Ý nghĩa và phương pháp thực hành Chuỗi Kinh Lòng Thương Xót

          Mùa Vọng là thời gian chờ đợi Chúa đến trong lần thứ hai và chính Chúa Giê Su cũng đã báo trước về Ngày đó cùng với những …điềm sẽ xảy ra: “ Bấy giờ người ta sẽ nộp các ngươi vào sự hoạn nạn và giết đi. Các ngươi sẽ bị mọi dân ghen ghét vì Danh Ta. Khi ấy nhiều kẻ sẽ vấp phạm, bắt nộp lẫn nhau và ghen ghét nhau. Nhiều tiên tri giả sẽ dấy lên và lừa dối lắm kẻ. Lại vì cớ sự gian ác thêm nhiều nên tình thương yêu của phần đông sẽ nguội  lần. Song ai bền đỗ đến cùng  thì người ấy sẽ được cứu. Tin Mừng này  của Nước Trời phải được rao giảng khắp thiên hạ  để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ, cuối cùng sẽ đến” ( Mt 24, 9 -14 ).

          Những điềm báo của Chúa cách đây 2000 năm thì nay đã và đang diễn ra  từng nét cả bên trong lẫn bên ngoài Giáo Hội. Trước thực trạng đen tối đó, qua Thánh nữ Faustina, Chúa Giê Su một lần nữa đã đưa ra lời cảnh báo: “ Con hãy viết rằng: Trước khi Cha đến như thẩm phán chí công, tiên vàn Cha sẽ mở rộng  Cánh Cửa Xót Thương của Cha. Ai khước từ  không bước qua Cánh Cửa Xót Thương ấy sẽ phải bước qua Cánh Cửa Công Bình của Cha” ( NK 1146 ).

          Trong thời cuối này Chúa đưa ra cho mỗi người một trong hai lựa chọn. Một là bước qua Cánh Cửa Lòng Thương Xót.  Hai là bước qua Cánh Cửa Công Bình.

          Cánh Cửa Công Bình  đây chính là Luật Nhân Quả. Hễ gây Nhân nào sẽ lãnh Quả ấy. Làm thiện sẽ có quả thiện. Làm ác sẽ có quả ác. Tuy nhiên cái được gọi là…thiện  của con người đối với Thiên Chúa  chưa chắc đã là thiện, có khi lại là…ác: “ Chẳng phải mỗi kẻ nói cùng Ta, Chúa, Chúa  mà được vào Nước Trời đâu. Nhưng chỉ kẻ nào biết làm theo ý chỉ của Cha Ta trên trời mà thôi. Trong Ngày đó nhiều người sẽ nói cùng Ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi há chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri sao, nhân danh Chúa mà trừ quỷ sao, nhân danh Chúa mà làm nhiều việc quyền năng sao ? Khi ấy Ta sẽ phán với họ rằng: Hãy lìa khỏi Ta ớ những kẽ làm ác kia” ( Mt 7, 21 -23 ).

          Đối với người đời  thì những việc như nói tiên tri, trừ quỷ, làm phép lạ  đều  là những việc lớn lao cả thể nhưng tại sao với Chúa lại là…ác ?  Bởi vì những việc ấy  đã chỉ  được làm vì “ Cái Tôi” của họ mà thôi. Đang khi đó  để những việc làm thực sự  đem lại ơn ích về mặt tâm linh thì phải …bỏ mình đi ( Lc 9, 23 ).

          Bao lâu chưa  bỏ  được mình ( Ngã Chấp ) thì dù cho  có làm thiện thì việc thiện ấy cũng trở thành ác. Điều này xem ra rất khó, bởi  xét ra những việc được cho là thiện lành trước đây như  tham dự Thánh lễ, tuân giữ luật lệ Hội Thánh, làm việc tông đồ bác ái v.v…chẳng lẽ lại không được Chúa nhận lời hay sao ?

          Lời Chúa là sự thật, Ngài nói vậy thì nó phải là vậy. Tuy nhiên chúng ta vẫn cứ dốc lòng cậy trông  bởi việc …khó đối với người đời là không có thể nhưng với Chúa lại có thể: “ Đối với loài người, điều ấy vẫn bất năng. Nhưng với Thiên Chúa mọi sự đều khả năng cả” ( Mt 19, 26 ).

