ĐỨC MARIA: NIỀM HY VỌNG CHẮC CHẮN

Đoàn dân đang lầm lũi bước đi giữa tối tăm bỗng nhìn thấy một ánh sáng huy hoàng rực rỡ; đám người sống trong cảnh tối tăm mịt mùng thì nay đã được ánh sáng bừng lên chiếu rọi chan hòa. Người người sẽ vui mừng phấn khởi trước nhan thánh Chúa vì cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, Chúa đều bẻ gãy hết. Vì từ đây một trẻ thơ đã chào đời để cứu chúng ta, một người con đã được ban tặng. Danh hiệu Người là Thần Linh dũng mãnh, là Thủ Lãnh hòa bình. Người sẽ mở rộng quyền bính và thiết lập nền hòa bình vô tận (x. Isa 9, 1-6).

Những vầng thơ cổ kính vừa rồi đã được ngôn sứ Isaia vận dụng để loan báo về một cuộc giải phóng thiêng liêng mà Thiên Chúa hứa sẽ thực hiện. Đấy là lúc Đức Chúa ra tay sửa trị thói kiêu căng nghạo nghễ, dẹp bỏ mọi tà thần, dỡ bỏ mọi áp bức bất công và bênh vực người công chính (x. Isa 2, 11-12; 20). Đấy cũng chính là lúc Người sẽ khai mạc một triều đại mới, triều đại hòa bình viên mãn của Đấng Emmanuel, con trẻ sơ sinh.[1] Một cách giáng tiếp, những lời sấm vừa rồi của ngôn sứ Isaia tiết lộ cho chúng ta thực trạng đáng buồn của Dân Ísraen thời Cựu Ước. Dân được Thiên Chúa ưu ái tuyển chọn cũng lại là dân bội nghĩa bất trung (x. Isa 1, 2-31). Họ đã nhiều lần cố tình bưng tai bịt mắt khước từ sứ điệp của Thiên Chúa, quay sang bái lạy tà thần và dấn bước vào con đường tối tăm tội lỗi. Thực trạng đen tối này thật ra cũng chỉ là một phần nhỏ nằm trong bức tranh đại tổng thể lịch sử Thiên Chúa cứu độ con người. Bức tranh tổng thể tái hiện lại lịch sử hàng nghìn năm kể từ lúc Thiên Chúa thiết lập lời hứa cứu độ tại vườn Địa Đàng xưa kia sau khi ông bà nguyên tổ phạm tội cho đến khi lời hứa đó chính thức biến thành hiện thực tại Bêlem nơi biến cố Ngôi Lời Thiên Chúa sinh xuống làm người để giải thoát chúng ta khỏi ách tử thần.

Thoạt nhìn, bức tranh ấy thật não nề u ám vì dường như nhìn đâu cũng thấy nhuốm màu tang tóc. Nhưng khi quan sát kỹ hơn, chúng ta sẽ nhận thấy rằng nét độc đáo của bức tranh này không nằm nơi màu tím tang thương do tội lỗi nhân loại gây nên nhưng lại toát ra từ những tia sáng hy vọng lung linh và những ánh lửa yêu thương rạng rỡ mà Thiên Chúa đã không ngừng thắp lên dẫn lối cho con người có cơ hội quay về nẻo chính đường ngay. Quả vậy, sự kiên nhẫn phi thường và lòng khoan dung hải hà của Thiên Chúa đối với nhân loại chúng ta thật chẳng khác gì hàng vạn ngôi sao lấp lánh tỏa sáng trên nền trời u tối và nhờ đó bức tranh lịch sử cứu độ trở nên kiệt tác huy hoàng diễm lệ.

  1. Đức Maria: Ngọn Nến Mùa Vọng

Bước vào Mùa Vọng, Giáo hội khoác lên mình màu tím thâm trầm tượng trưng cho thái độ tỉnh thức cũng như tâm tình khát khao trông đợi đang trào dâng trong lòng mỗi người tín hữu. Dân thánh đang hướng về “ngày Đức Kitô tỏ hiện” (1 Pr 1, 13), ngày mà muôn vật muôn loài được tái tạo hoàn toàn (x. Ep 1, 10; Cl 1, 20; 2 Pr 3,10-13). Trên đường tiến đến “tầm vóc viên mãn”, Hội Thánh mặc lấy tâm tình đoàn dân Ísraen xưa; mong ngóng khao khát Đấng Cứu Tinh. Trong suốt hành trình đầy thử thách đó, Dân Kitô Giáo không hề bị bỏ rơi giữa tối tăm tuyệt vọng. Ngược lại, Thiên Chúa là Cha giàu lòng xót thương đã đoái ban cho Hội Thánh một tặng phẩm cao quý là Đức Trinh Nữ Maria để Mẹ trở nên như vầng trăng hy vọng, như Sao Biển rạng ngời soi đường dẫn lối cho dân thánh Chúa tiến lên.[2] Công Đồng Vaticanô II cũng đã xác quyết như thế khi truyền dạy rằng: Đức Maria chính là “dấu chỉ của niềm hy vọng vững chắc và cũng là niềm an ủi” đầy khích lệ mà Thiên Chúa ân ban cho Hội Thánh trên đường lữ thứ tiến về quê trời.[3]

Ngày hôm nay, cùng với Giáo Hội hoàn vũ, chúng ta chiêm ngắm vầng sáng Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, kỳ công đẹp nhất do tay Chúa tạo dựng và cũng là tặng phẩm cao quý Thiên Chúa trao ban cho nhân loại. Chúng ta dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì nơi Đức Maria chúng ta được nhìn thấy trước hình ảnh tiên báo phúc phận đời sau mà ai trong chúng ta cũng có cơ hội đạt đến. Rồi khi dõi theo gương sáng đạo đức của Mẹ, chúng ta an tâm vì biết chắc chắn rằng chúng ta đang tiến về nơi có Mẹ và Chúa Giêsu Con Mẹ đang đón đợi chúng ta. “Nếu như Mẹ của Đức Giêsu được vinh hiển hồn xác trên trời là hình ảnh và khởi đầu của Giáo Hội phải được hoàn thành ở đời sau” (LG, 68) thì Đức Maria với đặc ân vô nhiễm nguyên tội chính là “hình ảnh một Hội Thánh xinh đẹp, không tì ố, không vết nhăn, là Hiền Thê dấu ái của Đức Giêsu Kitô.”[4]

Ngày lễ Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội được long trọng cử hành đang khi dân thánh Chúa đang chăm chú bước đi trên hành trình hy vọng. Cách sắp đặt này không những giúp các tín hữu nâng cao ý thức về vai trò và vị trí của Mẹ Thiên Chúa trong đời sống của Giáo Hội, mà còn làm cho chiều kích “cánh chung” của các cử hành phụng vụ Mùa Vọng được diễn tả một cách sống động hơn.

Giữa bầu khí thâm trầm sâu lắng của Mùa Vọng, Đức Maria xuất hiện như ngọn nến lung linh, tỏa lan ánh sáng dịu dàng ấm áp. Bởi vì trái tim và tâm hồn Mẹ thanh khiết tựa pha lê nên khi tâm hồn đó được đặt cạnh “Vầng Hồng” rực rỡ là Đấng Mêsia (x. Lc 2, 78) nó sẽ trở nên lăng kính phản chiếu trung thực ánh sáng hy vọng mà Thiên Chúa muốn chiếu dãi trên dân của Người. Chúng ta đang nói đến tương quan giữa Đức Maria và Chúa Giêsu Con Mẹ, tương quan đóng vai trò nền tảng giúp chúng ta hiểu thấu mối liên hệ giữa Mẹ Thiên Chúa và Hội Thánh (x. LG, 54).      

  1. Đức Maria: Mẫu Mực của Hội Thánh

Thật vậy, khi công bố tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Chân Phước Giáo Hoàng Piô IX đã triển khai nội dung tín điều này trên nền tảng cơ sở là giáo lý về đặc ân làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Trinh Nữ Maria. Hay nói cách khác, vì Ngôi Lời Nhập Thể là đấng cực trọng cực thánh, nên người nữ được chọn để cưu mang và sinh hạ Con Thiên Chúa cũng phải là đấng được chuẩn bị xứng đáng. Ơn vô nhiễm nguyên tội của Đức Maria nói lên sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa và mối liên hệ khắng khít giữa Đức Maria và Đấng Cứu Thế. Nhờ hồng ân cứu độ do cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Giêsu Kitô mang lại và trong đường lối nhiệm mầu của Thiên Chúa Cha, Đức Maria ngay từ giây phút đầu tiên trong đời đã được gìn giữ thanh khiết vẹn toàn khỏi mọi vết nhơ tội lỗi kể cả tội nguyên tổ.[5] Nội dung chính yếu của tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội tuy ngắn gọn xúc tích nhưng rất mực cao siêu. Chúng ta chỉ có thể phần nào hiểu được mầu nhiệm này nhờ vào ánh sáng mặc khải về Chúa Kitô.

Mặc khải ghi chép trong Kinh Thánh và Thánh Truyền cho phép chúng ta khám phá vai trò đặc biệt của Đức Maria trong nhiệm cục cứu độ. Chúng ta đều biết việc Đức Kitô cần phải đến trong thế gian đã được các sách Cựu Ước trình bày một cách tiệm tiến. Song song với việc giới thiệu đấng Mêsia, các tài liệu tiên khởi này cũng từng bước giới thiệu hình ảnh của một người nữ, Đấng sẽ xuất hiện trong vai trò là Mẹ Đấng Cứu Thế. Người nữ ấy chính là người đã được tiên báo trong lời hứa chiến thắng con rắn, lời hứa mà nguyên tổ đã nhận được sau khi phạm tội (x. St 3, 15). Tương tự thế, người nữ này là “trinh nữ” các ngôn sứ đã tiên báo là sẽ thụ thai, sinh một người con trai và sẽ đặt tên là Emmanuel (x. Is 7, 14; Ml 5, 2-3; Mt 1, 22-23). Người nữ ấy trổi vượt trong số các kẻ khiêm nhu và hèn mọn của Thiên Chúa nhưng quan trọng nhất là người nữ này như mọi thụ tạo khác cũng lãnh nhận ơn cứu độ từ Thiên Chúa.[6] Người nữ mà Cựu Ước giới thiệu chính là Đức Maria. Điều đáng lưu ý là vai trò đặc biệt của Mẹ Maria trong nhiệm cục cứu độ không hề làm lu mờ hay giảm thiểu vai trò trung gian duy nhất của Đức Kitô. Ngược lại, các đặc ân Mẹ hưởng càng làm cho sức mạnh của Đức Kitô nổi bật hơn. Thật vậy, bất cứ một ảnh hưởng quyền thế nào của Đức Trinh Nữ trên nhân loại đều bắt nguồn từ công nghiệp dư tràn của Đức Kitô và phát sinh từ ý định nhân lành của Thiên Chúa (x. LG, 60). 

Mọi đặc ân Chúa ban cho Đức Maria đều bắt nguồn từ công nghiệp Chúa Kitô. Do đó, mầu nhiệm Đức Maria và mầu nhiệm Chúa Kitô gắn liền chặt chẽ với nhau đến độ Đức Trinh nữ Maria được sánh ví như một “Evà mới” xuất hiện bên cạnh Đức Kitô, “Ađam mới”. Nếu như trước kia Evà cũ đã góp phần vào sự chết của nhân loại, thì nay cũng cần có một người nữ mới, người sẽ cộng tác vào công cuộc tái tạo nhân loại mới. Cách diễn tả này thật chính xác khi nói về “Mẹ của Đức Giêsu, người đã đem đến cho thế gian sự sống đổi mới mọi sự, và là người được Thiên Chúa ban cho những ân huệ tương xứng với vai trò cao cả như thế. Do đó, không lạ gì khi các thánh Giáo phụ thường gọi Mẹ Thiên Chúa là Đấng thánh thiện vẹn toàn, không vương nhiễm vết nhơ tội lỗi, như được chính Chúa Thánh Thần nhào nắn và được tác thành như một thụ tạo mới.”[7]

Thụ tạo Maria làng Nazarét được sứ thần Gabrien kính cẩn cúi chào như “Đấng Đầy Ân Sủng” (x. Lc 1, 28) và thái độ “xin vâng” của người nữ ấy cho thấy người xứng đáng là thụ tạo trổi vượt nhất giữa muôn vàn thụ tạo,[8] là Mẹ Thiên Chúa, và là “Mẹ của kẻ sống.”[9] Các Giáo Phụ có lý khi cho rằng Đức Maria không hẳn chỉ là một khí cụ hoàn toàn thụ động trong tay Thiên Chúa. Ngược lại, nhờ tin và vâng phục trong tự do Mẹ đã cộng tác tích cực vào việc cứu độ nhân loại. Như thánh Irênê đã từng nói: “Nhờ vâng phục, Đức Maria đã trở nên nguyên nhân cứu độ cho chính mình và cho toàn thể nhân loại.”[10] Những thương tổn tệ hại mà Evà đầu tiên đã gây ra bởi cứng lòng tin thì người nữ Evà thứ hai đã góp phần chữa lành: “Nút dây đã bị thắt lại vì Evà bất tuân, nay đã được gỡ ra nhờ Đức Maria vâng phục” (Irênêô, trích trong LG, 56).

Trong khi trình bày Đức Maria như biểu tượng sống động cho niềm hy vọng chắc chắn của Hội Thánh, Công Đồng Vaticanô II như muốn nói với chúng ta rằng: Khi nhìn vào Đức Trinh Nữ Maria, chúng ta như nhìn thấy đích đến, nhìn thấy viễn cảnh tương lai khi mà niềm ước mơ biến thành hiện thực. Thánh Công Đồng cũng lưu ý với chúng ta rằng Đức Maria tựa như tấm gương sáng ngời, khi soi mình vào tấm gương này, Hội Thánh ý thức rõ rệt hơn về đích điểm cần phải vươn tới và học được cách thức chuẩn bị cho một tương lai xán lạn. Tương lai này không phải tự nhiên mà chúng ta có được. Cũng giống như Đức Maria, Hội Thánh cần phải cộng tác tích cực với ơn Chúa. Nói đơn giản, khi nhìn nhận Đức Maria là “dấu chỉ của niềm hy vọng vững chắc”, dân thánh Chúa đồng thời nhìn nhận nơi Mẹ Thiên Chúa một “hình ảnh lý tưởng”, một “mẫu thức” hay một “mẫu gương sống động” hướng dẫn họ sống “đức tin, đức ái và kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô.”[11]

Dẫu các phần tử Hội Thánh lữ hành còn mang nhiều khiếm khuyết nhưng Hội Thánh xét một cách tổng thể thì thánh thiện và xinh đẹp vì chưng Đức Kitô Con Thiên Chúa, “Đấng thánh thiện duy nhất”[12] đã yêu thương Hội Thánh như hiền thê của Người và hơn nữa Chúa đã hiến thân để thánh hoá Hội Thánh (x. Ep 5, 25-26; LG, 39). Vẻ đẹp thánh thiện của Hội Thánh xuất phát từ công nghiệp của Đức Kitô và tỏ hiện cụ thể nơi Đức Maria, “mẫu gương mọi nhân đức” (x. LG, 65). Chính vì Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội là “hình ảnh một Hội Thánh xinh đẹp, không tì ố, không vết nhăn” nên khi chúng ta nhìn vào “Đức Nữ cực tinh cực sạch” chúng ta được mời gọi để ý thức hơn nữa về ơn gọi nên thánh của mỗi người chúng ta.     

Trong Hội Thánh, mọi Kitô Hữu cho dù thuộc bất cứ bậc sống nào, đều được kêu gọi để “nên hoàn thiện như Cha trên trời” (x. Mt 5, 48). Ơn gọi phổ quát này đã thành toàn cách mỹ mãn nơi Đức Trinh Nữ Maria, một thụ tạo như chúng ta. Vì thế, ngày lễ Mẹ cũng là dịp để chúng ta lập lại cam kết “nên thánh” và quyết tâm noi theo nếp sống Mẹ đã nêu gương. Nên Thánh theo cách của Mẹ Maria là “hành động theo Thần Khí, vâng phục thánh ý của Chúa Cha, và bước theo Đức Kitô khó nghèo.” Ngay trong những tình huống, bổn phận và hoàn cảnh sống hàng ngày, chúng ta đều có thể nên thánh, nếu như chúng ta thực hiện những gì Mẹ đã thực hiện; đó là lãnh nhận mọi sự trong đức tin và phục vụ mọi người trong đức mến (x. LG, 41).

Đức Maria trên hành trình “trông đợi”

Khi truyền dạy “Đức Maria là dấu chỉ niềm hy vọng chắc chắn của Hội Thánh lữ hành”, Thánh Công Đồng còn minh định thêm rằng “Mẹ Thiên Chúa được vinh hiển hồn xác trên trời là hình ảnh và khởi đầu của Hội Thánh phải được kiện toàn ở đời sau” (LG, 68). Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ khi nào thì mới đến “đời sau”? Chúng ta không biết “khi nào” “giờ nào”, chúng ta chỉ biết chắc chắn là sẽ có ngày đó, giờ đó. Ý thức điều này, Hội Thánh trong cuộc lữ thứ trần gian không ngừng dõi theo “sự khởi đầu” của mình là Đức Trinh Nữ Maria để củng cố niềm hy vọng và để lựa chọn những bước đi đúng đắn. Thực ra, “thời đại cuối cùng” đã đến rồi (x. 1Cr 10, 11). Công cuộc canh tân thế giới đã được tiến hành. Do đó Hội Thánh ngay khi còn ở trần gian đã được trang điểm bằng sự thánh thiện đích thực, tuy chưa đến tầm mức viên mãn. Cho tới khi có trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị (x. 2 Pr 3,13) thì Giáo Hội lữ hành vẫn cứ phải sống giữa các loài thụ tạo và mong ngóng sự mạc khải của con cái Thiên Chúa (x. Rm 8, 19-22).[13] Nỗi niềm trông đợi này được diễn tả qua các cử hành phụng vụ trong suốt Mùa Vọng. Mùa trông đợi được tận dụng như cơ hội để Giáo Hội tự nhắc nhớ chính mình về hành trình tiến về quê trời, hành trình bước đi với niềm hy vọng hằng sống.

Thú vị thay, tác giả Thư Hibri tiết lộ cho chúng biết là trên hành trình hy vọng, đức tin chính là bảo đảm cho những điều chúng ta hy vọng và là bằng chứng cho những điều chúng ta không thấy (x. Hr 11, 1). Do đó, chúng ta cần lắm những mẫu mực đức tin có thể đồng hành và giúp đỡ chúng ta trên hành trình Mùa Vọng. Hành trình trông đợi của dân Ísraen thời Cựu Ước chính là hình ảnh của Hội Thánh lữ hành hôm nay (x. LG, 9). Trong cuộc hành trình xuyên không gian và thời gian đó, Đức Maria xuất hiện giữa Hội Thánh “như người nữ được chúc phúc vì Mẹ đã tin và là người tiến bước trong đức tin.”[14] Đối với Hội Thánh, Đức Maria như một “kho tàng sống” lưu giữ nhiều “tài liệu” liên quan đến Chúa Giêsu. Chúng ta có thể nói như thế vì không ai khác ngoài Đức Maria là nhân chứng số một về những gì đã xảy ra thời thơ ấu và niên thiếu của Chúa Giêsu. Mẹ không những “ghi nhớ” mà còn “hằng suy đi ngẫm lại những điều ấy ở trong lòng” (x. Lc 2, 19; x. Lc 2, 51). Nhưng quan trọng hơn hết, Hội Thánh đồng quan điểm với bà Elizabét khi ca tụng Đức Maria như mẫu gương tuyệt hảo về đức tin. Được mệnh danh là “người đầu tiên tin tưởng”, Mẹ xứng đáng là mẫu mực đức tin để mọi người noi theo. Đức tin của Hội Thánh lữ hành phải là sự vag vọng và là tiếp nối đức tin của Đức Maria (x. RM, 26).

Thông Điệp Mẹ Đấng Cứu Thế – Redemptoris Mater còn trình bày cho chúng ta một chủ đề khác liên quan đến nỗ lực sống tâm tình “trông đợi” của Hội Thánh lữ hành. Dõi theo bước chân Đức Maria đến thăm viếng nhà Giacaria, chúng ta khám phá ra vẻ đẹp tâm hồn của Đức Maria. Con tim của Mẹ không chỉ đầy ắp ân sủng mà còn chan chứa từ bi (x. Lc 1, 40-42). Nếu như danh hiệu “Đầy Ân Sủng” trong lời chào của sứ thần nói về những đặc ân mà Thiên Chúa ưu ái tặng ban cho Mẹ, thì “mối phúc dành cho người đã tin” trong lời khen ngợi của bà Elizabét lại nói về cách thức người Trinh Nữ thành Nazareth đền đáp hồng ân Thiên Chúa như thế nào (x. RM, 12). Qua biến cố thăm viếng, Đức Maria dạy cho Hội Thánh phương thế đạt đến hạnh phúc đích thật, hạnh phúc cả đời này lẫn đời sau. “Phúc cho bà vì bà đã tin những gì Thiên Chúa đã phán cùng bà” (x. Lc 1, 45). Phúc cho cả chúng ta nữa nếu chúng ta cũng biết cúi mình trước kế hoạch của Chúa và tích cực cộng tác bằng đức tin và đức ái. Có làm như thế thì chúng ta mới trở nên giống với Mẹ của chúng ta Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội; qua sự hiện diện và chứng tá giữa lòng thế giới, chúng ta tình nguyện trở nên những cánh tay nối dài chuyển tải lòng Chúa xót thương đến với mọi người.[15]

Không hình ảnh nào thích hợp bằng hình ảnh Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội tỏa sáng như ngọn nến lung linh giữa không gian Mùa Vọng để diễn tả thực tại cánh chung của Hội Thánh lữ hành: Hội Thánh trên trần thế sống tương quan với Thiên Chúa nhờ đức tin; Hội Thánh lữ hành mỗi ngày một tiến gần hơn tới Chúa Kitô trong đức tin; Hội Thánh ấy hợp nhất trong cùng một đức tin. Chúng ta, mọi thành phần Hội Thánh được khuyến khích yêu mến và tôn kính Đức Maria không những vì lòng sùng kính Mẹ Thiên Chúa sẽ đưa chúng ta đến gần với Chúa Kitô hơn (x. LG, 65) mà còn vì Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ của niềm hy vọng (Mater Spei).[16]

Kết: Đăng trình theo ánh Sao Mai

Ngày từ đầu, khi ông bà nguyên tổ phạm tội, bóng dáng một người nữ mới đã được tiên báo. Đức Maria với đặc ân làm Mẹ Đấng Cứu Thế đã được Thiên Chúa đặt vào vị trí “trỗi vượt” trong lịch sử cứu độ. Với vị trí này, Mẹ Thiên Chúa đã đồng hành cùng nhân loại trong từng bước đi của lịch sử cứu độ (x. RM, 47) thì hẳn nhiên Mẹ cũng sẽ đồng hành và nâng đỡ mỗi Kitô hữu trong thời khắc khó khăn của họ. Hiện diện giữa Giáo hội với tư cách là Mẹ, Đức Maria tham gia vào cuộc chiến chống lại “quyền lực của bóng tối” (GS, 47) và bảo vệ con cái Mẹ như hình ảnh “người Phụ Nữ mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai sao sáng” (Kh 12: 1). Trên hành trình dương thế, mỗi khi chúng ta cảm thấy chao đảo mất phương hướng hoặc mỗi khi chúng ta bị bóng tối của nghi hoặc bủa vây, chúng ta hãy ngước nhìn lên Đức Maria để nhận ra “niềm hy vọng vững chắc” và “niềm an ủi” trìu mến nơi Đấng Đầy Ơn Phúc – Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Sau cùng, những tai tiếng gần đây như nạn giáo sĩ ấu dâm, lạm dụng tính dục, lạm dụng chức quyền, tham ô, phe cánh xảy ra trong Hội Thánh khiến cho nhiều người bên trong cũng như bên ngoài không còn đánh giá đúng vai trò và chức năng của Hội Thánh nữa. Làn sóng công khai từ bỏ Giáo Hội ngày càng dâng cao tại các nước Châu Âu. Thực trạng này có thể khiến cho những ai tha thiết với vận mạng của Hội Thánh không khỏi chạnh lòng. Nhiều người đã không giấu được thất vọng tự hỏi không biết hình ảnh một “tân nương xinh đẹp được điểm trang lộng lẫy để đón chào tân lang” có còn hiện thân nơi cộng đoàn Hội Thánh của chúng ta nữa không? (x. Kh 19: 7-8 & 21: 1-9). Cần phải xác quyết ngay, Hội Thánh là thân thể Chúa Kitô cho dù có già nua về mặt thời gian và tiếp tục gánh chịu nhiều thương tích do con người gây ra nhưng chắc chắn Hội Thánh ấy sẽ không bao giờ bị tiêu diệt (x. Mt 16,18) và sẽ tiếp tục trường tồn cho đến tận thế.[17] Học thuyết trình bày Đức Maria như là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos) là mẫu mực của Hội Thánh (Typos) giữ nguyên giá trị là nền tảng đức tin giúp chúng ta sống đạo và tuyền đạo. Nhìn vào mẫu gương Đức Maria, chúng ta nhận ra tính cấp bách của ơn gọi nên thánh. Học hỏi nơi Đức Maria, chúng ta tái khám phá ra giá trị của Lời Chúa trong đời sống đức tin. Dõi theo bước chân Mẹ Maria, chúng ta không còn ỷ lại vào “nén bạc” Chúa ban nhưng sẽ tích cực cộng tác bằng tình yêu phục vụ và niềm tin trung thành.

Kính mừng Maria Đầy Ơn Phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu Con lòng Bà gồm phúc lạ.

Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.

Rôma, 07.12.2020

Giuse Phan Quang Trí, O.Carm.

 


[1] Nhóm CGKPV, “Chú giải Isaia 9, 1-6” trong Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước: Lời Chúa cho Mọi Người, NXBTG, 2006, 1181-1182.

[2] Bậc Đáng Kính Tổng Giám Mục Fulton Sheen ca tụng Đức Maria như vầng trăng phản chiếu hào quang của Đức Kitô Mặt Trời Công Chính. Kinh cầu Đức Bà Loreto do Đức Giáo Hoàng Sixtus V phê chuẩn năm 1587 trong đó bao gồm tước hiệu: “Đức Bà như Sao Mai sáng vậy.”

[3] Xem Công Đồng Vatican II, “Tiêu đề số V, Chương VIII” của Hiến Chế Tín Lý về Hội ThánhLumen Gentium và nội dung số 68 của phần này. Từ đây về sau, Lumen Gentium sẽ được viết tắt “LG”.

[4] Xem Kinh Tiền Tụng Lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội.

[5] Xem ĐGH Piô IX, Tông Hiến Thiên Chúa Khôn Tả (Apostolic Constitution Ineffabilis Deus), Vatican, 08/12/1854Tham khảo: https://www.papalencyclicals.net/pius09/p9ineff.htm, truy cập 04/12/2020.

[6] Xem Lumen Gentium, 55.

[7] Xem Germanô Constantinôpôli, Hom. trong Annunt. Deiparae: PG 98, 328a; trong Dorm. 2: 357; Anatasiô Antiôkia, Serm. 2 de Annunt. 2: PG 89, 1377AB; Serm. 3, 2: 1388C; Anrê Crêta, Can. In. B.v. nat. 4: PG 97, 1321b; trong b.v. nat. 1; 821a; Hom. trong Dorm. 1: 1068C; Sophrôniô, or. 2 trong Annunt. 18: PG 87 (3), 3237BD, tất cả trích trong Lumen Gentium, 56.

[8] Xem Lumen Gentium, 53.

[9] Êpiphaniô, Haer. 78, 18: PG 42, 728CD-729AB, trích trong Lumen Gentium, 56.

[10] Irênêô, Adv. Haer. III, 22, 4: PG 7, 959A; Harvey, 2, 123, trích trong Lumen Gentium, 56.

[11] Xem Ambrôsiô, Expos. Lc. II.7; PL 15, 1555, trích trong Lumen Gentium, 63.

[12] Sách lễ Rôma, Kinh Vinh Danh.

[13] Lumen Gentium, 48.

[14] Xem ĐGH Gioan Phaolô II, «Tông Huấn Redemptoris Mater: Đức Trinh Nữ Maria trong Cuộc Lữ Hành của Hội Thánh trên Trần Gian», 27. Từ đây về sau Redemptoris Mater sẽ được viết tắt “RM”.

[15] Xem Đề Tựa Phần II và Phần III của Thông Điệp Redemptoris Mater.

[16] Trong Ca Vãn Đức Mẹ Salve Mater Miseriocrdiae, xuất hiện từ Thế Kỷ XI và trở thành một phần trong truyền thống Thánh Mẫu Học Dòng Cát Minh. Ca từ đầy đủ tham khảo https://sspx.org/en/news-events/news/motherly-hymn-salve-mater-misericordiae-4420, truy cập 05/12/2020.

[17] Xem Henri de Lubac, Catholicism, 153, và ĐGH Phanxicô, Tông Huấn Christus Vivit, 1 & 34.

Chia sẻ Bài này:

Related posts