Một linh mục kể lại.
.. Năm ấy tôi hành hương Lộ Đức. Vào buổi chiều, có cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa dành cho các bệnh nhân. Như thường lệ, tôi giơ cao Mặt Nhật Mình Thánh Chúa và chúc lành cho họ. Khi đến hàng ngũ các em bé tàn tật, tôi cũng giơ cao Mình Thánh Chúa và chúc lành cho từng em. Vừa chúc lành xong một em bé và định bước sang em bé bên cạnh, tôi nghe rõ ràng tiếng nói của em bé đó. Em vừa nhìn thẳng Mình Thánh Chúa trong Mặt Nhật vừa thưa:
– “Chúa đã không chữa con lành bệnh. Con sẽ mách lại với Mẹ Chúa cho mà coi”.
Nghe thế, tôi rất đỗi ngạc nhiên và thật cảm động trước tâm tình đơn sơ phó thác của cậu bé tàn tật. Tôi quay trở lại với cậu bé và giơ cao Mình Thánh Chúa, chúc lành cho cậu bé lần nữa. Sau khi nhận lãnh phép lành, bỗng nhiên cậu bé được khỏi bệnh.
.. Một bé gái người Đức, trong lúc chơi đùa đã vô ý làm rơi cát trong mắt. Hai mắt bé bị sưng đỏ và bị nhiễm độc. Cha mẹ bé lo lắng chữa chạy. Ông bà tìm đến đủ thứ thầy, mua đủ thứ thuốc, mà bệnh vẫn không thuyên giảm. Các bác sĩ quyết định mổ mắt cho cô bé. Cuộc mổ cũng không có kết quả. Sau cùng, người cha quyết định mang cô gái cưng sang Thụy Điển, tìm đến với các bác sĩ chữa mắt danh tiếng. Tất cả đều vô hiệu. Tiền mất, tật vẫn mang. Thêm vào đó, đôi mắt cô bé ngày một kém, gần như không còn trông thấy được nữa.
Trên đường rời Thụy Điển, hai cha con dừng lại nơi đền thánh Đức Mẹ Jasna Gora ở Czestochowa, bên Ba Lan. Cha cô bé là một nhà vô thần thứ thiệt. Nhưng cô bé lại được bà mẹ đạo đức giáo dục rất kỹ lưỡng. Vào lúc 6 giờ sáng, người cha đưa con gái đến dự thánh lễ nơi bàn thờ có bức ảnh Đức Mẹ Đen nổi tiếng của dân tộc Ba Lan. Thánh lễ chấm dứt, ông cúi xuống, vừa âu yếm nhìn con vừa hỏi với giọng trêu chọc:
– “Đức Mẹ không chữa con lành đôi mắt sao?”.
Bằng giọng thật trang nghiêm cô bé đáp:
– “Con thưa với Đức Mẹ con không muốn khỏi mắt, bởi vì, con không ao ước trông thấy bất cứ vật gì nơi trần gian này. Trái lại, con khẩn cầu Đức Mẹ hoán cải tâm lòng Ba, để Ba quỳ gối cầu nguyện với chúng con, mỗi khi mẹ và con cùng đọc kinh tối chung với nhau”.
Nghe cô gái cưng nói thế, người cha cảm thấy lúng túng và xúc động. Từ một người cứng cỏi, vô thần, ông bỗng trở thành một người mềm mại, có lòng tin. Ông khóc như một đứa con nít. Khi cơn xúc động lắng dịu, ông đi tìm vị linh mục Công Giáo và khiêm tốn quỳ gối xưng thú mọi lỗi lầm.
(Albert Pfleger, “FIORETTI DE LA VIERGE MARIE”, Editions Mambré 1992, trang 50 + 44).