Từ thâm tâm, ai cũng muốn hạnh phúc cho mình nhưng rút cục lại cứ tự làm khổ mình. Tại sao thế ? Câu hỏi này nhất thiết cần có câu trả lời, nếu không con người cứ mãi trôi lăn trong khổ mà không biết. Đức Giê Su đã cho chúng ta biết về nguyên nhân của khổ và phương pháp để diệt trừ bằng một nghịch lý: “ Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình, vác thập tự giá mình hàng ngày mà theo. Vì hễ ai muốn cứu mạng sống mình thì phải mất. Còn ai vì cớ Ta mà mất mạng sống mình thì sẽ cứu được” ( Lc 9, 23 -24 ).
Qua lời Chúa đây cho thấy có hai thứ mạng sống. Một là mạng sống xác thân, hai là mạng sống thần linh. Phải vì Chúa, bỏ đi mạng sống xác thân thì mới cứu được mạng sống thần linh. Phàm phu ai cũng cho mạng sống xác thân là mình nên mới khổ. Lão Tử nói: “ Ngô sở dĩ hữu đại hoạn giả, vị ngô hữu thân. Cập ngộ vô thân, ngô hữu hà hoạn ? ( Ta sở dĩ có nỗi khổ lớn vì ta có thân. Nhược bằng không thân thì ta đâu có khổ ?- ĐĐK chương 13 ).
Người ta không ai lại không có thân. Không có thân thì làm sao mà sống ? Thế nhưng cần phải hiểu…có thân ở đây chính là chấp lấy xác thân này là mình. Cũng vì chấp xác thân là mình thế nên con người mới nảy sinh lòng tham, nếu tham được thì càng tham mãi. Trái lại tham không được thì nổi lòng sân hận, ganh ghét đố kỵ….gây nên muôn vàn giống tội.
Một khi đã chấp lấy xác thân làm mình thì ắt thấy nó là…thật có. Thế nhưng dưới con mắt tâm linh thì thân này chỉ là bào ảnh có đấy rồi liền mất đấy: “ Sự sống của anh em là chi ? Chẳng qua như một thứ hơi nước, hiện ra một chốc một lát rồi lại tan mất” ( Gc 4, 14 ).
Mọi sự thế gian nói chung và mạng sống con người nói riêng chỉ là giả hợp do duyên hợp lại mà có. Thế nhưng bởi vô minh che lấp nên ai cũng cho nó là thật có để rồi khi nó tan hoại đi ( Chết ) thì tiếc nuối, đau khổ khôn nguôi. Cái lẽ sinh tử, tử sinh ở đời là một sự thật và chỉ khi nào nhận ra sự thật ấy, con người mới hết khổ.“ Chúa Giê Su phán với những người Do Thái đã tin Ngài rằng: Nếu các ngươi cứ ở trong đạo Ta thì thật là môn đệ Ta, các ngươi sẽ nhận biết sự thật và sự thật sẽ giải thoát các ngươi” ( Ga 8, 31 -32 ).
Con đường sự thật mà Chúa muốn dẫn đưa chúng ta đi là con đường vượt qua sinh tử để vào cõi sống đời đời. Thế nhưng với hiện trạng của giáo hội hiện nay thì con đường siêu xuất thế gian ấy đã bị chối bỏ cùng với chủ trương Tục Hóa cũng gọi là Giải Thiêng ( De’sacralisation ).Tôn giáo một khi đã bước vào Con Đường Giải Thiên thì đức tin đâu còn nghĩa lý gì nữa và đây chính là biểu hiện của Ngày Chúa đến đã gần:“ Dẫu vậy khi Con Người đến há còn tìm được đức tin trên mặt đất này chăng ?” ( Lc 18, 8 ).
Mặc dầu Ngày Chúa đến đã được báo trước từ 2000 năm nay nhưng người ta vẫn không tin và vì không tin nên cứ mãi sống buông thả trong dục vọng: “ Nhưng trong ngày Noe thể nào thì sự hiện đến của Con Người cũng thể ấy. Như trong ngày trước nước lụt, người ta ăn uống, cưới gả cho đến ngày Noe vào tàu vẫn không biết chi cả cho đến khi nước lụt ùa tới mà đùa đi hết thảy thì sự hiện đến của Con Người cũng vậy” ( Mt 24, 37 -39 ).
