Bà Marianne Viviez – phụ nữ Pháp – lập gia đình và có hai người con. Nhìn dáng bề ngoài, bà không có nét đẹp nào lôi cuốn người đối diện. Bà hơi thấp. Nhưng bên trong vóc dáng nhỏ bé ấy lại tiềm ẩn một sức mạnh vạn năng. Đó là sức mạnh của những phụ nữ sống đúng thiên chức làm mẹ cao cả. Năm 1991, bà cho xuất bản tác phẩm tựa đề: “Chiếc áo nịt của bạn bị nới ra”. Quyển sách ghi lại diễn tiến tâm tình của một phụ nữ trong thời gian mang thai, qua hình ảnh chiếc áo nịt bên trong ngày xưa của phụ nữ. Khi có thai, tức là người nữ phải nới rộng các dây cột của chiếc áo nịt này. Chiều kích thay đổi dần dần theo thai nhi lớn lên trong bụng. Sau đây là chứng từ về tiến trình Đức Tin của bà Marianne Viviez. Bà khám phá ra Đức Tin nhờ khám phá ra niềm vui của một phụ nữ, khi cảm nhận được sự sống của đứa con đầu lòng, thành hình và lớn lên trong dạ mình.
Trước khi trở về với Giáo Hội, nghĩa là trở về với Đức Tin Công Giáo, bà Marianne đã từng trải qua thời gian “lạc lối, sai đường” của một con chiên dại khờ. Thật ra bà được may mắn sinh trưởng trong một gia đình đạo đức, có thói quen cùng nghe đọc Kinh Thánh. Nhưng rồi bà đánh mất Đức Tin gia truyền tốt đẹp. Suốt tuổi trẻ, nhất là thời sinh viên, hầu như Marianne không còn biết cầu nguyện. Cho đến năm 1976, bà Marianne mang thai đứa con đầu lòng. Một biến cố quan trọng trong đời người phụ nữ. Cùng với biến cố này, bà Marianne cũng được hồng phúc cảm nhận một biến cố quan trọng khác. Đó là cuộc trở về với Thiên Chúa. Bà nói:
Thật là huyền diệu, thật là hạnh phúc. Tôi cảm nhận mình mang trong người một hồng ân, một mầm mống sự sống, vượt mọi tầm mức hiểu biết nhỏ bé hạn hẹp của tôi. Năm đó tôi 30 tuổi và là giáo sư triết tại một trường trung học kỹ thuật. Trong giờ dạy học, thỉnh thoảng tôi thầm nhủ: “Mình đang mang thai.. và đây quả là một phép lạ!” Tôi rất thích cảm thấy đứa bé đang động đậy trong bụng mình. Sau mấy tháng mang thai, tôi cũng hiểu rằng, thai nhi không bao giờ thi hành tất cả ý muốn của tôi. Cô cậu không cử động khi tôi yêu cầu, nhưng chỉ động đậy khi nào cô cậu muốn mà thôi. Lúc đó tôi có cảm tưởng mình giống như một thửa đất, trong đó một cây non đang đâm rễ.. Sau cùng, khi đứa con gái đầu lòng chào đời, tôi cảm động và sung sướng đến độ khóc ròng. Tôi thấy con tôi đẹp làm sao, một cái đẹp tuyệt vời. Bây giờ hồi tưởng cái giây phút hạnh phúc đó, tôi biết mình đã sống tâm tình cầu nguyện, nghĩa là biết chiêm ngưỡng, thán phục một công trình tuyệt diệu của Thiên Chúa. Đức Tin bắt đầu sống động lại nơi tôi.
Sau giây phút thần tiên của người mẹ, cho ra chào đời một người con, tôi bắt đầu đi vào thực tế của một bà mẹ trẻ. Mang thai, rồi nuôi dưỡng con, tôi mới kinh nghiệm thực sự rằng, mình không là trung tâm vũ trụ, nhưng còn có ai đó quan trọng hơn mình. Khi phải nuôi dưỡng con cái, nhất là thời kỳ chúng còn nhỏ, đêm đêm phải thức giấc vì con khóc, con đau, tôi tập luyện được đức tính nhẫn nhục, luôn luôn sẵn sàng tiếp nhận người khác, dành thời giờ cho người khác. Từ đó tôi hiểu rõ, cầu nguyện cũng thế. Thời gian dành để cầu nguyện cũng giống như thời gian tôi dành để chăm sóc con cái: nghĩa là bằng lòng để mình bị quấy rầy, phải mất thời giờ. Khi cầu nguyện, đôi khi tôi có cảm tưởng mình không tiến được bao nhiêu. Nhưng điều quan trọng là tôi yêu mến Chúa. Chính Ngài là trung tâm điểm của cuộc đời tôi.
Tôi cảm thấy hảnh diện và may mắn được làm người nữ. Thân xác người nữ giống như một căn nhà, bên trong có thể tiếp rước một người khách. Thêm vào đó, nếu chúng tôi ý thức người khách quý hiện diện thực sự, thì tại sao chúng tôi lại không cư xử như một bà chủ nhân hậu, tốt lành? Mối quan hệ giữa người mẹ và đứa con, là hình ảnh của mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa, Đấng ngự trị trong tâm lòng của mỗi người. Điều này giúp tôi lắng nghe, kết hợp với Đấng được gọi là “Khách Trọ Hiền Lương của các tâm hồn”, tức là Chúa Thánh Linh, như lời kinh “Veni Sancte Spiritus, Lạy Thánh Thần Thiên Chúa xin ngự đến”, đã gọi như vậy. (“PRIER”, 12/1991, trang 5-7).