Để minh giải cho lễ Đức Mẹ dâng mình vào Đền Thánh, chúng ta đã sử dụng cuốn I trong bộ sách 10 cuốn của bà Maria Valtorta tựa đề “Bài thơ của Con Người-Thiên Chúa” hay “Tin Mừng như đã được vén mở cho tôi”, là bộ sách đầy đủ nhất kể lại cuộc đời Chúa Giêsu Kitô Cứu Thế. Bà Valtorta đã ghi chép lại các thị kiến và giáo huấn do chính Chúa Giêsu và Mẹ Maria đọc cho bà viết liên quan tới cuộc đời của Đức Mẹ và của Chúa Giêsu cho tới khi Đức Mẹ hồn xác lên trời. Đây là các thị kiến và giáo huấn bà Maria Valtorta đã nhận được giữa các năm 1943-1947. Khi được trình lên Đức Giáo Hoàng Pio XII năm 1948, Đức Pio XII khuyên nên công bố trọn vẹn tác phẩm trong hình thái nguyên tuyền của nó. Năm 1959 tác phẩm bị Thánh Văn Phòng tức Bộ Giáo Lý Đức Tin cấm đọc, nhưng lệnh cấm được bãi bỏ năm 1966. Tuy chưa được Giáo Hội thừa nhận là tác phẩm mạc khải tư, nhưng đây là bộ sách đầy đủ nhất giúp giải tỏa các tò mò và thắc mắc liên quan tới cuộc đời của Đức Mẹ và cuộc đời thơ ấu của Chúa Giêsu. Chúng ta không bắt buộc phải tin, nhưng không nên bỏ qua một tác phẩm quan trọng bậc nhất trong nền văn chương kitô. Nếu muốn tiếp tục đọc hay nghe bộ sách này, quý vị có thể vào trong Website tongdomucvusuckhoe.com, mục Maria Valtorta hay vào radiomaria.org.
Sau thời gian theo dõi các trình thuật cuộc đời thơ ấu của Chúa Giêsu, giúp minh giải cho vài lễ kính Đức Mẹ, trong đó có lễ Dâng Đức Mẹ vào Đền Thánh, chúng ta trở lại với đề tài các lễ về Đức Mẹ. Lần này là để tìm hiểu lễ Trái tim vô nhiễm nguyên tội một cách rộng rãi hơn.
Kiểu gọi “cor immaculatum – trái tim vô tì tích, trái tim vô nhiễm” là kiểu gọi mới sau này. Nó đã trở thành quen thuộc sau khi tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội được Đức Giáo Hoàng Pio IX công bố năm 1854. Bốn năm sau, khi hiện ra tại Lộ Đức với chị Bernadette Soubiroux, chính Đức Mẹ đã xác nhận điều này, khi xưng mình là “Đấng vô nhiễm nguyên tội”, nghĩa là Đấng được ơn đầu thai vô nhiễm, không mắc tội tổ tông truyền.
Trước đó người ta thường dùng các kiểu nói “cor purissimum – trái tim rất thanh sạch”, “trái tim rất vẹn tuyền”, “cor sanctissimum – “trái tim rất thánh” “cor sacratum – trái tim thánh thiêng” và các kiểu diễn tả tương tự. Nhưng sau khi Đức Mẹ hiện ra tại Fatima với ba trẻ mục đồng và sau khi chị Lucia công bố các bút tích của chị, kiểu nói “Trái tim vô nhiễm” thắng thế trong việc sử dụng của Giáo Hội và trong phụng vụ. Việc phổ biến kiểu gọi này đạt điểm tột đỉnh trong các năm 1942-1952, vì ảnh hưởng của các biến cố tại Fatima định đoạt việc thánh hiến thế giới cho Trái tim vô nhiễm nguyên tội Đức Mẹ và một loạt các cuộc thánh hiến khác nữa từ các cơ cấu của Giáo Hội và đôi khi của cả các tổ chức dân sự. Phong trào đạo đức tôn sùng Trái tim vô nhiễm nguyên tội Mẹ Maria đạt tột đỉnh năm 1944 với việc mừng lễ trong toàn Giáo Hội Latinh. Các năm đó cũng là những năm lòng sùng kính Đức Mẹ nở hoa mạnh mẽ, trong đó có cả việc tôn sùng Trái tim vô nhiễm nguyên tội Mẹ Maria.
Tuy nhiên, rất tiếc là trong các năm ngay trước Công Đồng Chung Vaticăng II và trong thời hậu công đồng, lòng tôn sùng Trái tim vô nhiễm nguyên tội Đức Mẹ bị lu mờ với các lý do có thể thiết định một cách chính xác.
Trước hết lòng tôn sùng Trái tim vô nhiễm nguyên tội Mẹ Maria cũng bị khủng hoảng trong cùng thời gian với lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu. Chính vì thế Đức Giáo Hoàng Pio XII mới viết trong Thông điệp “Haurietis aquas” về lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu như sau: “Thật đáng than phiền rằng trong các thời gian qua cũng như ngày nay, lòng tôn sùng rất cao quý này không còn có được cùng danh dự và sự quý trọng nơi vài kitô hữu, và đôi khi cả nơi vài người nói rằng họ được linh hoạt bởi lòng nhiệt thành đối với các lợi ích của công giáo và sự nên thánh riêng nữa”. Được công bố ngày 15 tháng 5 năm 1956 Thông điệp duyệt xét các lý do gây ra cuộc khủng hoảng lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu. Đối với vài học giả lòng tôn sùng ấy không thời sự và không thích đáng, vì nó không đáp ứng, nếu không nói là nó làm hại các nhu cầu thiêng liêng cấp bách hơn của Giáo Hội và của nhân loại trong giờ phút hiện tại”; nó quá ướt át, vô ích và gây hại “đặc biệt đối với các chiến sĩ của Nước Thiên Chúa, lo lắng thánh hiến các năng lực tinh thần tốt nhất của họ cho việc gia tăng các thực hành và các công tác tôn giáo cần thiết hơn cho thời đại ngày nay”. Có người cho rằng việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu là “lỗi thời và tình cảm, nghĩa là một hình thức sùng mộ thấm nhiễm tình cảm hơn là các tư tưởng và các trìu mến cao thượng, do đó thích hợp với phái nữ hơn là với những người có học thức”. Người khác cho rằng nó có tính cách thụ động, vì lòng sùng mộ này quá gắn liền với các hành động sám hối, đền bù tội lỗi và các nhân đức bị coi là thụ dộng, vì chúng không có các hoa trái tỏ tường bề ngoài, và do đó ít thích hợp cho việc củng cố tinh thần tu đức tân tiến có bổn phận hoạt động công khai,
Các ý tưởng kể trên là các thành kiến đuợc dưỡng nuôi bởi khuynh hướng tự nhiên và tình cảm gia tăng. Để giải thích cuộc khủng hoảng liên quan tới lòng sùng kính này đối với Thánh Tâm Chúa Giêsu, có một số học giả nêu lên các lý do sau đây. Thứ nhất, sự thiếu chính xác của nền thần học liên quan tới lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu; thứ hai, việc đền bù tội lỗi bị hiểu một cách sai lạc và thực thi một cách tệ hại; thứ ba, nền tu đức lỗi thời được nuôi dưỡng bởi vài hiệp hội đạo đức; thứ bốn, việc áp dụng sai biểu tượng mà người ta trình bầy như là một bức màn giữa Chúa Kitô và tín hữu; thứ năm, có một sự bất hòa hợp nào đó giữa các hình thức tôn sùng Thánh Tâm Chúa Kitô và các hình thức sâu xa hơn của lòng đạo đức thời nay được gợi hứng từ giáo hội học, từ giáo lý về thân mình thần bí, từ kinh nghiệm cuộc sống của Ba Ngôi Thiên Chúa; thứ sáu, sự vỡ mộng và tỉnh ngộ không được biện minh nhưng có thật đối với vài lời hứa đã không được hiện thực như “Ta sẽ cai trị bên Tây Ban Nha với lòng tôn sùng nhiều hơn các nơi khác”, liên quan tới việc bảo đảm với vài cá nhân và xã hội chống lại các tai ương; thứ bẩy, sự ích kỷ đạo đức và duy ích lợi xem ra nuôi dưỡng lòng tôn sùng này trong khi nó bị hiểu sai; thứ tám, các kiểu làm hình tượng đã không đạt được các hình thái diễn tả có giá trị, nhưng đã chỉ cống hiến vài mô thức có cảm hứng uể oải và một hương vị suy sút. Và tất cả những điều đó gia tăng vô tận trong các nguyệt san đạo đức, trong các tác phẩm in ấn tôn giáo và các bài giảng không có hương vị gì hấp dẫn và tuyệt đối chống lại các khuynh hướng tân tiến ngày càng nhấn mạnh trên đòi buộc sự đơn sơ và đích thật.
