Simone Larrouturou là một phụ nữ Công Giáo người Pháp, nhiệt thành trong các công tác tông đồ. Bà kể lại lý do đưa đẩy bà đến quyết định thăm viếng bệnh nhân gần chết như sau:
Thật ra, không phải chính tôi chọn công tác đồng hành với các bệnh nhân trong giây phút cuối đời, cho bằng vì các biến cố xảy ra, khiến tôi quyết định chọn hình thức tông đồ này.
Khi gia đình chúng tôi dọn đến Versailles, ngoại ô thủ đô Paris của nước Pháp, bà Phụ trách “Dịch Vụ Công Giáo Giúp Đỡ Các Bệnh Nhân”, xin tôi giúp bà trong công tác thăm viếng các bệnh nhân một Dưỡng Đường dành riêng cho người già. Cho đến lúc đó, tôi từng là giáo lý viên, làm việc bên cạnh người trẻ .. Tôi không bao giờ có ý nghĩ dấn thân làm việc tông đồ bên cạnh những người đau ốm, nhất là những người đau ốm già nua! Do đó khi được kêu gọi thăm viếng người già đau yếu, tôi bỗng do dự và không muốn nhận lời. Sau cùng, tôi miễn cưỡng chấp nhận, vì cả nể bà Phụ Trách, hơn là vì nhiệt tình tông đồ. Tôi chỉ có thêm ý nghĩ: “Thăm viếng bệnh nhân hẳn tôi có dịp nói về Chúa, và biết đâu, tôi lại chẳng đem được vài người trở về với Ngài”.. Ý nghĩ này làm tôi thêm chút hứng khởi.
Trong vòng một năm trời, đều đặn mỗi tuần hai lần, tôi đi thăm khoảng 10 bệnh nhân. Trái với ý nghĩ ban đầu, thay vì được dịp nói về Chúa, tôi lại phải lắng nghe các bệnh nhân than thở về các niềm đau nỗi khổ của họ. Họ thổ lộ các chán nản thất vọng, đôi lúc cả những toan tính tự vẩn nữa. Thật tình mà nói, hình thức tông đồ này không thích hợp với tôi cho lắm. Do đó tôi mong đợi một hoàn cảnh, một biến cố xảy ra hầu tôi có thể dựa vào đó để ngưng ngay công việc đang làm. Và rồi biến cố mong đợi thực sự xảy ra, không phải như tôi muốn, mà là như Chúa muốn.
Tôi ngã bệnh nặng và mở mắt bừng tỉnh. Tôi cảm nhận sâu xa nỗi đau khổ của người bệnh, đặc biệt là người bệnh cao tuổi. Và khi vừa khỏi bệnh, không chút do dự, đắn đo, tôi quyết định từ đây, dấn thân phục vụ bệnh nhân ở giai đoạn cuối đời. Tôi muốn đồng hành với họ, lắng nghe và chia sẻ đau khổ với họ, cũng như giúp họ bước vào cuộc sống đời sau với Đức Tin, lòng Trông Cậy và niềm An Bình sâu xa.
Thế nhưng công tác đâu có giản dị như tôi mơ tưởng. Năm ấy, trong vòng 5 tháng tròn, tôi đều đặn thăm viếng một cụ già, từng là kỹ sư nổi tiếng nhưng cũng thuộc loại vô thần hạng nặng. Suốt 5 tháng, tôi không thể nào nói cho cụ nghe về Thiên Chúa, Đấng luôn yêu thương và chờ đợi cụ trở về với Ngài. Rồi cụ già ra đi, khép kín trong tâm tư vô thần thù nghịch Thiên Chúa. Tôi cảm thấy đau khổ vô cùng. Tôi đem câu chuyện trình bày với Cha Tuyên Úy bệnh viện cũng như với nhóm giáo dân, chuyên viếng thăm người bệnh. Chúng tôi cùng nhau học hỏi, tìm kiếm phương thế và nhất là chọn lựa thái độ phải có, khi phải đồng hành với những bệnh nhân vô thần, hoặc chống đối, thù nghịch Thiên Chúa. Và kết quả thật bất ngờ. Từ đó chúng tôi không đơn độc trong công tác tông đồ, nhưng được liên kết chặt chẽ trong một nhóm. Chúng tôi san sẻ và giúp đỡ nhau trong việc phục vụ bệnh nhân. Chúng tôi cũng tạo quan hệ tốt với gia đình, thân nhân người bệnh. Chúng tôi làm thành một khối “xi-măng” tình thương, bao bọc chung quanh người bệnh, để người bệnh không cảm thấy bị bỏ rơi hoặc cô độc.
Sau thời gian làm việc chung, tôi được chỉ định làm người điều hợp một nhóm gồm khoảng 20 người, dấn thân làm việc tông đồ bên cạnh các bệnh nhân cuối đời. Tôi dồn trọn năng lực để tạo mối giây hòa hợp và tình huynh đệ giữa chúng tôi. Tôi cũng chú ý tạo tinh thần cầu nguyện nơi các thành viên của nhóm, bởi vì, công tác tông đồ quả là công tác thánh thiêng. Thật ra sự hiện diện của chúng tôi bên cạnh người bệnh, không hẳn là thái độ cho đi, nhưng còn là thái độ nhận lãnh nữa. Bởi vì khi hiện diện bên cạnh người bệnh, chúng tôi chạm trán với vấn đề hệ trọng nhất trong cuộc đời con người như: ý nghĩa sự sống, thế nào là cái chết, là điều lành, là sự dữ và nhất là, Thiên Chúa là ai? Chúng tôi cũng chạm trán với thực trạng trần trụi nhất: con người bất lực, nhỏ bé trước cái bệnh hoạn đang hủy hoại thân xác! Và khi đó, nổi bật tầm quan trọng của sự hiện diện Kitô, sự hiện diện mang hình ảnh và Tình Thương của Thiên Chúa đến cho người bệnh.. (“CHRISTUS”, 1/1989, trang 123-126).