Sống Thánh Thiện và Khiết Tịnh trong Hôn Nhân

Ông Henri Coffignal là tín hữu Công Giáo sống tại Lộ Đức. Ông viết:

Tháng 7 năm 1968, khi Đức Phaolo 6 (1963-1978) ban hành thông điệp “Humanae Vitae – Sự Sống Con Người”, nhắc lại những nguyên tắc luân lý nền tảng trong vấn đề ngừa thai nhân tạo, dư luận thế giới bỗng trở nên xôn xao chấn động. Người đồng ý thì ít mà kẻ phản đối thì nhiều. Lý do giản dị chỉ vì con người đã đánh mất quan niệm đúng đắn về hôn nhân, gia đình, và nhất là về giá trị của sự sống.

Phải thành thật thú nhận rằng, từ lâu, nhiều người có những phán đoán sai lầm về đời sống hôn nhân. Các sai lầm ấy khiến chúng ta liên tưởng đến một giáo phái ở thời Trung Cổ, phát xuất tại miền Trung nước Pháp. Giáo phái này gieo rắc những khinh thị đối với đời sống lứa đôi. Họ cho rằng, hôn nhân chỉ là giải pháp bất đắc dĩ cho những ai không đủ sức sống độc thân và giữ khiết tịnh. Thậm chí họ còn coi hôn nhân như là một cạm bẫy. Người ta còn nhớ giai thoại sau đây dưới thời Đức Giáo Hoàng Pio 9 (1846-1878). Ông Frédéric Ozanam (1813-1853) là một giáo dân nhiệt thành người Pháp và là người sáng lập Hiệp Hội bác ái thánh Vinh Sơn Phaolo. Cuộc đời ông đầy những công tác bác ái tông đồ và chu toàn nghĩa vụ của một giảng sư đại học. Ngày ông Frédéric từ trần, một vị Hồng Y trong giáo triều Roma, sau khi đưa tin cho Đức Giáo Hoàng Piô 9 biết, vị Hồng Y nói thêm: “Cuộc đời ông Frédéric đúng là cuộc đời của một vị thánh. May mắn là ông biết cách thoát khỏi cạm bẫy của hôn nhân!” Nghe xong, Đức Piô 9 hóm hỉnh đáp lại: “Thật vậy sao? Thế mà tôi không biết rằng, Đức GIÊSU KITÔ, Chúa chúng ta, đã lập 6 bí tích, cộng thêm với một “cạm bẫy!”

Hôn nhân không phải là phối hợp của hai người nam nữ để hưởng lạc, nhưng là con đường thánh hóa, con đường để đôi vợ chồng cùng giúp nhau nên thánh. Vì thế trong hôn nhân, tình yêu phải được đặt lên hàng đầu, bởi vì tình yêu đích thực giúp đôi bạn phát triển toàn vẹn. Khi yêu nhau thật, người ta tìm ra được trăm phương ngàn cách để bày tỏ cho nhau, trong đó có sự phối hợp giữa hai tâm hồn và hai thể xác. Tình yêu chân chính cũng giúp đôi bạn biết sống chừng mực, biết giữ tiết độ trong mối liên hệ vợ chồng. Khi đôi vợ chồng biết tiết chế, là dấu chứng hai người biết tôn trọng và trao cho nhau một tình yêu cao cả, vượt lên trên ngôn ngữ của thể xác.. Trong đời sống hôn nhân, đôi bạn cũng được mời gọi thực thi nhân đức khiết tịnh. Nhân đức khiết tịnh sẽ giúp đôi vợ chồng thoát khỏi sợi dây nô lệ của tình dục. Hai người sẽ bỏ qua những chi tiết nhỏ mọn, để chỉ lưu tâm đến điều chính yếu, đến nét cao cả của nếp sống hôn nhân Kitô.

Hôn nhân là con đường của thánh hóa, đồng thời cũng là con đường của khó khăn và đầy dẫy chông gai.

(“MISSI”, 5/1969, trang 189).

Chia sẻ Bài này:

Related posts