Đây không phải là nơi bênh vực cho lòng sùng kính Trái tim Đức Maria. Nó cũng đã chịu cuộc khủng hoảng như lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, tuy trong các chiều kích nhẹ hơn. Các sửa đổi giúp vượt thắng cuộc khủng hoảng này trước hết thuộc trật tự tổng quát và cũng là chính các sửa chữa cho phép ra khỏi cuộc khủng hoảng gọi là cuộc khủng hoảng “thời hậu công đồng”. Tuy nhiên, không thể coi Công Đồng Chung Vaticăng II là nguyên nhân thật gây ra cuộc khủng hoảng này, nhưng nó đã chỉ là dịp, bởi vì các tài liệu tuyệt hảo của Công Đồng đã chỉ được vài tầng lớp Giáo Hội đọc. Lý do là vì Công Đồng đã hướng lòng đạo đức của tín hữu tới phụng vụ, nhưng đã không quên kêu gọi tín hữu có các thực thi lòng đạo đức bình dân đích thực. Số 67 Hiến chế về Giáo Hội viết: “Giáo Hội cũng khuyến khích hết mọi con cái hãy nhiệt tâm phát huy lòng sùng kính Đức Trinh Nữ, nhất là trong phụng vụ, hãy coi trọng những việc thực hành và việc đạo đức nhằm suy tôn Ngài và đã được Giáo Huấn Giáo Hội cổ võ qua các thời đại trước liên quan đến việc tôn kính ảnh tượng Chúa Kitô, Đức Trinh Nữ và các Thánh”.
Sau khi đã đưa ra các tiền đề trên đây, phải thừa nhận rằng lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu và Trái Tim vô nhiễm nguyên tội Mẹ Maria cần phải được canh tân theo các tiêu chuẩn sau đây:
Thứ nhất, phải trở về với các suối nguồn đích thực của lòng sùng kính này là Thánh Kinh, truyền thống, huấn quyền và suy tư thần học được cập nhật. Dĩ nhiên cũng không thể bỏ qua các nguồn tại liệu có tính cách thần bí và đặc sủng, khi chúng có tính cách đích thực. Chẳng hạn sự kiện thánh nữ Gertrude Cả, sống vào thế kỷ XIII tại đan viện Helfta có lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu. Hay những gì Chúa Giêsu nói với thánh nữ Margherita Alacoque trong một lần xuất thần tại tu viện Paray-le-Monial bên Paris hồi thế kỷ XVI: “Này là trái tim đã yêu thương loài người. Trái tim Ta sẽ nở rộng để trao ban tràn đầy các hoa trái tình yêu trên những người tôn kính Ta. Các kho tàng qúy báu mà Cha đã vén mở cho con chứa đựng các ơn thánh hóa để lôi kéo con người ra khỏi vực sâu của sự hư mất”. Và chính sự gợi hứng của thánh nữ đã làm nảy sinh ra lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và phổ biến lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu là Đấng đã hiện ra với thánh nữ trên một ngai lửa, rạng ngời như mặt trời, với vết thương đáng thờ lậy, có gai bao quanh, bên trên có một thánh giá. Đó là hình Trái Tim Chúa Giêsu mà chúng ta thường thấy ngày nay trên bàn thờ của nhiều gia đình kitô trên toàn thế giới. Thế rồi biến cố Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ mục đồng là Lucia, Giacinta và Phanxicô năm 1917 mời gọi các em siêng năng lần hạt Mân Côi, cầu nguyện cho những kẻ tội lỗi ăn trở lại và tôn sùng Trái Tim vô nhiễm nguyên tội của Mẹ, cũng góp phần giải thích lý do của lòng tôn sùng đối với Thánh Tâm Chúa Giêsu và Trái tim vô nhiễm nguyên tội Mẹ Maria. Tuy nhiên, tất cả các nguồn gốc có tính cách dặc sủng này cần phải được minh giải và tùy thuộc các nguồn tài liệu chính của lòng đạo đức kitô.
Tiêu chuẩn thứ hai cần ghi nhận đó là việc canh tân các thói quen cổ điển của lòng tôn sùng Trái tim Đức Mẹ và canh tân các cơ cấu đã đánh mất đi tính cách thời sự của chúng. Điều này đòi buộc duyệt xét lại nền tảng phê bình lịch sử của các lời hứa bằng cách thừa nhận ý nghĩa sâu xa mà chúng có trong lãnh vực thần học ơn thánh và tránh để cho mình bị lôi kéo bởi bộ máy của các công thức.
Tiêu chuẩn thứ ba, phải giải thích ý niệm thần học nền tảng của việc đền bù, là ý niệm thiết định một mối dây sâu xa giữa các việc tôn sùng này với các mầu nhiệm lớn lao của sự nhập thể và cứu rỗi. Thánh Gioan Eudes nói: “Tôi muốn cho thấy một cách rõ ràng rằng việc sùng mộ này không phải là không có nền tảng, cũng không phải là không có lý do, nhưng nó dựa trên các nền tảng vững chắc tới độ mọi quyền lực của trái đất và của hỏa ngục không thể phá hủy được chúng… và điều này là để dấy lên một sự qúy trọng khác đối với lòng tôn sùng Trái Tim của Mẹ Thiên Chúa, vì là một lòng tôn sùng rất chắc chắn và rất có nền tảng”.
Linh Tiến Khải
Nguồn: RV