ẢNH ĐỨC MẸ BAN ƠN

Cuối đệ nhị thế chiến (1939-1945) Ba Lan bị hồng quân Nga chiếm đóng. Sau khi thủ đô Varsava thất thủ, hồng quân Nga tiến chiếm thành phố Plock nằm cạnh dòng sông Wisla. Chỉ trong vòng ba ngày đầu, có không biết bao nhiêu nạn nhân thuộc cả hai phía. Bệnh viện chật ních những người bị thương. Dụng cụ y tế và thuốc men trong thời chiến đã khan hiếm giờ đây càng khan hiếm hơn. Tình cảnh đau thương đặt các bác sĩ và y tá Ba Lan trước một chọn lựa xé lòng: “Trường hợp thiếu thuốc, giữa một người Nga và một người Ba Lan, ai sẽ là kẻ bị hy sinh??”Sau đây là câu chuyện của cô y tá Hania phục vụ hai người cùng bị bệnh phong đòn gánh. Yanek, thanh niên trẻ tuổi Ba Lan và Piotr Ivanovitch, binh sĩ Nga trạc tứ tuần.

Cả hai được đưa vào phòng nhỏ ở cuối hành lang. Cứ mỗi lần lên cơn, trông hai con bệnh vô cùng thảm hại. Buổi chiều hôm trước, bác sĩ trưởng phòng Chmiel dõng dạc tuyên bố với đoàn y tá: “Kho thuốc của nhà thương gần như bị cạn. Các cô hãy tự xoay xở lấy. Đôi khi để nâng cao tinh thần người bệnh, chỉ cần tiêm nước biển cũng đủ!” Cô Hania giật nẩy mình khi nghe bác sĩ nói thế. Cô kéo riêng bác sĩ Chmiel ra và hỏi: “Thưa bác sĩ, còn hai người bệnh phong đòn gánh của tôi thì sao? Tôi chỉ còn duy nhất mũi chích cuối cùng! Vậy tôi phải chọn chích cho ai?” Bác sĩ Chmiel nhìn thẳng vào mắt cô y tá và nói: “Cô là một y tá phải không? Vậy chớ nên hèn nhát trốn tránh trách nhiệm!” Tức giận, cô Hania như muốn hét lớn. Người ta giao cho cô trách nhiệm tuyên án tử sao? Chọn một người để cho họ sống, còn người kia, bỏ cho họ chết! Thông cảm với nổi đau đớn của cô y tá, bác sĩ Chmiel hiền từ nói: “Tôi biết rõ trong thời gian học tập, người ta không giải thích cho cô biết, đứng trước vấn đề luân lý, phải xử sự ra sao. Riêng tôi, tôi không có quyền đưa ra một chỉ thị mơ hồ. Vậy tốt hơn hết là cô phải tự giải quyết khi chạm trán với thực tế. Rồi phó thác mọi sự trong bàn tay của Chúa Quan Phòng”..

Còn lại một mình, cô Hania thầm thì cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin đừng để con phải giết chết bất cứ ai! Chúa đã dựng nên con làm người nữ, và một người nữ là để trao ban sự sống chứ không phải để tiêu diệt sự sống!”

Dầu cầu nguyện như thế Hania vẫn đau đớn đắng cay với thực tế phũ phàng: mũi thuốc duy nhất cho hai bệnh nhân: một trẻ, một già, một Ba Lan và một lính Nga ..

Hania nhớ lại câu chuyện của Piotr Ivanovitch, binh sĩ Nga, khi mới được đưa vào nhà thương. Ông đưa cho Hania xem ảnh vảy phép lạ – tức ảnh Đức Mẹ ban ơn – và hỏi: “Bà này là Ai mà tôi lượm được dưới đất?” Hania ngạc nhiên mở to mắt. Cô nhủ thầm: “Đúng là dân vô thần!” Nghĩ thế nên Hania dằn mạnh từng tiếng: “Bà này là Trinh Nữ Rất Thánh MARIA, Mẹ Thiên Chúa. Trong tiếng Nga gọi là Bogomatier!” Người lính Nga lập lại: Bogomatier với dáng điệu thật ngớ ngẩn! Hania không thèm nói thêm, bởi lẽ có giải thích cũng vô ích. Ông ta có hiểu mô tê gì đâu!

.. Với tâm thần bấn loạn, với con tim cay đắng, Hania bước vào phòng hai bệnh nhân. Người lính Nga đang ngủ, nhưng Yanek, chàng thanh niên trẻ tuổi Ba Lan đang thức. Chàng đang đợi được chích thuốc theo đúng thời hạn. Thấy cô y tá cứ loay hoay mãi, Yanek như linh tính chuyện chẳng lành. Hay là hết thuốc rồi? Và khi chàng cất tiếng nhắc Hania bỗng lúng túng nói quanh. Yanek bình tĩnh nói: “Cô hết thuốc rồi phải không? Tôi muốn biết sự thật. Xin cô đừng nói dối!” Liếc sang giường bên cạnh, thấy người lính Nga vẫn ngủ say, Hania buột miệng nói: “Sự thật là chỉ còn một mũi thuốc cho hai người”. Yanek nói như hốt hoảng: “Vậy cô sẽ là người quyết định phải không? Và cô quyết định chích cho ai?” Như bị dồn vào chân tường, Hania nói nhanh: “Tôi sẽ chích cho cậu rồi sau đó sẽ tính”. Yanek chỉ tay sang người lính Nga và hỏi: “Còn ông kia?” Hania trả lời bâng quơ: “Ông ta cũng sẽ được chích sau!” Đang còn cầm ống thuốc trên tay và quay sang giường bên cạnh, Hania thấy người lính Nga bỗng mở to mắt và nói lớn tiếng: “Không. Không cần. Cô chỉ còn một ống thuốc và cô vừa quyết định chọn chích cho anh kia. Anh ta còn trẻ, còn mẹ. Tôi đã già lại không có cha mẹ, một kẻ mồ côi. Vậy hãy chích cho anh ta!”

Piotr Ivanovitch cương quyết nhường mũi thuốc cho Yanek. Và anh đã trút hơi thở cuối cùng mấy ngày sau đó, sau khi đã can đảm chống cự với những tàn phá khủng khiếp của vi trùng phong đòn gánh. Cô Hania ngày đêm túc trực bên giường người hấp hối. Trước khi tắt thở, ông Ivanovitch thầm thì với giọng nói gần như reo vui: “Ôi Bà đẹp! Ôi Bà sáng quá! Ôi Bà thật dịu hiền! Bà đang mĩm cười cùng tôi. Bà gọi tôi. Vâng, tôi đến. Bogomatier .. Mẹ Thiên Chúa!”

(MARIA Winowska, “Les Voleurs de Dieu”, Editions Saint-Paul, 1989, trang 27-36).

Ngày 25-4-1945 nước Ý được quân đồng minh giải thoát khỏi ách thống trị tàn bạo của đức quốc xã và quân phát xít. Buổi sáng hôm ấy, bầu trời trong xanh, báo hiệu một ngày thật đẹp nhưng cũng thật bi thảm.

Linh Mục Natale Motta đang nhiệt thành phục vụ ở Varese, Tây Bắc Ý. Cha nổi tiếng vì tình thương, lòng bác ái Cha dành cho mọi người. Nhưng đặc biệt Cha là vị Linh Mục hoạt động mục vụ bên cạnh các nhóm kháng chiến quân của Ý, trong cuộc chiến dành lại độc lập cho quốc gia. Nhiều người âu yếm tặng Cha danh hiệu “Linh Mục kháng chiến” hoặc “Linh Mục phản động”. Cha là người phản động nhất trong những người phản động! Nhưng trước hết và trên hết, Cha Motta là vị Linh Mục của mọi người, có nhiệm vụ thiêng liêng chăm sóc linh hồn các tín hữu, không phân biệt chủng tộc hay chính kiến, ý thức hệ. Chính Cha kể lại kỷ niệm đáng nhớ xảy ra vào đúng ngày 25-4-1945.

Sau nhiều tháng trời lang thang phiêu bạt vì chiến cuộc, tôi lần mò về đến Erba, thành phố thuộc vùng Lombardia (Bắc Ý). Tôi trọ nơi nhà bà chị ruột. Bà chị tôi cũng từ thành phố Milano tị nạn về đây. Chị tôi quen biết với vợ của tiểu đoàn trưởng Wilhelm Ott, người Áo, phục vụ trong đoàn quân đức quốc xã. Đoàn này trấn đóng tại Medicina, gần thành phố Bologna. Vợ ông Wilhelm Ott đã nhường căn nhà của bà lại cho chị tôi, rồi bà dọn đến ở chung với vợ của tướng chỉ huy Lữ Đoàn Đen, người Ý. Lữ Đoàn Đen là đoàn quân thuộc nhóm cực hữu tung hoành tại nước Ý trong thời thế chiến thứ hai. Họ nhập phe với bọn đức quốc xã của Adolf Hitler (1889-1945) và sát hại các đồng hương của mình, y như nhóm phát-xít của Benito Mussolini (1883-1945). Đối đầu với cả 3 nhóm đức-quốc-xã, phát-xít và lữ-đoàn-đen, chỉ có duy nhất nhóm Kháng Chiến, tức những người dân Ý yêu nước, không phản bội lương tâm, tổ quốc và dân tộc.

Thỉnh thoảng, vị tiểu đoàn trưởng người Áo, ông Wilhelm Ott, về Erba để thăm vợ là bà Silvana. Nhưng ông thường đến nhà chị tôi, và cho người đến đón vợ ông đến đây, để hai vợ chồng gặp nhau.

Chiều ngày 25-4-1945 ông Wilhelm đến thăm vợ nơi nhà bà chị tôi như thường lệ. Vừa lúc ấy tôi rời nhà. Một người đàn ông đi xe đạp trên đường trông thấy tôi, ông ra hiệu cho tôi đến gần và hỏi: “Quân nhân Đức này đi về Milano phải không? Nếu đúng như thế thì bảo ông ta đừng đi, vì quân kháng chiến đã về đến Cesano Maderno rồi. Họ sẽ không để cho ông này vượt qua khỏi đâu, nhưng sẽ bắn chết. Vậy tốt hơn hết là đừng đi!”

Tôi trở vào nhà và nói cho ông Wilhelm Ott biết hiểm nguy. Nhưng ông ta nhún vai trả lời: “Không lẽ những người kháng chiến lại quá tàn ác sao? Không, tôi không tin như thế. Vả lại, tôi phải thi hành phận vụ, nên đàng nào cũng phải đi!” Thấy ông ta cương quyết .. như một người Đức, tôi không ngăn cản. Nhưng vì biết ông ta là tín hữu Công Giáo, tôi trao cho ông Ảnh Vảy Phép Lạ và nói: “Xin Ảnh Vảy Phép Lạ gìn giữ ông. Ảnh làm Phép Lạ nên Ảnh sẽ giúp ông thoát mọi hiểm nguy”. Ông ta thân mật và nhã nhặn cám ơn tôi rồi cẩn thận bỏ Ảnh Đức Mẹ Ban Ơn vào túi áo.

Sau biến cố ngày 25-4-1945, bà Silvana kể lại với tôi rằng: “Khi chiếc xe của nhà con tiến đến gần Cesano Maderno thì bị đạn bắn tơi bời. Chiếc xe bị bắn thủng bánh. Một viên đạn đã đâm thủng chiếc áo veste ngoài, xuyên qua chiếc áo sơ-mi bên trong và chạm đến da, nhưng không làm hại gì đến người nhà con cả .. Ảnh Vảy Phép Lạ đã chu toàn nhiệm vụ làm phép lạ và đã cứu sống nhà con. Muôn đời cảm tạ ơn phù trợ của Mẹ MARIA!”

(“Stella Maris”, Juillet+Aout/1996, trang 29).

Thành thật mà nói, tôi không nhớ rõ khuôn mặt bác gái Beppa ra sao và tính tình bác như thế nào. Nhưng phần bác Beppa, bác lại nhớ rất rõ về tôi. Bởi lẽ, khi còn nhỏ, tôi thường đến chơi nơi cửa hàng của bác và bác thường ôm hôn đầu tôi. Bác là bạn học của mẹ tôi và hai người rất thân nhau, vẫn liên lạc với nhau, mặc dầu sau khi hai người đều có gia đình và con cái. Vì thế, khi hay tin bác Beppa nằm nhà thương vì bị ung thư chuyển-di (métastase), mẹ tôi năng lui tới viếng thăm an ủi bác.