Không tin có Ngày Tận Thế nhưng ngày ấy vẫn đến như lời khẳng định của Chúa:“ Trời đất sẽ qua đi nhưng lời Ta nói chẳng qua đâu” ( Mt 24, 35 ). Ngày Chúa đến thật hết sức kinh hoàng cho những kẻ nào không tin và vì không tin nên không có sự chuẩn bị gì. Trái lại với những ai tin tưởng, đợi chờ thì đó lại là ngày hồng phúc. Điều này đã ứng với lời Chúa: “ Vì hễ ai muốn cứu mạng sống mình thì phải mất. Còn ai vì cớ Ta mà mất mạng sống mình thì lại cứu được”.
Thánh Faustina vì thực hiện ơn gọi làm ngôn sứ ( Thư Ký ) cho Chúa phải chịu biết bao đau khổ, tủi nhục và đã cứu không những linh hồn mình mà còn cho biết bao linh hồn khác.
Chúa Giê Su nói với chị thánh Faustina:“ Con sẽ chuẩn bị thế giới cho lần đến sau cùng của Cha ( NK 429 ) Còn Đức Mẹ nói: Mẹ đã ban Đấng Cứu Độ cho thế giới. Còn con, con phải nói cho thế giới biết về lòng thương xót bao la của Người và chuẩn bị cho thế giới tiếp đón Người đến lần thứ hai. Người không đến trong tư cách Đấng Cứu Độ Nhân Lành nhưng trong tư cách Thẩm Phán Chí Công” ( NK 635 ).
Như đã nói, thời đại này con người đã mất đức tin và sự mất đức tin ấy là vì đã không tin sự hiện hữu của Thiên Chúa do Đức Ki Tô mạc khải: “ Quả thật, Ta nói cùng các ngươi. Ai nghe lời Ta mà tin Đấng đã sai Ta thì có sự sống đời đời không bị luận phạt, song đã từ cõi chết bước vào cõi sống” ( Ga 5, 24 ).
Tin sự hiện hữu của Thiên Chúa sẽ được sống bởi vì Ngài chính là Sự Sống ở nơi mỗi người: “ Thiên Chúa của Apraham, của Isaac và của Giacop. Ấy Ngài không phải là Thiên Chúa của kẻ chết nhưng là của kẻ sống, bởi vì ai nấy đều vì Ngài mà sống” ( Lc 20, 37 -38 ).
Tin Thiên Chúa Hằng Sống cũng là Đấng Giàu Lòng Thương Xót ở nơi mình thì đã vượt cõi chết để vào cõi sống. Chúa Giê Su kêu gọi Thánh Faustina làm ngôn sứ với mục đích để nhân loại có thể tin vào mạc khải của Ngài bằng cách vẽ Bức Ảnh Chúa Thương Xót với hàng chữ: “ Lạy Chúa Giê Su, con tín thác vào Chúa”.
Nghe theo Chúa Giê Su, chị thánh đã kể lại thị kiến với mẹ bề trên và cha linh hướng (Cha Sopocko). Thoạt đầu vị linh mục này chưa tin hoàn toàn nhưng vì muốn xem ra như thế nào nên đã nhờ ông Eugene Kazimuerows, sống gần đó thực hiện. Chị Faustina đã được mẹ bề trên cho phép đến làm việc và hướng dẫn họa sĩ thực hiện.
Sau khi nhận được thị kiến và Bức Ảnh được vẽ xong thì cũng là lúc các nữ tu trong dòng tỏ ra nghi ngờ và có cả những lăng mạ, cho Faustina là một thị nhân hoang tưởng, khùng điên. Một lần kia khi đến trình bày với một mẹ bề trên khác thì chị đã bị đuổi ra khỏi phòng với những lời nhiếc mắng thậm tệ: “ Cái chị dở hơi, đồ thị kiến điên khùng, xéo ra khỏi cái phòng này ngay. Đừng có mà đứng đó nói vớ nói vẩn”
Chị vội lui về phòng, lòng tràn ngập đắng cay, gục đầu trước tượng Thánh Giá, thở than với Chúa: Lạy Chúa Giê Su, lạy Chúa Giê su con không thể tiếp tục được nữa. Chị ngã gục xuống đất vì sức nặng ấy nhưng đột nhiên nghe được tiếng Chúa: “ Đừng sợ, Cha ở với con” và một ánh sáng soi chiếu cho tâm trí chị và chị đã hiểu rằng không nên đầu hàng trước những phiền sầu như thế !
Thử thách và vượt qua nó trong đau khổ là một hồng ân của Chúa như lời chị thánh đã viết trong Nhật Ký: “ Đau khổ là một hồng ân trọng đại, qua đau khổ linh hồn sẽ được nên giống Đấng Cứu Độ; trong đau khổ Tình Yêu được tinh luyện. Đau khổ càng lớn lao, Tình Yêu càng tinh ròng” ( NK 57 ).
Yêu mến Thiên Chúa là giới răn hệ trọng nhất:“ Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý chí mà yêu thương Chúa là Thiên Chúa ngươi. Ấy là điều răn lớn và đầu nhất” ( Mt 22, 37 ). Những đòi hỏi này thật hết sức là khó nhưng đó lại là điều kiện bắt buộc cho những linh hồn hiến tế như chính chị thánh đã ước ao từ những ngày thơ ấu !
Gần hết năm đầu tiên trong giai đoạn Tập Viện, chị Faustina bắt đầu trải nghiệm một thử thách trong linh hồn quen được gọi là “ Đêm Giác Quan”. Thử thách này kéo dài trong sáu tháng trời. Trong thời gian ấy, chị không hề cảm nghiệm được niềm vui hoặc ơn an ủi nào trong khi cầu nguyện. Chị hầu như không thể nguyện ngắm và nỗi hoang mang sợ hãi như bao trùm lấy chị. Nhìn vào thẳm sâu linh hồn mình, chị chỉ thấy một nỗi khốn cùng thê thảm. Lúc ấy những khốn khó nội tâm lại chồng chất thêm vào những gian truân bên ngoài khiến chị thánh không biết đường nào mà lần !
Một hôm trong lúc sấp mình trước Nhan Thánh Chúa, chị Faustina bỗng có một ý nghĩ khủng khiếp là Thiên Chúa đã ruồng bỏ mình. Nỗi tuyệt vọng đầy ứ linh hồn, chị đã phải trải qua tình trạng khốn khổ của các linh hồn bị trầm luân. Dù trong tình trạng bi đát như thế, Faustina vẫn dục lòng tín thác vào Chúa nhưng điều ấy cũng chẳng giúp ích gì.
Những nỗi khốn khổ ấy không những chỉ diễn ra ở nơi nội tâm mà còn phát lộ ra bên ngoài khiến mẹ bề trên có lần nói: “ Này chị, trên đường đi của chị những đau khổ trồi lên từ lòng đất. Tôi nhìn chị như một nạn nhân bị đóng đinh. Nhưng tôi thấy Chúa Giê Su có nhúng tay trong vụ này. Chị hãy trung thành với Người” ( NK 149 ).
Quả như lời mẹ bề trên nói: Chúa Giê Su…có nhúng tay trong vụ này. Thật vậy như Chúa đã nói: “ Ai vì cớ ta mà mất mạng sống mình thì sẽ cứu được” và cái sự…cứu ở đây chính là phải bước đi trên con đường thập giá và chỉ trên con đường ấy, con người mới có thể được dẫn dắt đến với Đấng Hằng Sống ở nơi mình !
