Đức Mẹ Mùa Vọng

MỪNG KÍNH ĐẤNG VÔ NHIỄM THAI

Con người được dựng nên vì Tình yêu, nên được Thiên Chúa ban hồng ân tự do đến gần như tuyệt đối, được toàn quyền chọn lựa hoặc “làm tôi tiền của vật chất” hoặc “làm tôi Thiên Chúa”. Người chỉ khuyên răn: “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.” (Lc 16, 13). Cũng vì được tự do nên Nguyên tổ đã “nghe lời con rắn”, vi phạm giới răn, xa lìa Thiên Chúa, bị tội lỗi thống trị. Tuy nhiên, cũng vì Tình yêu, Thiên Chúa đã có ngay kế hoạch cứu rỗi nhân loại: Người “sẽ ban một Người Nữ đạp nát đầu con rắn” (St 3, 15). Sự kiện này đã được tiên báo từ Cựu Ước: “chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en (Thiên Chúa ở cùng chúng ta).” (Is 7, 14)

Người Nữ ấy chính là “thiếu nữ Si-on” (Ac 2, 2-19; Is 62, 11): “Ngài đã sinh chính Con Chúa Cha nơi trần gian, mà không hề biết đến người nam, nhưng được Chúa Thánh Thần bao phủ. Như một E-và Mới, Ngài đã đặt niềm tin vào sứ giả của Thiên Chúa, chứ không đặt vào con rắn xưa, một niềm tin không bị một nghi ngờ nào làm phai nhạt. Nhưng Người Con mà Ngài đã sinh ra, Thiên Chúa đã đặt làm Trưởng Tử trong nhiều anh em (Rm 8, 29), nghĩa là các tín hữu, mà Ngài cộng tác vào việc sinh hạ và giáo dục với tình thương của một người mẹ.” (Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội “Lumen Gentium”, số 63). Kể cả tên của Người Nữ cũng do Thiên Chúa tiền định (Truyền thống kể rằng ông Gioakim và bà Anna đã lớn tuổi mà chưa có con. Ông Gioakim vào hoang địa ăn chay cầu nguyện, xin Thiên Chúa ban cho mình một người con để an ủi tuổi già. Đức Chúa nhận lời và sai sứ thần Gap-ri-en truyền tin cho ông Gioakim: “Nhà ngươi đừng sợ, ta là Thiên sứ, chính Chúa đã sai ta đến đây. Chúa đã lắng nghe và nhậm lời cầu xin của ngươi. Bà Ana vợ của ngươi sẽ sinh một con gái và ngươi hãy đặt tên là Maria và ngươi sẽ hiến dâng lên Đức Chúa, Chúa Thánh Thần sẽ ngự trong linh hồn của Maria từ khi đậu thai trong lòng mẹ và Chúa sẽ làm những điều lạ lùng cao cả.”).

Để cứu rỗi nhân loại khỏi vòng kiềm tỏa của tội lỗi, Thiên Chúa tiền định cho Con Một Người trong vai trò A-đam Mới xuống cứu độ nhân loại. Mà muốn cho Con Thiên Chúa  trở nên như một con người trần thế, thì phải cần có một người mẹ bằng xương bằng thịt ở trần gian cưu mang và sinh hạ. Để xứng đáng với hồng ân làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ nhân loại (thay cho người mẹ đầu tiên là E-và đã phạm tội), điều tất nhiên là Thiên Chúa không để tội của E-và xưa làm hoen ố con người trinh trong vẹn tuyền E-và Mới. Đó là lý do giải thích tại sao Đức Maria được hồng ân tuyệt vời Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Vì thế nên ngày 8/12/1854, bằng sắc lệnh “Ineffabilis Deus”, Đức Thánh Cha Pi-ô IX đã long trọng tuyên bố: “Với uy quyền của Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô, của hai Thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô, cũng như của riêng Ta, Ta công bố, tuyên ngôn và xác nhận tín điều được mạc khải bởi Thiên Chúa buộc mọi tín hữu phải tin vững vàng và trung kiên là “Rất Thánh Trinh Nữ Maria, ngay từ giây phút đầu thai, nhờ đặc ân của Thiên Chúa toàn năng và công nghiệp của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Thế, đã được gìn giữ vô nhiễm khỏi mọi tì vết của nguyên tội” (TCF, 204). Sau đó hơn 3 năm, ngày 25-3-1858, lúc hiện ra với chị thánh Bernadette, chính Đức Mẹ đã công nhận tín điều này khi tự xưng mình là “Đấng Đầu Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội”.

Hồng ân “Vô Nhiễm Nguyên Tội” tô thắm vẻ đẹp tuyệt mỹ cao vời khôn ví của Đức Mẹ. Mẹ đẹp thánh thiện, vì Mẹ là “Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” (Lc 1, 28). Mẹ tuyệt mỹ vì niềm tin chân thành tuyệt đối và cuộc sống khiêm nhường giản dị. Với đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ Maria được quyền năng và tình yêu Thiên Chúa đổ tràn. Mẹ được khỏi tội tổ tông và được đầy ân sủng ngay từ khi được hình thành trong cung lòng thánh nữ Anna. Quyền năng và tình yêu Chúa bao phủ suốt cả đời Mẹ trên từng suy tư, từng tình cảm, từng mỗi hành động… khiến cho tâm hồn Mẹ luôn hướng về Chúa mà tạ ơn và ngợi khen liên lỉ. Đặc ân cao trọng này chính là sự thánh thiện tinh tuyền của Mẹ, vốn đã được “Thánh Thần ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao rợp bóng trên bà” (Lc 1, 35).

Có một điều kỳ thú là lễ kính Đức Mẹ Vô Nhiễm (8/12) lại nằm trong mùa Vọng. Thực ra đây chỉ là một trùng hợp ngẫu nhiên, vì khi ban hành tín điều Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội (vào ngày 8/12/1854), ĐTC Pi-ô IX viết: “ngay từ giây phút đầu thai, nhờ đặc ân của Thiên Chúa toàn năng và công nghiệp của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Thế, đã được gìn giữ vô nhiễm khỏi mọi tì vết của nguyên tội”, nên Giáo Hội đã ấn định ngày lễ kính là 8/12 để phù hợp với thời gian 9 tháng tượng thai trong cung lòng thánh nữ Anna, Đức Mẹ sẽ chào đời vào đúng ngày 8/9 (ngày Giáo Hội mừng kính sinh nhật Đức Mẹ). Tuy rằng các nhà soạn lịch Phụng vụ không có chủ ý, nhưng khi đã ấn định, mới thấy đây là một trùng hợp đầy ý nghĩa (Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm trong tập sách “Giải Nghĩa Lời Chúa” đã viết: “Cuộc đời của chúng ta sẽ nên như cuộc sống của Người và khuôn mặt của Giáo Hội sẽ đang vẽ lại dung nhan Ðức Mẹ Mùa Vọng.” – xc website Simonhoadalat).

Phụng vụ Giáo Hội muốn cho người tín hữu có một cái nhìn rộng rãi hơn về địa vị của Ðức Maria trong bầu khí mùa Vọng. Trước hết mùa Vọng là mùa Trông Đợi Chúa Cứu Thế giáng trần, nhưng cùng lúc lại kỷ niệm ngày Đức Maria được hình thành “vô nhiễm thai” trong lòng thánh nữ Anna. Khi Cựu Ước được tiên báo  thì từ các ngôn sứ đến Dân Chúa đều tin tưởng và hy vọng Đấng Em-ma-nu-en (Thiên Chúa ở cùng chúng ta) sẽ đến với Dân Người. Và để “Con Thiên Chúa đến ở cùng chúng ta” thì phải có một người Mẹ cưu mang Đấng Em-ma-nu-en nhập thể làm người trần thế. Người Mẹ đó chính là Đức Maria, và vì thế, Dân Chúa lại hướng niềm tin và hy vọng vào một “thiếu nữ Si-on”. Mùa của niềm tin và hy vọng (Mùa Vọng) đã trở nên mùa Trông Đợi cùng lúc Mẹ Thiên Chúa và Con Thiên Chúa làm người.

Cũng vì Thiên Chúa đã hứa sẽ “ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en.” (Is 7, 14), nên từ các ngôn sứ đến toàn thể Dân Chúa đã hết lòng tin tưởng và hy vọng. Trông chờ Đấng Cứu Tinh, đồng thời cũng trông chờ người lãnh sứ vụ đem Đấng Thiên Sai đến giải thoát trần gian khỏi vòng tội lỗi và sự chết đời đời; nên có thể nói Đức Mẹ là mùa Trông Đợi của Giáo Hội, mùa Vọng của toàn thể nhân loại. Và vì thế, ngay từ thời gian đầu, Phụng vụ mùa Vọng của Giáo Hội đã muốn cho hình ảnh của Đức Mẹ chan hòa khắp trong nếp sống chờ mong của toàn dân Thiên Chúa. Giáo Hội chỉ chờ mong với Mẹ và trong Mẹ, để cùng Mẹ đón mừng Đấng Cứu Thế giáng trần. Nói cách khác, hình ảnh Ðức Maria không phải chỉ chiếm một ngày trong mùa Vọng, nhưng hằng ngày trong suốt mùa Phụng vụ này, Giáo Hội phải sống với Ðức Maria, phải chiêm niệm và cùng trông đợi với Mẹ ngày Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ quang lâm lần thứ hai.

Tóm lại, tuyên xưng Đức Mẹ là Mùa Vọng cũng bởi vì ngay từ khi Đức Maria được hình thành trong cung lòng thánh nữ Anna thì Mẹ đã là dấu chỉ mầu nhiệm tỉnh thức và trông đợi hồng ân Thiên Chúa dành cho nhân loại: Đấng Cứu Độ trần gian giáng thế. Rồi từ nơi hang đá Bê-lem với bao gian nguy cực nhọc (đối diện với ba thù ác hiểm), Đức Maria vẫn luôn tỉnh thức và trông đợi công trình cứu thế được thực hiện cụ thể nơi Người Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ. Cho đến ngày cuộc Thương Khó được thể hiện, với 7 sự đau đớn tột cùng, Đức Mẹ vẫn một niềm cậy trông và hy vọng thánh ân giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết đời đời bằng cuộc Phục Sinh vinh hiển của Người Con. 40 ngày sau khi mầu nhiệm Phục Sinh tỏ hiện, Đức Giê-su Ki-tô thăng thiên, thì cũng là lúc Đức Mẹ tập họp đàn con tiếp tục cầu nguyện và trông đợi ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống để gia tăng Đức Tin, lòng Mến và nhất là dũng khí để sẵn sàng lên đương thi hành sứ vụ “đem Tin Mừng đến cho mọi loài thụ tạo”. Kể từ đó cho đến khi được hồng ân linh hồn và xác lên trời, và cho đến mãi muôn đời, Đức Mẹ vẫn luôn đồng hành với hiền thê của Người Con là Giáo Hội trong hành trình mở mang Nước Chúa đến tận cùng trái đất, với một NIỀM TIN VÀ HY VỌNG tuyệt đỉnh, trông đợi ngày Con Người quang lâm lần thứ hai, hoàn tất mầu nhiệm Tình Yêu trong vũ trụ, hướng về Quê Trời vĩnh cửu.

Nhận chân được vấn đề, người tín hữu khi chiêm niệm mẫu gương ĐỨC ME MÙA VỌNG cao vời khôn ví, hãy tỉnh thức và cầu nguyện để được cùng với Đức Mẹ, tiếp tục sống mùa Vọng 2014-2015 này. Hơn thế nữa, hãy coi cuộc sống trần thế của bản thân cũng chính là một mùa Vọng. Từ đó, hãy sống trung thực mùa Vọng cuộc đời mình với tinh thần vâng phục sốt mến rập theo khuôn mẫu mà Đức Mẹ đã sống, để được như Đức Mẹ, khi  hoàn thành mùa vọng cuộc đời, người Ki-tô hữu sẽ hạnh phúc thừa hưởng vinh quang mà Thiên Chúa dành cho những tôi tớ trung thành của Người. Ước được như vậy.

Ôi! “Lạy Chúa, Chúa đã dọn sẵn một cung điện xứng đáng cho Con Chúa giáng trần khi làm cho Ðức Trinh Nữ Maria khỏi mắc tội tổ tông ngay từ trong lòng mẹ. Chúa cũng gìn giữ Người khỏi mọi vết nhơ tội lỗi nhờ công nghiệp Con Chúa sẽ chịu chết sau này. Vì lời Ðức Trinh Nữ nguyện giúp cầu thay, xin Chúa cũng ban cho chúng con được trở nên công chính thánh thiện mà đón rước Con Chúa là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyện tội).

JM. Lam Thy ĐVD.

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment