Lễ Ðức Mẹ Carmelô

Ðức Giáo hoàng Bênêđictô 13, năm 1726 đã lập lễ Ðức Mẹ Carmelô kính ngày 16 tháng 7 hàng năm. 

1. Truyện lạ kể rằng: 

Ở tỉnh Perusia ,nước Ý, có một chàng viết giấy và ký tên bằng máu mình, bán linh hồn cho quỉ để nhờ quỉ giúp trả thù một người kia. Khi quỉ đã giúp chàng ta trả thù xong, quỉ đưa chàng đến một khúc sông và bắt phải đâm đầu xuống, để rồi bắt cả hồn và xác hắn ta xuống hỏa ngục.

Anh chàng này không dám tự mình lao xuống nên nhờ quỉ đẩy mình.

Quỉ bảo, nếu muốn quỉ giúp thì chàng ta phải vứt ảnh “Áo Đức Bà” chàng ta đang đeo trên cổ đi.

Biết thế, anh chàng vô phúc này không chịu vứt. Đôi bên giằng co một lúc lâu. Sau cùng quỉ tức mình bỏ đi, coi như mất mồi.

Anh chàng dại dột này thấy Đức Mẹ thương mình, liền tìm vào nhà xứ, thú tội với linh mục, và xin vẽ lại một bức hình để muôn đời ca tụng Đức Mẹ.                                   

(Sách Tháng Đức Bà, nhà xuất bản Hiện in lần 8, 1969, trang 108-112) 

Ơn ích: – Hội viên Hội Áo Đức Bà được thông công các việc lành của Dòng và Hội Áo Đức Bà Carmelô trên khắp thế giới.

– Nhờ Áo Đức Bà, nhiều kẻ chết sống lại, kẻ mù được sáng, dập tắt lửa đang cháy nhà, nhiều bệnh nhân lành, ngăn cản lụt lội, cứu khỏi chết đuối, cải tà qui chính, nhất là được ơn cứu rỗi.

– Thánh Don Boscô chết năm 1888 vẫn đeo Áo Ðức Bà xuống mồ. Khi thi hài ngài được cải táng 41 năm sau (năm 1929), Áo Ðức Mẹ vẫn còn nguyên vẹn trên ngực ngài, dù các áo của ngài đã mục nát.

Ngày 13/10/1917 khi hiện ra tại Fatima, Đức Mẹ cũng tỏ hiện như hình ảnh Đức Mẹ Carmelô.  

2. Tìm hiểu nguồn gốc về “Áo Đức Bà”? 

“Áo Đức Bà” hay Áo Đức Mẹ Carmelô phát xuất từ núi Karmel, là một ngọn núi cao đẹp nằm bên bờ Địa trung hải, không xa làng Nagiaret, nơi Chúa Giêsu, Đức Mẹ và thánh Giuse sinh sống bao nhiêu. Núi này được Kinh Thánh Cựu ước nói tới 850 năm trước khi Chúa Giáng sinh, Tiên tri Elia đã sống trên núi này,  để bảo vệ niềm tin tinh ròng của người Israel chỉ tôn thờ Thiên Chúa Yavê, không thờ thần minh nào khác. Ông đã tế lễ Yavê, cầu xin trời mưa trong thời kỳ hạn hán, mà thần Baal không thể ban cho 450 sư sãi của thần này (sách Các vua 18,20-46). 

Năm 1209, các ẩn sĩ Dothái lập dòng tu tại núi này, gọi là dòng Karmel. Dòng chủ ý tôn sùng Ðức Mẹ và sống đời cầu nguyện chiêm niệm. 

– Tới năm 1248 người Hồi giáo (Islam) tới chiếm và tàn phá Dòng, Dòng phải di cư về tỉnh Cambridge, nước Anh.

Thời Thánh Simon Stock (1165-1265), làm Bề trên cả của Dòng, đêm ngày cầu nguyện xin Đức Mẹ chỉ cách xây dựng lại nhà Dòng. Sau mấy năm ăn chay cầu nguyện, 

–  Ngày 16 tháng 7 năm 1251, Đức Mẹ hiện ra, có nhiều thiên thần hầu cận, Đức Mẹ trao cho thánh nhân chiếc áo gồm hai mảnh vải và phán: “Con hãy nhận áo này làm áo riêng Dòng Mẹ, là dấu Mẹ thương Dòng và các con cái ở đây. Đây là áo ban bình an, tượng trưng sự liên kết, che chở khỏi nguy hiểm. Ai chết khi mang áo này thì được thoát khỏi lửa hỏa ngục”.

Nhờ ơn Đức Mẹ, Dòng càng ngày càng phát triển, nhiều người xin nhập dòng, nhiều giáo dân xin vào hội Áo Đức Mẹ ngày càng đông. 

Thế kỉ 14, sau khi thánh Simon Stock qua đời (1265) được 15 năm, một buổi sáng kia, Đức Giáo hoàng Gioan 22, hồi đó Tòa thánh còn ở tại thành Avignon, nước Pháp, khi ngài đang cầu nguyện, Đức Mẹ hiện ra  mang Áo Đức Mẹ Carmelô và dạy ngài phải công bố cho hết những ai mang Áo Ðức Mẹ biết: “Nếu những ai là tu sĩ dòng hoặc là người vào hội Áo, bởi tội lỗi mình phải vào Luyện ngục, Mẹ sẽ xuống, như người Mẹ nhân lành, vào ngày thứ Bảy sau khi chúng qua đời để cứu vớt chúng và đem chúng về hưởng phúc muôn đời“. 

Ngày thứ 7 sau khi qua đời được gọi là “Ðặc ân ngày thứ Bảy” . Đặc ân này đã được nhiều Đức Giáo Hoàng công nhận: – Ðức Alexandre 5 (1409-1410), – Ðức Thánh Piô 5 (1566-1572), – Ðức Grêgôriô 8 (1572-1585), – Ðức Piô 11,  

– Ngày 30 tháng 1 năm 1613, trước sự hiện diện của Đức Phaolô 5 (1605-1621), Pháp đình Toà thánh ra sắc lệnh rằng, các tu sĩ dòng Carmelô được truyền giảng “Đặc ân ngày thứ Bảy”, và ngày 04-7-1908 được Thánh bộ Ân xá chấp nhận.

(Theo Ðức Phaolô 5, trong sắc dụ ngày tháng nói trên, ngài giải thích: “Toàn dân Kitô hãy sốt sắng tin rằng Rất Thánh Trinh Nữ Maria luôn luôn can thiệp đặc biệt phù trì cứu vớt các hội viên Áo Ðức Mẹ Carmelô vào ngày thứ Bảy, ngày đặc biệt kính Ðức Mẹ. Nếu không đọc được kinh Tiểu nhật khóa thì giữ chay các ngày Giáo Hội quy định và kiêng thịt vào ngày thứ Tư, thứ Bảy, trừ khi gặp lễ Giáng Sinh”.) 

– Năm 1910 Đức Thánh Piô 10, ban phép đeo ảnh thay Áo Đức Mẹ. Thánh bộ công bố đeo ảnh thay Áo được hưởng mọi ân xá và Đặc ân ngày thứ Bảy, miễn là ảnh đó một bên là ảnh Chúa Giêsu tỏ Trái Tim Người ra. Bên kia là ảnh Đức Mẹ (không cần là Đức Mẹ Carmelô).  

Năm 1922 kỷ niệm 600 năm Đặc ân ngày thứ Bảy, Đức Piô 11 gửi một tông thư cho Bề trên Cả dòng Carmelô về những ân xá và đặc ân ngày thứ Bảy: “Ta khích lệ những người vào hội Áo Đức Mẹ hãy bền vững nhiệt thành giữ những điều chỉ dạy để hưởng những ân xá và Đặc ân ngày thứ Bảy. Vì Đức Mẹ yêu quí những ai yêu mến Mẹ, và không ai không có quyền tin tưởng sự hộ giúp đặc biệt của Mẹ trong giờ chết, nếu trong đời sống, họ xa lánh tội lỗi và làm mấy việc đạo đức kính Mẹ”.  

