Những thế kỷ đầu Kỷ Nguyên Kitô, khi Kitô Giáo truyền vào Bắc Phi – thuộc địa đế quốc La Mã – lịch sử Giáo Hội ghi bằng những trang vừa hào hùng vừa đẫm máu. Một trong những trang ấy là cuộc tử đạo của Maximilien, chàng trai Kitô 21 tuổi.
Thân phụ Maximilien là ông Fabius Victor, binh sĩ Bắc Phi từng phục vụ lâu năm trong đội quân hoàng đế La Mã. Ngày ông về hưu cũng là ngày đứa con trai út đến tuổi thi hành quân dịch. Với tư cách là người phục vụ thâm niên ông được quyền xin cho quý tử ít nhiều đặc ân. Chẳng hạn: sớm thăng chức, đồn trú gần gia đình v.v.. Tương lai sáng lạn của Maximilien đang mở ra trước mắt ông Victor. Thế nhưng con trai không có cùng mơ ước như thân phụ. Chàng có quan niện và xác tín tôn giáo quá sâu đậm khiến chàng thấy rõ rằng, phục vụ trong quân đội của hoàng đế tức là phản bội Đức Tin Kitô. Làm sao chàng có thể cầm súng giết người khác, khi chàng là tín hữu Kitô, là quý tử của hòa bình? Thêm vào đó ngày nhập ngũ, chàng phải tuyên thệ tôn thờ hoàng đế. Ngày sinh nhật hoàng đế, chàng phải đốt hương tế hoàng đế. Đây là thủ tục của kẻ ngoại giáo chứ không phải của người Công Giáo xác tín như chàng. Chàng cương quyết từ chối. Sau đây là những câu đối đáp giữa quan lãnh sự La Mã tên Dion và chàng trai Kitô tên Maximilien.
– Anh tên gì?
– Tại sao quan muốn biết tên tôi? Tôi không được phép thi hành quân dịch, vì tôi là tín hữu Kitô.
Dion ra lệnh cho viên sĩ quan đứng cạnh:
– Hãy bắt đầu các thủ tục ghi lý lịch, đo chiều cao, trọng lượng v.v.
Thấy viên sĩ quan bắt đầu thi hành, chàng trai khẳng khái phản đối:
– Tôi không thể thi hành quân dịch, tôi không thể làm điều xấu bởi vì tôi là tín hữu Kitô!
– Anh phải tuân lệnh, nếu không anh phải chết.
– Tôi không tuân lệnh. Hãy chém đầu tôi đi. Tôi không phục dịch thế gian nhưng chỉ phụng thờ một mình Thiên Chúa của tôi.
– Ai mà lại có thể đặt vào đầu anh mấy cái tư tưởng này vậy?
– Đó là ý muốn của tôi và của Đấng đã gọi tôi.
Quan liền quay sang cầu cứu với người Cha già đang đứng cạnh đứa con trai:
– Hãy khuyên bảo con ông đi.
Ông cụ đáp:
– Con tôi biết điều nó phải làm. Nó có lý trí của nó.
Quan lại nói với Maximilien:
– Phải thi hành quân dịch và để cho người ta chuẩn bị thẻ cho anh.
– Không. Tôi không nhận thẻ, bởi vì tôi đã có thẻ của Đức GIÊSU KITÔ, Chúa của tôi.
– Ta sẽ cho ngươi đi theo Chúa KITÔ của ngươi tức khắc bây giờ.
– Càng tốt. Xin quan cứ ra lệnh, vì đây là vinh quang của tôi.
Quan ra dấu cho viên sĩ quan ghi tên tuổi chàng trên tấm thẻ bằng đồng..
Maximilien lớn tiếng phản đối:
– Tôi sẽ không chấp nhận thẻ của thế gian. Tôi là tín hữu Kitô. Nếu quan ra lệnh đặt nó trên người tôi, tôi sẽ bẻ gãy nó, bởi lẽ nó chả có giá trị gì. Tôi không được phép mang nơi cổ tấm thẻ có ghi lời quân thệ và tên tuổi tôi. Tôi đã nhận tấm thẻ cứu độ của Chúa GIÊSU KITÔ, Con Thiên Chúa Hằng Sống. Quan không biết Ngài là ai, nhưng chính Ngài đã chịu đau khổ để cứu chuộc chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi. Chính Ngài mà chúng tôi, mọi tín hữu Kitô, phải phục dịch và tôn thờ. Chúng tôi phải bước theo chân Ngài, Đấng là Hoàng Tử của Sự Sống và là Chủ Tể của ơn cứu độ.
Quan tiếp tục ra lệnh:
– Phải thi hành quân dịch, nhận mang thẻ, nếu không ngươi phải chết thảm thương. Hãy nhớ rằng ngươi còn trẻ, tương lai còn dài.
Maximilien trả lời:
– Tôi không chết đâu. Tên tôi đã được ghi vào sổ của Chúa rồi. Tôi không thể phục dịch ai khác ngoài Thiên Chúa.
Quan tức giận nói lớn:
– Bởi vì ngươi từ chối tuân lệnh trong tinh thần phản loạn, nên ngươi phải lãnh án tử tương xứng với tội ngươi, để làm bài học cho người khác. Ta ra lệnh ngươi phải bị chém đầu.
Maximilien đáp: “Tạ ơn Chúa”.
Năm đó Maximilien được 21 tuổi, 3 tháng, 18 ngày. Trên đường đi đến nơi bị chém, chàng nói với những người có mặt:
– Anh em thân mến, với trọn sức lực, trọn niềm ao ước, hãy mau mau về với Chúa, để Ngài ban cho anh em triều thiên chiến thắng tương tự. Maximilien thưa với thân phụ:
– Xin Cha hãy cho người lý hình bộ quân phục mới mà Cha đặt may cho con. Như thế, con sẽ được nhận nơi Cha phần thưởng bội hậu và chúng ta sẽ cùng nhau vui hưởng hoan lạc bên tòa Chúa.
(“SAINTS ANCIENS D’AFRIQUE DU NORD”, Mgr. Victor Saxer, TPVaticana 1979, trang 117-124).