Trong bài giảng ngày đại lễ kính Đức Mẹ Vô Nhiễm và khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót (8/12/2015), ĐTC Phan-xi-cô thuyết giảng: “Trước hết, Đức Maria đã được thôi thúc để vui mừng về tất cả những gì mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi Mẹ. Ân sủng của Thiên Chúa đã bao phủ Mẹ, và làm cho Mẹ trở nên xứng đáng làm Mẹ Chúa Ki-tô. Đối với Mẹ, khi Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel bước vào nhà Mẹ, một mầu nhiệm thẳm sâu mà nó vượt ra ngoài bất cứ dung lượng nào của trí khôn, cũng đã trở nên nguyên cớ dẫn tới niềm vui, dẫn tới Đức Tin và dẫn tới sự trao hiến trọn vẹn cho Lời vừa được mạc khải cho Mẹ. Sự tràn đầy ân sủng có khả năng biến đổi con tim, và làm cho nó có khả năng thực hiện một bước đi, mà bước đi ấy rất vĩ đại vì nó làm thay đổi lịch sử nhân loại.” (xc. nguồn: Vatican.net).
Trải dài theo lịch sử, Giáo Hội đã tuyên tín 4 tín điều về Đức Mẹ Maria, đó là: 1- Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa do Công Đồng Ê-phê-sô tuyên tín năm 431; 2- Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội do Ðức Chân Phước GH Pi-ô IX tuyên tín ngày 8/12/1854,; 3- Đức Maria Trọn Đời Đồng Trinh do Công Đồng La-tê-ra-nô tuyên tín năm 649. 4- Đức Mẹ Hồn Xác lên Trời do ĐTC Pi-ô XII tuyên tín ngày 01/11/1950. Có thể nói trong 4 tín điều này, thì tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội không tìm được sự thống nhất quan điểm trong thời gian rất dài.
Lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội được cử hành ở Ðông Phương từ thế kỷ thứ VII và ở Tây Phương từ thế kỷ thứ IX. Hầu hết các Giáo Phụ và các thánh (thánh Irênê, thánh Ephraem, thánh Ambrôsiô, thánh Augustinô, thánh Anselmô…) đều tin rằng Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Nhưng trong thời Trung Cổ, thánh Tôma Aquinô, thánh Bônaventura và thánh Albertô Cả tuy vẫn tôn sùng Ðức Mẹ và tin rằng Chúa giữ gìn Mẹ khỏi mọi tội lỗi suốt cả cuộc đời của Mẹ; nhưng không công nhận học thuyết Vô Nhiễm vì các ngài không giải thích được sự liên quan giữa học thuyết này và Tội Tổ Tông với công trình cứu độ chung của Ðức Ki-tô. Hầu hết các nước Tây Phương như Anh, Pháp, Ðức, Ý và Tây ban Nha mừng Lễ Mẹ Vô Nhiễm từ thế kỷ XI và XII. Ðến thế kỷ thứ XV, toàn thể Hội Thánh mừng lễ này. (nguồn: Vatican.net)
Đó là vấn đề mừng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, còn về tín điều thì mãi tới thế kỷ XIX, vào ngày 8/12/1854, bằng sắc lệnh “Ineffabilis Deus”, Đức Chân phước GH Pi-ô IX long trọng tuyên bố: “Với uy quyền của Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô, của hai Thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô, cũng như của riêng Ta, Ta công bố, tuyên ngôn và xác nhận tín điều được mạc khải bởi Thiên Chúa buộc mọi tín hữu phải tin vững vàng và trung kiên là “Rất Thánh Trinh Nữ Maria, ngay từ giây phút đầu thai, nhờ đặc ân của Thiên Chúa toàn năng và công nghiệp của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Thế, đã được gìn giữ vô nhiễm khỏi mọi tì vết của nguyên tội” (TCF:204). Sau đó hơn 3 năm, ngày 25/3/1858, lúc hiện ra với chị thánh Bernadette, chính Đức Maria đã công nhận tín điều này khi tự xưng mình là “Đấng Đầu Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội”. Quả thật đây chính là “cái bước đi rất vĩ đại làm thay đổi lịch sử nhân loại” mà ĐTC Phan-xi-cô khẳng định trong bài giảng nêu trên.
