Thưa quý vị, thưa các bạn, phàm nhân là sinh vật cao cấp nhất của mọi sinh vật, bởi vì phàm nhân được Thiên Chúa tao thành giống hình ảnh Thiên Chúa. Tại sao? Thưa, vì phàm nhân có linh hồn bất tử, và còn hơn thế nữa, phàm nhân được chính Thiên Chúa mặc lấy nhân tính. Vâng, quả thật như vậy, vì nếu, phàm nhân không mang lấy hình ảnh của Thiên Chúa, thì Đấng Cứu Độ Giêsu- Kitô không mặc lấy Nhân Tính làm chi cho “vất vả”. Cũng vậy, linh hồn bất tử của phàm nhân, không ai nhìn thấy được, bởi vì là siêu nhiên, vô hình. Nên chi, Thiên Chúa là Đấng siêu nhiên, Người không muốn cho linh hồn phàm nhân phải chịu luận phạt đời đời. Vì vậy, Người đã “ từ Trời xuống thế…”
Quả thật, nhân tính của phàm nhân mang hình ảnh Thiên Chúa là điều phải lẽ, bởi vì chính Thiên Chúa muốn cứu chuộc phàm nhân, thì Người phải mặc lấy nhân tính. Theo đó, Người phải được gọi là : “CON NGƯỜI”. Và phàm nhân, mặc nhiên là hữu hình, vì hữu hình, nên sự siêu nhiên bởi Thiên Chúa phải hạ mình, trở nên hình hài hữu hình, từ đó, Người phải có “MỘT NGƯỜI MẸ”. Vâng, một người Mẹ là “phàm nhân” thật là hợp lý. Bởi vì, Thiên Chúa thì vô biên siêu hình tự có và hằng hữu , không ai sinh ra Thiên Chúa được. Nhưng, Mầu Nhiệm “ làm Người” của Thiên Chúa, thì Ngôi Hai Thiên Chúa phải có một người Mẹ. Nếu không, Người không thể vừa siêu hình, vừa cứu độ được. Bởi vì, dù là Ngôi Vị Thiên Chúa cũng không thể phá vỡ quy luật, và hơn nữa, khi Đấng cứu độ chỉ dùng quyền bính Thiên Tính không thôi, thì nói chi ơn “ cứu độ”. Tóm lại, nếu Chúa Giêsu không mặc lấy nhân tính, thì không thể thực thi ơn cứu độ.
Theo đó, Người được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria, hữu nhiên, Người là Con của Đức Mẹ. Tin Mừng ( Lc 2, 16-21), thuật lại khá chi tiết về cảnh tượng Giáng Sinh của Người.
Phần suy niệm Lễ Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria hôm nay không đi sâu vào “ chi tiết” giáng sinh, mà xin đi sâu vào sứ mạng “Thánh Mẫu” của Đức Maria. Vâng , Mẹ Maria luôn luôn ngỡ ngàng trước những biến cố mà Thiên Chúa đã làm nơi Mẹ.. Mẹ suy đi nghĩ lại trong lòng. Sự chịu đựng hy sinh tuyệt đối, không oán thán, không kêu ca, không bực dọc, không hổ thẹn trước những sự việc xảy ra cho Mẹ. Vì, Mẹ tin rằng”Hài Nhi” chính là Con Thiên Chúa, mà Mẹ đã tin và đón nhận. Tin ngay giây phút nhận lời Thiên Sứ truyền tin, tin ngay quang cảnh Con Chúa ra đời, dù nghèo khó, dù đơn côi. Vâng, tin vào một Ngôi Vị Thiên Chúa cứu độ phàm nhân trong hoàn cảnh thật sơ sài.
Vâng, Đức Tin nơi Mẹ thật quá lớn, đức tính khiêm nhu, nhân từ nơi Mẹ đã soi sáng Mẹ đảm nhận hoàn hảo ơn làm Thánh Mẫu. Nơi Mẹ hoàn toàn không có chút bất phục tùng. Vâng, Thánh Kinh ghi: “Còn Bà Maria thì hằng ghi nhớ những kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng.” ( c 19)
Vâng, Thiên Chúa Thánh Mẫu là một phàm nhân trổi vượt trên mọi phàm nhân, để cộng tác vào Mầu Nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa, là người phải có đức hạnh vượt trên mọi đức hạnh của nhân loại. Vâng, Mẹ Maria đã vâng lời đón nhận đức tin và đáp trả đức tin ấy cách tuyệt vời, có nghĩa là người đã nghe và thựcc thi Lời Chúa cách hoàn hảo đến độ chính Chúa Giêsu đã kín đáo khen ngợi Mẹ. “Ai nghe và tuân giữ Lời của Thiên Chúa thì người đó là mẹ Tôi là anh em Tôi.” (Lc 8, 21)
Từ đó, Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa là điều hoàn toàn phù hợp và chính xác, bởi chính Đấng cứu chuộc là Thiên Chúa đã tuyên phong cho Đức Maria.
Đức Maria là Mẹ Đấng Cứu Thế, là Mẹ của Giáo Hội, là Mẹ của mỗi Kitô hữu. Mẹ thật là một kiệt tác của Thiên Chúa, là quà tặng vô giá đứng sau Chúa Giêsu. Người mẹ trần gian dù thương con mình đến đâu, thì cũng chỉ thương con mình mà thôi, Nhưng, Mẹ Thiên Chúa thì yêu thương tất cả, và từng đứa con một, nhất là những đứa con được mang lấy Danh xưng của con Mẹ là “Kitô hữu”
Lạy Thiên Chúa là Cha, Cha đã yêu thương nhân loại cách lạ lùng, trong sự lạ lùng ấy Cha đã ban cho một Trinh Nữ được diễm phúc làm Mẹ Đấng Cứu Chuộc loài người, Trinh Nữ ấy là Maria. Vì thế, Trinh Nữ Maria được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Xin thương ban cho loài người biết nhận ra chân lý tình yêu mà đáp trả cho xứng hợp. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con ./. Amen
Lạy Thiên Chúa Thánh Mẫu xin cầu cho chúng con./.
01/01/2016
P.Trần Đình Phan Tiến