XUẤT PHÁT LẠI TỪ LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

Kính chào Lòng Chúa Thương Xót, bài 13

Chia sẻ của Lm Trăng Thập Tự

 

Thưa bạn đọc, lại thêm một trùng hợp lý thú: bài này chẳng chịu mang số nào khác, cứ đòi mang số 13 cho bằng được. Trong phác thảo ban đầu, loạt bài này chỉ có 12 đề tài và bài cuối hướng tới kỷ niệm 500 năm Kitô giáo Việt Nam. Đang lúc viết, sau khi bớt điều này, thêm điều khác, đề tài “Xuất phát lại từ Lòng Chúa Thương Xót” rơi đúng vào con số của yêu thương: Số 13. Với những người mê tín thì số 13 là con số xui xẻo, kém may mắn, còn đối với những ai yêu mến Lời Chúa thì đây lại là con số của lòng mến, của tình thương.

NỢ TÌNH THƯƠNG

Tin mừng Gioan dẫn ta vào đêm cực thánh của tình yêu với chương 13, câu 1: Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Ngài đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Ngài vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Ngài yêu thương họ đến cùng.” Chương này đạt đến đỉnh cao là luật yêu thương: Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13,34-35). Tiếp đó, đỉnh cao của yêu thương là thí mạng. Ông Phêrô cứ tưởng rằng tự ông, ông có thể yêu đến thí mạng, nhưng một con gà sẽ nhắc cho ông nhớ rằng nghĩ thế là lầm to (câu 36-38). Phải đợi đến Gioan chương 15, câu 13.

Với Gioan chương 15, người môn đệ Chúa được bao bọc trong tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con, gắn liền với Thầy như cành liền cây. Môn đệ phải sống trọn điều răn yêu thương của Thầy để ở lại trong tình yêu Ngài mới có thể đạt tới câu 13 tuyệt cú là: Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”.

Dưới con mắt thế gian, tại sao phải yêu đến hy sinh tính mạng? Hy sinh tính mạng, dù là hy sinh vì tình yêu, vẫn là chuyện không may, cho nên người ta tránh số 13. Còn người Kitô hữu háo hức hướng tới tình yêu ấy vì đó là cơ hội để đền ơn đáp nghĩa, như được căn dặn ở thư Rôma chương 13: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật” (Rm 13,8). Không chỉ là nợ tình tương thân tương ái mà trước hết là nợ tình yêu sáng tạo và cứu chuộc của Thiên Chúa: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta, và sai Con Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4,10).

Rồi bài ca đức mến chiếm trọn chương 13 của thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô và kết thúc với con số 13 kép, chương 13, câu 13: “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến”.

Đức mến sẽ là chuẩn mực cuối cùng và duy nhất của ngày chung thẩm, được Đức Thánh Cha Phanxicô gọi là “Tiêu chuẩn lớn” (x. Mt 25,46; x. Vui mừng hoan hỉ, 95-109).

KHAI TRƯƠNG TRẠM THÍ NGHIỆM MỚI

Ở bài 11, bạn đọc thấy trạm thí nghiệm tại nhà hưu dưỡng Tòa Giám mục Qui Nhơn đã kết thúc nhiệm vụ lịch sử của nó chiều ngày 29/7/2019. Đó là chương trình nghiên cứu về việc loan báo Lòng Chúa Thương Xót cho lương dân. Khi bị cho nghỉ việc để quay về giúp các đồng đạo của mình thấm nhuần ơn Thương xót của Chúa trước, tôi tự hỏi liệu rồi Chúa sẽ sắp xếp cho tôi một trạm thí nghiệm mới để nghiên cứu việc này chăng? Chỉ hơn một tuần sau đã có câu trả lời hết sức lý thú và cũng kỳ diệu nữa! Trạm thí nghiệm đã được đặt viên đá đầu tiên trước đó đúng nửa tháng. Panô quảng cáo của nó cách nhà hưu dưỡng chỉ hơn 100 mét, ngay trên mặt tiền nhà thờ Chính tòa Qui Nhơn.

