CUỐN KINH THÁNH THÀNH KELLS

Hàng năm có khoảng 250 ngàn du khách, chịu khó leo cầu thang, tiến về thư viện của Học Viện Chúa Ba Ngôi ở Dublin, thủ đô cộng hòa Ái-nhĩ-lan. Thư viện là căn phòng thuộc thế kỷ 18, dài 63 thước và chứa khoảng 100 ngàn tác phẩm quý hiếm. Trong số các tác phẩm nổi bật cuốn chép tay sách Phúc Âm. Đó là công trình nghệ thuật của các đan sĩ dòng thánh Columba ở Iona, một đảo nhỏ thuộc Anh quốc, nằm về phía Tây nước Tô-cách-lan. Nguồn gốc tác phẩm như sau:

Năm 563, thánh Columba, thuộc hoàng tộc Ái-nhĩ-lan, từ bỏ mọi sang giàu lên đường đến đảo Iona cùng với 12 bạn đồng chí hướng. Thánh nhân xây đan viện và trở thành người sáng lập hội dòng chiêm niệm. Sau đó Hội dòng mang tên Thánh Columba.. 240 năm sau, các đan sĩ hậu duệ thiêng liêng của thánh Columba khởi công chép tay 4 văn bản Phúc Âm bằng tiếng la tinh. Các vị đem trọn tài năng nghệ thuật – nhất là trọn tấm lòng yêu mến Lời Chúa – để chép và trang điểm cho từng trang của cuốn Phúc Âm. Các vị có tham vọng biến cuốn Phúc Âm thành tác phẩm nghệ thuật vô tiền khoáng hậu.. Và các đan sĩ đã thành công. Ngoài các giờ kinh Phụng Vụ, quyển Phúc Âm được đặt trên bàn thờ, trưng bày cho các tín hữu đến viếng đan viện có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó..

Ngoài công trình nghệ thuật trổi vượt, cuốn Phúc Âm còn là kỳ công sáng chói của Kitô Giáo và là biểu tượng lâu đời cho niềm tin Kitô vững chắc, không đổi dời.. Chính nhờ sự có mặt của các đan sĩ Columba tại đảo Iona, mà nền văn minh tây phương cũng như Kitô Giáo được bảo tồn suốt trong hai thế kỷ bị quân rợ quấy phá.

Để thực hiện dự án chép tay văn bản Phúc Âm, các đan sĩ Columba không hề đắn đo do dự về phí tổn. Người ta ước lượng, các vị đã phải dùng đến 150 tấm da bò để có được 680 trang sách khổ 38 trên 28 centimét. Thêm vào đó, việc phân tích các sắc tố còn cho biết, để tô màu các tranh ảnh trong sách, ngoài những màu sắc có thể tìm thấy tại địa phương, các đan sĩ đã phải tìm mua những màu ở những nơi thật xa xôi như Trung Á hoặc ở Địa Trung Hải.

Cuốn Phúc Âm được các đan sĩ chép bằng tiếng la tinh. Sau đó, 4 đan sĩ khéo tay nhất đã tận dụng mọi tài nghệ cùng năm tháng ngày giờ cho việc kẽ chữ hoa và vẽ những hình ảnh Kinh Thánh, tô điểm cho các trang sách Phúc Âm. Có tất cả 31 hình ảnh chiếm trọn trang sách. Còn lại là rải rác đây đó trong hầu hết các trang sách, những hình ảnh nhỏ li ti, với màu sắc và nghệ thuật vô cùng tỉ mỉ diệu kỳ.

Ông William O’Sullivan, người canh giữ các thủ cảo xưa tại thư viện của Học Viện Chúa Ba Ngôi, một hôm đã hỏi một nhà chuyên môn, xem thử phải mất thời gian bao nhiêu để tô điểm cho một hình vẽ, chỉ chiếm diện tích 7 centimét vuông thôi. Họa sĩ trả lời ngay: ‘‘Phải mất 15 ngày!”

