MẸ MARIA HỒN XÁC LÊN TRỜI

Lễ Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời là một cơ hội tuyệt vời để nói về Đức Trinh Nữ Maria cho mọi người. Mẹ Maria được Thiên Chúa chọn làm mẹ của Con ngài, Chúa Giêsu Kitô. Mẹ luôn tin tưởng vào Thiên Chúa, Mẹ là hình mẫu cho đức tin của chúng ta. Chúng ta tin rằng Mẹ Maria đã lên Thiên đàng với Chúa cả thể xác và linh hồn của Mẹ. Một ngày nào đó chúng ta sẽ tham gia cùng Mẹ. Đây là những gì chúng ta mừng vào ngày Lễ Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời.

Lễ Mẹ Maria về Trời là một lễ ra đời trong khoảng thời gian mù mờ ở phương Đông, nhưng nó nhanh chóng lan rộng.

Người Công giáo chia sẻ niềm tin vào việc Mẹ Maria về Trời, là niềm tin chung của các Kitô hữu Đông phương, ngay cả khi họ thích nói về “sự ngủ yên của Đức Trinh Nữ”.

Lễ Mẹ Maria về Trời bắt nguồn từ Giêrusalem, nhưng không rõ có từ bao giờ. Lễ này được tổ chức từ thế kỷ thứ 4, ở Antiokia, và vào thế kỷ thứ 5 ở Palestina. Nguồn gốc chính xác của ngày lễ 15 tháng 8 có thể là do Đức Giám mục Juvenal (422 – 458) vào ngày này thánh hiến một nhà thờ dành riêng cho Đức Mẹ Maria tại Kathisma, được cho là giai đoạn cuộc sống của Đức Trinh Nữ giữa Nazareth và Bethlehem. Rất có thể nó bắt nguồn từ việc thánh hiến một nhà thờ khác ở Giếtsimani, gần Giêrusalem, vào thế kỷ thứ 6, nơi một số truyền thống khẳng định rằng Đức Trinh Nữ đã kết thúc cuộc đời trần thế của mình.

Có vẻ như ngày 15 tháng 8 đã được Hoàng đế Maurice (582-603) chọn ở phương Đông để kỷ niệm lễ khánh thành nhà thờ dành riêng cho Đức Mẹ đồng trinh lên trời. Ngày lễ được Hoàng đế Maurice  mở rộng cho toàn đế quốc, dưới tên gọi là Dormition – An Giấc (Koimelis) của Đức Trinh nữ Maria.

Ở phương Đông, kể từ đó Lễ này luôn có một tầm quan trọng đặc biệt: năm phụng vụ “mở đầu” hầu như bằng ngày 8 tháng 9 – lễ Sinh Nhật Đức Maria – và “kết thúc” vào ngày 15 tháng 8, lễ Mẹ trở về cùngThiên Chúa: vì thế, cả năm phụng vụ được đặt dưới sự bảo trợ của Mẹ Maria. 

Trong bí mật

Như thói thường vào thời gian đó, Giáo Hội Rôma đứng sau Giáo Hội Constantinople: chúng ta chắc chắn rằng Lễ Mẹ Maria về Trời không được cử hành ở đó dưới thời Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả († 604) mà là vào năm 690. Do đó, người ta cho rằng Lễ Mẹ Maria LênTrời được thiết lập bởi Đức Giáo Hoàng Sergius I (687 – 701), người gốc Syria.

Trong một thời gian dài Lễ Mẹ Maria Lên Trời được tổ chức kèm theo một đám rước ban đêm, vốn đã bị Đức Giáo Hoàng Piô V (năm 1566) bác bỏ, vì có nhiều vụ lạm dụng chung quanh đó. Lễ đã được cử hành từ lâu và ở nhiều giáo phận khác nhau ở Nam Âu, đó có thể là thời gian, vào thời Trung cổ, để chúc lành cho thức ăn gia súc và những vụ thu hoạch đầu tiên. Việc Lễ này được cử hành phổ biến có ảnh hưởng quyết định đến việc tuyên tín của Đức Piô XII.

Chính vào ngày mùng 1 tháng 11 năm 1950 Đức Giáo Hoàng Pio XII công bố Tông hiến “Munificentissimus Deus – Thiên Chúa rất quảng đại” định nghĩa tín điều Đức Maria hồn xác lên trời. bằng một định tín rằng: “Do uy quyền của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, của hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, và với thẩm quyền của Ta, Ta phán quyết, tuyên ngôn, và định tín là tín điều đã được mạc khải rằng: Đức Maria, Mẹ Vô Nhiễm của Thiên Chúa trọn đời đồng trinh, sau cuộc sống trần gian này, đã được phúc vinh quang Thiên đàng cả hồn và xác. Nếu ai cả dám tự tình chối bỏ hay nghi ngờ điều Ta đã định tín, thì họ phải biết rằng họ hoàn toàn phản bội đức tin Công giáo của Thiên Chúa”. 

Một niềm tin, một ngày lễ, một tín điều

Mặc dù các sách Tin mừng quyết định, những Kitô hữu đầu tiên không mất nhiều thời gian để suy ngẫm về vị trí của Đức Maria trong đức tin của họ. Họ nhanh chóng muốn kỷ niệm những khoảnh khắc cuối cùng của Mẹ, như họ đã làm để tôn vinh các vị thánh của họ. Bởi vì vai trò độc nhất trong sự hợp tác của Mẹ với Chúa Kitô, một niềm tin lan rộng: trong “giấc ngủ an bình” của Mẹ – Thiên Chúa  nâng thân xác và linh hồn của Mẹ lên thiên đàng.

Ngày lễ thể hiện niềm tin này: các Kitô hữu kỷ niệm cái chết, sự phục sinh, việc bước vào thiên đàng và lễ đăng quang của Đức Trinh Nữ Maria.

Sự kiện Đức Mẹ Maria thường được kết hợp với sự Thăng Thiên của Chúa Kitô; trên thực tế, các từ ngữ đều giống nhau và trong cả hai trường hợp đều có mầu nhiệm lên trời trong vinh quang của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, “Assumption – Mẹ lên trời” không xuất phát từ động từ Latinh “ascendere” (trỗi dậy), vốn có nghĩa là “Ascension -Thăng thiên”, mà là từ “assume” (mặc lấy, đảm nhận). Từ gốc nhấn mạnh đến sáng kiến ​​của Thiên Chúa: Đức Maria không thể tự lên trời một mình được. Chính Thiên Chúa đã chọn “đảm nhận” Mẹ, cả thể xác lẫn linh hồn, bằng cách đoàn tụ Mẹ với Chúa Giêsu Con Mẹ mà không cần đợi đến sự sống lại trong ngày sau hết, bởi vì Mẹ đã hợp nhất bản thân mình, thể xác và linh hồn, với Ngài ngay từ cuộc sống trần thế của Mẹ.

Trong sự kiện Mẹ lên trời, Mẹ Maria khai mạc định mệnh đã mở ra cho loài người bằng sự phục sinh của Con Mẹ và báo trước tình trạng của những người được cứu độ vào thời kỳ cuối cùng sẽ trở nên như thế nào.

Ngày lễ Mẹ lên trời duy trì niềm hy vọng

Phụng vụ lễ Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời tôn vinh Đức Maria như “được biến hình”: Mẹ ở với Thiên Chúa bằng thân xác vinh hiển chứ không chỉ bằng linh hồn; trong đó, Chúa Kitô xác nhận sự chiến thắng của chính Ngài đối với sự chết.

Do đó, Mẹ Maria nhận ra mục đích mà Thiên Chúa đã tạo dựng và cứu chuộc loài người. Bằng cách cử hành Lễ Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời, các tín hữu chiêm ngắm số phận đã cam kết của chính họ, nếu họ lựa chọn kết hợp mình với Chúa Kitô.

Sự chiêm niệm này cuối cùng củng cố niềm tin tưởng vào sự chuyển cầu của Mẹ Maria: Mẹ sẵn sàng “hướng dẫn và nâng đỡ chúng ta tin tưởng vào những lời hứa của Chúa Kitô vì Mẹ là khởi đầu, là hình ảnh của Hội Thánh viên mãn là niềm an ủi và niềm hy vọng tràn trề cho dân thánh trong cuộc lữ hành trần thế” (Kinh tiền tụng). Sau đó, họ muốn cầu xin Thiên Chúa: “Xin cho chúng con hằng biết hướng lòng về phúc lộc quê trời để mai sau được cùng Thánh Mẫu chung hưởng vinh quang” (Lời nguyện nhập lễ).

Phêrô Phạm Văn Trung.

Chia sẻ Bài này:

Related posts