Cách đây đã gần 30 năm, người dân đi rừng ở thôn Măng Đen, xã Đắk Long, huyện Kon Plông, tỉnh Kontum, phát hiện ra một pho tượng Đức Mẹ bị cụt đầu và gãy tay, rồi những người dân nghèo đến với pho tượng đau thương này cầu nguyện, họ được ơn nên tin tức loan dần ra. Ngày một đông người đến viếng và xin ơn, Đức Cha Giáo Phận cùng các Linh Mục vào cuộc, giúp cho những người hành hương các Bí Tích cần thiết khi họ đến với pho tượng được gọi tên là Đức Mẹ Măng Đen kỳ lạ này. Lịch sử bản thân pho tượng đã là một chuyện kỳ thú, mà diễn tiến việc khám phá ra cũng như nỗ lực bảo vệ pho tượng lại càng nhiều tình tiết hấp dẫn. Khi nào có dịp chúng ta sẽ trở lại với những kỳ thú này…
Khi tổ chức các buổi lễ kính viếng Đức Mẹ Măng Đen, những ngưới có trách nhiệm lắp chiếc đầu bị cụt của tượng Đức Mẹ vào và lắp cả hai cánh tay bị gãy vào nữa, thậm chí còn sơn tượng cho tương đối đẹp và hoàn chỉnh. Nhưng có nhiều luồng ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược, có người chỉ đồng ý lắp đầu của tượng thôi, còn tay cứ để gãy như vậy, ngay cả việc sơn lại tượng cũng bị phản đối.
Một cuộc thăm dò dư luận được thực hiện, ngày hành hương đến, người ta bày hai loại hình, một bên là hình tượng Đức Mẹ được lắp đầu vào, không có tay và không sơn mới, một bên là tượng Đức Mẹ đã được lắp lại hết các phần bị gãy và sơn lại cho tương đối dễ coi. Kết quả bất ngờ: dân chúng, đa phần là anh em các dân tộc trong Giáo Phận đã chọn hình tượng chỉ có đầu, không có tay và không sơn mới. Anh em cho biết: “Đây mới chính là Mẹ của chúng tôi !” Họ là những người nghèo, những người không son không phấn, không quần áo bảnh bao, không lành lặn cơ thể vì tật nguyền, không mạnh khỏe vì bệnh tật, không ngẩng cao đầu được vì bị loại trừ khinh chê, họ cùi, họ lở, họ đói và họ khát…
Măng Đen ngày một đông người kéo đến, dĩ nhiên là đủ mọi loại khách, nhưng đông nhất vẫn là những đoàn người anh em dân tộc lầm lũi gánh gùi đến với Mẹ, nhìn cái cách họ đi, cách họ ăn mặc và cả bữa cơm bọc lá chuối chấm với muối hột cả nhà quây quần cùng ăn, chúng ta nhận ra ngay tại sao họ lại chọn hình ảnh bức tượng gãy tay và không sơn mới lại. Họ nhận ra Mẹ ở với họ, chia sẻ với họ, giang tay đón nhận họ, gần gũi thân quen với họ, có thể nói họ nhận ra họ trong hình tượng Mẹ như thế. Người anh em dân tộc không lý luận quanh co, không “chẻ sợi tóc ra làm tư”, nhưng sống theo cảm xúc, chân thật và trong suốt. “Mẹ của chúng tôi”.
Những nhận xét và suy tư trên đây cho chúng ta thấy, Đức Maria đươc ban cho nhân loại với tư cách là Mẹ của nhân loại, làm Mẹ của nhân loại, nên Mẹ thuộc về nhân loại, gắn bó với nhân loại, sống chết với nhân loại này.
Cách đây tròn một thế kỷ, năm 1917, Mẹ hiện ra ở Fatima với thông điệp: Ăn năn sám hối quay trở về với Chúa – Tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ – Siêng năng lần hạt Mai Khôi, với lời hứa “Trái Tim Mẹ sẽ thắng và nước Nga sẽ trở lại”. Bầu khi chiến tranh dạo ấy bao trùm và nổ ra khắp nơi trên thế giới, thế chiến thứ nhất và thứ hai lần lượt nối tiếp nhau giết hại nhân loại, rồi sau đó là chiến tranh lạnh đối đầu giữa hai khối tư bản và cộng sản…
Bọn trẻ chúng tôi được giáo dục cầu nguyện theo “mệnh lệnh Fatima”, không chỉ tiếng kinh cầu râm ran khắp các Xóm Đạo, nhưng những thực hành hãm mình hy sinh, những cuộc sám hối thật sự được thường xuyên nhắc nhở và thực hiện. Đặc biệt trong hoàn cảnh đất nước Việt Nam chia đôi, tiếng bom đạn thường xuyên vọng về qua các xóm làng, phố phường, từng lớp thanh niên lên đường cùng với từng chuyến xe tang lẳng lặng đi xuyên thành phố. Và rồi nước Nga đã trở lại thật, khối cộng sản Đông Âu tan vỡ hoàn toàn, các nước trong liên bang Xôviết được độc lập và theo đuổi chủ nghĩa phát triển.
Còn chúng ta thì sao, chúng ta có thao thức với hiện tình đất nước chúng ta không ? Tại sao chúng ta không tiếp tục thực hiện và đẩy mạnh hơn nữa việc cầu nguyện và thực hành các “mệnh lệnh Fatima”, chúng ta có tin “Trái Tim Mẹ sẽ thắng” không ? Tại sao chúng ta không cầu nguyện cho những người cộng sản, những người vô thần được ơn trở lại ? Thứ Sáu Tuần Thánh, chiêm ngắm Chúa Giệsu trên thập giá, Hội Thánh chẳng cầu nguyện cho họ đó sao ? Tại sao chúng ta không tiếp tục một cách nhiệt thành lời cầu nguyện ấy trong đời sống hàng ngày của chúng ta ? Thiết tưởng đã đến lúc cần phải nhắc lại sứ điệp Fatima một cách cụ thể, hội nhập và thời sự, đã đến lúc phải nhắc nhau thực hành sứ điệp ấy.
Năm 2017, đúng 100 năm sứ điệp Fatima được ban hành. Mẹ của chúng ta không thờ ơ, không đứng xa, không vô cảm với chúng ta, với thời cuộc, Mẹ đang chờ và mong muốn chúng ta thực hiện để “Trái Tin Mẹ sẽ thắng – anh em vô thần sẽ trở lại”. Hãy thực hành ngay “mệnh lệnh Fatima”.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, ngày Lễ Đức Mẹ Sầu Bi, 15.9.2016