..”Lạy Chúa Giêsu, cho con không phải đau đớn, chỉ trong vòng 10 phút, 10 phút thôi. Con không dám xin nhiều hơn nữa đâu!”. Enzo Elmi, 15 tuổi, đơn sơ kêu van cùng Chúa Giêsu, khi cậu quá đau đớn, không thể trở mình được, vì không ai giúp.
Sinh năm 1962, Enzo Elmi là một thiếu niên Ý anh hùng và quảng đại. Từ lúc còn thơ, Enzo đã tỏ ra liếng thoắng và tươi vui. Cậu có đôi mắt trong xanh và mái tóc màu hung hung. Enzo nhanh nhẹn và thẳng thắn, biểu lộ một trí thông minh bén nhạy và một tâm hồn trong trắng. Như bao thiếu niên cùng tuổi, thuộc những gia đình Công Giáo đạo đức, Enzo rất thích môn thể thao và đọc các tờ báo dành cho thiếu niên. Cùng lúc, Enzo rất ham học. Cậu bé thấy thời gian qua đi thật nhanh như chạy, như bay!
Tháng 7 năm 1975, cha mẹ Enzo Elmi bỗng khám phá ra con mình bị chứng bệnh bạch huyết. Mà bệnh lại đến hồi trầm trọng. Ông bà biết rõ chỉ Thiên Chúa mới có thể cứu sống Enzo. Nghĩa là chỉ trông chờ phép lạ. Lúc bấy giờ có một nhóm cầu nguyện thuộc Phong Trào Canh Tân trong Thánh Linh. Cha mẹ Enzo liền huy động mọi người cầu nguyện cho con. Cả Enzo cũng gia nhập nhóm cầu nguyện. Vài tuần sau, Enzo được xuất viện, trở về với đời sống bình thường: đi học, đọc sách báo và tham dự các trò chơi giải trí.. Tuy nhiên, Enzo vẫn phải ra vào nhà thương để tái khám hoặc để điều trị. Sức khoẻ lúc lên lúc xuống. Cứ như thế trong vòng hai năm trời. Những người bạn đồng bệnh cùng phòng với Enzo đã lần lượt ra đi, về với thế giới bên kia. Chỉ mình Enzo cầm cự với cơn bệnh. Trường hợp của Enzo gần như một ngoại lệ..
Tháng 11 năm 1977, cơn bệnh bỗng bộc phát dữ dội. Enzo được cấp tốc đưa vào nhà thương. Không ai còn nghi ngờ gì. Enzo bước vào giai đoạn chót của cuộc sống. Cơn sốt lên hơn 40 độ. Các bác sĩ đành bó tay và quyết định ngưng mọi chữa trị vô ích. Cha mẹ Enzo túc trực bên giường con ngày đêm. Riêng ông Luciano, cha của Enzo, không bao giờ rời con, ngoài những giờ phải đến sở làm việc. Nhóm Cầu Nguyện gia tăng lời kinh. Ngày nào cũng có người trong nhóm đến cầu nguyện bên giường Enzo.
Cha mẹ Enzo nghĩ đến việc chuẩn bị cho con lãnh nhận các bí tích sau cùng. Chiều ngày 21.11.1977, cha tuyên úy bệnh viện đến thăm và giúp Enzo dọn mình xưng tội chung. Ngày hôm sau, trước sự hiện diện của gia đình và khoảng 10 người trong Nhóm Cầu Nguyện, Enzo sốt sắng lãnh nhận Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân.. Từ đó, cuộc sống thiêng liêng của Enzo như hoàn toàn biến đổi. Cậu thiếu niên như được mở mắt tinh thần và nhận ra những điều mà trước kia cậu không để ý. Nhất là, Chúa Giêsu và Mẹ Maria luôn hiện diện sống động bên cạnh Enzo. Cậu chỉ có một ước muốn duy nhất là cầu nguyện. Cầu nguyện liên lĩ khiến cậu như quên bớt các nổi đau đớn đang xé nát thân xác non nớt.
Một ngày, cha Mario Panciera đến thăm và thấy Enzo quá đau đớn, ngài hỏi:
“Con có cảm thấy là Chúa Giêsu đang ở gần không?”. Mở hé đôi mắt trong xanh, cậu thiếu niên mĩm cười trả lời: “Thưa cha có. Con có cảm giác chính Chúa đang ở bên cạnh. Bởi vì, nếu không phải là Chúa Giêsu, chắc chắn con không thể chịu bệnh được như thế này!”. Thật thế, cái đau nhức như liên tục triền miên. Thỉnh thoảng Enzo than thở: “Con bị đau như thể bị chó cắn!”. Điều đáng chú ý là Enzo cầu nguyện không ngừng, không bao giờ mỏi mệt, đặc biệt với thân phụ, ông Luciano. Ông ngủ trên chiếc ghế xếp cạnh giường con. Vào đêm khuya vắng, khi không chợp mắt được, Enzo thường kêu: “Ba ơi, đọc kinh một chút đi .. “. Thế là ông Luciano thức giấc, và cả hai cha con cùng nhau cầu nguyện. Cầu nguyện hàng giờ, hàng giờ. Cầu nguyện bộc phát tự nhiên hoặc với sách Kinh Thánh. Khi nào Enzo thấy cha quá mệt, cậu không phiền cha, cậu cầu nguyện một mình.
Cứ thế, cơn bệnh nặng kéo dài trong vòng hai tháng cho đến ngày 2.1.1978, Enzo Elmi êm ái ra đi, hưởng dương 15 tuổi. Cơn bệnh của Enzo đã thánh hóa mọi người, bắt đầu từ chính cậu, rồi đến cha mẹ và bạn hữu. Đám tang Enzo Elmi không mang sắc thái buồn thương, nhưng diễn ra trong bầu khí tràn đầy hy vọng, khiến có người buột miệng kêu lên:
“Đây không phải là đám tang, mà là một buổi hội!”.
(P. Luigi Faccenda, “Testimoni di Maria”, Edizioni dell’Immacolata, 1993, trang 72-79).