          Mọi sự  đối với Thiên Chúa đều có thể. Nói thế không có nghĩa  Chúa sẽ cứu vớt tất cả, bất kể đời sống con người như thế nào, thiện hay ác ? Quả đúng Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, nhưng mục đích Lòng Thương Xót ấy cuối cùng là để cho con người nhận biết Sự Thật: “ Thiên Chúa là Đấng muốn cho mọi người được cứu và  đạt đến  sự thông biết  Lẽ  Thật” ( 1Tm 2, 3 -4 ).

          Đạt  đến sự thông biết Lẽ Thật, phải chăng đó mới chính là kế hoạch của Thiên Chúa muốn  đem đến cho con người qua Trung Gian Đức Giê Su Ki Tô ? “ Chúa Giê Su nói với những người Do Thái đã tin Ngài rằng: Nếu các ngươi cứ ở trong đạo của Ta, các ngươi sẽ nhận biết Sự Thật và Sự Thật sẽ giải thoát các ngươi” ( Ga 8, 31 -32 ).

          Sự Thật mà Chúa Giê Su muốn truyền  đạt cho chúng ta đó chính là mỗi người đều được tạo dựng là Hình Ảnh Thiên Chúa là Con Thiên Chúa (( St 1, 26 ). Chỉ khi nào nhận biết  Sự Thật ấy, chúng ta mới có thể thoát khỏi mọi mê lầm, chấp trước, điên  đảo…

          Chúa nhận lãnh một cái chết vô cùng đau thương để đem đến Sự Thật. Nhưng thế gian lại chối bỏ Sự Thật ấy để sống mãi trong mê lầm điên loạn dẫn  đến nguy cơ diệt vong  không thể tránh  đã gần kề. Trước tình cảnh bi đát ấy, Chúa   kêu gọi  thực hành Chuỗi Kinh Lòng Thương Xót:

           “ Vào lúc ba giờ chiều mỗi ngày, con hãy khẩn nài Lòng Thương Xót của Cha. Đặc biệt cho các tội nhân. Chớ gì con hãy dùng một giây lát ngắn ngủi để dìm mình vào Cuộc Thương Khó, nhất là nỗi đau đớn chịu ruồng rẫy trong cơn hấp hối  của Cha.  Đây là  Giờ Thương Xót  vô hạn cho toàn thế giới. Cha sẽ cho con  chia sẻ nỗi sầu muộn đến chết của Cha. Trong giờ này, linh hồn nào nhân vì Cuộc Thương Khó của Cha mà kêu xin, Cha sẽ không khước từ họ bất cứ điều gì” ( NK 1320 ).

          Có thể nói, đối với tuyệt đại đa số giáo dân hiện nay hầu như không có sự cầu nguyện và để thay vào đó  là việc đọc kinh.  Đối với Chuỗi Kinh Lòng Thương Xót, hiện nay có nhiều giáo xứ vẫn duy trì, phải chăng đó cũng chỉ là việc đọc kinh giống như bao kinh nguyện khác ?

          Sở dĩ có  sự phân biệt giữa cầu nguyện và đọc kinh bởi vì ý nghĩa thực sự của việc cầu nguyện  là quay về với Đấng Cha ở nơi mình.  “ Còn ngươi khi cầu nguyện , hãy vào phòng đóng kín cửa lại rồi cầu nguyện Cha ngươi là Đấng ở nơi ẩn mật  và Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ ẩn mật sẽ báo đáp cho ngươi” ( Mt 6, 6 ).

          Như vậy cầu nguyện là việc của…Tâm. Trái lại nếu chỉ…đọc kinh ngoài môi miệng  thì đó không phải là cầu nguyện. Chúa Giê Su truyền dạy thực hành Chuỗi Kinh Lòng Thương Xót có mục đích còn lớn hơn cả việc cầu nguyện bởi chưng đó là khẩn nài Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Thông thường người ta vẫn hiểu cầu nguyện là để xin ơn này ơn khác cho mình và cho gia đình mình….Thế nhưng với Chuỗi Kinh Lòng  Thương Xót  đó là khẩn nài LTX cho toàn  nhân loại.

