Kính chào Lòng Chúa Thương Xót, bài 8
Chia sẻ của Lm Trăng Thập Tự
Những người phục vụ ở một trạm thí nghiệm có thể bị nhiễm hóa chất không mong muốn. Còn khi phục vụ Lòng Chúa Thương Xót tôi lại thấy hình như mình may mắn được thấm nhuần Lòng Chúa Thương Xót.
NHƯ CHẤT MEN LÂY LAN
Những bài giảng về Lòng Chúa Thương Xót trong chiếc máy nhỏ cứ lặp đi lặp lại: Đến với Lòng Chúa Thương Xót là để hưởng ơn Lòng Chúa Thương Xót và để thực hành Lòng Chúa Thương Xót. Những người nghe dần dần nằm lòng hai điều: xin ơn Lòng Chúa Thương Xót và hưởng ứng Lòng Chúa Thương Xót. Lòng Thương xót từ Thiên Chúa tuôn trào, ấp ủ con người, rồi từ người này lan sang người khác. Nhờ đó, người ta sống Lòng Thương xót cách thật hồn nhiên.
“Nước Trời như một nhúm men” (x. Mt 13). Điều ấy lộ rõ nơi khả năng lây lan của lòng thương xót.
Trong dịp Giáo phận chúng tôi cử hành Năm thánh hồi năm ngoái, một hôm tôi bước vào phòng ăn lớn của ngày lễ thì nghe giọng nói quen thuộc:
– Chào ông ngoại đi con!
Mẹ con người phụ nữ nghèo ngoại giáo vẫn thường đến xin giúp đỡ đang ngồi dùng bữa với cộng đoàn. Một chủng sinh nào đó đã mạnh dạn đưa họ vào.
Lần khác, mới đây, tôi có việc về muộn. Vào tới sân nhà thờ Chính Tòa thì thấy một “khách hàng quen thuộc” của chúng tôi đang cà nhắc bước đi bên cạnh một cha phó miền quê mới thụ phong được một năm:
– Ủa, cha cũng quen anh này hả?
– Không, mới gặp lần đầu.
– Hai người đi đâu đây?
– Con đưa chú đi ăn.
Tôi thầm nguyện trong lòng: “Chúa ơi, xin giữ người anh em này mãi mãi như thế và ngày càng hơn thế nữa!”
Tôi cảm thấy rất vui vì ngay giữa cuộc sống thường, được gặp lại hình ảnh vị thầy của chúng tôi, một linh mục thánh thiện trong Giáo phận, là cha Phêrô Tuần Nguyễn Cao Hiên (1922-2009). Dịp kỷ niệm một năm ngày ngài qua đời, chúng tôi đã thực hiện một tập mỏng, với tựa đề “Tấm lòng cho người nghèo”, gom góp những chứng từ nhiều người viết về ngài, trong đó hơn một nửa nói về tấm lòng của ngài yêu thương, kính trọng và chăm lo cho người nghèo. Trong hai năm chương trình chuẩn bị gần trước khi vào Đại chủng viện, các ơn gọi trẻ của chúng tôi có mấy tuần được học về tấm gương của ngài, và tấm lòng ấy không nhiều thì ít đang lây lan đến họ.
Trào lưu ăn chay lan rộng đang làm lan tỏa đức từ bi và tấm lòng “chẳng nỡ”, để làm tan chảy sự vô cảm của con người ngày nay. Đó là một khởi đầu đáng quý, cần được trân trọng để tất cả có thể cùng nhau tiến xa hơn. Như ở bài 5 tôi có viết, đó chỉ mới là ánh sao phương Đông dẫn đường cho các đạo sĩ: “Chính lòng Thương xót nơi các bài giảng đã lôi cuốn tấm lòng Từ bi của những bậc quy y đến với Đấng Thương Xót”. Họ được lòng Thương xót của Ngài lôi cuốn và khi đến gần, họ kinh ngạc nhận ra rằng Đấng Thương Xót không chỉ là Đấng có tấm lòng chẳng nỡ của người ngoại giáo và người Samari nhân hậu (Lc 10), chẳng nỡ trước nỗi đau khổ, mà còn là Đấng chạnh lòng thương, chẳng nỡ phạt tội nhưng sẵn lòng tha thứ (x. Mt 18,27). Họ đi tìm Đấng chữa lành thể xác và khám phá ra Đấng chữa lành tâm hồn. Chính sự khám phá này mới lý giải được sự kiện một phụ nữ người lương đến xin Chúa chữa lành cho người con duy nhất của bà, rồi ngược với mong đợi, cậu con ấy chết, thế nhưng thay vì than trách Chúa, bà lại xin học giáo lý để trở thành người Công giáo.
Trạm thí nghiệm của tôi quá nhỏ để làm một bản thống kê. Tôi chỉ nêu sự kiện để bạn đọc đích thân tìm hiểu những sự kiện ngay tại địa phương mình và tự kết luận. Phần tôi, nhiều năm trước khi bị bắt cóc phục vụ trạm thí nghiệm hiện nay, tôi đã linh cảm thấy rằng Giáo hội càng ủng hộ tấm lòng từ bi của những người thiện chí, họ càng sớm gặp được Đấng giàu lòng thương xót. Tôi còn xác tín rằng người Kitô hữu muốn tiến xa theo bài giảng trên núi của Chúa thì cần phát huy tấm lòng chẳng nỡ, tức là đức từ bi.
Bạn hãy thẳng thắn trả lời câu hỏi này thì sẽ hiểu: Bạn sẽ tiến nhanh ngần nào trên đường tâm linh khi bạn dập tắt điếu thuốc đang cầm trên tay chỉ vì chẳng nỡ gây gương xấu cho một em nhỏ, chẳng nỡ vô hiệu hóa công sức của các nhà giáo dục và của những người vận động cho môi trường?
Những năm đầu đời linh mục, tôi đã từng ngụy biện để dung túng cho mình mỗi ngày hút hai bó thuốc 10 điếu (vào thời buổi gạo châu, củi quế và thuốc lá đóng gói là hàng xa xỉ, tôi phải chọn loại thuốc thắt lưng!). Thế nhưng tôi được ấp yêu 16 năm dưới mái nhà và ánh mắt yêu thương của các tu sĩ Salêdiêng, và rồi tôi đã bỏ được thuốc lá. Chúa có nói: “Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5,20). Càng nghiền ngẫm lời ấy, tôi càng thấy mình hết sức Pharisêu khi sẵn lòng dập tắt tấm lòng chẳng nỡ hơn là dập tắt điếu thuốc đang cầm trên tay.
KHOAN DUNG, THA THỨ VÀ YÊU THƯƠNG
Nơi bản dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn, câu Lc 6,36 được dịch là: “Các ngươi hãy biết thương xót như Cha các ngươi là Đấng thương xót” và được xem như lời kết của Lc 6,27-35. Bản dịch dưới đây của nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ dùng chữ “nhân từ” và câu ấy được xem như lời mở dẫn vào Lc 6,37-38. Trong cả hai trường hợp, câu 36 đều có nội dung khác với tấm lòng “chẳng nỡ”. Nó đề cập tới thái độ cần có đối với người xung quanh để được xứng đáng là “con của Đấng Tối Cao” và xứng đáng được Thiên Chúa khoan dung, tha thứ và yêu thương.
27“Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, 28hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em…… 35Anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Ngài vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.
36“Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. 37Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. 38Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Ngài sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”
Từ tấc lòng chẳng nỡ, những người thiện chí sớm trở nên đồng cảm với Đấng chẳng nỡ kết án: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8,11). “Biết thương xót như Cha anh em là Đấng thương xót” là biết đừng xét đoán, biết đừng lên án, biết tha thứ và cho đi thật rộng lượng. “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6,14-15).
Đáp ứng Lòng Chúa Thương Xót là lòng thương xót của người tín hữu. Trong ngôn ngữ thường ngày của người Công giáo Việt Nam, các từ “lòng thương xót”, “đức ái”, “đức mến”, “tình yêu thương” được dùng như đồng nghĩa, không phân biệt. Tất cả cùng chạm đến một điều rất quan trọng, quan trọng bậc nhất, là lệnh truyền, là điều răn mới của Chúa Giêsu (x. Ga 13), là chuẩn mực Chúa dùng để phán xét (x. Mt 25,31-46), là món nợ duy nhất để chu toàn lề luật (Rm 13,8), là nhân đức cao trọng hơn cả, thiếu nó thì mọi chuyện khác trở thành vô nghĩa (x. 1Cr 12,31-13,13).
Nhiều hay ít, chúng ta khó tránh khỏi ảnh hưởng của bầu khí vô cảm trên thế giới hiện hay. Thế nhưng cùng lúc, Thánh Thần Thiên Chúa đang thổi luồng gió Lòng Chúa Thương Xót mát rượi lên khắp cánh đồng Giáo hội Việt Nam. Cứ ba giờ chiều mỗi ngày đâu đâu cũng vang lên lời kinh kính Lòng Chúa Thương Xót, không riêng trên môi miệng người Công giáo mà cả nơi rất nhiều anh chị em lương dân. Chính Thánh Thần là Dầu thiêng liêng Chúa Kitô trao tặng sẽ làm cho Lòng Chúa Thương Xót thấm sâu tận cõi lòng.
Thánh Thần Chúa như gió muốn thổi đâu thì thổi. Ngài dẫn dắt mỗi người theo cách của Ngài. Thiên Chúa có nhiều con đường khác nhau để đưa họ về với Ngài phù hợp với hoàn cảnh, tâm hồn và khả năng của họ. Khi loan truyền Lòng Chúa Thương Xót ở đây, tôi không có ý tuyệt đối hóa việc tôn sùng này và xem nhẹ hoặc coi thường những con đường khác mà Chúa muốn dùng để đưa các tâm hồn khác về với Ngài. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh để các con cái Chúa nhận ra rằng Lòng Chúa Thương Xót đang đáp ứng những khát khao vô tận của những trái tim từ bi đang cần một định hướng.
Mời xem bài mới: Đứng về phía Lòng Chúa Thương Xót.