Joseph là thiếu niên Công Giáo người Caméroun, 14 tuổi. Cậu đã học xong bậc tiểu học tại trường làng. Cha cậu muốn cậu rời quê ra tỉnh Douala tiếp tục việc học để sau này có thể kiếm được việc làm trong các công sở, bàn giấy. Cha cậu làm việc ở Douala và người anh cả cũng theo học tại đây. Joseph đang sống ở làng với Ông Nội. Nhưng bây giờ cậu phải vâng lời thân phụ ra tỉnh tiếp tục việc học. Joseph kể lại:
Đêm cuối cùng trước khi rời làng ra tỉnh, chú tôi chuẩn bị hành lý cho tôi. Sau cơm tối, các em tôi đi ngủ, chỉ còn lại mình tôi với Ông Nội. Ông tôi buồn bã nhìn tôi và nói: “Lại thêm một thằng thứ ba nữa bỏ nhà ra đi. Một chiếc răng sâu làm hư các răng khác bên cạnh!” Nội muốn ám chỉ việc lây bệnh ham học của cha con chúng tôi. Chăm chú nhìn tôi, Nội nói: “Mày cũng vậy, mày lại bắt chước Ba mày và anh mày. Tao không hiểu tại sao tụi mày mất thì giờ miệt mài đọc và viết, giống như mấy người da trắng đang ở xứ mình, họ chẳng biết nhảy múa như chúng ta, cũng không biết sử dụng cung tên như chúng ta. Mày không bao giờ học xong, học đủ. Mày phải mất đến hơn 10 năm mới tìm được chỗ làm trong một bàn giấy. Và trong thời gian này mày lại quên ông bà, cô chú, gia đình, làng mạc, những trò chơi và bạn bè của mày. Tục ngữ ta có câu: “Khi nào có quá nhiều cái để nhặt, người ta bị đau lưng’!”
Lời Nội nói làm tôi mông lung nghĩ ngợi. Thật thế, tôi học chỉ vì Ba tôi tham vọng muốn cho tôi có chỗ làm giống như Ba. Tôi nghĩ thầm: “Có lẽ Ba mình không còn biết gì về phong tục của quê hương xóm làng. Vậy tôi có nên bắt chước Ba không?” Tôi thưa với Nội: “Nội à, cháu không bắt chước mấy người da trắng đâu. Nhưng đàng nào cháu cũng phải có một nghề trong tương lai”. Nội tôi nói gằn: “Dĩ nhiên là một nghề nơi bàn giấy”. Tôi không biết trả lời sao với Nội. Nội muốn gì đây? Chẳng lẽ bây giờ tôi phải bỏ dở việc học sao? Chắc chắn là không! Bỗng một tư tưởng vụt loé lên trong đầu tôi. Tôi vui vẻ thưa với Nội: “Nội à, cháu ra đi là để trở về. Cháu sẽ về giúp ông Lodé, vị thầy giáo của trường tiểu học làng ta. Cháu sẽ dạy học giống như thầy Lodé. Cháu thấy thầy Lodé biết rõ các tập tục của làng. Ngày trước thầy cũng đi học với người da trắng, nhưng học xong thầy trở về làng và dạy học ở đây. Cháu sẽ làm y như thầy Lodé”. Nội tôi mừng rỡ nói lớn: “Phải rồi, phải rồi, tốt lắm. Chúa ơi! Tốt lắm. Cháu phải làm y như vậy. Cháu đã tìm ra con đường thật đúng!” Quả thật Nội tôi vô cùng mừng rỡ và cảm động.
Đêm đó tôi trằn trọc mãi, không ngủ được. Tôi nghĩ đến bạn bè tôi sắp phải lìa xa. Đến 4 giờ sáng, Nội đến đánh thức tôi dậy và nói: “Cháu sắp lên đường nên Nội sẽ cho cháu tất cả những gì Nội có”. Nội bảo tôi ngồi xuống chiếc ghế, lấy dầu thoa trên trán tôi. Nội xoa thật mạnh và đọc lời cầu chúc: “Ước gì đầu óc cháu thật trắng tinh y như dầu này và ước chi tư tưởng cháu cũng trong sáng như dầu này”. Sau cùng Nội bảo tôi đi thay quần áo chuẩn bị lên đường. Tôi vừa sửa soạn vừa miên man nghĩ về Nội. Nội tôi là tín hữu Công Giáo chính tông. Sao Nội còn giữ các tập tục ngoại giáo của dân tộc? Thắc mắc của tôi không có câu giải đáp, vì tôi phải lên đường.
Sáng tinh sương hôm đó, Nội dẫn tôi ra đầu làng đón chiếc xe đò đầu tiên ra tỉnh. Nội nắm bàn tay tôi, cắn đầu ngón tay tôi và phun nước bọt vào trán tôi. Đối với người Phi châu thì nước bọt cũng giống như hơi thở, nó tượng trưng cho sự sống của một người truyền sang một người khác. Nội lại đeo vào cổ tôi một sợi dây chuyền và vội vàng đẩy tôi lên xe đò. Nội tôi im lặng không nói lời nào, nhưng khuôn mặt Nội thật cảm đông. Bỗng nhiên Nội ngoảnh nhanh mặt đi nơi khác. Tôi hiểu Nội khóc. Tôi cũng vậy, nước mắt tôi chảy nhanh xuống má. Chiếc xe đò từ từ chuyển bánh và tôi rời làng ra tỉnh học tập, để có ngày lại trở về làng, phục vụ dân quê nghèo khổ dốt nát.
… “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Con người cho lối sống của mình là trong sáng, nhưng Thiên Chúa thấu suốt mọi tâm can. Hãy ký thác việc bạn làm cho Thiên Chúa, dự tính của bạn ắt sẽ thành công. Mọi việc Thiên Chúa làm đều có cùng đích riêng.. Đứa kiêu căng làm Thiên Chúa ghê tởm, hẳn nó không thoát khỏi án phạt đâu. Nhờ nhân nghĩa tín thành mà tội được xóa bỏ, nhờ kính sợ Thiên Chúa mà tránh được sự dữ. Khi Thiên Chúa hài lòng về lối sống của ai, Người khiến cả quân thù cũng làm hòa với kẻ ấy. Thà ít của cải mà sống công chính hơn nhiều huê lợi mà thiếu công minh. Tâm trí con người nghĩ ra đường lối, còn Thiên Chúa hướng dẫn từng buớc đi” ( Sách Châm Ngôn 16,1-9).
(“MISSI”, Mars/1969, trang 104).