Cần bước đi trên Con Đường Thập Giá mới có thể đến với Đấng Hằng Sống. Tại sao ? Bởi vì đi trên con đường ấy tức là…Bỏ Mình có nghĩa không còn thấy có “ Cái Tôi”. Tuy nhiên bỏ được “ Cái Tôi ( Bản Ngã ) vẫn chưa phải là cứu cánh dù đó là đỉnh cao tột trên con đường Giác Ngộ. Về con đường Giác Ngộ này, thiền sư Nam Tuyền có đưa ra bài kệ:
“Đầu sào trăm thước vẫn đứng yên
Tuy ngộ nhưng chưa rõ lý chân
Đầu sào trăm thước thêm một bước
Mười phương thế giới hiện toàn thân”
Cứu cánh của Đạo Chúa chính là Thiên Chúa Tình Yêu ( 1Ga 4, 8 ). Và để có thể đạt tới cứu cánh ấy thì cần phải trải qua đau khổ để mưu ích cho các linh hồn. Những sỉ nhục, dèm pha, nghi ngờ của chị em trong dòng không khỏi khiến chị Faustina đau khổ và thở than với Chúa nhưng Ngài nói: “ Không phải
con sống cho chị em nhưng là cho các linh hồn và các linh hồn sẽ được hưởng lợi từ những đau khổ của con. Việc đau khổ triền miên của con sẽ đem lại cho họ ánh sáng và sức mạnh để chấp nhận Thánh Ý Cha” ( Nk 67 ).
Với Chúa, đau khổ không những chỉ để sinh ích lợi cho các linh hồn mà còn để…đền thay tội lỗi của người khác. Chị thánh ghi lại trong Nhật Ký: “ Hôm nay tôi rất muốn làm một Giờ Thánh trước Thánh Thể nhưng ý Chúa lại muốn khác. Vào lúc tám giờ tối, tôi phải chịu những cơn đau dữ dội đến nỗi phải đi nằm ngay lập tức. Tôi bị co giật, đau đớn suốt ba tiếng đồng hồ tức là đến mười một giờ đêm, không có thuốc thang nào công hiệu cho tôi cả, hễ nuốt vào thứ gì thì liền bị thổ ra thứ ấy. Chúa Giê Su đã cho tôi nhận thức rằng tôi được thông phần vào sự hấp hối trong Vườn Cây Dầu với Người bằng cách đó. Chính Chúa đã cho những cơn đau này xảy ra để tôi đền tạ vì những con trẻ đã bị giết trong bụng các bà mẹ độc dữ…
…Tôi không biết có bao giờ còn phải chịu đau đớn như thế nữa không. Tôi xin phó mặc cho Thiên Chúa. Điều gì đẹp lòng Chúa thì Người gửi đến, ước chi nhờ những đau khổ này, tôi có thể cứu dù chỉ một con trẻ khỏi bị giết chết” ( NK 1276 ).
Một khi đã hiểu đau khổ có giá trị lớn lao như thế thì đau khổ không còn là đau khổ tức không còn sợ hãi như người đời: “ Từ giây phút tôi yêu mến đau khổ thì nó không còn đau khổ đối với tôi nữa. Đau khổ là lương thực hàng ngày của linh hồn tôi” ( NK 276 ).
Yêu mến đau khổ, đối với người đời chẳng những là điều không sao hiểu nổi nhưng còn không thể chấp nhận. Thế nhưng trên con đường giải thoát thì chỉ có những hành vi như thế mới chứng tỏ Tình Yêu đối với Đấng Thiên Chúa là Tình Yêu: “ Ôi, vĩ đại thay linh hồn giữa đau khổ vẫn trung thành với Thiên Chúa và thực thi Thánh Ý Người, vẫn kiên trì dù không được ủi an giữa phong ba bão tố rợn rùng vì Tình Yêu tinh ròng làm ngọt ngào cho kiếp phận của họ” ( NK 995 ).
Đau khổ hầu như là…phần số của các ngôn sứ bởi lẽ các ngài đã vâng theo lệnh truyền của Thiên Chúa rao truyền những chân lý mà thế gian khó thể chấp nhận. Với thánh Faustina cũng vậy khi rao truyền Lòng Thương Xót Chúa. Một lần kia Đức Mẹ hiện ra với dáng vẻ rất buồn phiền như muốn nói với Faustina điều gì đó. Sau đó Ngài nói: “ Con sắp sửa phải trải qua những đau khổ do một cơn bệnh và các bác sĩ. Con cũng sẽ phải chịu đau khổ nhiều về Bức Ảnh nhưng con đừng sợ hãi gì cả”. Ngày hôm sau tôi ngã bệnh và rất đau đớn đúng như Mẹ Thiên Chúa đã tiên báo cho tôi. Nhưng linh hồn tôi đã sẵn sàng trước những đau khổ này. Đau khổ là bạn đồng hành thường xuyên của cuộc sống tôi” ( NK 316 ).
Chị thánh ngã bệnh và chịu đựng những cơn đau dữ dội nhưng tất cả là để kết hợp với Chúa Giê Su chịu đóng đinh:“ Gần như suốt đêm, tôi phải chịu những cơn đau đớn dữ dội, dường như cả ruột gan đều đứt rời từng đoạn. Tôi thổ ra hết những thuốc men đã uống. Tôi chúc đầu ngược xuống đất bất tỉnh và chịu như thế một thời gian, đầu cứ chúc xuống. Khi tỉnh lại, tôi nhận ra cả thân mình đang đè xuống đầu và mặt những thức ói mửa đầy khắp người” ( NK 1613 ).
Những đau đớn về thể xác của thánh Faustina thật dữ dội. Tuy nhiên nếu chỉ xét về bệnh hoạn và đau đớn gây ra thì cũng chẳng có chi khác với người đời và người ta có khi còn phải chịu những cơn đau đớn ghê gớm và kéo dài nhiều ngày hơn. Cái khác ở đây ở chỗ sự đau đớn của ngài là để kết hợp với cuộc khổ nạn thập giá Chúa Giê Su hầu nài xin Lòng Thương Xót “ Hai ngày cuối cùng của dịp lễ hội, những đau đớn nơi thân xác tôi càng dữ dội. Tôi kết hợp mật thiết hơn với Đấng Cứu Độ đau khổ, nài xin Người thương xót toàn thế giới đang cuồng loạn trong sự tà vạy của nó. Suốt ngày tôi chịu đựng nỗi đau nhức nhối của mão gai. Khi nằm, tôi không thể đặt đầu lên gối được. Đến mười giờ những cơn đau dịu lại và tôi đã thiếp đi nhưng hôm sau tôi cảm thấy hết sức rã rời” ( NK 1649 ).
Trận chiến tâm linh đã được tiên bao từ buổi Sáng Thế giữa Người Nữ Maria và rắn Sa Tan phải chăng đã đến hồi kết thúc của nó. Thánh Faustina thuộc dòng dõi của Người Nữ ấy và ngài đã chiến đấu cách dũng mãnh, kiên cường: “ Hôm nay, những đau khổ của tôi ngày càng gia tăng. Hơn nữa tôi còn cảm thấy những thương tích ở bàn tay, bàn chân và cạnh sườn. Tôi chịu đựng những nỗi đau này với lòng kiên nhẫn. Tôi cảm thấy cơn cuồng hận của kẻ thù các linh hồn ( Sa Tan ) nhưng hắn đã không thể chạm đến tôi” ( NK 1646 ).
Với Ơn Chúa, thánh Faustina đã anh dũng chiến đấu và ngài cũng ý thức cái chết đã gần kề: “ Và mặc dù theo Thánh Ý Chúa, ôi, lạy Chúa cái chết sẽ chạm đến thân xác con nhưng con muốn sự hư nát này hãy đến càng sớm càng tốt, con sẽ vào cuộc sống trường sinh” ( NK 1393 ).
Ước vọng trường sinh của thánh Faustina cũng là của mỗi người. Thế nhưng ước vọng ấy chỉ có thể thành tựu khi chúng ta biết sẵn sàng tỉnh thức trong Ngày Chúa đến: “Vậy nên các ngươi hãy sẵn sàng vì Con Người đến trong giờ các ngươi không ngờ” ( Mt 24, 44 )./.
Phùng Văn Hóa