ĐIỀU THIÊN CHÚA ĐÃ THỰC HIỆN NƠI MẸ MARIA, NGÀI SẼ THỰC HIỆN NƠI CHÚNG TA

Hôm nay Mẹ Maria mời gọi chúng ta bước vào năm mới, sống một khoảng thời gian mới, với nhiều sự việc trong một tương lai chưa xác định. Mẹ mời chúng ta bước vào năm mới như vậy vì chính Mẹ cũng đã sống cuộc sống của chính mình, theo hoàn cảnh và cung cách riêng của Mẹ. Mẹ mời chúng ta bước vào cuộc sống của chính chúng ta, theo hoàn cảnh và cung cách riêng của chúng ta.

Nhưng đâu là điều mà cuộc sống chúng ta cần phải trở nên giống như Mẹ? Thật vậy, chúng ta thấy nơi Mẹ một sự bình an lặng lẽ sâu thẳm, dẫu Mẹ đang ở trong một hoàn cảnh bấp bênh: rời xa quê hương bản quán, “không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2: 17), ở giữa những người xa lạ. Thánh Giuse và Mẹ, cả hai dường như sẵn sàng cho bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả những tình huống không ngờ nhất: “Một trẻ sơ sinh bọc trong tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2: 13). Có người cha, người mẹ nào lại muốn sinh con trong cảnh cơ hàn như thế không?  Tại sao lại có cách sống như thế?

Trình thuật của thánh Luca có thể giúp chúng ta hiểu điều đó. Kể từ cuộc gặp gỡ với sứ thần, Mẹ đã đoan hứa về cung cách sống của mình: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1: 38). Kể từ lời xin vâng đó, Mẹ đã sẵn sàng đón nhận các sự kiện trong cuộc đời mình như những dấu chỉ đầy ý nghĩa khởi đi từ lời loan báo của sứ thần liên quan đến Người Con Giêsu của Mẹ. Mẹ đặc biệt chia sẻ điều đó với người chị họ Elisabeth của mình trong Lễ viếng thăm, bày tỏ sự vui mừng hớn hở và niềm tin tưởng của mình trong bài ca Magnificat:

Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,

thần trí tôi hớn hở vui mừng

vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

Phận nữ tỳ hèn mọn,

Ngài đoái thương nhìn tới;

từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.

Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả

(Lc : 46-49).

Và hôm nay, sau khi sinh con, Mẹ tiếp tục đón nhận những gì đang xảy ra: “Mấy người chăn chiên… liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2: 16-19). Mẹ trung thành với cung cách sống này, Mẹ cũng sẽ như vậy sau lần lạc mất con khi lên đền thờ Giêrusalem: “Sau đó, Ngài đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Ngài thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2: 9).

Ghi nhớ các sự kiện có nghĩa là gì? Chúng ta ghi nhớ một sự kiện khi chúng ta chấp nhận đối mặt với nó, để nó trong tâm trí chúng ta, không chạy trốn nó. Chúng ta không ghi nhớ một sự kiện khi chúng ta quay lưng lại với nó, coi nó như thể không tồn tại, và điều này xảy ra khi sự kiện đó không xẩy ra theo cách nhìn nhận của chúng ta hoặc khi nó gây hại đến những gì chúng ta đang mong chờ có được. Chúng ta suy ngẫm về các sự kiện khi những câu hỏi chưa được trả lời, vẫn còn bỏ ngỏ, dang dở. Chấp nhận suy ngẫm về một sự kiện theo cách này là một cử chỉ của niềm tin, bởi vì điều đó giả thiết rằng thế giới này mang một ý nghĩa có thể hiểu được và tin rằng ý nghĩa đó có thể được tìm thấy trong cuộc đời mình. Đối với một người nào đó, nếu thế giới này ngay từ đầu đã hoàn toàn là kết quả của sự ngẫu nhiên, không có ý nghĩa gì cả và do đó việc cố tìm hiểu nó chỉ là chuyện ngớ ngẩn, thì người đó sẽ không lãng phí thời gian của mình để ghi nhớ, suy ngẫm, tìm kiếm ý nghĩa của thế giới. Xưa cũng như nay, không ít người trong chúng ta sống theo cách này: cuộc sống không có ý nghĩa gì, đừng tốn công sức đi tìm, sống tới đâu hay tới đó. Như thế, người ta mặc nhiên chấp nhận sống trong vô minh tăm tối, chủ trương bất khả tri dẫn đến duy vật vô tín, thực dụng duy lợi, chối bỏ mọi ràng buộc đạo đức…Nhưng thánh Luca trình bày cho chúng ta thấy Mẹ Maria là một con người của đức tin, một con người cảm nghiệm sự căng thẳng đau khổ giữa những câu hỏi chưa có lời giải đáp: “Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì” (Lc 1: 29). Nhưng Mẹ xác tín vững chắc rằng nguồn gốc của thế giới này và mọi biến cố trong đó là ánh sáng và tình yêu của Thiên Chúa: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Ngài” (Lc 1: 49-50), và do đó đáng để tiếp tục cố gắng tin tưởng và tìm hiểu: “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1: 37).

Mẹ để cho lời của sứ thần Gabriel, vốn đã khắc ghi vào tâm trí và cõi lòng Mẹ, được suy ngẫm và lớn lên. Mẹ để cho những hạt mầm đó ngày càng trở nên vững chắc, nên một ý nghĩa. Mẹ sẵn sàng chờ đợi đón nhận ý nghĩa đó, vốn sẽ dần dần thành hình khi Mẹ chăm sóc Người Con của mình. Mẹ để cho lời hứa vững chắc của Thiên Chúa, được loan báo cho Mẹ, dẫn dắt Mẹ qua các sự việc xẩy đến cho Mẹ: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả” (Lc 1: 49).

Lời hứa này cho Đức Maria cũng thật là lời hứa cho mọi người chúng ta. Thiên Chúa làm chúng ta vui mừng, như: “Các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ” (Lc 2: 20). Niềm vui này thúc đẩy chúng ta hành động như thúc đẩy Mẹ Maria đi thăm người chị họ Elisabeth. Niềm vui giúp chúng ta nhìn ra lối sống của mình nếu trước đó chúng ta bước vào một thái độ suy niệm hơn, như Mẹ Maria: “Ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”. Chúng ta cần phải tin rằng cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa, có một bàn tay dẫn dắt, nhưng không phải để chúng ta không cần phải làm gì nữa, mà để chúng ta hành động và sống như Mẹ. Mẹ Maria chăm sóc Người Con của mình, Mẹ đã tuân giữ lề luật và hoàn thành bổn phận tôn giáo của mình: “Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giêsu; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Ngài trước khi Ngài được thụ thai trong lòng mẹ” (Lc 2: 21). Mẹ còn lên Đền thờ để dâng Chúa Giêsu là con trai đầu lòng của Mẹ: “Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa” (Lc 2: 22).

Hôm nay công việc của chúng ta không chỉ là dựng lại cuộc sống của Mẹ, mà là để lắng nghe Mẹ nói với chúng ta. Về điều này, chúng ta có thể tự hỏi mình, khi xem xét một năm đã qua, lời Thiên Chúa hứa với Mẹ Maria cũng đã được thực hiện như thế nào trong đời tôi? Sự giáng sinh của Thiên Chúa trong trần gian đã trở nên như thế nào nơi tôi, và tự hỏi tại sao tôi đã không nhận được những gì Thiên Chúa hứa ban… Và vào ngày đầu năm mới, chúng ta hãy xin rằng những gì sứ thần Gabriel đã loan báo cho Mẹ Maria cũng được nẩy sinh trong tâm hồn chúng ta, cũng được thực hiện trong cuộc đời chúng ta, giống như trong cuộc đời của Mẹ Maria: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng bà” (Lc 1: 28)  và: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà” (Lc 1: 35). Do đó, từng bước một, tôi tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa, Đấng giúp mỗi tạo vật của Ngài nối kết với Ngài khởi đi từ những gì mà Mẹ Maria đã bắt đầu: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa…” (Lc 1: 38). Đối với chúng ta, dù nam hay nữ, điều này được ban cho chúng ta, nhưng tùy thuộc vào tự do đón nhận hay khước từ của chúng ta. Năm 2023 là một năm hồng ân để mỗi người chúng ta trở nên chính mình hơn, bằng cách đảm nhận và gánh vác dự án vĩ đại của Chúa Cha dành cho mỗi người khi chúng ta biết thưa lên với Ngài như Mẹ Maria: “…Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1: 38).

Vào ngày đầu năm mới này, chúng ta khẩn cầu Thiên Chúa đầy lòng thương xót, qua lời bầu cử của Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, ban cho mỗi người chúng ta ơn bình an nội tâm như Mẹ trong mọi cảnh huống của cuộc sống. Sự bỉnh an đó là phúc lành của Thiên Chúa. Không phải thứ hòa bình đến từ việc không còn chiến tranh, không còn âu lo, mà là thứ an bình đến từ bên trong chúng ta, bắt đầu từ chính chúng ta. Cuộc sống của chúng ta cần trở thành dấu chỉ cho người khác thấy phúc lành đó của Thiên Chúa: “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên:“Abba, Cha ơi!” Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa” (Gl 4: 6-7).

Chúng ta cũng xin Chúa ban cho toàn thế giới ơn hòa bình như Lời Chúa trong bài đọc thứ nhất hôm nay: “Nguyện Chúa chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em! Nguyện Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em!” (Ds 6, 24-26).

 

Phêrô Phạm Văn Trung.

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts