Trong số các lễ về Đức Mẹ còn có 6 lễ nhớ là lễ Đức Mẹ Lộ Đức, lễ Trái Tim vô nhiễm nguyên tội Đức Trinh Nữ Maria, mừng sau lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, lễ Đức Mẹ Camêlô, lễ cung hiến đền thờ Đức Bà Cả, lễ Đức Trinh Nữ Maria Nữ Vương, và lễ Đức Mẹ Mân Côi.
Các lễ nhớ này đã là đề tài tranh luận sôi nổi trong dịp soạn thảo lịch phụng vụ và cả sau đó nữa, và chúng không trực tiếp dựa trên các nguyên tắc của Hiến chế về Phụng Vụ Thánh. Vì chúng xa lạ với các biến cố của lịch sử cứu độ, nên không gắn liền với chu kỳ thời gian phụng vụ.
Thật ra các lễ nhớ này phát xuất từ các phong trào thuộc loại lịch sử tu đức, nghĩa là chúng ”gắn liền với các lý do phụng tự địa phương, và đã chiếm được một môi trường rộng rãi cũng như sự chú ý sống động hơn” (MC 8). Chúng là kết qủa của việc thích ứng mục vụ với lòng đạo đức bình dân. Đây là các lễ nhớ, đa số mới được thành lập sau này, và được gắn liền với vùng tây phương.
Nảy sinh theo sau các chiến thắng của Kitô giáo như lễ Đức Mẹ Mân Côi, hay là gia tài của các dòng tu như lễ Đức Bà Camêlo, hoặc nảy sinh sau các lần Đức Mẹ hiện ra như lễ Đức Mẹ Lộ Đức, hay để tưởng niệm các cuộc thánh hiến nhân loại hay các năm thánh mẫu như lễ Trái Tim Vô Nhiễm, lễ Đức Maria Trinh Vương, chúng là các nhắc nhớ sự hiện diện của Mẹ Maria trong lịch sử Giáo Hội.
Cũng như các lễ khác về Đức Maria, tưởng cũng nên ghi nhận rằng các lễ nhớ này cũng có sự tiến triển của chúng. Nguồn gốc của chúng không quan trọng – và ngày nay có thể không còn biện minh được nữa – nhưng việc đào sâu thần học khiến cho việc cử hành được phong phú hơn. Muốn đánh giá các lễ này cần phải khởi hành từ lãnh vực kinh thánh. Việc khó khăn tìm cho ra các văn bản kinh thánh được nhận ra trong nội dung không được súc tích sâu xa lắm của các lời nguyện.
Trước hết chúng ta tìm hiểu lễ Đức Mẹ Lộ Đức. Lễ này đã được Đức Giáo Hoàng Pio X thành lập năm 1908, tức 50 năm sau khi Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức với chị Bernadette Soubirous, và lễ được cử hành vào ngày 11 tháng 2, là ngày Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên. Lễ Đức Mẹ Lộ Đức ban đầu là lễ kính được cử hành trong toàn Giáo Hội, nhưng sau cuộc cải cách phụng vụ của Công Đồng Chung Vaticăng II chỉ còn là lễ nhớ không bắt buộc. Điệp ca nhập lễ được trích từ chương 12 sách Khải Huyền miêu tả người phụ nữ mình mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao. Hình ảnh tương ứng với lời miêu tả của chị Bernadette, khi nói rằng có một tia sáng mặt trời đi trước và bao quanh Bà. Văn bản diễn tả chương trình huyền nhiệm các cuộc Đức Mẹ viếng thăm dân Chúa trong dòng lịch sử Giáo Hội, theo vết các cuộc gặp gỡ được kể lại trong các Phúc Âm: đi viếng thăm bà Elidabét, đi dự tiệc cưới tại làng Cana, đi theo Chúa Giêsu lên núi Sọ, hiện diện giữa các Tông Đồ trong ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống. Lễ Đức Mẹ Lộ Đức là lời mời gọi gặp gỡ với Mẹ, với Chúa Kitô và với các anh chị em khác, dưới cái nhìn hiền mẫu của Mẹ.
Bernadette sinh ngày mùng 7 tháng giêng năm 1844 trong một gia đình nghèo. Ông thân sinh Francois Soubirous sở hữu một máy xay bột bằng gió, bên trên là nhà ở của gia đình, nhưng công việc không phát đạt bao nhiêu. Vào năm 1854 ông lâm cảnh nợ nần không trả nổi đến bị đuổi ra khỏi đây. Cả gia đình lang thang tìm nơi trú ngụ từ chỗ này sang chỗ khác, và sau cùng đến ở trong nhà tù cũ của thành phố, đã bị bỏ hoang vì qúa ẩm thấp.
Chính tại đây trong một trận mất mùa đói kém, ông Francois Soubirous bị cảnh sát tới bắt, vì bị cáo gian là đã ăn trộm một ít bột mì. Người tố cáo là ông chủ lò bánh mì Maisongrose, nghi ngờ ông Soubirous lấy trộm bột của mình vì ông là người nghèo nhất vùng. Tuy nhiên, vì không có bằng chứng gì nên tám ngày sau ông Soubirous được trả tự do. Nhưng gia đình ông đã phải chịu cảnh đói khủng khiếp.
Đức Maria đã hiện ra với chị Bernadette tại Lộ Đức 18 lần tất cả. Lần thứ nhất Đức Maria hiện ra với Bernadette lúc ấy lên 14 tuổi, là trưa ngày 11 tháng 2 năm 1858. Hôm đó trời rất lạnh, vào khoảng 11 giờ trưa Bernadette ra khỏi nhà để tiến tới bờ sông Gave kiếm củi. Cùng đi với Bernadette có em gái là Marie-Antoinette và bạn gái là Jeanne Abadie. Khi đến trước hang đá Massabielle ở chỗ con kênh giao thoa với sông Gave, Marie và Jeanne lội qua trước để nhặt củi trong hang, một nơi bẩn thỉu hôi hám vì là chỗ chăn heo. Bernadette chần chừ vì bị bệnh suyễn và sức khỏe yếu. Nhưng đâu có giải pháp nào khác. Bernadette liền cúi xuống cởi tất để chuẩn bị lội theo.
Bất thình lình cô bé nghe có tiếng gió thổi mạnh. Cô quay nhìn chung quanh nhưng thấy cây cối bên sông đều im lìm bất động. Tiếng gió mạnh lập lại, Bernadette sợ hãi đứng lên quay về phía hang và thấy bụi cây mọc trên hang lay động như có gió mạnh. Đồng thời từ trong hốc đá bên trên hang có một đám mây mầu vàng đi ra, và sau đó một Bà trẻ và đẹp, rất đẹp, Bernadette chưa từng thấy, xuất hiện phía trước. Bà nhìn Bernadette và mỉm cười ra dấu cho cô lại gần. Bernadette hết sợ, nhưng không biết mình đang ở đâu. Cô giơ tay dụi mắt, rồi nhắm và mở ra, nhưng Bà vẫn ở đó, tiếp tục mỉm cười và ra dấu cho biết cô không lầm. Bernadette thò tay vào túi lấy tràng hạt và qùy xuống. Bà gật đầu tán thành và có trong tay một tràng chuỗi giữ trên cánh tay phải. Khi Bernadette muốn bắt đầu lần hạt và giơ tay lên trán làm dấu nhưng tay như bị tê liệt. Chỉ sau khi Bà làm dấu cô mới làm được như Bà. Bà để cho Bernadette đọc kinh một mình, nhưng tay lần hạt theo mà không nói, chỉ sau mỗi chục Bà mới cùng đọc ”Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần” với Bernadette. Khi Bernadette lần hạt xong Bà ra hiệu cho cô lại gần nhưng Bernadette đã không dám. Khi đó Bà lui vào trong và biến mất cùng với đám mây sáng.
Theo lời kể của Bernadette Bà có vẻ là một thiếu nữ 16-17 tuổi, mắt xanh, mặc áo trắng có thắt lưng mầu xanh da trời dài dọc áo. Đầu đội voan trắng, hơi cho thấy tóc, đàng sau dài tới ngang lưng. Bà đi chân không, được che phủ bởi các nếp gấp của áo, nhưng trên ngón có một bông hồng mầu vàng nở to. Các hạt chuỗi mầu trắng, nhưng xâu chuỗi mầu vàng lóng lánh như hai bông hồng ở chân.
Bernadette muốn giữ kín mọi sự, nhưng trên đường về nhà cô em gái đã gặn hỏi khiến cho chị kể lại chuyện xảy ra, với điều kiện là không được nói với ai. Nhưng Marie mách lại cho mẹ biết. Bà Soubirous cho là chuyện bịa đặt nên đánh cho hai con gái một trận. Tuy nhiên Bernadette được phép trở lại hang đá ngày 14 tháng 2 sau đó cùng với em gái và cô bạn.
Sau thánh lễ Bernadette cùng với mươi bé gái xuống hang đá. Cô đem theo một chai nước thánh đề phòng trường hợp thần dữ hiện ra. Mọi người qùy gối lần hạt. Lát sau Bernadette kêu lên: ”Bà ở đó! Bà ở đó! Bà đó!” Cô đứng dậy vội vã rảy nước thánh về phía cây hồng và nói: ”Nếu Bà đến nhân danh Thiên Chúa, thì xin hãy lại gần… ” Nụ cười đẹp của Bà trấn an tâm hồn cô. Bernadette quay lại nói với các bạn: ”Bà không giận, trái lại Bà gật đầu đồng ý và cười với tất cả chúng ta. Em càng rảy nước thánh bà càng cười”. Và khi Bernadette nói ”nhân danh thánh Thiên Chúa” mặt Bà rạng rỡ một cách kỳ diệu. Bà cúi mình nhiều lần. Và Bà tiến tới gần bờ tảng đá. Trước Đấng hiện ra rạng ngời vẻ đẹp trên trời và gần với mình như thế Bernadette qùy mọp xuống đất và đọc các kinh Kính Mừng với tràng hạt Mân Côi. Bỗng chốc cô chỉ còn trông thấy Đức Maria và xuất thần trong một giờ. Cô bạn gái Jeanne Abadie trong nhóm các bé gái nói: ”Chị ấy giống như thiên thần. Chúng tôi tất cả tin là chị ấy chết rồi, nên nhìn chị và khóc”.
Một chứng nhân khác là bé Antoine Nicolau cho biết: ”Chị Bernadette qùy gối, xanh xao, mắt mở lớn dán chặt vào hốc đá, tay chắp lại, cỗ tràng hạt trong các ngón tay; nước từ mắt chảy dài; chị cười và có một gương mặt đẹp hơn tất cả mọi gương mặt mà tôi đã thấy”.
Lần hiện ra thứ hai này lại khiến cho Bernadette bị mẹ cấm không được ra hang đá. Nhưng nhờ bà Millet là người cho việc bà Louise Soubirous, nên Bernadette được phép mẹ cho ra hang đá lần thứ ba. Đó là ngày 18 tháng 2 năm 1858.
(Thánh Mẫu Học bài số 335)
Linh Tiến Khải
Nguồn: Vietvatican