“Lạy Mẹ nhân hiền, Đấng hằng cứu giúp những ai khốn cùng khiêm tốn kêu cầu Mẹ, xin Mẹ hãy gìn giữ con. Con tin nơi Mẹ. Mẹ đã dùng một phép lạ cả thể để trả lời cho nghi ngờ của con. Con chưa biết nhận ra phép lạ và còn tiếp tục hồ nghi. Nhưng ước muốn lớn lao nhất và khát vọng thâm sâu nhất của lòng con, là đạt đến niềm tin”.
Đó là lời cầu xin tha thiết của Alexis Carrel (1873-1944) , bác sĩ trẻ tuổi người Pháp, tại đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức, vào một đêm khuya vắng trong năm 1903, sau khi chứng kiến phép lạ một thiếu nữ được khỏi bệnh.
Alexis Carrel sinh tại Lyon, miền Bắc nước Pháp, trong gia đình Công Giáo đạo đức. Alexis mồ côi cha năm lên 4 tuổi và được mẹ giáo dục trong niềm kính sợ Thiên Chúa. Nhưng khi lớn lên và trở thành sinh viên xuất sắc, Alexis bỗng đánh mất niềm tin Công Giáo đơn sơ trong tuổi thơ. Việc Alexis mất Đức Tin, một phần cũng do ảnh hưởng của chủ thuyết duy vật vô thần, rất thịnh hành trong xã hội Âu Châu vào những thập niên cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.
Năm 30 tuổi, Alexis Carrel trở thành bác sĩ và giáo sư giải phẫu học nổi tiếng của phân khoa y học đại học Lyon. Một ngày trong năm 1903, giáo phận Lyon tổ chức cuộc hành hương Lộ Đức dành riêng cho các bệnh nhân.
Vì bị ngăn trở vào phút chót, một bác sĩ bạn nhờ bác sĩ Carrel thay thế mình trong việc tháp tùng các bệnh nhân. Bác sĩ Carrel miễn cưỡng nhận lời, nhưng tận thâm tâm, ông vui mừng vì được dịp nhạo cười và chỉ trích tại chỗ những chuyện gọi là “phép lạ Lộ Đức”. Theo ông, đó chỉ là những chuyện nhảm nhí của các tín hữu Công Giáo vô học, ngây thơ và dễ tin!
Trước luận cứ vô thần của ông, một bác sĩ khác, cùng tháp tùng các bệnh nhân trong chuyến hành hương Lộ Đức năm đó, vặn lại: “Nhưng có những trường hợp bị ung thư, lao phổi nặng và bị mù lòa thật sự mà y khoa phải bó tay, lại được khỏi bệnh cách lạ thường, khiến các bác sĩ thuộc đủ mọi quốc tịch – có lòng tin hay không – đều không thể nào giải thích được. Vậy anh nghĩ sao?”
Bác sĩ Alexis Carrel vẫn ngoan cố trả lời: “Chuyện không thể nào xảy ra được! Chắc chắn là các cuộc khám nghiệm không được thi hành nghiêm chỉnh: trước, trong khi, và sau khi khỏi bệnh.. Cho tới giờ phút này, các phép lạ chưa được nghiên cứu một cách khoa học. Ngoài ra, chấp nhận phép lạ tức là chấp nhận sự kiện một cách ngu xuẩn, bởi vì, luật lệ thiên nhiên bất biến.. Tuy nhiên, trước một sự kiện tỏ tường, chắc chắn người ta bị bó buộc phải công nhận. Do đó, nếu tôi tận mắt chứng kiến một sự kiện, hẳn tôi sẽ cúi đầu chấp nhận”.
Lời thách thức của bác sĩ Alexis Carrel, được chính Đức Mẹ trả lời.
Trong chuyến hành hương, bác sĩ Carrel được giao nhiệm vụ chăm sóc cách riêng một nữ bệnh nhân tên Marie Ferrand, 24 tuổi. Cô bị bệnh lao phổi ở vào thời kỳ chót và còn mắc thêm chứng bệnh sưng màng bụng đau đớn. Các bác sĩ bó tay và cô nằm chờ chết. Nhưng cô có một nguyện vọng sau cùng là được hành hương Lộ Đức. Lời van nài của cô được chấp thuận.
Chuyến đi lại càng làm cho bệnh tình của cô nặng thêm. Khi đến Lộ Đức thì hầu như cô chỉ còn thoi thóp thở. Bác sĩ Carrel đặc biệt chăm sóc cô và ông thấy rõ rằng, cô ta có thể tắt thở bất cứ lúc nào. Ông nói với bác sĩ bạn: “Nếu cô này được khỏi bệnh thì thật là một phép lạ. Lúc đó tôi sẽ tin và sẽ cắt tóc đi tu làm thầy dòng!”
Người ta định mang cô Marie Ferrand xuống hồ tắm, nhưng vì bệnh tình trầm trọng của cô, người ta chỉ dùng nước suối Lộ Đức thoa rửa trên người cô. Bác sĩ Carrel luôn luôn đứng bên cạnh cô. Ông thầm thì: “Ôi ước gì, con được giống như những tín hữu Công Giáo đáng thương này, biết tin tưởng vào quyền lực chữa trị của nước suối Đức Mẹ. Xin Mẹ hãy chữa lành cô thanh nữ này vì cô quá đau đớn. Xin Mẹ cho cô ta sống thêm một thời gian nữa và xin cho con được có Đức Tin”.
Bỗng chốc, bác sĩ Alexis Carrel trông thấy rõ ràng bệnh nhân đang hồi sinh. Gương mặt cô gái từ từ trở nên hồng hào, nhịp mạch, nhịp tim đập trở nên bình thường, và cái bụng phình to tướng, đang từ từ xẹp xuống. Hiện tượng lạ lùng đó diễn ra trong vòng 20 phút. Đúng 3 giờ chiều, cô Marie Ferrand nói lớn tiếng: “Con đã được khỏi bệnh”.. Người ta mang đến cho cô một ly sữa, cô cầm lấy và uống như một người bình thường.
Trước sự kiện hiển nhiên đó, bác sĩ Alexis Carrel đành chấp nhận: “Một hiện tượng bất ngờ, không thể nào xảy ra, nhưng đã thực sự xảy ra. Đây chính là một phép lạ”.
Từ sau phép lạ tại Lộ Đức năm 1903 đó, bác sĩ Alexis Carrel đã từ từ trở về với Đức Tin Kitô và qua đời vào năm 1944.
Lúc sinh thời, bác sĩ Alexis Carrel đã tiến cao trên đài danh vọng, đã lãnh giải thưởng Nobel về y khoa. Nhưng khi chết, ông đã tắt thở trong niềm tin đơn sơ của một đứa trẻ. Quả thật, hạnh phúc thay cho người có Đức Tin!!
.. (Albert Bessières, “Le Voyageur de Lourdes: ALEXIS CARREL”, Collection Convertis du XXè Siècle, Belgique, 1952).