Theo ông O’Sullivan, một trong các đan sĩ tô màu chính của cuốn Phúc Âm, đã dành ra ít nhất 30 năm, nếu không phải là trọn cuộc đời đan sĩ, để vẽ hình, trang điểm cho cuốn Phúc Âm. Rất có thể nghệ sĩ tô màu chính đã qua đời trước khi hoàn tất một số hình vẽ. Vì có vài cảnh tượng, các nhân vật Kinh Thánh bị bỏ dở hoặc thiếu sót.

Thật thế, vào năm 806, quân rợ Vikings xâm chiếm đảo Iona và sát hại 68 đan sĩ. Các đan sĩ sống sót lên tàu chạy trốn mang theo cuốn Kinh Thánh chép tay chưa hoàn tất. Tàu chạy về hướng nam và tiến đến Ái-nhĩ-lan. Các đan sĩ tìm chỗ nương ẩn nơi thành phố Kells. Tại đây các vị lại tiếp tục công trình nghệ thuật dang dở. Nhiều hình vẽ tiếp nối trong thời gian này minh chứng các đan sĩ tìm được an bình nơi đây. Vào năm 899 đan viện lại bị bọn côn đồ cướp bóc, phá hoại. Bọn cướp mang theo cuốn Kinh Thánh chép tay quý giá. May thay, chúng chỉ lấy đồ trang điểm quý giá bằng vàng nơi trang bìa, rồi chôn các trang sách còn lại trong một đầm lầy. Nhờ phép lạ, chỉ có một số trang bị hư hại, các trang khác vẫn nguyên vẹn.

Sau nhiều thế kỷ được trưng bày tôn kính tại nhà thờ xứ đạo thành Kells, vào giữa thế kỷ 17, cuốn Kinh Thánh chép tay được trao cho Thư viện của Học Viện Chúa Ba Ngôi ở thủ đô Dublin giữ gìn.. Trải dòng thời gian cuốn Kinh Thánh thành Kells vẫn giữ nguyên biểu tượng tuyệt vời cho Đức Tin Kitô vững chắc và không dời đổi.
(”Reader’s Digest Sélection”, 6/1974, trang 65-70).

NHÀ ĐIÊU KHẮC CÔNG GIÁO FRANCISCO SALZILLO

Từ ba thế kỷ qua, hàng năm vào Thứ Sáu Tuần Thánh, cửa nhà thờ Chúa GIÊSU ở thành phố Murcie, miền Nam Tây Ban Nha, lại mở rộng cho tín hữu vào tham dự các nghi lễ Tuần Thánh. Các tín hữu được dịp chiêm ngưỡng 8 nhóm tượng khắc gợi lại cuộc Khổ Nạn Chúa GIÊSU. Nổi bật là nhóm tượng mô tả buổi Chúa GIÊSU cầu nguyện nơi Vườn Cây Dầu: Thánh Phêrô đang ngủ, Chúa GIÊSU đang quỳ cầu nguyện có Thánh Thiên Thần hiện ra an ủi. Tượng Thánh Thiên Thần quả là kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc: mô tả cách hoàn hảo vừa nét đẹp thể xác vừa nét an bình tâm hồn, kết hợp hài hòa hai thế giới trần tục và thần thiêng trong một nghệ thuật vô tiền khoáng hậu ..

Tác giả các tượng khắc bằng gỗ nói trên là ông Francisco Salzillo. Thân phụ của Francisco là nhà điêu khắc người Ý, vào cuối thế kỷ 17 đã đến lập nghiệp tại Murcie. Nơi đây Francisco chào đời năm 1707.

Ngay từ thời thơ ấu, Francisco đã theo sát Cha và phụ giúp Cha. Cậu sớm tỏ ra đứa trẻ có tài. Nhưng thế giới nghệ thuật không đủ sức thu hút tâm hồn Francisco, vốn rất nhu mì và đạo đức. Cậu mơ ước lý tưởng khác: đời sống tu dòng. Mãn trung học cậu xin gia nhập dòng Tên và bắt đầu năm tập tại tu viện Thánh Đaminh ở Murcie.. Năm 20 tuổi, thân phụ qua đời, Francisco bắt buộc rời dòng về nhà phụ giúp Mẹ nuôi đàn em 6 đứa. Francisco nối nghiệp Cha trong nghề điêu khắc.

Công trình nghệ thuật của Francisco thật bao la. Cho đến khi qua đời vào năm 1783, thọ 66 tuổi, ông đã tạc 1800 bức tượng, nổi tiếng trong toàn nước Tây Ban Nha. Bị bắt buộc phải sống giữa thế gian, phải làm lụng sinh nhai và phải lập gia đình, nhưng tâm hồn Francisco luôn hướng về cuộc sống siêu thoát. Ông sống cuộc đời giáo dân đạo đức. Cao vọng của ông là diễn đạt Đức Tin Kitô sâu xa trong nghệ thuật tuyệt vời. Ông cố gắng nối kết hai thế giới thần thiêng và loài người trong các nhân vật thánh điêu khắc của ông..

Tương truyền rằng, khi tạc các tượng cho khung cảnh Chúa GIÊSU cầu nguyện trong vườn cây dầu, đến bức tượng Thánh Thiên Thần hiện đến an ủi Chúa GIÊSU, ông đã mất rất nhiều thời giờ. Ông tạc đi tạc lại vẫn không thành công như ý muốn. Vào một buổi tối, bất ngờ có khách lạ ghé nhà thăm. Sáng hôm sau khách lạ biến mất, cùng lúc, bức tượng Thiên Thần được hoàn tất trong nét đẹp thần thiêng, an bình và thanh thoát, như ngày nay tín hữu vẫn còn có dịp chiêm ngưỡng .. Người ta cũng thuật lại rằng, để có hình mẫu diễn tả nỗi đau khổ của Đức Mẹ Sầu Bi – Mater Dolorosa – ông Francisco đã phải thóa mạ vợ hiền, rồi ông quan sát thật kỹ tất cả những nét đau khổ xuất hiện trên khuôn mặt hiền thê và tạc bức tượng Đức Mẹ Sầu Bi..

Để diễn tả sống động các nhân vật Kinh Thánh, ông Francisco Salzillo tô màu và mặc y phục cho các bức tượng. Nhờ thế, ngày nay người ta còn thấy dấu vết của xã hội Tây Ban Nha thời thế kỷ 18.. Ông cũng đưa các nhân vật trong đời sống thường ngày nơi thành phố Murcie vào trong các tác phẩm nghệ thuật. Nghệ thuật của ông vừa bình dân sống động vừa diễn đạt Đức Tin Kitô vô cùng sâu xa .. khó có ai vượt qua ông.

‘‘Những người kính sợ Thiên Chúa sẽ được sống lâu dài, vì họ cậy trông vào Đấng cứu thoát họ. Ai kính sợ Thiên Chúa thì không sợ hãi gì, họ không run rẩy, vì chính nơi Người, họ hằng cậy trông. Phúc thay tâm hồn kẻ kính sợ Thiên Chúa! Họ nương tựa vào ai? Và ai nâng đỡ họ? Thiên Chúa để mắt trông nom những ai yêu mến Người. Người là khiên mộc vững chắc, là sức mạnh đỡ nâng, là tàn che gió nóng, là bóng mát giữa trưa. Người giữ gìn cho khỏi vấp ngã, và bảo vệ cho khỏi té nhào. Người nâng cao tâm hồn, sáng soi con mắt. Người ban sức khỏe, sự sống và phúc lành” (Huấn Ca 34, 13-17)

(‘‘Reader’s Digest SÉLECTION”, Mars 1976, trang 65-68).

Chia sẻ Bài này:

Related posts