì là một người vô tín nhưng xưng hô cha con với tôi rất hồn nhiên. Ông Bảy ở một xóm chài cách Tòa Giám mục khoảng 20 km, chạy thận tuần ba lần cùng một ca với ông Sáu.

Bà Bảy không thuộc nhóm cư sĩ. Bà nghe bà Sáu kể về Lòng Chúa Thương Xót, và theo đến Tòa giám mục xin tôi cầu nguyện. Bà tưởng tôi là “ông cha giảng trong máy”. Tôi đã đưa bà vào nhà nguyện, nói cho bà nghe về Chúa Giêsu và về đức tin. Không rõ bà có thất vọng khi biết tôi không phải là ông thầy “chuyên chữa bệnh” chăng, thế nhưng hôm nay gặp lại ở hành lang bệnh viện, bà than thở rằng một người con dâu nghe nói bà cầu nguyện với Lòng Chúa Thương Xót, đã mỉa mai hỗn xược. Bà nói, để giữ hòa khí trong nhà, bà sẽ trả lại ảnh Chúa và sách kinh, mong tôi thông cảm.

Thế nhưng tôi là kẻ mót lúa chứ không phải thợ gặt. Đã thấy một gié lúa, dù nó có bị nhận dưới bùn, tôi cũng nhặt lên rửa sạch, ghép vào nhúm lúa trên tay:

– Bà cứ tiếp tục cầu nguyện và dâng chính nỗi buồn phiền ấy cho Chúa để hiệp thông với Chúa và để cầu nguyện cho ông Bảy sớm bình phục.

Chẳng biết lời ấy rồi có ích lợi gì cho bà chăng, nhưng Chúa đã chẳng giao cho tôi cả thuyền lẫn lưới, chỉ giao mỗi việc ngồi câu cá thì mỗi lần thấy phao máy động, tôi đều phải hết sức quan tâm phân định, đợi giật cần câu đúng lúc. Có lẽ cũng nhờ đó mà, nhìn vào những diễn biến trong ống nghiệm, tôi có thể hình dung ra vụ mùa đang hứa hẹn trên cánh đồng. Trong phạm vi nhỏ của mình, tôi cũng phải làm công việc các Giám mục làm ở phạm vị lớn: Dò dẫm tìm ý Chúa.

CẦN ĐẾN LÒNG THƯƠNG XÓT

Nhờ trạm thí nghiệm, tôi nhìn thấy sự chênh lệch rất rõ giữa những người cần đến Lòng Chúa Thương Xót và những người tỏ ra không cần

Tại Bình Định tôi chỉ mới tặng máy nghe các bài giảng cho những ai ngỏ ý xin. Để dọn đường tặng cho các bệnh nhân đồng tộc già yếu cần đến nó, tôi đã tặng cho các anh em trong ban chấp hành hội đồng dòng họ, để ngày nào tôi tặng chiếc máy cho ai trong dòng họ, các vị sẽ hiểu rằng tôi đang chia sẻ niềm xác tín của mình cách công khai, không chút gì giấu diếm. Chuyện tặng “để kính tường” như thế đồng thời cũng là “cắm sào đợi khách”, biết đâu người anh em “lãnh đạo” cũng đang cần một chuyến đò ngang. Ngoài ra, tôi cũng tặng cho một vài đồng đạo chẳng mắc bệnh tật gì đáng kể nhưng có lẽ đang cần đến Lòng Chúa Thương Xót về những mặt khác. Kết quả từ các ống nghiệm khá rõ: Có những người cần đến các bài giảng Lòng Chúa Thương Xót, có những người không. Với những người cảm thấy không cần, mình chỉ tặng vì xã giao, chẳng hy vọng gì. Còn với những người thật sự cần đến Lòng Chúa Thương Xót, tức là những bệnh nhân nghèo khổ, không có tiền chữa chạy, những người lâu nay bị bỏ rơi, bỗng dưng có người cho hay rằng Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót vẫn không ngừng quan tâm chăm sóc, thì những bài giảng trở nên hết sức ý nghĩa. Từ đó, tôi chia sẻ với anh chị em hội viên Legio Mariae một kinh nghiệm: Chỉ nên tặng chiếc máy cho những ai tha thiết ngỏ lời xin, những ai thấy mình thật sự cần, còn với những người khác, dù là người nghèo hay người bệnh, nếu họ không có nhu cầu thì không nên tặng, để khỏi bị Chúa quở trách là vất của thánh và ngọc quý cách bừa bãi (x. Mt 7,6).

Đọc lại Tông huấn “Tiếng gọi nên thánh trong thế giới ngày nay” (Vui mừng hoan hỉ), tôi thấy điều Đức Thánh Cha nói ở chương II cũng giúp ta hiểu được đôi chút về những người không cần đến Lòng Chúa Thương Xót. Hai kẻ thù tinh tế của sự thánh thiện đánh lừa các tín hữu trên đường nên thánh, cũng tìm cách đánh lừa nhằm chặn đứng, không để cho họ nhận được ơn cứu rỗi của Lòng Chúa Thương Xót. Một kẻ thù tên là não trạng ngộ đạo, còn tay kia tên là não trạng Pêlagiô. Chúng là kẻ thù của sự thánh thiện, kẻ thù của đức tin và cũng là kẻ thù của ơn cứu rỗi.

Tôi xin được trích lại một trang viết tựa đề: “Tránh đừng để bị lừa vì điều tốt giả”.

“Điều răn chủ chốt và quan trọng nhất trong luật Chúa là mến Chúa và yêu người. Trong Tông huấn Vui Mừng Hoan Hỉ, chương 2, Đức Thánh Cha Phanxicô vạch trần cho thấy thần dữ đánh lừa ta bằng sự mến Chúa và yêu người giả mạo mà ngài gọi là hai sự thánh thiện giả mạo: thái độ tự hào về điều mình biết (ngộ đạo) và thái độ tự phụ về khả năng của mình (Pêlagiô). Đức Thánh Cha liên kết hai thái độ lệch lạc ấy với hai lạc thuyết cổ xưa. Cả hai đều tự ảo tưởng về mình.

Điều Đức Thánh Cha muốn cảnh báo chúng ta không phải hai lý thuyết mà là hai thái độ rất phổ biến đang chặn đứng sự thánh thiện trong Giáo hội:

Thái độ ngộ đạo

Trong lịch sử, nhóm ngộ đạo là những người chạy theo sự bừng ngộ, tự cho là mình nhận được những hiểu biết sâu nhiệm và đặc biệt, và nghĩ rằng hiểu biết được như thế là mình đã hoàn thiện hơn hẳn người khác. Ngày nay, đây là thái độ nặng về “biết” (biết = ngộ = ngộ đạo), hài lòng với việc nắm bắt các thông tin mọi mặt, nhưng không dấn thân, không dám sống theo Tin mừng.

Rơi vào thái độ này, ta dễ tự hào về điều mình biết và tưởng rằng mình biết hơn ai điều gì đó là đã trổi vượt và hoàn thiện hơn họ, từ đó ta dễ xét đoán người khác và xem thường họ. Thái độ này không ở đâu xa. Mỗi chúng ta đều có thể mắc phải mà không ngờ.

Thái độ Pêlagiô

Nhóm Pêlagiô là những người không tha thiết với ơn Chúa, chỉ dựa trên ý chí và sức riêng mình, thậm chí chỉ làm được một điều gì đó cũng đủ nghĩ rằng như thế là mình đã hoàn thiện hơn hẳn người khác. Ngày nay, đây còn là thái độ nặng tinh thần thế tục, tự mãn với sức riêng, phương tiện trần thế, không còn tin tưởng phó thác vào tình yêu Thiên Chúa. Rơi vào thái độ này, ta thường tự mãn, tự phụ về sức riêng hoặc khả năng riêng của mình, không màng đến ơn Chúa. Thái độ này sẽ khiến ta dễ dừng lại, khó bền vững trong điều tốt, dễ biến công cuộc Thiên Chúa thành công cuộc riêng mình, ham danh, ham lợi. Đó là thái độ ngược với sự Tín Thác, Cậy Trông vào Thiên Chúa, chỉ tin cậy nơi mình.”

(Lm. Trăng Thập Tự, Tĩnh tâm với Đức Thánh Cha Phanxicô, Nxb Đồng Nai, 2019, trang 54-55).

GIẢI MÃ MỘT BÍ ẨN

Lời cảnh báo của Đức Thánh Cha giúp hiểu tại sao có những người cảm thấy cần đến Lòng Chúa Thương Xót, có những người không.

Lời lý giải ấy cũng soi sáng cho một thực tế vẫn gây thắc mắc cho nhiều người: Tại sao số người được ơn hầu hết là anh chị em lương dân, còn người Công giáo đạo “nòi” cũng đến xin ơn rất đông nhưng ít người nhận được ơn lạ? Nhiều tín hữu đã chân thành nhìn nhận rằng người Công giáo cầu nguyện không tha thiết như người lương. Tuy nhiên, nếu ta hỏi Chúa Giêsu, có lẽ Ngài sẽ bảo: Nói như thế chỉ mới đúng một phần, mấu chốt là vấn đề thấy mình cần đến lòng thương xót và hưởng ứng lòng thương xót. Họ háo hức noi gương bắt chước đức thương xót của Thiên Chúa, và từ đó, họ được chúc phúc: Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7) và được hưởng lời Chúa hứa: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).

Đó là điều chúng ta sẽ trao đổi trong bài tới: Hưởng ứng lòng thương xót.

Chia sẻ Bài này:

Related posts