– Năm 1950, Đức Piô 12, dịp kỷ niệm 700 năm Đức Mẹ hiện ra với thánh Simon Stock,  đã gửi một Tông thư cho Bề trên cả dòng Carmelô cũng nói về Đặc ân ngày thứ Bảy: “Áo Đức Mẹ là dấu hiệu và bảo chứng sự bảo trợ của Mẹ Thiên Chúa. Nhưng những người mặc Áo này đừng tin rằng dù họ trễ nải và lơ là việc thiêng liêng mà được ơn Cứu rỗi, như thánh Phaolô căn dặn: ‘Anh em hãy biết kính cẩn và lo sợ mà gắng công lo việc rỗi linh hồn mình’ (Pl 2:12)…

Các đan sĩ Carmêlô hay hội viên Hội Áo Đức Mẹ hãy tận hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Trinh Nữ Maria. Nhờ lời cầu bầu của Mẹ trước toà Chúa, Mẹ sẽ mau chóng mở cửa thiên đàng sớm bao nhiêu có thể cho những con cái Mẹ đang chịu đền tội trong luyện ngục mà khi sống đã cậy trông vào lời hứa Đặc ân ngày thứ Bảy”.                                               

3. Đeo Áo Đức Bà Carmelo: 

Xin đeo Áo và ghi tên vào sổ Hội Áo Đức Mẹ nơi giáo xứ mình

( thường nơi giáo xứ, cộng đoàn có lễ nghi đeo Áo vào lễ kính Đức Mẹ Carmelô ngày 16-7 hàng năm).

Áo Đức Bà chỉ được trao một lần duy nhất, do một vị linh mục hoặc vị được ủy quyền. 

(Nghi thức ngắn linh mục trao Áo Đức Bà)

“…Hãy nhận lấy Áo Đức Bà này, là dấu chỉ của sự gắn bó đặc biệt giữa con với Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Đấng mà con nguyện bắt chước. Xin cho Áo Đức Bà nhắc con nhớ phẩm vị người Kitô hữu của mình qua việc phục vụ người khác và bắt chước Mẹ Maria. Hãy mang Áo Đức Bà này như dấu chỉ được Mẹ che chở và dấu chỉ thuộc về Gia Đình Carmelô, thành tâm thực thi ý Chúa và dấn thân xây dựng thế giới đại đồng, công lý và hòa bình trong kế hoạch của Chúa”.

           (Sau một thời gian nhận áo, ĐTC Piô 10 ban phép “thay Áo Đức Bà bằng một mẫu ảnh (một mặt có hình Thánh Tâm Chúa Giêsu và mặt kia có hình Đức Mẹ tay cầm áo, hoặc hình Đức Mẹ không cầm áo cũng được).

———————————–

Nghi thức bằng Anh ngữ: Short form of giving the scapular:

“Receive this Scapular, a sign of your special relationship with Mary, the Mother of Jesus, whom you pledge to imitate. May it be a reminder to you of your dignity as a Christian in serving others and imitating Mary. Wear it as a sign of her protection and of belonging to the family of Carmel, voluntarily doing the will of God and devoting yourself to building a world true to his plan of community, justice and peace.”

——————————————————– 

     4. Thực hành sau khi đeo Áo: 

Ai đã được đeo Áo Đức Bà, cần nhớ thực hành như sau:

     1/ “Những người mặc Áo này đừng tin rằng dù họ trễ nải và lơ là việc thiêng liêng mà được ơn Cứu rỗi, như thánh Phaolô căn dặn: ‘Anh em hãy biết kính giới và run sợ mà gia công lo việc rỗi linh hồn mình’ (Pl 2:12)… (Lời Đức GH Piô 12 trên). Và “Ai cũng có quyền tin tưởng sự hộ giúp đặc biệt của Mẹ Maria trong giờ chết, nếu trong đời sống, họ xa lánh tội lỗi và làm mấy việc đạo đức kính Đức Mẹ” (Lời ĐGH Piô 11 trên)   

    2/ Làm mấy việc đạo đức kính Đức Mẹ, theo như tu sĩ Dòng Carmelo viết trong web site là: ” Áo Đức Bà buộc chúng ta phải sống như những Kitô hữu đích thực theo giáo huấn Phúc Âm, phải nhận lãnh các bí tích, phải chứng tỏ lòng sùng kính đặc biệt của chúng ta dành cho Đức Trinh Nữ. Lòng sùng kính này phải được biểu lộ mỗi ngày, ít là đọc ba kinh Kính Mừng). 

   3/ Nếu muốn hưởng đặc ân Ngày thứ Bảy, cần giữ 3 điều kiện như Tông thư “Sabbatine Bull”

Toà thánh công bố ngày 3 tháng 3 năm 1322:  

(Theo Tông thư này, toàn dân Công giáo tin rằng Đức Trinh Nữ Maria luôn luôn can thiệp đem công đức và sự phù trì đặc biệt của Mẹ mà cứu vớt hết các hội viên Hội Áo Đức Mẹ Carmelô vào một ngày thứ Bảy, ngày đặc biệt dâng kính Mẹ, sau khi họ qua đời.

