Ngày 22-8-1914, tức gần một tháng sau ngày thế chiến thứ nhất bùng nổ (28-7-1914), đội pháo binh Pháp giao chiến với quân Đức tại một nơi gần làng Rossignol, vương quốc Bỉ. Cuộc giao tranh thật dữ dội, binh sĩ gục ngã như rạ, nhưng quân Pháp quyết chống trả đến cùng..
Đứng gần súng đại bác, một sĩ quan trẻ tuổi điềm tĩnh thi hành sứ vụ. Gương mặt anh nhợt nhạt. Bỗng một viên đạn bắn xuyên đầu, anh gục xuống. Máu chảy nhuộm đỏ mái tóc anh. Hai sĩ quan khác vội vàng chạy đến bên anh. Nhưng anh đã trút hơi thở cuối cùng. Trên cánh tay phải, người ta thấy quấn chặt tràng chuỗi Mân Côi. Bên trong chiếc áo lót của anh có bộ Áo Đức Bà Thánh Đaminh. Và trên cổ anh, lấp lánh sợi dây chuyền với tượng Thánh Giá Chúa GIÊSU bằng vàng..
Sĩ quan tử thương đó chính là Ernest Psichari (1883-1914) .
Ernest Psichari chào đời tại Paris trong một gia đình, lẫn lộn đủ mọi giòng máu và tôn giáo. Thân sinh là ông Jean Psichari, người Pháp và theo Chính Thống Giáo. Thân mẫu là bà Noémie Renan, mang hai giòng máu Hòa Lan và Pháp, với hai tôn giáo: Công Giáo và Tin Lành.. Do đó, cậu bé được rửa tội theo Chính Thống Giáo với công thức: “Ernest được rửa tội nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.. Nhân dịp này, bà nội làm quà cho cháu dây chuyền và ảnh Thánh Giá bằng vàng.. Bà mẹ cậu bé cẩn thận cất vào hộp đồ trang sức. Và nghi lễ tôn giáo chấm dứt. Từ đó, cậu bé lớn lên không hấp thụ nền giáo dục nào khác về phương diện tôn giáo.
Trong thời thơ ấu, Ernest Psichari chịu ảnh hưởng tinh thần rất lớn của ông ngoại, văn sĩ và sử gia nổi tiếng của Pháp vào thế kỷ 19. Đó là ông Ernest Renan (1823-1892). Ông Renan cũng là thành viên Hàn Lâm Viện Pháp.
Về phương diện văn chương, ông Renan đạt đỉnh cao danh vọng. Nhưng về phương diện tôn giáo, có lẽ ông là người đáng thương, vì không những ông đánh mất Đức Tin Công Giáo của chính mình, mà còn kéo theo những người đương thời cũng như những thế hệ đến sau, đi vào con đường phản tôn giáo, chống lại Thiên Chúa, bằng những triết thuyết duy vật của ông.
Trong bầu khí vô thần đó, cậu bé Ernest Psichari lớn lên và đi vào thế giới văn chương.. Năm 1898, tức năm tròn 15 tuổi, chàng thiếu niên Ernest Psichari kết bạn tâm giao với Jacques Maritain (1882-1973), lớn hơn chàng một tuổi. Jacques Maritain sau đó trở thành triết gia Công Giáo tên tuổi.
Cuộc kết nghĩa huynh đệ đem lại cho Psichari lợi ích tinh thần lớn lao. Nhưng về phương diện tình cảm quả là thảm họa. Bởi vì, chàng thanh niên hào hoa Psichari bỗng si tình người chị gái của bạn, hơn mình đến 7 tuổi.. Duyên nợ không thành, khiến Psichari thất tình, hai lần uống thuốc quyên sinh. May mắn thay, cả hai lần đều có người cứu kịp. Sau đó, chàng Psichari đăng tên vào lính và tình nguyện sang phục vụ bên Phi Châu.
Cuộc đời binh nghiệp nơi vùng trời Phi Châu dần dần đưa chàng trai si-tình trở về với Thiên Chúa. Chàng khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong Vũ trụ vạn vật và nhất là, trong cuộc đời chàng.
Năm 1913, khi trở về Paris và gặp lại bạn hiền Jacques Maritain, Ernest Psichari xin bạn giúp đỡ và đưa vào Giáo Hội Công Giáo. Chính cha Clérissac, linh mục dòng Đaminh, đã dẫn dắt và hướng dẫn Psichari trên con đường hoán cải.
Khi tìm lại Đức Tin Kitô, cùng lúc, Psichari cũng tìm thấy lòng kính mến đối với Trinh Nữ MARIA. Trong tác phẩm tựa đề: “Les Voix qui crient dans le désert – Những tiếng kêu trong sa mạc”, Ernest Psichari viết:
“Thân Xác Vinh Hiển trên Trời của Chúa GIÊSU, là Thân Xác Ngài lấy từ Thân Xác của Trinh Nữ MARIA. Giống như tia sáng mặt trời xuyên qua thủy tinh không làm vỡ hay hư hại, việc Chúa sinh ra từ Đức MARIA cũng không hủy hoại đức trinh khiết của Mẹ Ngài. Từ Evà chúng ta trở thành con cái của thịnh nộ nhưng nhờ Trinh Nữ MARIA, chúng ta trở thành con cái của Ơn Thánh. Bà Evà hạ thấp con cái, trái lại, Trinh Nữ MARIA, qua Chúa GIÊSU KITÔ, đã nâng cao con người lên hàng con cái Thiên Chúa”.
(Jean Barbier, “CONVERTIS PAR MARIE”, Editions Saint Paul, 1993, trang 147-157).