Trong tập “Mảnh Trăng Non”, thi hào Tagore viết mẩu đối thoại của một em bé thỏ thẻ cùng mẹ.
“Cành chen nhau trong gió, lá xào xạc trong rừng;
Sấm vỗ tay reo mừng, hoa tua tủa chen vai.
Mẹ biết không, nhà chúng ở trên cao, giữa muôn ngàn vì sao;
Mẹ thấy không, chúng hăm hở nhường nào, mong ước được lên cao.
Nhưng nào mẹ có biết, chúng vội vã làm sao?
Tay chúng hướng lên cao, vẫy chào ai, đố mẹ?
Chỉ mình con đoán được, chúng đón mẹ chúng đó; bởi chúng cũng có mẹ, như con có mẹ đây”.
Kính thưa Anh Chị em,
Viết về mẹ, sẽ không cạn ý; nói về mẹ, sẽ chẳng cạn lời. Mẹ trần thế, suối ngọt ngào cho kiếp nhân sinh; Mẹ thiên quốc, thác hồng phúc cho lữ khách về trời.
Hôm nay mừng lễ Vọng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, chúng ta hân hoan dâng lời cảm tạ Thiên Chúa, vì Người không chỉ ban cho chúng ta một người Mẹ, nhưng qua Mẹ, ban cho nhân loại một Người Con. Trong thư Côrintô, thánh Phaolô nói, “Tạ ơn Thiên Chúa, Đấng đã ban chiến thắng cho chúng ta nhờ Chúa Giêsu Kitô”, Ngài là Mặt Trời Công Chính xua tan bóng tối sự chết mà chính Mẹ là bình minh báo trước. Nhìn bình minh, ai mà không rộn rã; bởi lẽ, sau đêm tăm lạnh giá, thấy bình minh là thấy ấm áp, thấy mới mẻ, thấy hy vọng và thấy sự sống.
Thế nhưng, Đức Maria hồn xác lên trời là người mẹ thế nào, chúng ta có bắt chước được gì nơi Mẹ không? Mẹ có đủ kín đáo, gần gũi để chúng ta thỏ thẻ như em bé của Tagore? Tin Mừng chúng ta vừa nghe là một câu trả lời cô đọng nhất, bởi Mẹ là người đã lắng nghe và giữ lời Thiên Chúa cách trọn vẹn. Thế thôi, đơn giản, vắn gọn và dễ hiểu! Có thể nói, giữa đám đông đang chăm chú nghe Chúa Giêsu hôm ấy, có người phụ nữ không cầm mình được, bà đã tâm đắc với chàng thanh niên tuấn tú có tên Giêsu đó và bà tự hỏi, ‘Con nhà ai mà uyên bác đến thế, con nhà ai mà lưu loát đến vậy?’. Bà quá ngưỡng mộ đến nỗi buột miệng trực tiếp với Ngài, “Phúc cho lòng dạ đã cưu mang Thầy, và vú đã cho Thầy bú”. Bà khen mẹ Ngài mà không ngại đề cập đến những nét kín đáo của một phụ nữ sinh con. Bà nói đến dạ con, tử cung, nói đến bầu sữa; bà nói đến mang nặng đẻ đau, nói đến chiếc bụng đã cưu mang những chín tháng mười ngày con người mà bà đang khâm phục.
Bài đọc thứ nhất nói đến hòm bia Thiên Chúa được Đavít và cộng đồng Israel cung nghinh là hình ảnh báo trước Đức Maria cưu mang Con Thiên Chúa mà Hội Thánh đọc trong Kinh Cầu, “Đức Bà như hòm bia Thiên Chúa vậy”. Như các bà mẹ, Mẹ Maria cưu mang Chúa Giêsu như đền thờ cưu mang hòm bia Thiên Chúa xưa; Mẹ nuôi Chúa Giêsu bằng chính sữa mình không chỉ một năm nhưng những ba năm, nghĩa là, Mẹ lấy sự sống của mình để nuôi con lớn lên để hôm nay, con có thể đứng đây mà giảng dạy. Rõ ràng, dạ Mẹ là chiếc kén, chiếc nôi đầu tiên ru con trưởng thành, ru con nên người nên thánh. Mẹ không chỉ sinh, nhưng Mẹ còn dưỡng và quan trọng hơn, giáo dục Giêsu nữa.
Lời khen của người phụ nữ hẳn khiến cho đám đông tâm đắc. Khen mẹ chính là khen con. Phải là một người mẹ tuyệt mỹ mới có thể sinh được một đứa con tuyệt vời. Mẹ có phúc vì đã cưu mang, sinh hạ và dưỡng dục Đấng Cứu Độ; bà Êlisabeth đã từng lớn tiếng kêu lên mối phúc này, “Em có phúc hơn mọi phụ nữ và phúc cho hoa trái bụng dạ em cưu mang”. Như thế, Mẹ có phúc vì Con có phúc; Con ở đâu, Mẹ ở đó; Con lên trời, Mẹ về trời.
Chúa Giêsu không phản đối hay phủ nhận câu nói của người phụ nữ ấy, Ngài chỉ muốn điều chỉnh cho phù hợp bầu khí giảng dạy; đúng hơn, Ngài muốn chỉ ra điều kiện để được phúc thực. Ngài nói, “Những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn”, một mối phúc mà mới nghe qua, tưởng như không liên hệ gì với mối phúc trước, thế nhưng, đó là điều Mẹ Maria đã sống từ đầu. Ai lắng nghe lời Thiên Chúa bằng Mẹ? Ai giữ lời Thiên Chúa bằng Mẹ? Tin Mừng nói, “Đức Maria hằng để tâm suy đi gẫm lại trong lòng”. Như thế, trước khi cưu mang Ngôi Lời nơi thân xác, Mẹ đã đón nhận Lời đi vào cuộc đời mình.
Phụng vụ Lời Chúa lễ Đức Bà Mông Triệu Thăng Thiên mời gọi chúng ta noi gương Mẹ để yêu mến, đón nhận và sống Lời Chúa; điều này còn quan trọng hơn cả việc cưu mang Ngài. Nếu Mẹ không sống Lời Chúa, nào ai bảo đảm Mẹ sẽ cưu mang Con Đức Chúa Trời.
Anh Chị em,
Chúng ta không được phúc sinh dưỡng Chúa Giêsu cách thể lý như Mẹ nhưng chúng ta tiếp tục cưu mang và sinh hạ Ngài trong lòng anh chị em mình cách thiêng liêng cũng bằng chính việc lắng nghe, yêu mến và sống Lời Chúa như Mẹ.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho Lời Chúa thẩm thấu trong đời sống con, đừng để Lời Chúa đến với con như nước đổ lá môn”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)