Vậy muốn hưởng đặc ân “cứu khỏi Luyện ngục thứ Bảy” , khi chết phải: 

    1. Chết đang khi được ơn nghĩa cùng Chúa, Chết khi đang mang Áo Đức Mẹ.(hoặc đeo ảnh vảy một bên là hình Trái Tim Chúa, bên kia là hình Đức Mẹ, không buộc là Đức Mẹ Carmelo).
    2. Giữ đức khiết tịnh tùy bậc mình.( nghĩa là người đi tu không phạm điều răn thứ 6 và thứ 9 trong 10 điều răn, – người độc thân ngoài đời cũng giữ như thế, – người có vợ chồng chỉ giao hợp với nhau để sinh con, không làm những gì trái mục đích ấy, không ngừa thai trái luật GH dạy, phá thai, ngoại tình…).

    3. Đã đọc kinh Nhật tụng kính Đức Mẹ, hoặc nếu không đọc được, thì đã giữ chay các ngày Giáo hội dạy, và kiêng thịt các ngày thứ Tư và thứ Bảy, trừ khi gặp lễ Giáng Sinh, hoặc thay vì đọc kinh Nhật tụng, thay vì giữ chay, thì mỗi ngày đọc một chuỗi 50 kinh Mân côi,

hoặc mỗi ngày đọc 7 kinh Lạy Cha, 7 kinh Kính mừng, và 7 kinh Sáng danh).  

—————————-

Kinh Hội Áo Đức Mẹ (Nên đọc hàng ngày)

Lạy Đức Bà Maria là Quan thày Hội Áo Đức Bà. Chúng con xin dốc lòng vào Hội Áo Đức Bà, và mặc Áo Đức Bà mọi ngày cho đến trọn đời. Khi chúng con phải chước cám dỗ, gặp cơn gian nan hiểm nghèo phần hồn phần xác, thì sẽ cậy Áo Đức Bà phù hộ thêm sức cùng cứu chữa chúng con cho khỏi. Mà đến giờ chết, khi Đức Bà thấy Áo thánh ấy ở nơi mình chúng con, thì xin Đức Bà nhận lấy chúng con làm con cái Đức Bà, và đưa chúng con về Thiên đàng chầu chực Đức Chúa Trời Ba Ngôi, cùng Rất Thánh Đức Bà đời đời chẳng cùng. Amen. (3 kinh Kính mừng)   V

———————————————————————————————

Đọc thêm:

(hoặc: Kinh đọc buổi sáng của người đeo Áo Đức Bà (theo web site Dòng Carmelo).   

Lạy Thiên Chúa của con, con xin hợp với Trái tim Vô nhiễm Mẹ Maria (hôn Áo Đức Mẹ) để dâng cho Chúa Máu Thánh châu báu Chúa Giêsu trên các bàn thờ khắp thế giới. Con cũng xin hợp với Máu Thánh Chúa Giêsu để dâng cho Chúa mọi tư tưởng, mọi lời nói, và mọi việc làm của con trong ngày hôm nay.

Lạy Chúa Giêsu, ngày hôm nay, con ước mong được hưởng mọi ân xá mà con có thể được hưởng. Con cũng xin dâng các ân xá ấy cùng với chính mình con cho Mẹ Maria Vô nhiễm để Mẹ làm vinh danh Thánh Tâm Chúa.

Lạy Máu Thánh châu báu Chúa Giêsu, xin cứu chúng con. Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con. 

TÔI ĐÃ GIẢI TỘI CHO “QUỶ”

Chúng tôi đăng dưới đây câu chuyện do một cha người Colombia thuật lại, người đã thắng cuộc thi “Giai thoại Linh Mục” do Catholic.net tổ chức. Trong 820 chuyện đến từ 78 quốc gia, một ban giám khảo 20 người từ 7 nước khác nhau, đã chọn ra câu chuyện nầy của cha Manuel Julian Quinceno Zapata, Giáo Phận Carthage, nước Columbia.

