Một sự kiện lạ lùng trong những trang sử đẫm máu của Giáo Hội Công Giáo Triều-Tiên, đó là gia phả của những dòng họ tử đạo. Giống như khi nói: dòng vua, dòng quý tộc, dòng lính tráng, dòng dõi thợ thuyền hoặc dòng máu nghệ sĩ.. Tại Triều-Tiên, vào thế kỷ 19, thế kỷ Giáo Hội Công Giáo Triều-Tiên bị bách hại dữ dội nhất, có những gia đình gồm cha mẹ, con cái, anh chị bị giết vì đạo. Tiếp đến đời con, rồi sang đời cháu, đời chắt vẫn còn có người can đảm đổ máu đào làm chứng cho Đức Tin do cha ông truyền lại. Thật kiêu hùng, thật cảm động. Câu chuyện tử đạo của cô Elisabetta Tyeng, trinh nữ Công Giáo Triều-Tiên, chỉ là thí dụ điển hình.
Elisabetta là ái nữ của ông Agostino Tyeng, anh hùng tử đạo cùng lúc với người con trưởng. Trong khi đó cô và người em cũng bị bắt với mẹ. Nhưng rồi nhà vua khoan hồng thả ba mẹ con ra. Được thả ra nhưng tất cả tài sản bị tịch thu. Từ đó gia đình cô sống đậu ở nhờ nơi gia đình của những người bà con, tuy ngoại giáo nhưng có lòng tốt. Đó là những năm khốn cùng. Ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Elisabetta phải xoay xở làm đủ thứ nghề để kiếm chút tiền phụ giúp mẹ, nuôi sống cả gia đình.
Elisabetta có một tâm hồn trong sạch lạ thường. Những người có dịp tiếp xúc hoặc quen biết cô đều làm chứng rằng, cô không bao giờ nhìn mặt bất cứ người đàn ông nào, kể cả những người bà con. Ngay từ thưở nhỏ, cô đã thề hứa giữ mình trinh khiết trọn đời. Trong thời gian đạo Công Giáo bị bách hại, cô thường quy tụ các tín hữu cùng tân tòng và dạy giáo lý cho họ. Đức Giám Mục giáo phận rất hài lòng về cô và tin tưởng nơi tài năng giảng dạy giáo lý của cô. Cũng trong thời gian này cô Elisabetta dọn mình lãnh nhận triều thiên tử đạo.
Ngày 19-7-1839, cô bị bắt cùng với mẹ và em trai. Cô thường bị tra hỏi rất lâu. Sử liệu ghi lại cuộc thẩm vấn cô như sau. Quan hỏi: “Chồng cô đâu?” Cô trả lời: “Tôi không có chồng”. Quan hỏi tại sao, cô giải thích: “Lý do dễ hiểu là không người đàn ông nào lại dại dột đi cưới một cô gái nghèo mạt rệp như tôi!” Nghe cô trả lời, quan tức giận truyền đánh đòn rồi đuổi cô về ngục. Sau đó cô bị công an gọi ra thẩm vấn. Họ hỏi cô theo đạo của vị Thầy ở trên Trời phải không, cô đáp phải. Họ lại hỏi ai dạy cô các giáo lý này. Cô nói mẹ dạy từ lúc cô còn nhỏ tuổi. Sau cùng họ bảo cô chỉ cần nói một lời chối đạo là tức khắc được tự do và khỏi chết. Cô Elisabetta cương quyết trả lời: “Nếu để được sống mà phải chối Thiên Chúa cùng bỏ đạo thì tôi không chối cũng không bỏ. Tôi bằng lòng chịu chết”. Từ đó cô bị đánh đập tàn nhẫn. Cứ mỗi lần hỏi cung là một lần cô bị đánh đập. Tuy nhiên, gương mặt cô lúc nào cũng biểu lộ nét an bình nhẫn nhục. Cô thường nói với các tù nhân Công Giáo khác rằng: “Nhờ ơn Chúa và sự trợ giúp đặc biệt của Mẹ MARIA, nên tôi mới đủ sức lãnh chịu mọi roi đòn tra tấn. Cùng lúc, tôi dâng lời cảm tạ Thiên Chúa, vì nhờ đau khổ tôi hiểu được phần nào những đau khổ vô biên Chúa GIÊSU KITÔ đã phải chịu để chuộc tội chúng ta. Tôi sẵn sàng và sung sướng được chịu đau khổ”.
Suốt trong thời gian bị giam cầm, cô Elisabetta không ngừng an ủi khuyến khích những bạn Công Giáo đồng tù hãy can đảm chịu đau khổ vì Chúa. Phần cô, để có đủ sức chiến đấu đến cùng, cô thường dành rất nhiều giờ để cầu nguyện và suy gẫm. Cô cũng bí mật liên lạc với tòa giám mục để xin gửi tiền và thức ăn trợ giúp các tín hữu Công Giáo đang bị giam cầm.
Ngày 29-12-1839, cô Elisabetta Tyeng bị đưa ra pháp trường cùng với một nhóm tín hữu Công Giáo Triều-Tiên khác. Khi từ biệt các tín hữu còn ở lại, cô nói với họ: “Hãy cầu nguyện đặc biệt cho những người nghèo và những người đang phải buồn sầu”. Nói rồi cô sung sướng ra đi, hớn hở như người con được trở về nhà Cha trên Trời, gặp lại cha mẹ và anh em cô đã đi trước cô trên đường tử đạo. Năm ấy cô Elisabetta Tyeng hưởng dương 44 tuổi.
Cái chết vì đức tin Công Giáo của các tín hữu giáo dân Triều Tiên vào ngày 29-12, khiến nhiều người nhớ lại cái chết trước đó gần 7 thế kỷ, của vị giáo chủ Giáo Hội Công Giáo Anh quốc. Đó là đức cha Thomas Becket (1118-1170), Tổng Giám Mục Canterbury. Trước khi đưa cổ cho lý hình chém, vị giám mục chiến sĩ đức tin nói với họ rằng: “Tôi sẵn sàng chết vì Chúa Giêsu và vì Hội Thánh của Ngài”.. Dầu cho địa vị có khác nhau, nhưng tất cả đều làm chứng cho cùng một tình yêu duy nhất, dâng lên Chúa GIÊSU KITÔ và Hội Thánh Ngài.
“Này con, đừng quên lãng giáo huấn của thầy. Huấn lệnh của thầy, lòng con lo giữ trọn. Vì nhờ đó, con sẽ được sống lâu trăm tuổi, và đầy tràn phúc lộc bình an. Ước chi ân tình và tín nghĩa chẳng hề lìa xa con, nhưng nên như vòng con đeo vào cổ, và được con ghi khắc tận đáy lòng. Như vậy, con sẽ được cả Thiên Chúa lẫn phàm nhân yêu thương và quí chuộng. Hãy hết lòng tin tưởng vào Đức Chúa, chớ hề cậy dựa vào hiểu biết của con. Hãy nhận biết Người trong mọi đường đi nước bước. Người sẽ san bằng đường nẻo con đi” (Sách Châm Ngôn 1-6).
(“I LXXIX MARTIRI COREANI”, Adriano Launay, Milano 1925, trang 128-144)