Hằng ngày, sau bữa ăn tối, tôi thường đi bộ mấy vòng trước sân nhà thờ. Mặt tiền nhà thờ có một màn hình giới thiệu hình ảnh về bài Tin mừng Chúa nhật. Ngày 14/7/2019 là Chúa nhật XV Thường niên năm C. Không rõ các cha bên nhà thờ vô tình hay cố ý, từ hôm ấy mỗi tối Chúa Giêsu luôn xuất hiện kể lại chuyện nạn nhân bị trấn lột và bị bỏ rơi nằm nửa sống nửa chết trên con đường từ Giêrusalem xuống Giêricô.

Cả tuần XVI, XVII rồi XVIII, mỗi tối lại thấy xuất hiện “tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi.Rồi cũng thế, một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi” (Lc 10,31-32).

Mỗi tối, lại thấy phản diện, “nhưng một người Samari kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương.Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc” (Lc 10,33-34).

Mỗi tối, cho tới khi tôi cập nhật những dòng này là 28 ngày, gần tròn một tháng. Có thể cha phó Phanxicô Xaviê đãng trí hoặc bị trục trặc kỹ thuật gì đó, nhưng Thiên Chúa thì nhất định không. Hẳn Ngài muốn lưu ý tôi để tôi nhắn lại với mọi người mấy câu kết:

Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giêsu bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.” (Lc 10,36-37).

Năm Thánh Lòng Thương Xót 2015-2016 như một cơn động đất còn để lại dư chấn trên Giáo hội tại Việt Nam tới nay. Nhiều người có vẻ như muốn càu nhau: “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, thế nhưng Thiên Chúa vẫn không mệt mỏi phơi bày lòng Thương xót của Ngài nơi Trái tim rộng mở của Đấng Cứu Thế.

TRÊN ĐƯỜNG ĐÊM GIÓ LẠNH

Trên nẻo đường Giêricô thời nay, nhà thơ Hàn Mạc Tử, trong tâm tư một bệnh nhân phong bị đẩy sang bên lề xã hội, đã có lần thốt lên:

Tôi là kẻ đi đường đêm gió lạnh,

Không mong gì hơn kêu gọi tấm lòng thơ.

(HMT, Say thơ)

Trên đường đêm gió lạnh của thế giới vô cảm, tấm lòng thơ thiếu vắng ấy không gì khác hơn là tấm lòng thương xót và từ bi đang trở nên quá khan hiếm giữa cuộc đời, cả nơi trần gian và trong lòng Hội thánh Chúa.

Mời bạn hãy cùng tôi khai trương lại trạm thí nghiệm của lòng Thương xót, chẳng phải nơi mặt tiền của nhà thờ Chính tòa nhưng ngay đây, trong bàn ăn của cộng đoàn và gia đình, nơi lớp học, quán đời, chợ búa… Nào ta hãy cùng “thương xót như Cha trên trời là Đấng hay thương xót” (Lc 6,36).

Thương xót không gì khác hơn là nghĩ tốt, muốn tốt, nói tốt và làm tốt cho anh em mình.

Đức Thánh Cha Phanxicô đặc biết nhấn mạnh tới đức ái trên Internet. Tôi xin trích nguyên văn 4 số trong Tông huấn Vui mừng hoan hỉ (Tiếng gọi nên thánh trong thế giới ngày nay, 115-118) để chúng ta cùng tránh xúc phạm đến người khác đồng thời biết tha thứ khi bị xúc phạm.

“115. Người Kitô hữu cũng có thể bị cuốn vào mạng lưới bạo lực bằng lời nói qua mạng internet và các diễn đàn truyền thông kỹ thuật số khác nhau. Ngay cả nơi những phương tiện truyền thông Công Giáo, người ta vẫn có thể đi quá mức, chuyện phỉ báng và vu khống có thể thành cơm bữa, có thể gạt bỏ mất mọi tiêu chuẩn đạo đức và tôn trọng thanh danh người khác. Kết quả là một sự phân cực nguy hiểm, vì ở đó người ta nói những chuyện không thể nào chấp nhận được khi nói trước công chúng, và người ta tìm cách bù đắp cho sự bất mãn của mình bằng cách mạ lỵ người khác. Điều đáng quan tâm là đôi khi, có những người tự cho là mình giữ các điều răn khác, nhưng lại hoàn toàn bỏ qua điều răn thứ tám, “chớ làm chứng dối”, và tàn nhẫn huỷ hoại thanh danh người khác. Họ mặc sức chứng tỏ cho thiên hạ thấy rằng “cái lưỡi là thế giới của sự ác” và “đốt cháy vòng xoay cuộc đời, vì chính nó bị lửa hoả ngục đốt cháy”(Gc 3,6).

  1. Cần có sức mạnh nội tâm, là công trình của ân sủng, ta mới tránh khỏi bị cuốn theo bạo lực, hiện đang tràn ngập đời sống xã hội ngày nay, bởi vì ân sủng làm giảm bớt tính ham danh và giúp ta dễ trở nên hiền lành trong lòng. Các thánh không phí sức than phiền về những sai sót của người khác; các ngài có thể nín câm trước những lỗi lầm của anh chị em mình, và tránh những hành động bạo lực bằng lời nói hạ nhục và ngược đãi người khác, bởi vì các ngài cho là mình không xứng đáng để đối xử khắc nghiệt với tha nhân, nhưng luôn coi kẻ khác “hơn mình” (Pl 2,3).
  2. Thật không tốt nếu ta đóng vai những quan toà tàn nhẫn, nhìn xuống người khác, coi họ là không xứng đáng và luôn tìm cách dạy họ những bài học. Đó chính là một hình thức bạo lực tinh vi [1]. Thánh Gioan Thánh Giá đã đề nghị một con đường khác: “Bạn hãy thích được mọi người dạy khôn bạn hơn là mong muốn được dạy khôn một người nào, dù là người bé nhỏ nhất”[2]. Và ngài thêm một lời khuyên để đuổi xa ma quỷ: “Bạn hãy vui mừng vì sự may lành của người khác như thể đó là sự may lành của chính bạn, ao ước cho họ được trổi vượt hơn bạn trong mọi chuyện, và ao ước như vậy với tất cả tấm lòng. Làm như thế, bạn sẽ lấy sự lành mà thắng sự dữ (Rm 12, 21), bạn sẽ đuổi ma quỷ chạy xa và lòng bạn sẽ đầy an vui hạnh phúc. Bạn càng ít thiện cảm với người nào thì càng phải cố gắng thực tập như vậy với người ấy. Hãy nhớ rằng nếu bạn không bắt mình làm như vậy, bạn sẽ chẳng đạt được đức ái đích thật và cũng sẽ không tiến bước được gì trên đường đức ái” [3]
  3. Khiêm tốn chỉ có thể bén rễ trong lòng qua những sự hạ nhục. Không có sỉ nhục, thì không có khiêm tốn hay thánh thiện. Nếu bạn không thể chịu đựng và dâng lên một vài nhục nhã, thì bạn chưa khiêm tốn và chưa phải là đang trên con đường nên thánh. Để ban sự thánh thiện cho Hội thánh Ngài, Thiên Chúa đã đành phải cho Con Ngài chịu nhục nhã. Chúa Giêsu là đường. Sự sỉ nhục làm cho bạn giống Ngài; đó là một khía cạnh không thể tránh được của việc noi gương Đức Kitô. “Thật vậy, Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Ngài.” (1 Pr 2,21). Ngài đã tỏ lộ sự khiêm tốn của Chúa Cha, Đấng đã hạ mình xuống đồng hành với dân mình, chịu đựng sự bất trung và ta thán của họ (x. Xh 34,6-9; Kn 11,23-12,2; Lc 6,36). Cũng chính vì thế mà các Tông Đồ, sau khi chịu sỉ nhục, đã vui mừng “bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” (Cv 5,41)”.

Nếu bạn lỡ có lúc kết án vô tội vạ trên mạng Internet, giày xéo lên danh dự ai đó và giờ đây nhận ra mình chẳng bao giờ có thể đền bù được, bạn hãy phó dâng việc ấy cho Chúa và chú tâm thực hành lòng thương xót ngay trong hiện tại, với những người sống bên cạnh bạn, rồi những lỡ lầm kia chính Chúa sẽ thương tình cứu vãn. Nếu bạn bị xuyên tạc, bôi nhọ mà vẫn cứ đứng vững trong lòng khoan dung tha thứ, thì hãy cứ tiếp tục học với Đấng “hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29), rồi Chúa sẽ biến bạn thành chất men cực mạnh để hoán chuyển thế giới. Vì thế, có một thông điệp ngắn cần được tất cả chúng ta lặp đi lặp lại không nhàm chán: Tha thứ, khoan dung, hiểu tốt, nói tốt cho mọi người…

Nếu kẻ bị lăng mạ là một người của Chúa, bạn đừng quên rằng rất có thể người ấy đang được Chúa cho chia sẻ thân phận Người Tôi Trung là Con Một Ngài yêu dấu (x. Is 53,1-12 và Cv 5,41).

Cùng với nhà thơ Hàn Mạc Tử, trong tâm tư một tín hữu, với trọn niềm hy vọng hướng lên Lòng Chúa Thương Xót, bước trong đêm đông giá buốt mà đã cảm nghiệm được mùa xuân, ta hãy đọc tiếp bài thơ của anh:

Bởi chưng đây là xuân trước đợi chờ,

Hơi ấm áp như một nguồn an ủi.

Trời mở rộng và không ai hờn tủi,                                                 

Lượng bao dong tha thiết cánh tay êm.

Chao! Tràn trề là phúc hạnh ban đêm,

Và đây chính là cao lương mỹ vị

Của nguồn đạo mà ngày xưa Thánh khí

Thơ với lòng ai phối hiệp nên duyên.                                           
Mà ai đâu cầm được nỗi niềm riêng.

(HMT, Say thơ)

GIÁO HUẤN CỦA HỘI THÁNH

Chia sẻ mối băn khoăn vị Tổng Giám mục kính yêu, tôi tự hỏi nếu phải viết để giúp cả giáo dân và lương dân hiểu được Lòng Chúa Thương Xót cách đúng đắn, mình sẽ viết gì. Tôi chợt nhớ, cả ba triều Giáo hoàng gần đây nhất đều có những văn kiện hết sức chính xác và đầy ý nghĩa về Lòng Chúa Thương Xót, không dài, dễ đọc, chỉ cần cung cấp đường link, nhiều người Công giáo đang quan tâm sẽ tìm đọc:

– Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết một thông điệp nổi tiếng về “Thiên Chúa giàu lòng Thương xót” (ngày 30-11-1980, 64 trang).

https://dongnuvuonghoabinh.com/huan-du/thong-diep-thien-chua-giau-long-thuong-xot—dives-in-misericordia-27006.html

– Thánh bộ Giáo sĩ thời Đức Bênêđictô XVI có một tài liệu hỗ trợ cho các cha giải tội và linh hướng rất súc tích và cụ thể, tựa đề: “Linh mục, thừa tác viên của Lòng Chúa Thương Xót” (ngày 09/03/2011, 76 trang).

http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/MucVu/MucVuGiaiToi/LMThuaTacVienLongThuongXotChua.htm

– Đức Thánh cha Phanxicô đã ban hành Tông sắc “Dung mạo lòng Thương xót” ngày 11/4/2015 để mở Năm thánh ngoại thường về Lòng Thương xót (32 trang); rồi trong tông huấn “Vui mừng hoan hỉ” năm 2018, ngài dành nửa sau của chương ba (các số 95-109) để nói về “tiêu chuẩn lớn” là Lòng Thương xót.

http://www.giaolyductin.net/misericordi-vultus-dung-mao-long-thuong-xot-tong-sac-mo-nam-thanh-ngoai-thuong-ve-long-thuong-xot.html

Thật an ủi biết bao khi đọc lại những điểm các văn kiện này nhấn mạnh:

+ Lòng Chúa Thương Xót đã Nhập thể thật gần gũi.

+ Lòng Thương xót nơi Bí tích hòa giải.

+ Sống lòng Thương xót.

Xin hẹn với bạn đọc chúng ta sẽ trở lại với những văn kiện này trong loạt bài Hậu Giáo điểm Tin Mừng.

MUÔN NGÀN ĐỜI CHÚA VẪN TRỌN TÌNH THƯƠNG

Trước khi Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II ấn định Chúa nhật sau lễ Phục sinh là lễ kính Lòng Chúa Thương Xót, thì Lòng Chúa Thương Xót đã có, không chỉ từ trong Kinh thánh Tân ước và Cựu ước mà đã có từ muôn thuở muôn đời. Quyết định của Đức Thánh Cha có gián tiếp xác nhận những thị kiến Chúa dành cho Thánh nữ Faustina là đáng tin nhưng không buộc phải tin. Quyết định ấy chỉ thiết lập một ngày lễ mới để đề cao điều có sẵn từ ban đầu là Lòng Chúa Thương Xót và nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết phải tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót trong toàn Giáo hội ngày nay.

Đức Thánh Giáo hoàng không thêm gì vào Lòng Chúa Thương Xót và Hàng Giáo phẩm Việt Nam cũng không bớt gì nơi Lòng Chúa Thương Xót. Như chính Đức Kitô, Lòng Chúa Thương Xót “vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay và như vậy mãi đến muôn đời” (Hr 13,8). Có điều đáng lưu ý là giờ đây Lòng Chúa Thương Xót đang lên tiếng mời gọi ta cách khẩn thiết. Việc tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót tại Việt Nam nở rộ khắp nơi cách tự phát, đủ nói lên điều ấy.

Thế rồi khi việc tự phát có nguy cơ trở thành hỗn độn, có cỏ lùng lẫn trong lúa tốt, các Mục tử đã quả cảm vào cuộc, như những thiên thần được Thiên Chúa sai đến trong thời cuối cùng, như đám thợ gặt trong mùa gặt. Các vị đã gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi,… rồi bây giờ còn lại lúa tốt, sẽ thu vào kho lẫm (x. Mt 13,30; 13,39-43). Nói cách khác, hai bản văn đầy tính thời sự giữa tháng Sáu nằm 2019 chưa phải là những ơn cuối cùng của Chúa Thánh Thần. Khi chúng ta tín thác vào Lòng Chúa Thương Xót, Ngài sẽ “dùng quyền năng đang hoạt động nơi chúng ta, mà làm gấp ngàn lần điều chúng ta dám cầu xin hay nghĩ tới” (Ep 3,20).

Những giao động gần đây nay đã qua đi cách bình an. Chúng ta đã được Hàng Giáo phẩm hướng dẫn để chỉnh đốn những điều đáng lưu ý, giờ đây cần xác tín mạnh mẽ vào lệnh truyền thuở ban đầu để xuất phát lại với tất cả tâm huyết.

Tiếng gọi và lời hứa của Lòng Chúa Thương Xót không chỉ dành riêng cho 500 năm Kitô giáo Việt Nam mà còn dành cho 2000 năm của ơn cứu độ trên toàn thế giới. Vâng, năm 2033 cũng đồng thời sẽ là năm đại toàn xá ngoại thường của Giáo hội toàn cầu, như Năm thánh 1933 đã được cử hành để kính nhớ Đức Kitô chết, sống lại và lên trời được 19 thế kỷ. Sắp tới đây sẽ là tròn 20 thế kỷ.

Làm sao để cuộc kỷ niệm 500 năm sự kiện lịch sử ấy sẽ là một cuộc đổi đời cho Giáo hội Việt Nam? Đã liên tục có đủ thứ kỷ niệm: thụ phong linh mục, khấn dòng, lập giáo xứ, giáo phận, nhưng thử hỏi tất cả đã đem lại được bao nhiêu đổi mới cho những người trong cuộc? Cần nghiên cứu lại thật nghiêm túc. Nếu ta không có kế hoạch đúng, năm đại toàn xá 2033, cũng sẽ đến và qua đi một cách oan uổng, như một bọt biển không hơn không kém…

Điều gì sẽ xảy ra nếu từ đây tới đó ta chỉ tập trung vào một trọng điểm duy nhất là Lòng Chúa Thương Xót, xoáy mãi từng ba năm lặp đi lặp lại theo chu kỳ: gia đình, giáo xứ rồi giáo phận? Điều gì sẽ xảy ra nếu không phải là một ơn hoán cải lớn lao, xứng với kỷ niệm vĩ đại 2000 năm Lòng Chúa Thương Xót, 2000 năm cạnh sườn Chúa tuôn đổ máu và nước vì chúng ta và toàn thế giới?

 

TIN NHẮN CUỐI BÀI

Thưa quý bạn đọc, bài này đã là bài cuối. Thế nhưng hình như không phải là chia tay mà chỉ kết thúc một loạt bài để sẽ bắt đầu một loạt bài mới. Tựa đề “Hậu Giáo điểm Tin Mừng” có vẻ đùa nhưng lại rất thật. Đúng vậy, tôi không hứa với vị Tổng Giám mục nhưng đã hứa với lòng rằng sẽ tiếp tục viết về lòng Chúa thương xót. Tôi sẽ không diễn giải ba văn kiện của ba triều Giáo hoàng nhưng dưới ánh sáng những văn kiện ấy, tôi sẽ cùng với nhiều người trên đất nước này dấn thân làm tông đồ của Lòng Chúa Thương Xót. Tôi hình dung thấy một quyển nhật ký và nhiều quyển nhật ký. Thánh nữ Faustina đã có “Nhật ký của Lòng Thương Xót trong tâm hồn tôi”. Còn tôi, tôi cũng có thể viết “Nhật ký của Lòng Chúa Thương Xót trên những nẻo đường tôi đi” lắm chứ! Và cả bạn nữa chứ! Bạn cũng có thể tự viết lấy một quyển như thế. Tại sao không? Nếu bạn không có điều kiện viết, thỉnh thoảng bạn có thể email cho tôi, đừng bỏ phí những chứng từ quý báu ấy. Xin gửi về: <tinmunggiesu@gmail.com>. Nếu được, tôi sẽ chèn vào những dòng tôi đang viết và quyển nhật ký sẽ thành tác phẩm chung của chúng ta, của nhiều người cùng đóng góp.

Quyển nhật ký ấy có thật và nó đã bắt đầu sớm hơn tôi tưởng. Mời bạn đón xem kỳ tới những trang đầu tiên của nó, như một trích đoạn làm mẫu, tựa đề: BẾN HẸN CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT.

[1] Có một số hình thức bắt nạt, trong khi có vẻ thanh nhã hay tôn trọng và thậm chí rất tâm linh, gây ra thiệt hại lớn cho sự tự trọng của người khác.  

[2] Những Đề Phòng – Precautions, 13.

[3] Ibid., 13.

Chia sẻ Bài này:

Related posts