Lm. MANUEL JULIÁN QUICENO ZAPATA viết:

“Là cha xứ một làng nhỏ, Chúa Nhật, tôi thường đi ra đường sau giấc trưa để chào hỏi mọi người, phát cho họ một bản Giáo Lý, nhất là cho những ai không có thói quen đi Lễ. Trong Giáo Xứ dâng hiến cho Thánh Giuse này, rất nhiều người đã có một thói quen khác mà họ tuân giữ rất đều đặn: đó là đi “uống một ngụm” trong quán càphê đối diện. Do vậy tôi dễ dàng biết phải tìm họ ở đâu. Một ngày nọ, khi vừa kết thúc một vòng chào hỏi như vậy, một bà tới gặp tôi và hỏi tôi xem tôi đã nhận ra  “tên quỷ” (le diable) chưa. “Đúng, đúng, tên quỷ là một trong những kẻ mà cha đã từng chào hỏi đấy. Cha còn trao cho y một trong những bản Giáo Lý nữa”. Nhưng tôi không nhớ đã nhìn thấy “tên quỷ”, hoặc bất kỳ ai trông giống tên quỷ. Ít lâu sau, tôi có chuyện phải đi đến làng bên cạnh để giúp một người anh em Linh Mục, nhưng chiếc xe hơi của Giáo Xứ lại bị hư. Tôi đang loay hoay tìm xem có ai giúp đưa tôi tới được đó chăng, thì một chú bé trong Giáo Xứ của tôi nói với tôi: ”Nếu cha muốn, con sẽ gọi tên quỷ và hỏi ông ta xem có thể lái xe đưa cha tới đó không”. Nghĩ là một câu nói đùa, tôi chấp nhận và vì thế tôi đã có thể làm quen với anh ta… Lúc đầu, tôi không dám mở miệng, vì đây là lần đầu tôi đi với một người như thế. Tôi tự nhủ: ”Tôi thì có thể nói gì với tên quỷ này chứ ?” Sau một lúc, rồi tôi cũng bắt chuyện được, nhưng nó giống như một cuộc vặn hỏi hơn là một cuộc chuyện trò.

Trước khi ra khỏi xe, không nói gì với anh ta, tôi để lại trong hộp đựng bao tay một áo Đức Bà Carmel. Kể từ ngày ấy, tôi gặp anh ta khắp nơi. Mỗi lần thấy anh ta, tôi đều mời anh ta đi Lễ, nhưng anh luôn trả lời với tôi: ”Chưa phải bây giờ, một ngày khác đi. Tôi có lý do của tôi”. Thế rồi bẵng thời gian khá lâu tôi không gặp lại anh ta nữa, thì có một đứa bé chặn tôi lại ở cửa Nhà Thờ và nói rằng có một người bị bệnh nặng muốn gặp tôi khẩn cấp. Tôi vội vã đi tìm những thứ cần thiết và đi theo cậu bé. Tôi hết sức ngạc nhiên khi đến nhà người bệnh này, vì thấy chính là anh quỷ của tôi, người nông dân Ramón. Anh ta không nhớ khi nào và tại sao người ta bắt đầu gọi anh như vậy, nhưng nó đã thành thói quen mất rồi. Anh ta nằm liệt trên giường, bị một chứng ung thư ở giai đoạn cuối. “Cha còn nhớ con chứ, thưa cha, con là tên quỷ đây. Nhưng linh hồn con, con muốn trao cho Thiên Chúa ! Thưa cha, xin làm ơn, giải tội cho con ?” Tôi đang nghĩ đây là một trong những thời khắc đẹp nhất trong đời, khi tôi nhìn thấy trong hai bàn tay anh ta run rẩy của anh ta một áo Đức Bà: dây áo Đức Bà Carmel mà tôi đã bỏ lại trong hộc xe. Anh ta muốn mang nó trong hành trình về nơi vĩnh cửu !
Sau khi anh ta qua đời, tôi còn tìm thấy ở nhà anh ta một trong những tờ giấy mà tôi phát mỗi Chúa Nhật sau giấc trưa, bài Giáo Lý về Bí Tích Hòa Giải. Thiên Chúa chúng ta thật vĩ đại và lạ lùng. Người hành động trong âm thầm và đơn sơ, và Người cho phép chúng ta chia sẻ với hết thảy mọi người hồng ân mà Người cho ta thông dự.
Ngày hôm ấy, cả làng hết sức ngạc nhiên không tin được điều ấy và tôi cũng thế: ”Cha xứ đã giải tội cho tên quỷ”.

Lm.  MANUEL JULIÁN QUICENO ZAPATA, ZENIT 10.6.2010, BTGH chuyển ngữ

(Tham khảo Web site Dòng Carmelo: http://www.dongcatminh.net) 

MarkB, CMC.

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment