Trong các lễ nhớ dành riêng cho Mẹ Maria liên quan tới lễ Đức Mẹ Lộ Đức, có lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria. Kiểu nói ”trái tim vô nhiễm” mới có sau này, và trở thành thông dụng sau khi Đức Giáo Hoàng Pio IX công bố tín lý Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội năm 1854. Trước đó có các kiểu nói thông dụng như ”trái tim rất thanh sạch”, hay ”trái tim rất vẹn tuyền”, hoặc ”trái tim rất thánh” Đức Mẹ Maria, hoặc các kiểu nói tương tự.
Nhưng nhầt là sau khi Đức Mẹ hiện ra tại Fatima bên Bồ Đào Nha năm 1917 với ba trẻ mục đồng Lucia, Phanxicô và Giacinta, và viêc phát hành các bút tích của chị Lucia, kiểu nói ”trái tim vô nhiễm nguyên tội” Mẹ Maria chiếm ưu thế trong thói quen của Giáo Hội và trong phụng vụ. Nó đạt tột đỉnh giữa các năm 1942-1952, vì ảnh hưởng của các biến cố tại Fatima đã xác định việc thánh hiến thế giới cho Trái tim vô nhiễm nguyên tội Đức Mẹ và nhiều cuộc thánh hiến từ phía các cơ cấu giáo hội, và đôi khi cả từ các tổ chức dân sự. Phong trào tôn sùng Trái Tim vô nhiễm nguyên tội Đức Mẹ đạt tột đỉnh vào năm 1944 với việc cử hành lễ kính trong toàn Giáo Hội Latinh. Các năm đó cũng là thời điểm lòng sùng kính Đức Mẹ nở hoa, và việc tôn sùng Trái Tim vô nhiễm Mẹ Maria đạt cường độ mạnh mẽ chưa từng thấy.
Tuy nhiên, rất tiếc các năm trước khi Công Đồng Chung Vaticăng II khai mạc, và nhất là thời gian hậu Công Đồng, lòng tôn sùng Trái Tim vô nhiễm nguyên tội Mẹ Maria gặp khủng hoảng, cũng giống như lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu. Trong Thông điệp ”Haurietis aquas” ”Các con sẽ kín múc nước” về lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, công bố ngày 15 tháng 5 năm 1956, Đức Giáo Hoàng Pio XII đã viết rằng: ”Thật đáng than phiền rằng trong qúa khứ cũng như trong ngày nay, việc phụng tự rất cao qúy này đã không có được vinh dự và sự trân trọng nơi một số Kitô hữu, và đôi khi cả nơi một số người nói rẳng họ được linh hoạt bởi sự nồng nhiệt chân thành đối với các lợi ích của đạo công giáo và việc thánh hóa chính mình”.
Ngay trong năm 1956 Thông điệp đã duyệt xét các lý do qua đó, theo ý kiến của vài tác giả, việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu đã gặp khủng hoảng. Đối với họ việc tôn sùng Thánh Tâm là điều không thời sự và không thích hợp, là ”ít đáp ứng, nếu không nói là làm hại cho các nhu cầu tinh thần cấp thiết nhất của Giáo Hội và của nhân loại trong giờ phút hiện tại này”; là ”siêu tưới gội, vô ích và nguy hại” đặc biệt đối với những chiến sĩ của Nước Thiên Chúa, lo lắng thánh hiến điều tốt nhất trong các năng lực tinh thần của họ để gia tăng các thực hành và các việc đạo đức, mà họ coi là cần thiết hơn cho thời đại ngày nay”; là ”suy tàn và tình cảm”, nghĩa là ”một hình thức tôn sùng thấm nhuần tình cảm hơn là các tư tưởng cao qúy và các trìu mến, và vì thế phù hợp với phái nữ hơn là với các người có học thức”; là có dấu vết ”yếu đuối thụ động”, bởi vì họ cho rằng ”việc tôn sùng này qúa bị cột buộc vào các hành động hãm mình, đền tội và các nhân đức mang dấu vết thụ động, vì thiếu các hoa trái rõ ràng bề ngoài, và do đó ít thích hợp với việc củng cố tinh thần tu đức tân tiến, mà bổn phận hoạt động công khai phải có”.
Đây là các thành kiến đích thật được nuôi dưỡng bởi chủ thuyết duy tự nhiên và khuynh hướng tình cảm gia tăng. Để giải thích chúng một vài tác giả đã đưa ra các lý do sau đây. Chẳng hạn như sự không chính xác của nền thần học liên quan tới việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu; việc ”đền bù” bị hiểu sai và thực hành lại còn sai hơn nữa; tinh thần tu đức suy đồi được khích lệ trong một vài hiệp hội đạo đức; biểu tượng bị áp dụng lệch lạc và được giới thiệu như là một bức màn chắn giữa Chúa Kitô và tín hữu; một vài sự không hài hòa giữa các hình thái việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu và các hình thức sâu xa hơn của lòng đạo đức trong thời đại chúng ta; các hình thức được gợi hứng bởi giáo hội học, bởi giáo thuyết về thân mình mầu nhiệm, kinh nghiệm về cuộc sống của Thiên Thúa Ba Ngôi. Thế rồi còn có sự vỡ mộng và cụt hứng không thể biệm minh, nhưng thực sự đối với vài ”lời hứa” vén mở cho thấy chúng vô ích, khi nhằm bảo đảm cho các cá nhân và xã hội chống lại các tai ương: thí dụ như ”Ta sẽ thống trị bên Tây Ban Nha với nhiều tôn sùng hơn các nơi khác”; khuynh hướng tôn sùng ích kỷ và duy lợi ích xem ra xúi dục sự tôn sùng này, trong khi nó bị hiểu sai; nghệ thuật các ảnh tượng chưa gặp được các hình thái diễn tả giá trị, vì nó đã không thành công trong việc cống hiến nhiều hơn là vài kiểu mẫu gợi hứng mòn mỏi hay một sở thích gây chán nản. Và những nhận xét đại loại kéo dài vô tận, trong các nguyệt san đạo đức, trong các sách báo tôn giáo, các bài giảng vô vị và tuyệt đối, trái nghịch với các khuynh hướng tân tiến ngày càng đòi hỏi sự đơn sơ và chân thật.
Ở đây không phải là chỗ để bênh vực lòng sùng kính Trái Tim Đức Mẹ, cũng đã chịu cuộc khủng hoảng như lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, tuy trong các tỷ lệ ít hơn. Các phương thức giúp ra khỏi cuộc khủng hoảng này trước hết thuộc trật tự tổng quát, và cũng là những phương thức cho phép thoát khỏi cuộc khủng hoảng gọi là ”cuộc khủng hoảng thời hậu công đồng”. Tuy nhiên, không thể coi Công Đồng Chung Vaticăng II là nguyên do của cuộc khủng hoảng này. Nó đã chỉ là dịp, vì các văn bản giáo huấn tuyệt hảo của Công Đồng đã chỉ được đọc và áp dụng bởi một vài lãnh vực trong Giáo Hội. Nói cách khác, chính sự kiện đại đa số Kitô hữu đã không đọc, không hiểu biết, thấm nhuần, áp dụng và sống các giáo huấn của Công Đồng nên mới có các lệch lạc gây ra cuộc khủng hoảng đó.
Bởi vì, nếu thực sự Công Đồng Chung Vaticăng II đã hướng lòng đạo đức của tín hữu tới việc thờ phượng có tính cách phụng vụ, thì Công Đồng đã không hề lơ là trong việc nhắn nhủ họ về các cung cách sống đạo bình dân chân thực. Bằng chứng là số 67 Hiến chế về Giáo Hội viết rõ ràng như sau: ”Giáo Hội khuyến khích hết mọi con cái hãy nhiệt tâm phát huy lòng sùng kính Đức Nữ Trinh, nhất là trong phụng vụ, hãy coi trọng những việc thực hành và việc đạo đức nhằm suy tôn Mẹ và đã được Huấn Quyền Giáo Hội cổ võ qua các thế kỷ, cũng như hãy kính cẩn tuân giữ những quyết định của các thời đại trước liên quan đến việc tôn kính ảnh tượng Chúa Kitô, Đức Nữ Trinh và các Thánh.
Công Đồng cũng hết lòng khuyến khích các nhà thần học và những người rao giảng lời Chúa, khi xét đến phẩm giá phi thường của Mẹ Thiên Chúa, hãy cẩn thận tránh mọi tư tưởng phóng đại sai lầm, cũng như mọi tư tưởng hẹp hòi qúa đáng… nhưng hãy làm sáng tỏ đúng mức những vai trò và đặc ân của Đức Trinh Nữ; những chức vụ và đặc ân này luôn luôn quy hướng về Chúa Kitô là nguồn mạch toàn thể chân lý, thánh thiện và đạo đức. Họ phải cẩn thận tránh xa mọi lời nói hay việc làm có thể làm cho các anh em ly khai hay bất cứ ai khác hiểu sai giáo lý đích thực của Giáo Hội. Phần các tín hữu, hãy nhớ rằng, lòng tôn sùng chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại một sự đễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật. Đức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta” (LG 67).
Như thế, chúng ta phải công nhận rằng cần canh tân việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu và Trái Tim Đức Mẹ theo các tiêu chuẩn sau đây.
Thứ nhất, trở về với các nguồn mạch đích thật của việc tôn sùng là Thánh Kinh, Truyền Thống, Huấn Quyền và suy tư thần học được cập nhật. Dĩ nhiên, không thể bỏ qua vài ”nguồn mạch” có tính cách thần bí và đặc sủng, khi chúng chân thực như các mạc khải trong các lần Đức Mẹ hiện ra ở Helfta, Paray-le-Monial, Fatima vv… Tuy nhiên, các nguồn mạch có tính cách đặc sủng này phải được minh giải và đặt để dưới các nguồn mạch chính của lòng đạo đức Kitô.
Thứ hai, canh tân các thực hành ”cổ điển” sùng kính Trái Tim Mẹ Maria và các cơ cấu đã mất tính thời sự. Điều này đòi hỏi phải duyệt xét nền tảng phê bình lịch sử các ”lời hứa”, bằng cách nhận ra nơi chúng ý nghĩa sâu xa, mà chúng có trong lãnh vực thần học về ơn thánh, và tránh đừng để bị lôi kéo bởi cơ chế của các công thức.
Thứ ba, cần có giải thích thần học ý niệm nền tảng về việc đền tạ để thiết lập một mối dây sâu xa giữa các việc sùng kính này và các mầu nhiệm cao cả nhập thể và cứu chuộc như lời thánh Jean Eudes đã nói: ”Tôi muốn cho thấy một cách rõ ràng rằng việc tôn sùng này không phải là không có nền tảng cũng như lý do, mà nó dựa trên các nền tảng vững vàng và chắc chắn đến độ tất cả mọi quyền lực của trái đất và của hỏa ngục cũng không có khả năng phá hủy… và điều này để khơi dậy một sự trân qúy khác đối với việc tôn sùng Trái Tim rất thánh của Mẹ Thiên Chúa, như là việc tôn sùng rất vững chắc và rất có nền tảng…” (x. S. De Fiores, Maria presenza viva nel popolo di Dio, Roma 1980, 86-88).
Tóm lại, có thể nói lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu và lòng sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ Maria luôn đi song song với nhau. Bởi vì trong gia đình nhân loại đã không hề có hai trái tim nào và sẽ không bao giờ có hai trái tim nào khác đập cùng nhịp yêu thương cứu chuộc như Thánh Tâm Chúa Giêsu và Trái Tim vô nhiễm nguyên tội Mẹ Maria. Phúc cho các Kitô hữu nào có lòng yêu mến và tôn sùng Hai Trái Tim Cực Thánh ấy, vì Chúa Giêsu Kitô và Mẹ Maria sẽ đặc biệt che chở và không bao giờ để cho họ bị hư mất đời đời.
(Thánh Mẫu Học bài số 342)
Linh Tiến Khải
Nguồn: RV