Một câu hỏi được đặt ra: Tại sao Giáo Hội đã khám phá chân lý này muộn nhu vậy? Giáo Hội đã phải trải qua rất nhiều thế kỷ để đạt tới xác tín trên, cũng như về tín điều Đức Maria Hồn Xác Lên Trời. Điều này cũng dễ hiểu: Lý do chính yếu là Thiên Chúa đã muốn loài người phải tập trung sự chú ý vào Đức Ki-tô trước đã, và trong cuộc đời của Đức Ki-tô thì cũng phải chú ý vào các biến cố Tử nạn và Phục sinh trước. Vì thế, lời rao giảng ban đầu, như thánh Phê-rô trình bày trong sách Công vụ, chỉ giới hạn vào “Chúng tôi đi theo Chúa Giê-su suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ khi Người được ông Gio-an làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời. Một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã phục sinh.” (Cv 1, 21-22; 2,14-36; 10, 34-43).
Tuổi trẻ của Đức Giê-su và vai trò của Đức Maria nằm vào hàng thứ yếu. Sách Tin Mừng theo Thánh Mac-cô (được viết vào năm 67-68) chỉ bắt đầu với việc Chúa Giê-su chịu phép rửa tại sông Gio-đan (lúc Người đã 30 tuổi). Vào khoảng năm 80, Thánh Lu-ca mới trình bày Tin Mừng về thời thơ ấu của Chúa (xc. Lc chương 1-2), trong đó lần đầu tiên vai trò và sự thánh thiện của Đức Maria mới được diễn tả rõ ràng. Và chỉ vào cuối thế kỷ thứ I, Tin Mừng theo Thánh Gio-an mới nói tới sự hiện diện của Đức Maria tại tiệc cưới Ca-na và dưới chân thập tự giá trên đồi Can-vê (Ga 2, 1-2; 19, 25-27). Điều đó cho thấy Kinh Thánh trình thuật về Đức Maria vào một thời điểm khá muộn và dành ưu tiên số một cho mầu nhiệm Chúa Ki-tô.
Đó là chưa kể trong các thế kỷ đầu của hoạt động Giáo Hội, các Công đồng phải lo đối phó với các bè rối (quen gọi là lạc giáo), thệ phản, liên hệ đến Thiên Chúa Ba Ngôi và mầu nhiệm Chúa Ki-tô nhập thể. Họ chủ trương “Thiên Chúa chỉ có một ngôi vị ” (monarchianismus); coi Đức Giê-su chỉ là con nuôi của Thiên Chúa (adoptionismus); chỉ có một Thiên Chúa xuất hiện dưới nhiều thể thức khác nhau (modalismus của Sabeliô). Thuyết “Tân Platon” coi Đức Giê-su không phải là Thiên Chúa, nhưng ở dưới quyền của Người và được Người sai đi thực hiện việc cứu con người. Đó là các phe “ngộ đạo” (gnosticismus) và “ảo nhân” (docetismus); kể cả phe A-ri-ô với quan điểm coi Đức Ki-tô là thuộc cấp của Chúa Cha và phải lệ thuộc vào Cha (subordinatio-nismus). Sau cùng, cũng phải nhắc tới một bè rối nữa cho rằng không phải chỉ có một Chúa mà là ba Chúa (tritheismus). (xc “Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi Trong Lịch Sử Giáo Hội” – nguồn: “catechesis.net – http://conggiao.info/).
Vì thế, việc Giáo Hội khám phá rất chậm các sắc thái khác nhau về con người và vai trò của Đức Maria trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa là một sự kiện nằm trong sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa. Riêng đối với đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội thì phải nói là cho đến thế kỷ XIV đa số các nhà thần học vẫn còn e ngại chấp nhận. Các ngài nghĩ rằng tin vào đặc ân ấy là đặt Đức Maria đứng ngoài ơn cứu chuộc của Chúa Ki-tô (theo quan điểm: nếu Đức Maria là đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội thì Mẹ là người không cần được Chúa Ki-tô cứu chuộc nữa). Về vấn nạn làm sao Đức Maria có thể hưởng nhờ ơn cứu chuộc của Đức Ki-tô khi mà Đức Ki-tô chưa sinh ra từ cung lòng Đức Mẹ thì câu trả lời là: trường hợp của Đức Maria chỉ là trường hợp cao trọng nhất trong những ân sủng mà Thiên Chúa đã ban xuống cho loài người trong thời Cựu Ước. Tất cả mọi ân sủng trong thời quá khứ, ít nhất là từ ơn công chính hóa của Abraham, đều có mục đích chuẩn bị cho việc giáng thế của Đức Ki-tô và đều được ban xuống “do việc Thiên Chúa thấy trước các công nghiệp của Đức Ki-tô” (nguồn: vatican.net)
Chung quy thì nguyên do chậm có tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội cũng bởi vì không chỉ ở bên ngoài Giáo Hội, mà ngay cả bên trong Giáo Hội vẫn có những suy nghĩ: “Nguyên tổ loài người đã pham tội, tội đó truyền tử lưu tôn đời đời kiếp kiếp. Đức Maria là con cháu của Nguyên tổ thì làm sao có thể thoát khỏi tội Nguyên tổ cho được?” Lý luận nghe ra có vẻ hợp lý, nhưng đó mới chỉ là những “tư tưởng của loài người, không phải tư tưởng của Thiên Chúa” (Mc 8, 33). Thiên Chúa đã làm những việc vượt quá trí khôn của loài người, nên không thể “suy sự Đức Chúa Trời”, nếu chưa được Người mạc khải cho biết. Vâng, đối với Thiên Chúa thì mọi sự “không thể” đều trở nên “có thể” (“Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được.” – Mt 19, 26). Tất cả đều không ra khỏi sự quan phòng của Đấng Tối Cao, nói cách khác, mọi sự đều đã được tiền định từ trước vô cùng.
Khi Nguyên tổ phạm tội bị trục xuất ra khỏi vườn Địa Đàng (Ê-đen), thì vì Tình Yêu vô hạn, Thiên Chúa đã có ngay kế hoạch Cứu Độ. Thánh Phao-lô đã xác quyết: “sự sa ngã của A-đam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người.” (Rm 5, 15). A-đam xưa đã phạm tội phải xa lìa Thiên Chúa, thì cần phải có một A-đam Mới đem nhân loại trở về với Thiên Chúa. A-đam Mới đó chính là Đức Giê-su Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật. Đã là Thiên Chúa thì tất nhiên không hề có chuyện mắc tội cúa Nguyên tổ loài người, như vậy thì Con Thiên Chúa làm người là Đấng Vô Nhiễm cần phải được sinh ra từ một người Mẹ Vô Nhiễm, và đó chính là E-và Mới Maria Vô Nhiễm Nguyên tội vậy. Sáng tạo cũ dựng nên Nguyên tổ loài người, nhưng A-đam và E-và đã phạm tội, thì E-và Mới hạ sinh A-đam Mới (A-đam cuối cùng) mở ra một kỷ nguyên mới, một sáng tạo mới chan đầy ân sủng của Thiên Chúa toàn năng. Sáng tạo mới không thay thế mà chỉ làm mới lại sáng tạo cũ, nói cách khác, con người được dựng nên bởi sáng tạo cũ đã chết đi thì nay được tái sinh bởi sáng tạo mới.
Như vậy, “Với Đức Maria, người thiếu nữ Sion tuyệt vời sau thời mong đợi đằng đẵng nhờ Thiên Chúa thực hện lời hứa, thời gian đã nên trọn và nhiệm cục mới được thiết lập” (Giáo Lý HTCG, điều 489). Quả thực Đức Trinh nữ Maria Vô nhiễm, Mẹ Thiên Chúa, đã được tiền định từ trước vô cùng (Giáo Lý HTCG, điều 488-489). Nếu không là một tiền định bất biến, thì làm sao ngôn sứ I-sai-a biết được (nhờ mạc khải) để tiên báo từ 5 thế kỷ trước khi mầu nhiệm Nhập Thể trở thành hiện thực? (“Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” – Is 7, 14). Việc tiền định cho Đức Maria được vô nhiễm nguyên tội là điều tất yếu, bởi vì “Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự theo quyết định và ý muốn của Người, đã tiền định cho chúng tôi đây làm cơ nghiệp riêng theo kế hoạch của Người.” (Ep 1, 11).
Hồng ân “Vô Nhiễm Nguyên Tội” là một biểu hiện cụ thể và tròn đầy kết quả viên mãn của ơn cứu độ do Đức Ki-tô mang lại cho phần tử ưu tú nhất của nhân loại: Đức Maria vẹn tuyền, tuyệt mỹ. Mẹ đã gắn bó mật thiết với mầu nhiệm “Con Thiên Chúa làm người”, như sách Giáo Lý HTCG (điều 490) đã viết: “Để làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria “đã được Chúa ban cho nhiều ơn xứng với nhiệm vụ cao cả ấy”. Lời chào của Thiên sứ khi truyền tin cho Đức Mẹ (“Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” – Lc 1, 28) đã nói lên đầy đủ ý nghĩa của mầu nhiệm này. Vâng, “Suốt dọc chiều dài lịch sử, Hội Thánh đã nhận thức rằng Đức Maria, vì được Thiên Chúa ban cho “đầy ơn phúc” (Lc 1, 28), nên được cứu chuộc ngay từ lúc tượng thai. Mẹ đã được hoàn toàn gìn giữ khỏi tỳ ố của nguyên tội và suốt cả đờii, Mẹ vẫn luôn tinh tuyền không phạm tội riêng nào.” (Giáo Lý HTCG, điều 508).
Rõ ràng “Mẹ có được sự thánh thiện tuyệt vời, có một không hai “ngay từ lúc tượng thai” hoàn toàn là do Đức Ki-tô: Mẹ được cứu chuộc cách kỳ diệu nhờ công nghiệp Con của Mẹ” (Giáo Lý HTCG, điều 506). Những đặc ân của “Đấng Đầy Ân Sủng” Maria không những là kết quả đi trước của cuộc Vượt Qua của Đức Ki-tô, mà còn tiên báo hình ảnh đích thực của Hội Thánh vào ngày cánh chung, ngày mà Dân Chúa sẽ được tác thành như “một trinh nữ vẹn toàn”. Tất cả những nội dung đó đã được tóm kết trong kinh Tiền Tụng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội: “Cha đã gìn giữ Ðức Trinh Nữ Maria khỏi mọi vết nhơ nguyên tội. Cha đã cho Người được đầy ơn sủng để Người xứng đáng làm Mẹ của Con Cha. Nơi Người, Cha đã phác hoạ hình ảnh một Hội Thánh rất xinh đẹp, không tỳ ố, không vết nhăn, là Hiền Thê của Ðức Ki-tô…”.
Vì thế, Giáo Hội luôn hiệp ý chung lời với Mẹ ngợi khen tạ ơn Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới, từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc” (“Bài ca Ngọi Khen – Magnificat” – Lc 1, 46-56). Những lời ngợi ca đó nói lên tất cả tâm tình của Mẹ. Đó là toát lược cả cuộc đời Mẹ, cả chương trình sống của Mẹ, là con đường tu đức của Mẹ: mãi mãi là người nữ tỳ khiêm tốn, luôn phó thác hoàn toàn trong tay Chúa toàn năng và nhân hậu, hằng dâng lời ngợi khen tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc sống.
Hơn thế nữa, “Khi chiêm ngưỡng nơi Mẹ Thiên Chúa một cuộc đời hoàn toàn do Lời lên khuôn, ta hiểu được rằng cả ta nữa cũng được mời gọi bước vào mầu nhiệm đức tin, nhờ đó, Chúa Ki-tô tới cư ngụ trong đời ta. Thánh Am-brô-si-ô nhắc nhở ta rằng xét theo một phương diện nào đó, mọi tín hữu Ki-tô đều tượng thai và sinh hạ Lời Thiên Chúa: mặc dù chỉ có Mẹ Thiên Chúa là tượng thai bằng xương bằng thịt, còn chúng ta, Chúa Ki-tô là con cái của mọi người chúng ta trong đức tin. Như thế, điều xẩy ra cho Đức Maria cũng hàng ngày xẩy ra nơi mỗi người chúng ta, trong việc nghe Lời Chúa và trong việc cử hành các bí tích.” (T/H Lời Chúa, số 20).
Mở đầu bài giảng ngày đại lễ kính Đức Mẹ Vô Nhiễm (8/12/2014) ĐTC Phan-xi-cô giảng: “Thông điệp ngày lễ hôm nay, lễ Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Trinh Nữ Maria, có thể tóm lược lại bằng những lời này: “tất cả là một ơn nhưng không của Thiên Chúa, tất cả là ân sủng, tất cả là quà tặng của tình yêu thương Người đối với chúng ta. Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel gọi Đức Maria là “đầy ơn phúc” (Lc 1, 28) : Nơi Bà, không có chỗ cho tội lỗi, bởi vì Thiên Chúa đã chọn Bà từ thuở đời đời làm Mẹ Chúa Giê-su và Người đã gìn giữ Bà cho khỏi tội tổ tông. Và Đức Maria đáp lại ân sủng và phó thác và nói với thiên sứ rằng: “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38). Bà không nói; “Tôi sẽ làm theo lời của sứ thần”; không! Nhưng bà đã nói “Xin cứ làm cho tôi…”. Và Ngôi Lời đã nhập thể trong lòng Bà.”
Cử hành lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội giữa Mùa Vọng, cộng đoàn Ki-tô hữu hãy cầu xin cho được “tượng thai và sinh hạ Lời Thiên Chúa trong đức tin” như Đức Maria đã “tượng thai và sinh hạ Lời Thiên Chúa bằng xương bằng thịt”. Một cách cụ thể là hãy dọn sạch tâm hồn, ngõ hầu xứng đáng đón mừng mầu nhiệm Giáng Sinh, nhất là để từng ngày cộng tác với ân sủng ngõ hầu biến cuộc sống trở thành một mảnh đất tốt để Lời Chúa kết trái đơm hoa, như mảnh đất tâm hồn trinh nguyên vẹn tuyền của Đức Maria, tinh hoa của bao ngàn năm mong đợi. Ước được như vậy. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD