GIÁO XỨ CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

Kính chào Lòng Chúa Thương Xót, bài 11

Chia sẻ của Lm Trăng Thập Tự

Ngày Chúa nhật, 28/7, Bà Sáu và bà Tư hẹn chiều hôm sau đến thăm tôi tại Tòa Giám mục. Nội dung câu chuyện chiều 29/7 thật bất ngờ.

Bà Sáu nhấn mạnh rằng tôi không nên đến thăm gia đình bà Bảy. Ông Bảy là người họ Võ. Bà Bảy chỉ ngỏ lời mời cho tôi vui chứ thật tình không muốn tôi đến. Tôi biết bà Sáu nói rất thật. Bản thân bà Sáu thì vẫn đau nhức chỗ chấn thương đầu gối, chưa lành. Bà nghĩ không nên làm phiền Chúa, đồng thời cũng không nên chỉ vì một chút đau đầu gối mà cải đạo. Tiếp đó, bà Tư cho biết việc theo Chúa của bà cũng không thành vì anh em chồng và con cái chống đối dữ dội.

MỘT SỨ VỤ NGẮN NGỦI

Đầu tháng Sáu, khi các cụ cùng nhau kéo đến Tòa Giám mục gặp tôi, tôi đã thấy lúng túng không thể nào trong một giờ gặp gỡ ngắn ngủi mà có thể giúp họ phân biệt được Lòng Chúa Thương Xót và ơn chữa lành. Nay thì chính họ đối diện với thực tế và,  thay vì lặng lẽ lơi dần, họ thẳng thắn đưa nhau đến nói rõ là không thể tiếp tục, để khỏi phụ lòng tôi đã ân cần giúp đỡ. Tôi không níu kéo, chỉ nói ngắn gọn là khi nào các cụ lại có nhu cầu tìm hiểu về Chúa, xin cứ đến, tôi sẽ tiếp tục giúp. Bà Sáu muốn xin thêm năm cái máy cho lối xóm nhưng tôi chỉ còn hai cái, tôi đưa cho bà một cái.

Thế là kết cục thật rõ, bà Bảy không thuộc nhóm cư sĩ và gián tiếp nhờ người khác chuyển lời. Còn sáu vị cư sĩ, ba người được ơn thánh tẩy và ba người thẳng thắn rút lui. Bà Năm là người đầu tiên đã khẳng định chọn lựa này khi gặp lại tôi ở nhà bà Tư chiều 30/6 (tôi đã kể ở bài 7). Rất có thể chính chọn lựa của bà Năm đã gợi hứng cho bà Tư và bà Sáu. Thế là 50/50 Chúa ạ! Đúng như lời Chúa nói: “Hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại” (Mt 24,41).

Tôi mỉm cười thưa thầm với Chúa: “Chúa ơi, thế là trạm thí nghiệm hoàn tất nhiệm vụ lịch sử của nó rồi, phải không ạ?” Ban sáng, một vị trong Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Việt Nam, khi nói chuyện với tôi qua điện thoại về Giáo điểm Tin Mừng đã băn khoăn không biết làm sao để giúp cả giáo dân và lương dân phân biệt được Lòng Chúa Thương Xót với ơn chữa lành. Loạt bài tôi viết đây nhằm mục tiêu ấy, tôi đã gửi cho ngài qua đường bưu điện nhưng ngài chưa nhận được.

Tôi không thể nào ngờ rằng cũng chính trong ngày ấy, Đức cha Giám quản Tông tòa Tổng Giáo phận Sài Gòn đã ký bổ nhiệm thư thuyên chuyển cha Giuse Trần Đình Long khỏi Giáo điểm Tin Mừng. Cả khu vườn ương mãi tận Nhà Bè và trạm thí nghiệm ở góc nhà hưu dưỡng thầm lặng này chấm dứt nhiệm vụ lịch sử trong cùng một ngày. Đối với bản thân tôi, nhất định đây không phải là chuyện ngẫu nhiên trùng hợp.

Khởi đầu ngày 05/01 và kết thúc ngày 29/7, vỏn vẹn sáu tháng và 24 ngày, sinh mệnh của Trạm thí nghiệm thật ngắn ngủi.  Cả câu chuyện ban sáng lẫn câu chuyện ban chiều giúp tôi hiểu rằng Trạm thí nghiệm ấy chỉ nhằm giúp thấy tương lai để quay về với hiện tại. Muốn cho Lòng Chúa Thương Xót trở thành ánh sao dẫn đường cho những tấm lòng từ bi, tôi cần quay về chuẩn bị cho các đồng đạo của mình thấm nhuần ơn Thương xót của Chúa trước đã.

MEN TRONG BỘT

Lòng Chúa Thương Xót đang lây lan trong cuộc sống chúng ta hôm nay như men trong bột (x. Mt 13,33). Đó là một niềm hy vọng đầy an ủi, là nguồn ơn có khả năng chữa lành sự vô cảm của thời đại. Các môn đệ Chúa cần biết nhận chìm mình vào Lòng Chúa Thương Xót, thấm nhuần Lòng Chúa Thương Xót để có thể san sẻ kinh nghiệm cho những người đang mất phương hướng cũng như những người đang thao thức tìm phục hồi lòng thương cảm cho cộng đồng.

Nhờ ơn Chúa, tại Việt Nam hiện nay các giáo xứ tương đối vẫn còn sức sống và phần đông giáo dân đều có phần hướng về Lòng Chúa Thương Xót. Giáo xứ nào cũng có Nhóm Cầu nguyện Lòng Chúa Thương Xót lúc ba giờ chiều. Thiết tưởng cần có những chỉ dẫn cụ thể để các nhóm này thực sự được xức dầu và trở thành vết dầu loang giúp toàn giáo xứ thấm nhuần Lòng Chúa Thương Xót.

Nhóm ấy có thể quản lý một hộp thư của Lòng Chúa Thương Xót, nhận những thư xin cầu nguyện, ghi rõ tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại và ý cầu nguyện. Họ sẽ liên kết với Ban Bác ái Xã hội và Legio Mariae trong giáo xứ để hai nhóm này có thể phối hợp thăm viếng, giúp đỡ phần xác và phần hồn. Trước giờ cầu nguyện nên đọc danh sách người xin cầu nguyện và ý nguyện, và cũng đọc cả những thư tạ ơn của những người đã được Chúa nhậm lời. Nhóm sẽ giúp mua máy bài giảng và giới thiệu anh chị em lương dân đến với ngày lễ các gia đình ở giáo xứ cũng như ngày lễ kính Lòng Chúa Thương Xót cấp giáo hạt như sẽ nói dưới đây.

Đề nghị về thánh lễ Thứ Tư đầu tháng cho các gia đình không phải là cách duy nhất hữu hiệu nhưng là một ví dụ thiết thực, tương đối tốt, có thể dựa vào đó mà phân tích, đối chiếu nhằm tìm ra những cách khác hay hơn.

Để khỏi chồng chất các sinh hoạt lên nhau dễ gây mệt mỏi, ta có thể lồng ghép thêm nội dung tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót vào thánh lễ ấy của các gia đình. Nhóm các gia đình của mỗi tháng sẽ thành nhóm tông đồ của Lòng Chúa Thương Xót để nâng đỡ lẫn nhau. Đồng thời mỗi gia đình cũng có thể rủ thêm các gia đình tôn giáo bạn tham gia. Sự gặp gỡ với các gia đình ấy không phải chỉ để chia sẻ cho họ những điều ta có mà còn để đón nhận từ nơi họ nhiều điều ta cần học hỏi.

ĐIỂM HẸN CỦA TIN MỪNG VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT

Phong trào tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót đang dần dần trở thành tổ chức có hệ thống, nhiều Giáo phận đã có linh mục đặc trách phong trào, hy vọng rồi các nơi sẽ trao đổi cho nhau những kinh nghiệm đào tạo cho thành viên biết thực hành lòng Thương xót cách cụ thể: nghĩ tốt, hiểu tốt, nói tốt và làm tốt cho người khác. Trong gia đình và cộng đoàn Giáo xứ, ta sẽ luôn suy nghĩ với Lòng Thương xót, luôn tha thứ, không xét đoán bất công nhưng hiểu tốt cho người khác và đồng cảm với người khác. Noi gương Đấng không nỡ dập tắt tim đèn còn khói, không bẻ gãy cây lau bị dập (x. Mt 12,20), ta cần biết hy vọng vào mầm mống điều tốt nơi mọi người.

Trong thời gian tôi viết loạt bài này, đã thấy có một thể hiện mới nhiều hứa hẹn hơn. Tại Nhà thờ Chính tòa Qui Nhơn, hằng tháng sẽ có Thánh lễ kính Lòng Chúa Thương Xót vào thứ Sáu đầu tháng, lần đầu tiên đã được cử hành ngày 07 tháng Sáu 2019, lúc 5g00 chiều. Khi tôi chia sẻ tin này với Cha sở Ghềnh Ráng, ngài bảo: “Năm giờ thì con và các cha khác đều mắc làm lễ không dự được”. Câu trả lời bộc phát cho thấy ngài đang nghĩ tới một thánh lễ kính Lòng Chúa Thương Xót cấp Giáo hạt, có nhiều cha hiện diện, đồng tế hoặc giải tội. Khi tôi báo tin cho bà Ba và bà Tư, thì hai bà bảo rằng phải chi có lễ như thế ở nhà thờ Đồng Tiến, họ có thể đi bộ tới dự thì hay biết bao. Những phản ứng ấy đã thúc giục tôi thu xếp công việc, tham dự thánh lễ kính Lòng Chúa Thương Xót ở nhà thờ Chính tòa vào chiều thứ Sáu đầu tháng Bảy, 05-7-2019, mong có thêm những ghi nhận cần thiết để dịp tĩnh tâm sẽ trình bày với cha Hạt trưởng và quý cha trong Hạt.

Ngờ đâu chiều hôm ấy lễ cưới, chẳng ai nói chút gì về Lòng Chúa Thương Xót cả. Chi tiết này cũng trùng hợp với phản ứng trên đây của Cha sở Ghềnh Ráng về giờ lễ. Nếu tổ chức thành một chương trình chung của cả Giáo hạt, nên bắt đầu sớm. Ai cần, có thể đến từ hai giờ chiều để cầu nguyện riêng và dọn lòng xưng tội. 2g45 bắt đầu giờ chầu Thánh Thể và lần chuỗi kính Lòng Chúa Thương Xót đến 3g30. Rồi 3g45 thánh lễ và kết thúc lúc 4g45 để những người ở xa còn kịp về. Đàng khác, thánh lễ Lòng Chúa Thương Xót cần có một chỗ đứng ưu tiên và cố định, nếu không sẽ rất dễ bị đẩy lùi vì bất cứ lý do lớn nhỏ nào.

Từ đầu tháng Bảy năm 2019, tại Giáo điểm Tin Mừng chẳng còn “mời nhân chứng”, “đặt tay” hay “rảy nước thánh” nhưng người lương vẫn đế rất đông, như lời Kinh thánh:

“Kìa, chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước”… (Is 60,3-4).

Lý do khiến muôn dân tuốn về chính là sự hiện diện của Thiên Chúa giàu lòng Thương xót:

Vì ánh sáng của ngươi đến rồi.

Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi.

Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân;

còn trên ngươi Đức Chúa như bình minh chiếu toả,

vinh quang Người xuất hiện trên ngươi” (Is 60,1-2).

Chư dân như đàn nai đang khát, đâu có nước thì nai tìm đến (Tv 41/42.2-3).

Một ý khác: Thay vì chỉ thứ Sáu đầu tháng, có thể tổ chức đều vào mỗi thứ Sáu, luân phiên các giáo xứ trong Giáo hạt.

Một chi tiết nữa là phải kéo dài bài giảng.

Thánh lễ ngày thường tại các nhà thờ xứ, gồm toàn giáo dân trong xứ, giảng dăm bảy phút là đúng, không nên kéo dài làm phiền cộng đoàn. Còn trong trường hợp có nhiều người từ xa, có đông anh chị em lương dân, thì thánh lễ không còn giống như một thánh lễ ngày thường ở giáo xứ mà cần có một bài giảng dài của một ngày tĩnh tâm, đáp ứng những nhu cầu khác nhau của đoàn người đang chăm chú lắng nghe, từ việc mời gọi hoán cải, gợi ý tạ ơn Chúa, cho đến những chia sẻ cụ thể và dễ hiểu để giúp số đông anh chị em lương dân, trong đó nhiều người chỉ mới đến lần đầu, nhận ra Lòng Chúa Thương Xót để giúp họ chú ý tới Đấng tặng quà hơn là những món quà. Tựa như các bà các chị khi đi chợ, cần phân biệt được giữa bữa ăn thường ngày chỉ dăm ba người với lúc gia đình bất ngờ phải tiếp đón cả hằng trăm người. Bất cứ một mục tử nào có tâm hồn cũng sẽ trực giác thấy ngay phải ứng xử thế nào trong một trường hợp cụ thể để ích lợi tối đa cho các tâm hồn trong cuộc.

Nhờ đó, ta hiểu được tại sao ở Giáo điểm Tin Mừng, cả trong thánh lễ ngày thường bài giảng luôn kéo dài.

TỪ GƯƠNG MÙ ĐẾN GƯƠNG SÁNG

Lần nọ tôi ghé thăm và ở lại nhà xứ một cha đàn anh. Tôi hỏi xin một viên thuốc, ngài dẫn tôi ra cổng, qua bên kia đường, vào một tiệm thuốc tây. Trên quầy bán hàng có một tượng cha FX. Trương Bửu Diệp và một hộp tiền tiết kiệm giúp xây đền thánh Đức Mẹ La Vang. Sau lời giới thiệu của cha xứ, chị chủ tiệm nói chuyện rất vui vẻ. Chồng chị đã được ơn nhận biết Chúa, rất mong muốn cả hai vợ chồng sẽ được lãnh bí tích Thánh tẩy cùng lúc, cho nên khuyến khích chị mở quầy thuốc ngay trước cổng nhà thờ, sớm hôm gần gũi bầu khí kinh lễ.

Hơn một năm sau, gặp người chồng, tôi hỏi việc rửa tội tới đâu rồi. Anh đáp:

– Tiếc quá, có lẽ không thành cha ơi!

– Sao vậy?

– Vợ con đổi ý. Cô ấy bảo: Sống gần người Công giáo mới thấy họ không thương nhau gì cả!

Thế nhưng vẫn có những trường hợp được ơn tin Chúa khi chứng kiến cuộc sống đầy yêu thương hiệp nhất của cộng đoàn con cái Chúa.

Giữa thập niên 1980, một giáo viên nữ người Cao Đài theo đuổi tình yêu với một giáo viên Công giáo, mong tiến đến hôn nhân để có thể dễ biện minh trước gia đình và họ hàng về việc cô cải sang Công giáo. Hai người cân nhắc nghiêm túc và không tiến đến hôn nhân. Thiếu nữ buộc lòng phải thưa thật với gia đình rằng mình theo Chúa vì Chúa chứ không vì chàng trai. Mấy năm liền dạy học ở Đơn Dương, cô ở trọ trong một gia đình Công giáo, theo các bạn trong gia đình đi tập hát, dự lễ tại nhà thờ Suối Thông B do các tu sĩ dòng Phan Sinh đảm trách và đã nhận ra cộng đoàn giáo xứ ấy là một góc thiên đường trên thế gian, sum vầy quanh Chúa Cứu Thế. Cuối cùng, gia đình đã chấp thuận cho cô gia nhập Giáo hội Công giáo.

Theo cái nhìn “méo mó nghề nghiệp” của đoàn sủng ống nghiệm, tôi nhận ra một nét khác biệt khá biểu tượng nơi hai trường hợp:

– Nơi câu chuyện trước, chị dược sĩ đã tới tận cổng và người ta cứ để mặc chị ở đó với việc làm ăn mua bán, chẳng ai buồn mời chị vào. Một cộng đoàn thiếu sự quan tâm tới người đang tìm kiếm Chúa, sớm muộn cũng rơi vào chỗ kèn cựa, đấu đá, phân hóa ba bè, bảy mảng.

– Ở trường hợp sau, người ta mở rộng cửa, mau mắn đón nhận cô giáo trẻ vào hẳn bên trong cộng đoàn, cùng chia sẻ ngọt bùi ấm lạnh, lộ rõ tấm tình một lòng một ý.

Khi mọi người trong giáo xứ cùng hướng tới một mục tiêu chung: Tìm kiếm và nâng đỡ những người mới tin Chúa chắc hẳn mỗi thành viên đều sẵn lòng cam kết nghĩ tốt, hiểu tốt và nói tốt cho người khác, từ đó, giáo xứ sẽ ngày càng là một cộng đoàn yêu thương đùm bọc, thấm nhuần Lòng Chúa Thương Xót, khiến mọi người đều nhận biết chúng ta thật là môn đệ Chúa.

Ta sẽ lặp lại được kinh nghiệm của anh chị em  Kontum. Nhiều giáo điểm tại Giáo phận Kontum sớm trở thành giáo họ rồi giáo xứ vì cộng đoàn tín hữu đã sống yêu thương đúng theo lòng Chúa mong ước (x. Ga 13,34-35). Mới đây, tôi đến thăm đan viện Cát Minh Sài Gòn và gặp chị Martha, người chuyên lo nhà khách:

– Con ở Kontum hơn ba tháng mới về lại Sài Gòn đây.

– Ở trển ra sao?

– Chúa ơi! Mấy ông cha địa phận Kontum sống như thời cách thánh Tông đồ vậy.

TIẾN SÂU VÀO BÊN TRONG

Thưa quý bạn đọc là anh chị em thân yêu trong Chúa.

Với loạt bài này, chúng ta đã hướng đến sự hưởng ứng Lòng Chúa Thương Xót và đứng về phía Lòng Chúa Thương Xót, từ cá nhân, gia đình cho đến cộng đoàn giáo xứ. Lòng Chúa Thương Xót cũng chính là Thánh Thần Tình Yêu của Chúa Cha và Chúa Con, không những thấm đều như men lây lan về bề rộng (x. Mt 13,33) mà còn thấm sâu vào nội tâm ta như chất dầu thiêng liêng (x. 1Ga 2,27). Bám vào Ngài, ta không còn sợ lặp lại sự tuột dốc đáng tiếc nhưng sẽ tiến bước không ngừng.

Trong quyển Lâu Đài Nội Tâm, Thánh nữ Têrêxa Avila mô tả lộ trình tâm linh với bảy bước tiến sâu dần vào tận tâm điểm của linh hồn, nơi Thiên Chúa ngự trị. Nơi bảy bước ấy, ba bước phía ngoài nặng phần chủ động, còn bốn bước phía trong cốt ở chỗ thuận tình để cho Thiên Chúa hành động. Cuối ba bước phía ngoài, ta đạt được lương tâm ngay thẳng và lòng trong sạch, và càng mở lòng ra cho ý Chúa. Rất nhiều người tiến được vào bước thứ ba, nhưng do tự hào, tự phụ, lại bị đẩy ngược ra ngoài. Họ mắc phải hai sự thánh thiện giả mạo mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong tông huấn Vui Mừng Hoan Hỉ, chương 2.

Khi thật tình đến với Lòng Chúa Thương Xót, ta sẽ tín thác vào Chúa, không còn tự hào, tự phụ. Khi noi gương Cha trên trời là Đấng Thương xót (x. Lc 6,36), ta sẽ được Chúa Thánh Thần dẫn dắt trên đường nên trọn lành như Cha trên trời (x. Mt 5,48). Như thế, nhờ Lòng Chúa Thương Xót, ta không sợ bị đẩy ngược ra ngoài nhưng sẽ tiến sâu vào tận tâm điểm cõi lòng.

Nhờ khao khát mãnh liệt và biết buông mình theo ân sủng Chúa, ta sẽ sớm được chìm vào ơn hiệp nhất với Thiên Chúa trong một lòng muốn: Một khi “Chúa muốn gì, mình đều muốn nấy” thì sẽ đến lúc “mình muốn gì, Chúa cũng muốn nấy”, bởi lẽ giờ đây mình chỉ còn muốn điều Chúa muốn (x. Thánh nữ Têrêxa Avila, Lâu Đài Nội Tâm, mức ở lại thứ năm). Ơn hiệp nhất với Thiên Chúa trong một lòng muốn sẽ dẫn đến ơn hiệp nhất với Thiên Chúa trong yêu thương hạnh phúc muôn đời (Sđd, mức ở lại thứ bảy).

Mời xem bài 12: Ngả ba quyết định.

Chia sẻ Bài này:

Related posts