“Con hãy biết rằng mặc dù Mẹ đã được nâng lên làm Mẹ Thiên Chúa, nhưng bẩy lưỡi gươm vẫn xuyên thấu Trái Tim Mẹ”
(NK, 786)
“Mẹ không những là Nữ Vương Thiên Đàng, mà còn là Mẹ Thương Xót và là Hiền Mẫu của con”
(NK, 330)
Mẹ ơi,
Hôm nay con muốn tôn vinh Mẹ với tước hiệu “Mẹ Sầu Bi – Mẹ Thương Xót ”
Thánh lễ “Bảy Sự Thương Khó Đức Bà” được hình thành vào thời Trung Cổ. Mãi đến năm 1814 Đức Thánh Cha Pio VII mới cho phép toàn thế giới mừng kính.
Con đọc thấy “Bảy sự thương khó Đức Bà” được liệt kê theo bản văn phụng vụ như sau:
- Khi Mẹ dâng Chúa Giêsu trong đền thánh, nghe ngôn sứ Simêon tiên báo: lưỡi gươm sẽ đâm thâu lòng Mẹ (Lc 2,34-35)
- Lúc Mẹ ẵm Chúa Hài Đồng trốn sang Ai Cập (Mt 2,13-15)
- Lúc lạc mất Chúa, và Mẹ phải tìm kiếm ba ngày mới gặp lại trong Đền Thờ (Lc 2,41-52)
- Khi Mẹ theo Con trên đường lên Núi Sọ, vai vác Thánh Giá mình đầy thương tích.
- Khi Mẹ thấy Con bị quân lính đóng đinh tay chân vào thập giá, đau đớn xót xa.
- Lúc hạ xác Chúa xuống khỏi thập giá.
- Lúc táng xác Chúa trong mồ.
Lễ kính nhớ các đau khổ của Mẹ liên kết chặt chẽ với lễ Suy Tôn Thánh Giá; y như ngày xưa lễ Đức Mẹ Sầu Bi được cử hành vào Thứ Sáu trước Lễ Lá. Những đau khổ của Mẹ và Con Mẹ được nối kết với nhau cách chặt chẽ; cũng như những đau khổ của con hôm nay được nối kết với đau thương của Chúa Giêsu. Muốn đi theo Mẹ trên đường thánh giá, con cũng phải trải qua những cuộc chiến đấu quyết liệt. Ngày lễ Mẹ Sầu Bi, con xin cùng Mẹ hướng lòng về thánh giá Đức Kitô, để dâng mình như của lễ vâng phục và tin yêu.
Mẹ yêu dấu,
Ngày xưa còn bé, mỗi tối ba má, chị em con vẫn thường quây quần bên ngọn đèn dầu leo lắt với cuốn “Sách Toàn Niên” cũ mòn cắm cúi đọc kinh gia đình. Có những đêm đang đọc kinh, trời đổ mưa, mái nhà tranh dột nát, phải lấy thau hứng nước mưa và chạy tìm chỗ khô ráo đọc cho hết kinh mới đi ngủ. Nhờ đó mà ngay từ nhỏ, con đã thuộc lòng rất nhiều kinh và bài hát về Mẹ, như kinh “Ngắm bảy sự đau đớn Đức Bà, bảy Kinh Kính Mừng chia ra làm bảy phần. Thứ nhất thì ngắm…Thứ hai thì ngắm…” và nhiều kinh khác như “Kinh Nữ Vương”, “Kinh Hãy Nhớ”, “Kinh Cầu Đức Bà”, “Kinh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp”, bài hát “Mẹ ơi con yêu Mẹ. Yêu từ hồi thơ bé. Yêu mãi đến tuổi già. Yêu tha thiết bao la…giờ chết Mẹ thương nhé! Chết trong tình yêu Mẹ!”
Rồi càng lớn càng ham muốn học hỏi hiểu biết về Mẹ, con càng yêu mến Mẹ hơn. Có lẽ vì vậy mà Mẹ thương cho con được hành hương đến những nơi Mẹ hiện ra như La Vang, Trà Kiệu, Tàpao, Lộ Đức, Fatima, Banner, Amsterdam, Mễ Du, La Fayette… Và trên tất cả là Mẹ cho con được cùng Mẹ chịu đựng mọi gian lao, đau khổ, đắng đót, nhục nhã, hiểu lầm, khinh chê, nhạo báng… trên con đường loan truyền Lòng Chúa Thương Xót. Con xin hiệp cùng sự thương khó của Mẹ, để cùng Mẹ cộng tác vào công trình cứu rỗi của Chúa Giêsu.
Đọc tiểu sử thánh Faustina, con thấy lòng sùng kính Mẹ là yếu tố nổi bật trong đời sống thiêng liêng của chị. Trong phòng cầu nguyện của gia đình Faustina, có một bức tượng của Mẹ bên cạnh tượng thánh giá, nơi cả gia đình vẫn họp nhau cầu nguyện mỗi tối. Mẹ là một phần trong cuộc đời Faustina từ thuở còn trong nôi, vì thế, chị hướng tới Mẹ một cách khá tự nhiên mỗi khi có nhu cầu. Con cũng bắt chước chị trong điểm này khi luôn chạy đến Mẹ vì Mẹ là Mẹ Xót Thương.
- Mẹ của Lòng Xót Thương
Thưa Mẹ,
Con rất thích tước hiệu này. Mẹ là người đặc biệt đã đạt được lòng thương xót, vì Mẹ được gìn giữ khỏi tội nguyên tổ, được ban đầy đủ ân huệ, và được nâng lên tước vị Mẹ Thiên Chúa. Mẹ mang lại cho thế giới Ngôi Lời Nhập Thể đầy lòng thương xót. Mẹ hiểu biết sâu xa nhất về mầu nhiệm Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Mẹ biết giá trị của Lòng Chúa Thương Xót. Mẹ biết Lòng Chúa Thương Xót cao cả như thế nào. Mẹ Thương Xót được biểu thị bằng bức tượng Mẹ đứng giang tay ra, sẵn sàng cứu giúp mọi người. Chiếc áo choàng nhẹ phủ lên cánh tay Mẹ như biểu tượng của sự che chở và lòng thương xót của Mẹ đối với đàn con thương yêu.
Đọc trong nhật ký, con thấy Faustina thường viết về vai trò của Mẹ với tư cách là Mẹ của Lòng Thương Xót. Không những chỉ nhận ra lòng thương xót mà Mẹ đã đạt được ở mức độ cao nhất, mà chị còn nhận ra lòng thương xót mà Thiên Chúa ban cho con người thông qua Mẹ: “Qua Mẹ, như pha lê tinh tuyền, lòng thương xót của Chúa được thông ban cho chúng con. Qua Mẹ, nhân loại được đẹp lòng Thiên Chúa; Qua Mẹ, những dòng suối thánh ân tuôn trào xuống chúng con” (NK, 1746).
Mẹ đặc biệt nhắc nhở nữ tu Faustina về chức năng làm Mẹ, mà giáo hội vẫn tuyên xưng, khi Mẹ trình bày chức năng này như một ân huệ của Lòng Chúa Thương Xót. Faustina viết: “Tôi nhìn thấy Đức Trinh Nữ rất thánh, đẹp khôn tả. Mẹ từ bàn thờ đi xuống chỗ tôi quỳ, Mẹ ôm tôi sát vào lòng và nói với tôi: nhờ Lòng Thương Xót vô biên của Thiên Chúa, Mẹ là Hiền Mẫu của tất cả các con. Linh hồn nào trung thành thực thi thánh ý Chúa là linh hồn đẹp lòng Mẹ nhất… Hãy can đảm. Đừng sợ hãi những trở ngại trước mắt, nhưng hãy ngắm nhìn cuộc Thương Khó của Con Mẹ, và như vậy, con sẽ được chiến thắng” (NK, 449) và “lúc nào Mẹ cũng dành cho con một lòng cảm thương” (NK, 805).
Faustina phó thác cho Mẹ cả cuộc đời mình, lúc vui tươi hân hoan cũng như khi buồn khổ chán chường: “Lạy Mẹ Maria, Mẹ con, con xin dâng lên Mẹ linh hồn và thân xác, cuộc sống và cái chết cùng tất cả những gì sau đó của con. Con xin phó dâng mọi sự trong tay Mẹ. Ôi hiền mẫu của con, xin Mẹ bảo bọc linh hồn con dưới áo choàng khiết trinh của Mẹ, và ban ơn để con có trái tim, linh hồn và thân xác trắng trong. Xin hãy dùng sức mạnh của Mẹ mà bảo vệ con khỏi mọi kẻ thù, nhất là những người che đậy ác tâm của họ sau mặt nạ nhân đức. Mẹ là tấm gương cho con. Ôi Từ Mẫu của con” (NK, 79).
Hiệp với tâm tình của Faustina, con cũng xin Mẹ bảo vệ con khỏi những người đạo đức giả, những người “che đậy ác tâm của họ sau mặt nạ nhân đức”! Đó là những người “khẩu phật tâm xà”, những người “miệng thì nam mô, mà bụng thì chứa một bồ dao găm”! Làm sao con có thể đề phòng được những con người như thế này hả Mẹ? Chúa nói: “Phúc cho ai biết xót thương người, thì sẽ được Thiên Chúa xót thương”. Con cái của Mẹ Thương Xót mà không biết xót thương anh em mình thì thật là… vô phúc! Xin Mẹ giúp trở nên đứa con đáng yêu đối với Đức Giêsu, và xứng đáng ngợi khen lòng thương xót của Người trước toàn thế giới và mãi cho đến muôn đời (NK, 220).
Con mong ước cảm nhận được tình mẫu tử và sự chăm sóc của Mẹ như Faustina: “Một lần kia, Mẹ Thiên Chúa đến thăm tôi. Mẹ rất buồn phiền. Đôi mắt Mẹ trĩu nặng. Mẹ có vẻ muốn nói một điều gì đó, nhưng một đàng như thể lại không muốn tiết lộ điều ấy cho tôi. Khi hiểu ra, tôi bắt đầu năn nỉ Mẹ hãy cho tôi biết và hãy thương nhìn tôi. Lúc đó, Mẹ mới nhìn tôi với một nụ cười đôn hậu và nói: ‘Con sắp phải trải qua những đau khổ do một cơn bệnh và các bác sĩ; con cũng sẽ phải đau khổ nhiều vì bức hình lòng thương xót, nhưng con đừng sợ hãi gì cả’. Hôm sau, tôi ngã bệnh và rất đau đớn, đúng như Mẹ Thiên Chúa đã nói với tôi. Nhưng linh hồn tôi đã sẵn sàng trước những đau khổ này. Đau khổ là bạn đồng hành thường xuyên của cuộc sống tôi” (NK, 316).
Con biết rằng, giống như một bà mẹ tốt lành, Mẹ luôn theo dõi, săn sóc và gần gũi con cái mình, như Faustina, con “phó mình cho sự che chở đặc biệt của Mẹ. Chỉ có Mẹ luôn ở với tôi. Mẹ như một hiền mẫu, để ý đến mọi thử thách và mọi cố gắng của tôi” (NK, 798).
- Mẹ của Niềm Tín Thác
Mẹ yêu dấu của con,
Đức Giêsu đã truyền cho chị thánh Faustina ghi dưới bức hình lòng thương xót, hàng chữ: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa”. Ngày nào con cũng cầu nguyện như thế trước linh ảnh lòng thương xót, thế nhưng lòng tín thác của con yếu đuối mong manh lắm Mẹ ơi. Nhìn lên Mẹ, con thấy quả thật Mẹ là gương mẫu của niềm tín thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa, nghĩa là Mẹ luôn thực hiện thánh ý Chúa, và bày tỏ lòng thương xót đối với mọi người.
Faustina thấy rõ: “Tâm hồn Mẹ nhớ nhung Chúa Giêsu bằng tất cả sức mãnh liệt của tình yêu Mẹ. Nhưng Mẹ vẫn bình thản và kết hợp với thánh ý Chúa đến độ không cái động nào trong Trái Tim Mẹ mà không theo những gì Chúa muốn” (NK,1710) và từ đó con thấy mình cũng phải như Faustina hiểu ra rằng tín thác nơi Chúa là “phải chấp nhận thánh ý Chúa trong mọi sự” (NK, 1437), ngay cho dù “một lưỡi gươm bạo tàn đã xuyên thấu tâm hồn thánh thiện của Mẹ. Ngoại trừ Thiên Chúa, không ai biết được nỗi thống khổ của Mẹ. Tâm hồn Mẹ không vỡ tan; một tâm hồn kiên cường vì kết hợp với Chúa Giêsu” (NK, 915).
Xin Mẹ cho con biết noi gương Mẹ, kết hợp tâm hồn với Chúa Giêsu, chỉ có thế, con mới chịu đựng mọi thử thách gian truân, và những hy sinh nhỏ bé của con mới làm thỏa lòng Chúa. Xin Mẹ bảo toàn tâm hồn con, đừng bao giờ để con thất đảm sợ sệt trước những lưỡi gươm đau khổ. Lưỡi gươm đâm thấu trái tim là những lời nói vô tội vạ, đàm tiếu, chế nhạo, mỉa mai, phê bình, chỉ trích, lên án, loại trừ… Miệng lưỡi thế gian là những lưỡi gươm bạo tàn, nhưng Chúa Giêsu đã nói với Faustina: “Con đừng ngạc nhiên vì đôi khi bị tố cáo bất công. Chính Cha từng uống chén đau khổ bất công này trước vì yêu con” (NK, 289). Đã có lúc con phải than lên như Faustina: “Lạy Chúa Giêsu, đau đớn cho linh hồn biết bao khi lúc nào cũng cố gắng sống thành thực hết mình mà lại bị vu cáo là giả hình và bị đối xử trong ngờ vực. Lạy Chúa Giêsu, Chúa cũng đã chịu cảnh như vậy để làm thỏa lòng Chúa Cha!” (NK, 200).
Những đau khổ con đang chịu khi đi loan truyền lòng Chúa thương xót cũng chỉ mình Chúa biết mà thôi. Như Faustina, con sẽ cảm tạ Chúa vì mọi xỉ nhục và con sẽ cầu nguyện đặc biệt cho những ai đã cho con cơ hội chịu xỉ nhục. Con sẽ hiến dâng bản thân vì lợi ích các linh hồn. Con không so đo cái giá phải trả trước bất kỳ một hy sinh nào. Như một tấm thảm, con sẽ hạ mình dưới chân anh em, không những để họ dẫm lên, mà còn lau chân nữa. Chỗ của con là ở dưới chân mọi người. Con sẽ cố gắng hết mình để đạt cho kỳ được địa vị ấy mà không cho người khác nhận ra. Chỉ mình Thiên Chúa thấy là đủ! (NK, 243).
Thưa Mẹ,
Mẹ không chỉ là gương mẫu của niềm tín thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa qua lời Xin Vâng trong ngày Truyền Tin và được duy trì đến giây phút cuộc khổ nạn của Con Mẹ trên đồi Gôngôtha, nhưng Mẹ còn là gương mẫu về mọi nhân đức. Chính từ Mẹ, mà con học được cách yêu mến các linh hồn, và cách chịu đựng những hy sinh để cứu độ họ.
Mẹ luôn khuyến khích con trung thành thực hiện thánh ý Thiên Chúa như Mẹ nói với Faustina: “Mẹ hết lời đề nghị con hãy trung thành chu toàn mọi ước muốn của Thiên Chúa, bởi vì đó là điều làm thỏa nguyện ánh nhìn thánh thiện của Người nhất. Mẹ hết lòng ước mong con hãy trổi vượt trong việc trung thành chu toàn thánh ý Thiên Chúa. Con hãy đặt thánh ý Thiên Chúa trước tất cả mọi hy sinh và của lễ toàn thiêu” (NK, 1244). Mẹ hướng dẫn con biết chấp nhận như một đứa trẻ tất cả những yêu cầu của Thiên Chúa và đừng thắc mắc, nếu không sẽ không đẹp lòng Thiên Chúa (NK, 529).
Mẹ cho con biết không thể tách rời việc trung thành thực hiện thánh ý Thiên Chúa với đau khổ và thập giá, bất cứ ai đều không thể tránh khỏi: “Con hãy biết rằng mặc dù Mẹ đã được nâng lên làm Mẹ Thiên Chúa, nhưng bẩy lưỡi gươm vẫn xuyên thấu trái tim Mẹ” (NK, 786). Mẹ là Mẹ Thiên Chúa mà còn phải chịu đau khổ như lưỡi gươm xuyên thấu trái tim, thì con là kẻ tội lỗi mọn hèn làm sao thoát khỏi khổ đau.
Mẹ dạy cho con biết đừng phớt lờ, cũng đừng tránh né thập giá, nhưng phải luôn chấp nhận thập giá, vì thập giá là một phần của kế hoạch cứu độ. “Trong những đau khổ bản thân, tôi không kiếm tìm sự trợ giúp từ các thụ tạo, vì Thiên Chúa là mọi sự cho tôi. Tuy nhiên, nhiều lần dường như Thiên Chúa cũng không nghe tiếng tôi. Tôi tự trang bị cho mình bằng đức nhẫn nại và thinh lặng, như một bồ câu mẹ không thở than hay cay đắng khi bầy con bị đem đi khỏi. Tôi muốn bay vút vào giữa nguồn nóng của thái dương, chứ không muốn dừng lại giữa những luồng hơi của nó. Tôi sẽ không mỏi mệt, vì Chúa là nơi tôi nương tựa, là nguồn sức mạnh của tôi!” (NK, 209).
Mẹ chỉ cho con thấy rõ sứ mạng tông đồ Chúa trao phó cho con là loan truyền Lòng Chúa Thương Xót cho toàn thế giới để chuẩn bị cho việc Đức Kitô đến lần thứ hai. Mẹ vạch ra cho con thấy vai trò quan trọng nhất của sứ vụ này: “Mẹ đã trao tặng Đấng Cứu Độ cho thế giới; còn đối với con, con phải nói với thế giới về lòng thương xót cao cả của Người, và chuẩn bị cho thế giới về việc Người đến lần thứ hai… Con hãy nói với các linh hồn về lòng thương xót cao cả này, trong khi vẫn còn thời gian để (ban) lòng thương xót. Nếu bây giờ con giữ im lặng, thì con sẽ phải trả lời cho một số rất lớn các linh hồn trong cái ngày khủng khiếp đó” (NK, 635). Để con khỏi lo lắng sợ hãi, sau những lời cảnh báo nhắc nhở, Mẹ trấn an: “Con đừng sợ hãi gì cả. Hãy trung thành cho đến giây phút cuối cùng. Mẹ đồng cảm với con” (NK, 635).
Bổn phận của con là nài xin lòng thương xót của Thiên Chúa cho toàn thể thế giới. Trong sứ mạng này, Mẹ như tấm gương về đời sống âm thầm và không ngừng chuyển cầu: “Lối sống của con phải trở nên giống như lối sống của Mẹ: tĩnh lặng và âm thầm, không ngừng kết hiệp với Thiên Chúa, khẩn cầu cho nhân loại và chuẩn bị cho thế giới về việc Thiên Chúa đến lần thứ hai” (NK, 625).
Mẹ nhắc con một số nguyên tắc cơ bản về lối sống với Thiên Chúa là thực hiện thánh ý Thiên Chúa như một cách diễn tả niềm tín thác và tình yêu đối với Người; lòng thương xót đối với người lân cận; và yêu mến thập giá, vì thập giá xác định mức độ kết hiệp của linh hồn với Thiên Chúa và kết quả của hoạt động tông đồ.
Mẹ ơi,
Để thực hiện được như vậy, con phải thường xuyên cầu xin Mẹ những ơn cần thiết như Faustina đã ghi: “Tôi sốt sắng cầu xin Mẹ Thiên Chúa cầu bầu cho tôi ơn trung thành với những linh ứng nội tâm này và trung thành thực hiện thánh ý Thiên Chúa” (NK,170); “Tôi đang sống dưới tấm áo choàng trinh khiết của Mẹ Thiên Chúa. Mẹ vẫn bảo vệ và hướng dẫn tôi. Tôi khá an bình, gần gũi với Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ. Vì tôi rất yếu đuối và không có kinh nghiệm, nên tôi ghì thật chặt vào Trái Tim Mẹ, như một đứa trẻ nhỏ” (NK, 1097).
Vâng, con xin được ghì chặt vào Mẹ như một đứa con thơ, noi gương Mẹ và làm theo lời Mẹ, nhờ đó con càng được kết hiệp với Đức Giêsu như Faustina đã cảm nghiệm: “Càng noi gương Mẹ Thiên Chúa, thì tôi càng được hiểu biết Thiên Chúa hơn” (NK, 843, 161).
Mẹ yêu dấu,
Lòng sùng kính Mẹ Sầu Bi-Mẹ Thương Xót của con không phải là một hình thức đạo đức tình cảm hời hợt chóng qua, nhưng lòng sùng kính ấy đưa con đến việc noi gương Mẹ. Con học nơi Mẹ cách chiêm niệm mầu nhiệm Lòng Chúa Thương Xót trong đời sống hằng ngày, để trọn niềm tín thác nơi Thiên Chúa và bày tỏ lòng thương xót đối với mọi người, dù trong tĩnh lặng và âm thầm như Mẹ nhưng vẫn góp phần hiệu quả vào sứ vụ cứu độ của Đức Giêsu.
Đứa con chưa ngoan của Mẹ
Lm. Giuse Trần Đình Long