Một ngày mẹ tôi nói với tôi: “Thiệt tội nghiệp! Bác Beppa không tin tưởng gì ráo trọi! Bác không muốn nghe nói đến Chúa, cũng không muốn đọc kinh cầu nguyện gì hết! Mấy lần mẹ tìm cách tặng bác bức ảnh Chúa hoặc ảnh Đức Mẹ, nhưng bác nhất định không nhận .. Tuy nhiên, bác rất đổi ngạc nhiên khi nghe mẹ nói con là một đan sĩ! Từ đó, mỗi lần có ai đến thăm, bác thường đưa tin vui: “Anh chị biết không? Maurizio, con trai của Margarita, đi tu làm Linh Mục đó! Phúc thay cho Maurizio là người có lòng tin”!

Nghe xong tôi nói: “Có lẽ chúng ta nên lợi dụng hoàn cảnh thuận lợi để làm việc thiện? Xin mẹ mang cho bác Beppa ảnh vảy phép lạ này và nói là của con gửi tặng bác. Con cũng xin bác đặt trong gối ngủ của bác!” Mẹ tôi nhận lời đề nghị của tôi, tuy không phấn khởi cho lắm!

Ngày hôm sau, mẹ tôi vào nhà thương thăm bác Beppa. Vừa vào phòng và chào hỏi người bệnh, mẹ tôi liền đưa tay vào túi áo để lấy ảnh Đức Mẹ. Chưa kịp lấy ảnh ra thì mẹ tôi đã nghe bác Beppa vui vẻ nói: “Mình đang mong đợi bạn đây! Bạn phải trao cho mình món quà do con trai bạn gửi tặng phải không?” Vừa nói bác Beppa vừa giơ tay lãnh nhận ảnh vảy phép lạ.

Và ảnh Đức Mẹ ban ơn đã làm phép lạ! Một thời gian ngắn sau đó, bác Beppa dọn mình xưng tội, rước Mình Thánh Chúa và sẵn sàng chuẩn bị ra đi về Nhà Chúa. Bác vui mừng mỗi khi Cha Tuyên Úy ghé thăm.

Sau cùng, tôi đến thăm bác. Bác Beppa vô cùng xúc động khi trông thấy tôi trong chiếc áo Linh Mục bước vào phòng. Trước khi từ biệt, bác xin ôm hôn tôi như ngày xưa tôi còn bé!

Anna là ái nữ duy nhất của gia đình giàu có người Ý. Giàu có tiền của nhưng thiếu thốn niềm tin và tình thương trong cuộc sống. Vì thế Anna rơi vào cạm bẫy của thế gian và lăn xả vào những cuộc chơi bời nhảy nhót. May mắn thay, trong số các bạn trai có một thanh niên Công Giáo đứng đắn và quảng đại bao la. Chàng tên Giovanni. Giovanni đoán thấy tất cả thảm họa cuộc đời của cô thiếu nữ không Đức Tin và tình thương. Chàng đến nói chuyện và xin tôi (với tư cách nữ tu) hãy giúp chàng kéo Anna ra khỏi vũng lầy tội lỗi.

Qua lời giới thiệu, Anna vui vẻ đến gặp tôi. Tôi bắt đầu dạy giáo lý và hướng dẫn Anna trong việc đọc Phúc Âm. Tôi trao cho Anna ảnh vảy phép lạ Đức Mẹ và bảo cô luôn mang trong mình.. Thế nhưng, cuộc chiến chống lại ma quỷ, xác thịt và thế gian là cuộc chiến khốc liệt cam go, đòi hỏi niềm tin tưởng cậy trông phó thác nơi sự trợ giúp vô biên của Thiên Chúa và Đức Mẹ..

