Tại các nước Âu Mỹ, nhiều bệnh nhân rất sợ phải chết cô đơn nơi nhà thương, không có sự hiện diện của người thân, của gia đình. Chính vì ý thức sâu xa nỗi đau khổ này mà chị Monique Faivre, nữ tu dòng Danh Thánh GIÊSU và MARIA, đã quyết định theo học ngành y tá. Chị phục vụ bên cạnh những bệnh nhân nan y, chờ chết. Sau đây là chứng từ yêu thương do chị kể lại.
Kinh nghiệm hiện diện mỗi ngày bên cạnh các bệnh nhân mà y khoa bó tay, dạy cho tôi rất nhiều bài học. Trước hết, mỗi người là vũ trụ nhiệm mầu. Không ai khác có thể khám phá hết và cảm thông cho cùng. Vì thế, khi đối diện với bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nan y, tôi bỗng cảm thấy bất lực và nhỏ bé. Tôi chỉ có thể hiện diện bằng trọn tâm tình kính trọng trước đau khổ tinh thần của họ. Với khả năng nghề nghiệp, tôi cố gắng thoa dịu phần nào nỗi đau đớn thể xác. Tuy nhiên, sự hiện diện này đòi hỏi chuẩn bị tinh thần sâu xa. Trước hết tôi phải hành động với lương tâm tín hữu Kitô. Tôi tin vào giá trị con người, vào ý nghĩa sự sống, khổ đau và sự chết. Tôi phải luôn luôn xác tín rằng, đau khổ tự nó là vô nghĩa và không cùng đích. Cái chết có thể xem là bó tay của y khoa, nhưng không phải là thất bại của sự sống. Cái chết nằm trong cái tuần hoàn của cuộc sống con người: sinh ra, đau bệnh, già nua rồi chết. Bổn phận tôi là giúp các bệnh nhân chấp nhận giây phút hiện tại và chuẩn bị đi vào cõi sống bất diệt mai sau.
Đó là bổn phận vừa tế nhị vừa khó khăn. Thứ nhất, bệnh nhân được quyền biết rõ về hiện trạng sức khỏe của họ. Nhưng làm sao nói cho họ để họ chấp nhận mà không bị khủng hoảng quá nặng, bị tuyệt vọng và gây phản loạn? Tôi thường khởi đầu bằng cuộc đối thoại, bằng tâm tình cảm thông sâu xa. Với bệnh nhân tôi biết rõ giờ chết gần kề, tôi không tự ý thông báo cho họ, nhưng chỉ ngầm báo tin bằng cách không bao giờ nói với họ về việc khỏi bệnh. Với bệnh nhân ước ao biết rõ sự thật, tôi cố gắng trình bày, đồng thời luôn luôn kèm theo tia hy vọng, nhất là lòng tin tưởng vào tình yêu Chúa Quan Phòng. Kinh nghiệm cho tôi thấy rằng các bệnh nhân không muốn nghe sự thật về bệnh trạng. Họ cố tình không muốn biết và cố tình quên đi sau đó. Đôi khi, bệnh nhân linh cảm giờ sau cùng đã điểm và tự ý đề cập đến. Lúc ấy, tôi nói với họ về sự chết và về cái chết gần kề của chính họ.
Khi con người đau khổ tột cùng, điều quan trọng không phải ngôn từ mà là sự hiện diện yêu thương, cái nhìn cảm thông và những vuốt ve trìu mến. Nơi phòng bệnh tôi làm việc chẳng hạn, ông Gioan bị bệnh rất nặng. Ông nằm úp mặt xuống gối và không muốn nói chuyện với bất cứ ai. Tuy vậy, tôi vẫn không chịu thua và bỏ rơi ông. Thỉnh thoảng tôi đến thăm ông. Tôi đặt tay lên người ông, rồi cúi sát mặt xuống, làm sao để đôi mắt tôi có thể chạm cái nhìn của ông. Tôi chỉ muốn ông cảm nhận tôi yêu mến ông, kính trọng ông và cảm thông ước nguyện của ông. Tôi muốn ông biết rằng, ông không đơn độc trong nỗi đau khổ của mình. Sau cùng, ông nhìn tôi và thổ lộ: “Thử thách quá nặng nề, khi phải từ bỏ tất cả”. Chính vì hiểu như vậy, nên tôi không bao giờ bỏ rơi các bệnh nhân cô đơn với những sợ hãi và âu lo của họ. Bổn phận của tôi là đồng hành và chia sẻ nổi đau khổ của họ. Tôi cố gieo vào lòng họ tâm tình hy vọng và tin tưởng vào tình yêu thương của Chúa.
Tôi ghi khắc trong tim chứng tá cảm động của bệnh nhân Công Giáo. Họ tràn đầy Đức Tin và niềm hy vọng, gần như vượt quá sức chịu đựng của con người. Một bà mẹ trẻ, thổn thức giải bày nổi đau đớn phải lìa chồng và rời xa con cái, nhưng bà nói tiếp: “Em may mắn bị bệnh này, vì nhờ bệnh mà em được hồng phúc nhận biết Thiên Chúa. Chúa gửi đến cho em những dấu chứng, và bây giờ em tin nơi Ngài”.
Trên Thánh Giá, Chúa GIÊSU KITÔ tỏ lộ cho chúng ta thấy chiều kích thiêng liêng của con người. Bước theo chân Ngài, cái chết của tín hữu Công Giáo trở thành thái độ tột cùng, lúc con người trao lại cho Chúa mạng sống nhận lãnh từ Ngài: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”.
(“CHRISTUS”, 10/1991, trang 494-502).