PHỤ NỮ CÔNG GIÁO NHẪN NHỤC

Marie Gendron là nữ y tá Công Giáo. Sau 15 năm hành nghề, cô được chỉ định điều khiển “Trung Tâm Dưỡng Lão Georges-Hébert” ở Jonquière thuộc tỉnh Québec nước Canada.

Trong nhiệm vụ tế nhị, Marie Gendron có dịp tiếp xúc thật gần với các vị cao niên. Cô thương yêu và giúp các vị sống tháng ngày cuối đời trong an bình thanh thản. Năm 1985, Marie Gendron cho ra đời cuốn sách tựa đề “Tout l’amour du monde – Trọn tình yêu thế giới”. Tác phẩm bộc lộ tấm lòng ưu ái nàng dành cho người già. Trong số các cụ già, nổi bật khuôn mặt cụ bà Clara, 84 tuổi. Marie Gendron viết.

Cụ bà Clara dáng người mỏng mảnh như sợi chỉ. Ngay buổi gặp gỡ đầu tiên ngày cụ dọn đến Trung Tâm, tôi hiểu mình phải cư xử thật dịu dàng và tế nhị với cụ. Nhìn dáng điệu cụ, tôi cũng đoán biết cụ dấu ẩn dĩ vãng cuộc đời sau đôi kính râm và sau chiếc áo rộng phủ kín người! Cuộc tiếp xúc diễn ra trong lễ độ, xã giao thường lệ. Cụ xưng “tôi” và gọi tôi bằng ”cô”. Tôi cảm thấy như cụ đã từng chịu quá nhiều đau khổ, giờ đây chỉ mong hai chữ “bình an”. Cảm nhận điều này khiến tim tôi đau nhói! Tôi tự hỏi: “Liệu rồi đây chúng tôi có thể trao đổi tâm tình tư tưởng với nhau được không?”

Hôm sau ngày đến Trung Tâm, cụ Clara gọi tôi đến phòng cụ. Sau khi cẩn thận khép kín cửa, cụ lạnh lùng trình bày cho tôi rõ về tình trạng sức khoẻ của cụ. Cụ nói:

– Tôi bị ung thư vú. Toàn bộ ngực tôi bị chứng bệnh hoành hành. Tôi tự băng bó vết thương. Tôi không nuốn ai xen vào. Rồi đây tôi sẽ theo phương pháp trị liệu hóa học. Nhưng hiện tại tôi quyết định dời lại một thời gian, vì bây giờ tôi quá mệt. Tôi sẽ báo cho cô rõ khi nào tôi có thể theo được phương pháp chữa trị này.

Tôi lắng nghe cụ bà Clara nói mà cảm thấy lạnh xương sống. Tôi thán phục nhìn cụ. Thì ra bên trong thân xác già nua mảnh khảnh, chứa ẩn bản lĩnh can cường, quen giữ riêng cho mình tất cả những đau khổ khốn khó.. Tôi lẳng lặng chấp nhận quyết định của cụ, lòng nhủ lòng, với thời gian và sự dịu dàng, mình sẽ tiếp xúc với cụ sâu xa hơn..

Từ ngày đó, tôi thường đến thăm cụ bà Clara vào mỗi chiều, sau khi thu xếp xong mọi công việc. Tôi đến đó gọi là “cho có bạn” trong khi chờ đợi bữa ăn tối, nhưng nhất là chờ đợi bức tường ngăn cách giữa chúng tôi sụp đổ ..

Một buổi chiều, cụ Clara nói với tôi:
– Vết thương nơi ngực tôi chảy máu.
Tôi nhẹ nhàng đáp:
Nếu cụ cho phép, chắc là cháu có thể giúp cụ?

Hôm đó cụ thật kiệt sức, nên nằm dài trên giường.. Và đây là lần đầu tiên, cụ bằng lòng để cho tôi săn sóc vết thương nơi ngực cụ.. Khi trông thấy vết thương, tôi thật kinh hãi. Trong 15 năm hành nghề y tá, tôi chưa từng trông thấy một vết thương nào như thế cả. Cụ thều thào:
– Trông thật xấu xí phải không?

Tôi bàng hoàng xúc động đến độ không thốt nên lời nào! Tôi ôm chặt khuôn mặt cụ trong đôi bàn tay. Cụ cảm nhận nỗi xúc động của tôi. Thế là nước mắt cụ chảy dài. Cụ khóc như chưa bao giờ được khóc.. Bao buồn đau tủi nhục ẩn kín tuôn trào .. và bức tường ngăn cách giữa chúng tôi cũng sụp đổ. Giờ đây chúng tôi chỉ là hai phụ nữ, cùng thông cảm nỗi khổ của nhau..

Một buổi tối, cụ bà Clara ngồi chờ tôi. Cụ dọn sẵn hai chiếc ghế, xếp cạnh nhau và tay cầm một chiếc hộp sờn mòn, cũ kỹ. Đưa chiếc hộp cho tôi cụ nói:
 Maria, chiếc hộp này đựng những bản kinh hay nhất mà lão gom góp cất giữ từ mấy chục năm qua. Nhưng bây giờ lão không đọc được nữa. Cháu làm ơn đọc cho lão nghe.
Tôi hỏi lại:
– Cụ muốn cháu đọc kinh nào: Kinh kính thánh nữ TÊRÊSA Hài Đồng GIÊSU? Hay kinh kính Đức Mẹ FATIMA? Hay là kinh cầu với Thánh Cả GIUSE? Hay là kinh dọn mình chết lành? Cụ muốn cháu đọc kinh nào?
Cụ nhẹ nhàng nói:
– Kinh nào cũng được hết Maria à. Kinh nào lão cũng thích và cũng thường đọc. Tôi bắt đầu lấy kinh ra và đọc. Cụ Clara chắp tay lại và kề tai sát vào tôi để nghe. Từ từ tôi cảm thấy cụ đặt đầu trên vai tôi, và cứ sau mỗi kinh, cụ nhẹ nhàng thưa “AMEN” ..

Sau buổi tối đáng ghi nhớ ấy, cụ bà Clara mới thổ lộ cho tôi biết về dĩ vãng của cụ. Cụ kể:

– Lão trốn khỏi nhà năm 14 tuổi, vì không chịu được sự đánh đập tàn nhẫn của người cha hung ác. Lão đến làm đầy tớ cho gia đình vị thẩm phán ở Québec. Chính khi đó lão được gọi là Clara. Trước đó lão tên là Ernestine. Nhưng vì trùng tên với bà thẩm phán nên bà quyết định đổi tên lão là Clara.. Bà thẩm phán chỉ dạy lão đủ điều.. Nhưng rồi lão không may lập gia đình với một người đàn ông nghiện rượu.. Cháu biết không, từ đó, lão dành trọn tình thương của mình cho con cái! ..

Ở tại trung tâm dưỡng lão một thời gian ngắn thì cụ Clara ngã bệnh nặng. Cụ nói: ”Đây là lúc thuận tiện để ra đi”.. Cụ êm ái trút hơi thở sau cùng mà không làm phiền hà bất cứ ai..

(”Reader’s Digest SÉLECTION”, Septembre/1985, trang 69-70).

Chia sẻ Bài này:

Related posts