Một buổi tối, Anna điện thoại cho tôi và nói: “Dì biết không, đêm nay em chạm đến quyền lực của Đức Mẹ! Các cơn cám dỗ dồn dập kéo đến và em ngã thua. Em trang điểm để ra đi theo tiếng gọi của con tim và của xác thịt. Nhưng trong lúc mặc áo, ảnh vảy phép lạ Đức Mẹ em mang trên người bỗng đập vào mắt em. Cùng lúc, em nghe tiếng nói vừa cương quyết vừa dịu ngọt trìu mến: “Không, không, con không thể làm và cũng không được phép làm thế!” Một sức mạnh xâm chiếm em. Em cảm thấy Đức Mẹ thật gần gũi .. Em cảm động quỳ gối khóc ròng. Rồi em cầm hôn đi hôn lại ảnh vảy phép lạ Đức Mẹ nhiều lần”.

Với ơn lành trợ giúp của Đức Mẹ, Anna dứt khoát lìa bỏ con đường tội lỗi. Anna sống hạnh phúc và hành nghề y tá như sứ mệnh và công tác phục vụ.

(Padre Luigi M. Faccenda, “La Medaglia Miracolosa”, Edizioni dell’Immacolata, 1996, trang 65-68).

Tôi là nữ tu người Ý thuộc Dòng Nữ Thừa Sai Vô Nhiễm. Chúng tôi có nhiều cứ điểm truyền giáo tại Argentina (Nam Mỹ). Năm 1973, tôi được gửi đến làm việc ở Olavarria, nằm trong thủ đô Buenos Aires. Hàng năm vào mùa hè, chúng tôi di chuyển đến Chubut, cách thủ đô 36 giờ xe lửa. Chubut là vùng núi đồi trùng điệp, khung cảnh thơ mộng, nhưng vì xa xôi hẻo lánh, ít ai bén mảng tới. Chỉ có các thừa sai Công Giáo mới lần mò đến đây để chia sẻ bánh Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến cho dân nghèo.

Năm đó, tôi đến làng Hoyo de Epuyen. Tôi leo đèo trèo núi, vất vả ngược xuôi mang Lời Chúa đến các gia đình. Vừa thăm vài gia đình đầu tiên, tức khắc họ hỏi tôi: “Dì có đến thăm gia đình Salamin không?” hoặc nhắc: “Dì đừng quên ghé thăm gia đình Salamin nhé!” Cứ nghe mãi tên Salamin như thế, làm sao tôi không đến thăm họ được, mặc dầu chưa biết họ là ai!

Sau cùng tôi cũng đến được nhà ông bà Salamin. Đây là quán cà phê do chính ông bà điều khiển. Vừa trông thấy quán, tôi bỗng cảm thấy ghê tởm, muốn lui gót ngay. Tuy nhiên có người nào đó thúc đẩy tôi phải bước vào. Bên trong quán diễn ra cảnh tượng khó tả: đàn ông say bí tỉ, đàn bà ăn mặc hở hang và căn nhà nực mùi khói thuốc nghẹt thở!

Tôi định trở ra ngay thì chạm phải đôi mắt khẩn khoản của người đàn bà ngồi cuối phòng. Bà ra hiệu cho tôi đến gần. Tôi siết chặt tràng chuỗi Mân Côi trong tay và lách qua các ông mặt mày đỏ gay vì rượu. Thì ra đó là vợ ông Salamin. Bà đưa tay buồn bã chỉ ông Salamin say mèm đang ngồi ở bàn. Bà mời tôi sang phòng bên cạnh.

Giữa những giọt nước mắt đầm đìa chen lẫn tiếng nấc nghẹn ngào, bà kể cho tôi nghe cuộc đời làm vợ ông Salamin. Ông liên miên say sưa. Ông công khai ngoại tình. Ông khuyến khích phụ nữ làm điếm, gây nguy hiểm và gương mù cho mấy đứa con gái của ông bà còn nhỏ tuổi.

Lắng nghe bà Salamin kể chuyện, tôi nhận ra tình trạng sống đau thương của gia đình bà. 30 năm qua, cả gia đình không hề trông thấy bóng Linh Mục Công Giáo, không được nghe Lời Chúa, Lời của Sự Thật và Sự Sống. Cả gia đình cũng không bao giờ nhận lãnh các Bí Tích cần thiết như Thánh Thể và Giải Tội. Tôi liền nói với bà về Thiên Chúa Từ Bi Nhân Hậu, về Chúa GIÊSU KITÔ, Đấng Cứu Độ loài người. Tôi nói với bà về Đức MARIA, Người Mẹ Thiên Quốc luôn chăm sóc và theo dõi từng người con. Tôi cũng nói về Thánh Cả GIUSE, Vị Bảo Trợ cách riêng các gia đình, đặc biệt những gia đình gặp khó khăn. Sau cùng, tôi trao cho bà ảnh vảy phép lạ tức ảnh Đức Mẹ ban ơn, để bà đưa cho chồng đeo.

Ngày hôm sau, có dịp đi ngang nhà lúc sáng sớm, tôi vội ghé vào thăm ông bà, vì nghĩ rằng hẳn ông Salamin chưa say sưa. Nhưng thực tế không phải vậy. Vừa trông thấy tôi, ông lên tiếng chửi rủa và nhục mạ tôi. Cách tốt nhất nên rời khỏi nhà ông ngay. Tôi ra đi tiếp tục công tác truyền giáo và giao phó ông cùng trọn gia đình ông trong vòng tay che chở của Nữ Trinh Rất Thánh MARIA.

Suốt một tháng làm việc truyền giáo tại Chubut, tôi thử đến thăm ông bà Salamin vài lần nữa, nhưng lần nào cũng thất bại.

Một năm trôi qua .. Chúng tôi trở lại Chubut. Tư tưởng đầu tiên tôi hướng về gia đình ông bà Salamin. Dĩ nhiên cuộc viếng thăm đầu tiên tôi cũng dành cho ông bà. Nhưng tình cảm ông Salamin đối với tôi vẫn trước sau như một. Ông không tiếc lời chửi rủa và xua tôi như đuổi ruồi. Ra đến cửa tôi chạm phải khuôn mặt sầu khổ của bà Salamin. Bà đau đớn cho biết ông chồng nhất định không nhận ảnh Đức Mẹ ban ơn .. Tôi khuyên bà bỏ ảnh vảy phép lạ vào trong gối ngủ của ông và đặt tin tưởng nơi sự phù giúp của Đức Mẹ.

Rồi cũng đến ngày chúng tôi phải rời Chubut. Hôm đó là ngày cuối cùng. Tôi làm một vòng đi thăm một số gia đình. Vừa bước qua khỏi cầu tôi nghe tiếng gọi: “Dì ơi, Dì ơi, xin Dì đến thăm ông Salamin đang đau nặng!” Tôi thầm nghĩ: “Biết rồi. Nhưng tôi không trở lui đâu. Tôi sẽ thăm ông trên đường về”. Dầu nghĩ thế tôi không cảm thấy an tâm. Tôi quay trở lại cầu và đến thăm ông Salamin. Bà Salamin vui mừng khi trông thấy tôi. Bà đưa tôi vào ngay phòng ông Salamin. Tôi thấy rõ giờ cuối cùng đang đến. Tôi nói với ông về giờ sau hết. Không bao lâu nữa ông sẽ ra trước mặt Chúa. Lạ lùng thay, ông bỗng nhận ra mọi lỗi lầm và thật lòng ăn năn thống hối. Vì không đủ giờ mời Linh Mục ở cách đó tới 20 cây số, tôi giúp ông xét mình và xin Chúa tha thứ mọi tội lỗi xúc phạm đến Ngài. Sau đó tôi trao ông cây Thánh Giá. Ông cầm lấy và đưa lên hôn với trọn lòng thống hối ăn năn và yêu mến Chúa.

Khoảng mười lăm phút sau, ông Salamin trút hơi thở cuối cùng. Và chiếc ảnh Đức Mẹ ban ơn vẫn kín đáo nằm trong chiếc gối của ông. Chính Đức Mẹ đã làm phép lạ đưa ông trở về với Chúa.

(Luigi Faccenda, “Ho trovato MARIA”, Edizioni dell’Immacolata, 1992, trang 9-12).

Chia sẻ Bài này:

Related posts