Lần trước chúng ta đã tìm hiểu lễ Dâng Đức Mẹ vào Đền Thánh bên Đông Phương. Các bài đọc cử hành lễ đã có hình thái xác định vào thế kỷ thứ IX do nỗ lực của Giorgio di Nicomedia. Nhưng nòng cốt của nó bắt nguồn từ thế kỷ thứ VI-VII và vô danh, rồi sau đó có thêm bài thánh thi Kontakion, được gán cho một đan sĩ tên là Giorgio Khiêm nhường, nhưng chắc chắn nó thuộc thế kỷ thứ VII, một Kinh Nguyện Thánh Thể lễ vọng do Giuseppe l’Innografo (+ 886) soạn, một Kinh Nguyện Thánh thể được gán cho Giorgio di Nicomedia, và một Kinh khác được gán cho Kyr Basilio, chắc chắn là một người viết thánh thi thuộc thế kỷ thứ X. Vài thánh thi được gán cho Giorgio Agiopolita thuộc thế kỷ thứ VII-VIII, hay cho Leone Magistro, tác giả sống giữa thế kỷ thứ IX-X, và cho Giorgio di Nicomedia.
Hôm nay chúng ta tìm hiểu lễ Dâng Đức Maria vào Đền Thánh bên Tây Phương. Vào thời Đức Giáo Hoàng Sergio I việc du nhập lễ này không thành công, và Tây Phương đã lần lữa khá lâu trước khi chấp nhận lễ Dâng Đức Maria vào Đền Thánh. Nhưng ngay từ thế kỷ thứ IX lễ đã được các đan viện đông phương cử hành tại miền nam Italia, từ đó nó lan sang Anh quốc vào thế kỷ XI. Nhưng chỉ vào năm 1373, lễ này mới bắt đầu được cử hành trong triều giáo hoàng tại Avignon bên Pháp. Người sốt sắng phổ biến lễ này là Philippe de Mézières, từng sống lâu năm tại đảo Chypre và đã học biết lễ hy lạp được cử hành tại đây. Đức Giáo Hoàng Gregorio XI cho phép cử hành với thánh lễ và kinh thần vụ. Năm 1472 Đức Giáo Hoàng Sisto IV trải rộng lễ ra trong toàn Giáo Hội công giáo, với kinh thần vụ đặc biệt. Vào năm 1568 Đức Giáo Hoàng Pio V công bố sắc lệnh ”Quod a nobis”, cấm cử hành lễ. Năm 1585 Đức Giáo Hoàng Sisto V công bố tự sắc ”Intemeratae” đem lễ vào trong lịch phụng vụ trở lại, và dậy cử hành với lễ Sinh Nhật Đức Mẹ, chỉ thay đổi tên lễ thôi. Đức Giáo Hoàng Clemente VIII thay đổi và nâng nó, cùng với các lễ nhỏ khác của Đức Mẹ, lên hàng lễ ”lớn gấp hai lần”. Vào thời Đức Giáo Hoàng Benedetto XIV lễ lại gặp một nguy hiểm khác. Năm 1849 Đức Giáo Hoàng Pio IX công bố sắc lệnh ”Ut Beatissimam Verginem” cho các giáo phận vùng Napoli nâng lễ lên hàng ”hai lần bạc hai”. Theo sau cuộc cải cách phụng vụ của Công Đồng Chung Vaticăng II, lễ Đâng Đức Maria vào Đền Thánh chỉ còn là lễ nhớ thường với các lời nguyện phụng vụ ”Chung của Đức Trinh Nữ Maria Diễm Phúc”. Đức Giáo Hoàng Phaolộ VI nhắc đến ngày lễ này trong số 8 tài liệu ”Marialis cultus”, nhưng chỉ vì Giáo hội Đông Phương.
Việc chấp nhận ngày lễ từ phía các Giáo Hội đnog phương khác có một lịch sử chưa hoàn toàn rõ ràng. Giáo hội Copte Ai Cập và Giáo Hội Etiopia đã mừng lễ Dâng Đức Maria vào Đền Thánh từ thời rất xa xưa, nhưng các Giáo Hội khác xem ra mãi sau này mới đưa lễ này vào lịch phụng vụ, có lẽ do ảnh hưởng của tây phương.
Sau đây là các dữ kiện lịch sử liên quan tới ngày lễ. Các Phúc Âm im lặng không nói gì tới cuộc đời của Đức Maria trước biến cố Truyền Tin. Chỉ có Phúc Âm mạo thư của thánh Giacôbê kể lại các biến cố: Maria được thân mẫu thụ thai, sinh ra, được dâng vào Đền Thờ để làm trọn lời cha mẹ khấn hứa với Thiên Chúa, là nếu cho họ có con thì sẽ dâng con vào Đền Thánh, lễ đính hôn với Giuse, biến cố Truyền Tin, lễ Chúa giáng sinh và biến cố Ba Vua tìm tới thờ lậy Chúa Hài Nhi Cứu Thế.
Phúc Âm mạo thư Giacôbê kể lại biến cố dâng bé gái Maria vào Đền Thờ như sau: ”Bé gái lên ba tuổi và ông Gioakim nói: ”Hãy gọi các con gái Do thái không tì vết, và mỗi người cầm một cái đèn, và để đèn cháy để cô bé không quay lại đàng sau và tim của nó không bị giữ lại ngoài Đền Thờ của Chúa”. Và các cô gái đã làm như vậy, cho tới khi họ lên Đền Thờ của Chúa. Và vị thầy cả tiếp đón cô, và sau khi hôn cô ông chúc lành cho cô và nói: ”Chúa đã vinh danh tên của con trong mọi thế hệ. Nơi con, trong các ngày cuối cùng Chúa sẽ làm cho thấy ơn cứu rỗi Người ban cho con cái Israel”. Và ông cho cô bé ngồi trên bậc thứ ba của bàn thờ, và Chúa cho cô tràn đầy ơn thánh Người và cô múa, và tất cả nhà Israel yêu mến cô. Và cha mẹ cô đầy cảm phục chúc tụng Thiên Chúa vì cô đã không tìm quay trở lại đàng sau. Và Maria ở trong đền thờ của Chúa, dưỡng nuôi mình như một chim bồ câu và nhận thức ăn từ tay một thiên thần” (VII,2-VIII,1).
Giai thoại dễ thương này đã luôn luôn chiếm chỗ danh dự bên Đông Phương, như chúng ta có thể thấy nơi các yếu tố phụng vụ được cử hành ngày 21 tháng 11. Bên Tây Phương đã chỉ chấp nhận sau này và với rất nhiều lưỡng lự. Rồi các lưỡng lự ấy trở thành sự khước từ, dưới cái búa tàn phá của phong trào tin lành. Những người đầu tiên nghi ngờ ngày lễ này là các sử gia Magdeburg. Trong số các học giả công giáo người đầu tiên trao ban trọng lượng cho việc chối bỏ đó là tu sĩ Giacinto Serry, dòng Đa Minh (1659-1738), và cuốn sách của tu sĩ đã bị cấm. Theo tu sĩ Serry việc dâng Đức Maria vào Đền Thánh bị nghi ngờ và hoàn toàn không chăc chắn.
Trái lại, Đức Hồng Y Lambertini, sau này là Đức Giáo Hoàng Biển Đức XIV, xác nhận rằng: ”Chúng tôi là những người không muốn xa rời, cho dù chỉ là một chút, phán đoán chung của Giáo Hội, chúng tôi tuyên bố chắc chắn rằng Đức Trinh Nữ diễm phúc đã được dẫn vào Đền Thờ để được giáo dục ở đó.” Vào các thời sau này có một loại phê bình ít nhiều triệt để ném các bóng nghi ngờ trên ngày lễ, và vì thế cũng làm mất giá trị thực tại của chính sự kiện. Có vài tác giả tiểu sử của Đức Maria đã bỏ qua giai thoại này, và xếp nó vào loại truyền thuyết và ngụ ngôn.
Liên quan tới giá trị lịch sử của giai thoại này có ý kiến đáng chú ý của hai học giả: G. Roschini và L. Peretto. Học giả Roschini cho rằng ”giai thoại hòa hợp với các thói quen của người Do thái, được nhắc tới trong chính các văn bản kinh thánh: đó là thói quen dâng con trai con gái để chúng phục vụ Thiên Chúa như được nhắc tới trong chương 27 sách Lêvi: ”Giavê phán với ông Môshê rằng: ”Hãy nói với con cái Israel và bảo chúng: ”Nếu ai muốn giữ trọn lời khấn hứa dâng một người con cho Giavê, thì phải định giá như sau: Nếu là phái nam từ hai mươi đến sáu mươi tuổi, thì phải định giá là mười lăm lượng bạc, tính theo đơn vị đo lường của thánh điện; nếu là phái nữ, thì phải định giá là chín lượng; từ năm đến hai mươi tuổi, thì phải định giá nam là sáu lượng, nữ là ba lượng; từ một tháng đến năm tuổi, thì phải định giá nam là mười lăm chỉ bạc, nữ là chín chỉ bạc; từ sáu mươi tuổi trở lên, thỉ phải định giá nam là bốn mươi lăm chỉ bạc, nữ là ba lượng. Nếu ai túng thiếu, không trả nổi giá đó, thì phải đặt nó trước mặt tư tế để tư tế định giá; tư tế sẽ dựa vào khả năng của người khấn hứa mà định giá” (Lv 27,1-8).
Sách Xuất Hành chương 38, sách các vua I các chương 11-12 và Lc 11,37 xem ra cho thấy sự hiện hữu của một toán nam nữ phục vụ lều tạm. Còn trong Thánh Kinh Hy lạp sách Vua IV chương 28,11 và 1 Paralip 9,26.33. có nói tới các phụ nữ sống trong các nơi gần dền thờ.” (G. Roschini, vita di Maria, Roma 1947, 63-64)
Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng giai thoại này, học giả Peretto, trái lại, kết luận rằng: ”Nếu lột giai thoại khỏi tất cả các cơ cấu chồng chất lên trên, xem ra có thể nói rằng truyền thống tiên khởi kể lại lễ dâng vào đền thánh như là một nghi thức đơn sơ giải một lời khấn hứa có thể có của bà mẹ. trên bình diện này, dự phóng xem ra không thể là không có, và nó sẽ biện minh cho ngày lễ Dâng Đức Maria vào Đền Thánh được cử hành vào ngày 21 tháng 11. Nhưng truyền thống trở thành truyền thuyết, khi khiến cho Đức Trinh Nữ ở trong thánh điện Giêrusalem, như thể là một trường của các trinh nữ được chỉ định để phục vụ Thiên Chúa và các tư tế. Nếu cơ cấu này đã hiện hữu, thì sử gia Giuse Flavio chắc chắn đã không bỏ quên trong việc miêu tả đền thờ” L. Peretto, La Marialogia del Protovangelo di giacomo, Ed Marianum, Roma 1955,216).
Như đã biết, các tác phẩm mạo thư tân ước nảy sinh nhằm trả lời cho tính tò mò của tín hữu, muốn biết một số các chi tiết liên quan tới cuộc sống của Chúa Giêsu cũng như của Đức Mẹ. Chúng có thể bao gồm một số các dữ kiện đã được truyền lại trong truyến thống cộng đoàn kitô, vì thế chúng có thể phản ánh một số dữ kiện lịch sử, nhưng được thêm thắt cho hấp dẫn theo cảm quan của giới tín hữu bình dân, ưa thích các câu chuyện lạ lùng. Dầu sao đi nữa lễ Dâng Đức Maria vào Đền Thánh Giêrusalem cũng có ý nghĩa thiêng liêng và thần học quan trọng. Trước hết là thực tại tôn giáo: ngày lễ biểu tượng cho sự thật cao vời nhất: thánh hiến cuộc sống của Đức Trinh Nữ cho Thiên Chúa ngay từ những giây phút đầu đời. Và trong truyền thống của mình Giáo Hội đã rất tôn kính sự thánh thiện của Đức Maria. Thứ hai, đó là thời gian chuẩn bị Đức Maria cho ơn gọi tuyệt vời của Người là Mẹ Thiên Chúa nhập thể làm người. Và thứ ba, nó nêu bật sự kiện Đức Maria là đền thờ thánh thiện sống động của Thiên Chúa.
Thánh Mẫu Học 379
Linh Tiến Khải
Nguồn: RV