          Khẩn nài Lòng Thương Xót, đây mới thực là yêu cầu của Chúa Giê Su dành cho  thế giới  hôm nay, hơn bao giờ  hết đang cần Lòng Thương Xót. Trái lại, nếu biến việc thực hành Chuỗi kinh LTX  như là một cách xin ( khấn ) ơn này ơn khác như  đang thấy. Đó hoàn toàn không  thể đáp ứng được yêu cầu của Chúa Giê Su và như thế  ơn ích cho nhân loại cũng  không thể  có !.

          Trung thành tham dự giờ Kinh LTX vào lúc 03 giờ chiều mỗi ngày cùng với cộng đoàn không phải  không có ơn ích. Nhưng cần coi việc thực hành ấy như một phương pháp để chuyển hóa thân tâm  thì mới đem lại ơn ích lớn lao cho thế giới  đang rất cần sự cầu nguyện chân thành ở nơi mỗi người.

          Chuyển hóa thân tâm là…TU, ngược lại Tu là để chuyển hóa thân tâm  từ Tâm phàm trở nên Tâm Thánh. Việc chuyển hóa ấy, trước hết Chúa Giê Su truyền dạy ta phải mở rộng tâm hồn mình ra cho toàn thế giới, cầu nguyện cho họ.

          Tràng chuỗi Mân Côi được sử dụng cho Chuỗi Kinh LTX và để mở đầu, đọc một Kinh Lạy Cha, một Kinh Kính Mừng, Kinh Tin Kính. Tiếp đó với hạt Kinh Lạy Cha đọc lời này: “ Lạy Cha hằng hữu, con xin dâng lên Cha, Mình và Máu, Linh Hồn và Thần Tính của Con rất yêu dấu Cha là Đức Giê Su Ki Tô. Để đền vì tội lỗi chúng con và toàn thế giới. Với hạt Kinh Kính Mừng  đọc: “ Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giê Su Ki Tô. Xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới”. Kết thúc chuỗi kinh thì đọc 03 lần câu này: “ Lạy Đấng Chí Thánh là Thiên Chúa Toàn Năng Hằng Hữu. Xin thương xót chúng con và toàn thế giới”.

          Nói…đọc là theo cách nói thông thường. Nhưng đúng  ra là…Niệm tức là…Nhớ trong chánh niệm ( Sati ). Nhớ cái gì sẽ có cái đó và đây chính là nguyên lý Duy Tâm Tạo. Nhớ đến những việc thế gian  sẽ bị thế gian lôi kéo dẫn dắt vào các con đường  ác dữ. Trái lại nhớ đến Chúa sẽ được ban vô vàn  ơn lành hồn xác.

          Người đời hết thảy chỉ…nhớ đến việc thế gian, cơm, áo, gạo, tiền, tài sản, danh vọng, chức tước….và vì thế cứ mãi quẩn quanh trong các kiếp  khổ đau không bao giờ thoát khỏi.

          Như đã nói thực hành Chuỗi Kinh  LTX  là phương pháp chuyển hóa thân tâm. Đúng vào lúc 03 giờ chiều mỗi ngày, ngồi ngay ngắn trong tư thế hoa sen kiết già hay bán già cũng được. Với mỗi hạt Kinh Kính Mừng, niệm thầm trong trí 3 hay 5 câu: “ Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giê Su Ki Tô. Xin thương xót chúng con và toàn thế giới. Theo  kinh nghiệm bản thân  mỗi thời Kinh như thế mất khoảng từ 30 đến 45 phút.

          Chỉ bỏ ra mỗi ngày có mấy mươi phút, chúng ta có thể làm được cuộc chuyển hóa…thần kỳ. Đó không những là ơn lành cao cả  mà còn là bổn phận Chúa đòi hỏi ở nơi những ai có lòng yêu mến Ngài.

          Lại nữa, kiên trì thực hành Chuỗi Kinh LTX đó là chúng ta đã và đang bước qua Cánh Cửa LTX để vào Thiên Đàng. Ngược lại những ai khước từ Cánh Cửa LTX sẽ phải bước qua Cánh Cửa Công Bình là cửa hẹp, đầy dẫy chông gai, hiểm trở, khó ai qua khỏi./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts