Một ngày trong năm 1944, nơi một nữ đan viện ở Ba Lan, nữ tu Olga nói một hơi với người đàn ông đang cuốc đất:
– Chúa ơi! Chắc cô ta uống trọn gói thuốc ngủ. Sáng nay mấy chị thấy cô ta nằm bất tỉnh nơi chân cầu thang. Chị Agnès đã tức tốc rửa ruột và làm mọi sự cần thiết. Hiện tại cô thoát hiểm nguy. Nhưng chúng con bị một cú hú hồn! Rất may cô ta chưa chết. Nếu không chắc chúng con bị tình nghi tội giết người. Đâu ai tin cô ta uống thuốc tự tử! Bởi lẽ cô là nữ quân nhân Nga .. mà là nữ quân nhân có cấp bậc nữa chứ! Chúa ơi!
Người làm vườn lẳng lặng nghe chị Olga nói. Chị tỏ ra xúc động thực sự. Người đàn ông không ai khác là Cha Gioan. Trước đó Cha bị quân Đức cấm thi hành chức vụ Linh Mục. Giờ đây tới phiên quân Nga. Cha đành cải trang làm người giúp việc cho nữ đan viện. Như thế, Cha có thể kín đáo thi hành chức vụ và dâng Thánh Lễ cho các nữ tu ..
Cha Gioan bình tĩnh thầm thì:
– Để tôi đến thăm cô ta!
Chị Olga giật nẩy mình vội vàng chặn đường:
– Không được đâu Cha ơi! Làm thế là Cha tự nộp mình! Ở đây không ai biết Cha là Linh Mục. Hơn nữa cô ta mù tịt về tôn giáo. Cô ta chỉ tò mò về cách sống của chúng con thôi. Có lần cô ta hỏi tại sao chúng con đội lúp và mang nhẫn? Rồi cô hỏi Đức Chúa GIÊSU KITÔ có hiện hữu thật hay do trí óc con người tưởng tượng ra? Một ngày chị Sophie bắt gặp cô ta đứng trước bức tượng Đức Mẹ Lộ Đức. Khi trông thấy chị Sophie cô ta lúng túng hỏi: ‘‘Bà này sao trông giống các chị quá! Có phải là bia mộ không?” Cha thấy chưa, thôi Cha đừng mất giờ với cô ta! Điều quan trọng là phải cứu cô ta, rồi để cô ta đi. Để cho cô ta đi đi, chứ ở đây, cô ta cứ theo dõi dò xét chúng ta từng li từng tí!
Cha Gioan không đáp lại lời nào. Cha cẩn thận thu xếp cuốc, xẻng, thùng tưới nước. Cha mĩm cười nói:
– Dĩ nhiên phải cứu cô ta. Vì thế tôi cần phải đến gặp cô ta ngay!
Khi Cha Gioan đến dãy nhà dành cho người bệnh thì chị Agnès vội vàng ra gặp Cha:
– May quá, Cha đến thật đúng lúc. Cô ta vừa tỉnh lại và khóc như mưa. Mời Cha vào.
Cha Gioan đẩy nhẹ cửa bước vào. Cô thiếu nữ đang dụi đầu vào gối khóc nức nở. Cha Gioan đến gần đặt tay trên trán cô. Cô gái giật mình mở to đôi mắt kinh ngạc nhìn Cha. Cha nhẹ nhàng nói bằng tiếng Nga:
– Cô đừng sợ. Tôi đến để cứu cô. Nhưng trước tiên, xin cô cho biết quý danh.
Nữ quân nhân Nga nhìn Cha với dáng điệu nghi ngờ .. Dầu vậy cô cũng đáp:
– Tôi tên Katia. Nhưng ông hỏi để làm gì?
Cha hiền từ đáp:
– Chúng ta dễ nói chuyện hơn khi biết tên nhau. Tôi là Cha Gioan, nghĩa là một ‘‘Linh Mục chui”!
Cô Katia đanh nét mặt lại:
– Ông không biết tôi có thể bỏ ông vào tù sao?
Cha Gioan gật đầu nói có. Nhưng Cha vẫn bình tĩnh tiến đến mục tiêu. Cha nhẹ nhàng hỏi:
– Sao Katia lại làm thế?
Cô gái e thẹn, vừa lấy chăn che mặt vừa trả lời:
– Bởi vì tôi cảm thấy xấu hổ và ghê tởm chính mình!
Cha Gioan không nói gì. Cha khoanh tay đứng im. Ngạc nhiên trước thái độ lặng thinh của vị Linh Mục, Katia nói tiếp:
– Ông biết tôi là ai không? Một cô gái mãi dâm! Hay nói đúng danh xưng: nữ quân nhân hộ lý! Ngày và đêm tôi trở thành dụng cụ cho quân lính đùa chơi, hưởng lạc! Ngày còn bé tôi mơ ước một gia đình có vợ chồng con cái. Giờ đây giấc mộng tan biến. Trước khi đến đây, tôi không hề biết rằng: có những phụ nữ giữ mình đồng trinh và không kết hôn. Tôi được gửi đến đây để theo dõi, canh chừng và dò xét mọi người rồi báo cáo với đảng. Tôi quan sát mọi nơi mọi xó trong nhà này. Đây là thế giới tôi chưa hề biết. Một thế giới có an bình, thanh khiết ngự trị. Nhưng kể từ đó tôi cảm thấy tự ghê tởm chính mình ..
Một thoáng reo vui xuyên qua ánh mắt chĩu nặng ưu tư của Cha Gioan. Cha nói nhanh:
– Tạ ơn Chúa. Katia à, nếu cô muốn, cô cũng có thể trở thành trắng tinh tuyệt đẹp như các nữ tu. Cô tự tử vì cô cảm thấy mình nhơ nhuốc. Nhưng Katia có biết trong Đạo Công Giáo có bí tích rửa tội không? Phép rửa sẽ làm cho linh hồn cô trở nên trong trắng không tì vết …
Cô nữ quân nhân hộ lý Nga lẳng lặng nghe vị Linh Mục Công Giáo Ba Lan giảng giải đạo lý. Cô hiểu và xin lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Cô gia nhập Giáo Hội Công Giáo, Thánh Thiện, Duy Nhất và Tông Truyền.
(Maria Winowska, ”Les Voleurs de Dieu”, Éditions Saint-Paul, 1989, trang 81-86).