Cầu nguyện với chuỗi mân côi

Chương năm

Thường thì người ta vẫn hiểu cầu nguyện là để cho Chúa nghe, nhưng Kierkegaard( 1813 – 1855 ) ông tổ khai sáng triết học hiện sinh hữu thần đã nêu lên một quan đểm hoàn toàn khác thế này “Trong những gì liên quan thực sự với cầu nguyện, không phải Thiên Chúa nghe những gì người ta xin Ngài nhưng kẻ cầu nguyện và tiếp tục cầu nguyện cho đến lúc chính anh ta lại là kẻ nghe được những gì Thiên Chúa muốn”. Cầu nguyện không phải để Chúa nghe ta, nhưng là ta nghe Chúa . Quan điểm này dường như có vẻ ngược với truyền thống bấy lâu trong Giáo hội, tất cả những lời cầu xin dưới đủ mọi loại hình thức đó chẳng phải chúng ta đang hướng về Đấng Thiên Chúa với lòng tin tưởng và hy vọng Ngài sẽ dủ nghe? Thế nhưng không phải vậy, điều mà Thiên Chúa muốn ở nơi con cái loài người là hãy nghe Ngài “Hãy nghiêng tai và đến cùng Ta – hãy nghe Ta thì linh hồn các ngươi được sống” (Es, 55 – 3).

 Lệnh truyền của Giavê Thiên Chúa qua miệng tiên tri Isaia về việc lắng nghe này cũng đã được Chúa Giêsu phán dạy trong kinh Tân ước “Mẹ Ta và anh em Ta là những kẻ nghe Đạo Đức Chúa Trời đây và làm theo” (Lc 8-21).

 Nghe Đạo và làm theo Đạo đó là một mệnh lệnh thế nhưng để thực thi mệnh lệnh ấy thì trước hết cần phải biết Đạo là gì, ở đâu để cho ta có thể nghe. Theo quan điểm của minh triết Đông Phương thì “Đạo là cái mà người ta không thể xa rời trong một giây lát. Nếu người ta có thể xa rời được thì đó không phải là Đạo” (Đạo dã giả bất khả tu du ly dã – khả ly phi Đạo) (Trung Dung chương một).

 Đạo không thể xa rời bởi vì Đạo ở ngay trong tâm hồn của mỗi người – Thánh Phaolô trích dẫn sách Đệ Nhị luật (ĐNL 30, 12–14) cũng nói như vậy “Đạo ở gần ngươi – ở trong miệng ngươi và ở trong lòng ngươi tức là đạo đức tin mà chúng tôi rao giảng đây” (Rm 10-8).

 Đạo vốn dĩ ở gần, ở trong, ta không thể xa rời dù chỉ trong giây lát – Thế nhưng Đạo ấy lại hoàn toàn giấu ẩn “Chẳng ai từng thấy Đức Chúa Trời bao giờ – duy con độc sanh ở trong lòng Cha là Đấng đã giãi bày Cha” (Ga 1-18).

 Chữ “Đạo” ở đây cần phải được hiểu theo tinh thần của minh triết “Đạo Khả Đạo phi thường Đạo Danh Khả Danh phi thường Danh” (Đạo mà có thể nói được thì đó không phải Đạo thường – Danh mà có thể gọi tên đó không phải Danh thường).

  “Thường” nghĩa của nó là thường hằng bất biến – Đạo mà có thể nói, có thể gọi tên thì đó không phải Đạo thường hằng bởi hễ cái gì  có thể dùng ngôn từ diễn tả, có thể dùng trí óc nghĩ suy thì đó là đã đi vào đối đãi phân biệt mà đối đãi tức vẫn còn ở trong tương đối sinh diệt chứ không thường hằng.

 Một khi đã hiểu chữ Đạo theo nghĩa minh triết như thế thì tất sẽ thấy “Đạo là Đức Chúa Trời” (Ga 1-1). Và Đức Chúa Trời đây cũng chính là Đấng Thiên Chúa giấu ẩn chẳng ai từng thấy biết – Thiên Chúa Đấng giấu ẩn ấy Ngài không ẩn mình trên các tầng mây bởi nếu thế thì khoa học cũng phải có ngày khám phá ra. Thiên Chúa cũng chẳng ẩn mình trong chữ nghĩa sách vở bởi nếu thế thì các triết gia cũng có khi suy thấu.

 Thiên Chúa không giấu ẩn trên các tầng mây cũng chẳng ở trong chữ nghĩa sách vở. Vậy Ngài có thể ẩn giấu ở đâu nếu chẳng phải là trong tâm hồn  mỗi người? Thiên Chúa ẩn giấu  trong Tâm, mầu nhiệm này quả thật khôn dò nhưng đồng thời cũng chỉ có vậy mới cho ta thấy ý nghĩa chân thực của việc cầu nguyện mà Đức Kitô đòi buộc chúng ta thực hiện. Người đàn bà ngoại giáo xứ Samari nói với Chúa Giêsu “Tổ phụ chúng tôi thờ lạy trên núi này, còn các ông lại nói nơi đáng thờ lạy là tại Giêrusalem. Chúa Giêsu phán rằng “Đàn bà kia ơi ! hãy tin Ta. Giờ đến các ngươi thờ lạy Cha chẳng tại trên núi này cũng chẳng tại Giêrusalem. Các ngươi thờ lạy điều các ngươi không biết còn chúng ta thờ lạy điều chúng ta biết vì sự cứu rỗi đến từ dân Do Thái. Nhưng giờ sắp đến và nay đã đến rồi khi kẻ thờ lạy cách chân thật, hãy lấy tâm linh và lẽ thật mà thờ lạy Cha. Vì Cha vẫn tìm kiếm người dường ấy để thờ lạy Ngài” (Ga 4–21–23).

 Thiên Chúa ở trong Tâm  mỗi người, vậy những ai thờ lạy Ngài thì phải hướng tâm vào bên trong, đó mới là thờ lạy cách chân thật.

 Cầu nguyện bằng cách đọc kinh, phương thế này đã được Giáo hội áp dụng từ rất lâu. Tuy nhiên gần đây việc đọc kinh nhất là Kinh Mân Côi bởi cứ lặp đi lặp lại mãi một câu kinh Kính Mừng thế nên hiện đang gặp phải thách đố khó mà vượt qua khi người ta căn cứ vào lời quở trách của Chúa “Dân này chỉ kính thờ Ta ngoài môi ngoài miệng còn lòng trí nó thì xa Ta lắm chúng tôn thờ Ta luống công” (Mt 15–8 (Is, 29–13)).

 Với lời quở trách này ta thấy Chúa không hề chê bỏ việc đọc kinh nhưng phải đọc tụng cách sao để cho “lòng trí” đừng có xa mà phải gần. Miệng thì đọc tụng rang rang nhưng tâm trí lại cứ để cho nó muốn rong ruỗi đi đâu thì đi, đó là “lòng trí chúng thì xa Ta lắm”. Ngược lại khi đọc kinh mà luôn nhớ gắn chặt lòng trí vào từng lời kinh, tiếng hát thì đó là “gần”. Nói cho dễ hiểu, đọc kinh mà chia lòng chia trí thì xa, còn cầm lòng cầm trí thì gần.

 Cầm lòng cầm trí thì gần, chia lòng chia trí thì xa. Thoạt nghe tưởng chừng như quá ư đơn giản, ai chẳng làm được. Thế nhưng hoàn toàn không phải vậy và đây chính là cốt lõi của việc tu.

 Cầm lòng cầm trí có nghĩa giữ sao cho cái Tâm được ở yên, còn chia lòng chia trí tức là để cho cái Tâm giong ruỗi chỗ này chỗ khác. Cái Tâm ở yên luôn mãi không khi nào máy động đó là Chân Tâm, bất sinh bất diệt. Còn cái Tâm lúc nào cũng máy động đó là vọng tâm sinh diệt. Mặc dầu Chân và Vọng khác biệt nhau như thế nhưng nó lại không tách rời mà ở trong nhau giống như nước và sóng – Nói cách khác Chân Tâm là Thể còn Vọng Tâm là Dụng – Tuy Tâm Thể thường hằng bất sinh bất diệt nhưng lại hay khởi dụng. Bất biến nhưng tùy duyên – Tùy duyên nhưng vẫn bất biến, bởi đó mà nói Chân Không Diệu hữu. Do bản Tâm không hình thù tướng mạo thanh âm gì cả nên nói nó “Như thật không” Tuy không có tướng mạo nhưng Tâm lại phát ra muôn vàn diệu dụng từ một cái chớp mắt cho đến khởi một tư tưởng ý nghĩ nhỏ nhiệm không gì có thể ngoài Tâm nên nói nó “Như thật bất không”.

 Về cái lẽ Chân – Vọng. Thể – Dụng không rời nhau ta có thể ví nó giống như các loại bánh làm bằng bột. Dù các loại bánh có tên gọi hình dáng to nhỏ màu sắc xanh đỏ khác nhau như thế nào nhưng tất cả chúng cũng đều được làm bằng bột. Bột là Thể còn bánh là Dụng. Không có bột thì không thể có bánh – Cũng thế không có Chân Tâm thì không thể có Vọng tâm tức tất cả những tư tưởng nghĩ suy tóm lại là thất tình lục dục.

 Mặc dầu không có Chân Tâm thì không thể có Vọng Tâm thế nhưng con người lại thường cứ hay quên mất Chân Tâm bất diệt để chỉ còn sống với Vọng Tâm sinh diệt có nghĩa đã để cho cho tâm trí mặc tình buông lung theo trần cảnh.

 Như đã nói trong chương trước tất cả nhân sinh quan vũ trụ của con người đều được tóm gọn trong công thức: Căn C+ Trần = Thức

Lục căn    +   Trần  cảnh  = THỨC

Nhãn        +   sắc            = Nhãn thức

Nhĩ           +   thanh         = Nhĩ thức

Tỷ   Hương :      Tỷ thức

Thiệt Vị      :      Thiệt thức

Thân Xúc   :      Thân thức

ý   Pháp     :      ý thức

 Thức là cái biết có tính phân biệt chẳng hạn như nhãn thức là cái biết mang tính phân biệt của mắt. Nhĩ thức là cái biết mang tính phân biệt của tai… ý thức là cái biết mang tính phân biệt của ý.

 Trong lục Thức này khi hội lại chỉ còn có hai đó là ngũ câu ý thức và độc đầu ý thức. Khi năm căn mắt tai mũi lưỡi thân có sự phối hợp với ý gọi là Ngũ câu ý Thức. Còn khi ý chỉ có một mình không phối hợp với căn nào mà vẫn khởi được gọi là độc đầu ý thức.

 Với ngũ câu ý thức khi buông lung theo trần cảnh tức là ta đã đắm mê theo danh sắc Thanh âm cảm giác. Mắt tham nhìn sắc đẹp, tai thích thú nghe đàn ca hát xướng, những lời ngọt ngào tâng bốc. Lưỡi nếm vị ngọt ngon. Thân muốn xúc chạm mềm mại trơn láng… Còn với thức thứ sáu  tức ý thức tức độc đầu ý thức đó là một cái Thức có một phạm vi rất rộng bởi đối tượng của nó là Pháp mà Pháp theo Duy Thức học thì nó bao hàm cả Hữu vi pháp và Vô vi pháp. Do bởi phạm vi của nó rộng như thế nên nó luôn vọng động không một giây phút nào ngừng – Thuật ngữ nhà Phật gọi nó là Tâm viên ý mã đồng thời nó cũng chính là Tôn Ngộ Không trong Tây Du Ký, vừa rất mực Thần thông diệu dụng nhưng cũng đầy ngang tàng ngạo mạn. Cái con khỉ ý thức này cũng chẳng phải là thứ gì khác mà đó chính là tội nguyên tổ đã được nêu trong Kinh Thánh “Giêhova Đức Chúa Trời phán dạy rằng:  ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn, nhưng về cây biết phân biệt điều thiện, điều ác thì chớ  đừng ăn đến. Vì một mai ngươi ăn chắc chắn sẽ phải chết” (STK 2, 16–17).

 Có nhiều quan điểm về tội nguyên tổ cũng còn được gọi là tội ăn trái cấm. Người thì cho đó là tội tham ăn – Kẻ lại cho là tội dâm dục, tội kiêu ngạo không vâng lời nhưng có tính triết lý đúng đắn nhất thì đó phải là tội phân biệt và như vừa nói theo Duy Thức thì nó là những cái biết mang tính phân biệt.

 Lý do khiến những cái biết mang tính phân biệt được kể là tội bởi tất cả những cái biết ấy đều mang tính nhị nguyên. Khi phối hợp với ngũ căn thì nó thành ra những cái biết phân biệt để mà ưa ghét lấy bỏ. ưa ngon thì sẽ ghét dở, ưa tiếng khen thì ghét tiếng chê… Còn khi nó không cần có sự phối hợp mà cũng khởi được thì sẽ phát sinh tư tưởng thuận nghịch ghét ác ưa thiện. Thấy người làm ác thì sanh tâm ghét, đây là nghĩa nghịch.

 Từ một tư tưởng ghét sẽ sinh ra các thứ tư tưởng sân hận độc hại… Trái lại thấy người làm thiện sanh tâm ưa thích, đây là nghĩa thuận. Từ một tư tưởng ưa thích sẽ dễ sanh ra các tư tưởng muốn bênh vực giúp đỡ khiến cho mất sự ngay thẳng trở thành thiên vị bất công.

 Tội nguyên tổ được nêu trong Kinh Thánh thực chất cũng chính là ý riêng mà Chúa Giêsu đã nói đến trong việc từ bỏ của Ngài “Ta không thể tự mình làm gì được. Ta nghe thể nào thì xét đoán thể ấy và sự xét đoán của Ta thì công minh. Vì Ta chẳng tìm ý riêng Ta nhưng tìm Thánh ý Đấng đã sai Ta” (Ga 5, 30).

 Chúa Giêsu luôn nhận mình là Đấng Thiên Sai và trong tính chất Thiên sai ấy tất cả công việc thực hiện Ngài đều căn cứ ở với sự biết lắng nghe tiếng nói của Đấng Cha trong Ngài.

 Đấng Cha mà Chúa Giêsu lắng nghe đó cũng cùng là một với Đấng Cha của mỗi một người trong chúng ta không mảy may khác biệt. Đây là điều mà chính Đức Kitô Phục Sinh đã xác nhận như Ngài nói với Mađalêna “Ta lên cùng Cha Ta cũng là Cha các ngươi, cùng Thiên Chúa Ta cũng là Thiên Chúa các ngươi” (Ga,  20-17).

 Thiên Chúa là Cha, từ sách giáo lý vỡ lòng cho đến các kinh nguyện thường ngày tín hữu ai mà chẳng từng học từng nghe. Thế nhưng chúng ta đã thật lòng coi Ngài là Cha chưa? Dường như là chưa bởi quả thật nếu đã coi Thiên Chúa là Cha thì chẳng có ai đọc kinh lại chỉ có ở ngoài môi miệng. Đọc kinh mà như thế thì chẳng khác nào báng bổ Thiên Chúa – Thánh Thomas nói “Kẻ để trí khôn suy tưởng những sự rông rài thì nó nhạo báng Đức Chúa Trời. Vì cũng như khi nói chuyện với người thế gian mà chẳng để trí khôn vào những lời mình nói tức là nhạo báng người ấy vậy” (Thánh Anphongsô – Kẻ nữ tu Thánh Thiện).

 Đành rằng đọc kinh chỉ có ngoài môi miệng là vô ích thế nhưng nếu bỏ đọc kinh để quay sang suy niệm thì đó chẳng hơn gì cũng là cái việc để “trí khôn suy tưởng những sự rông rài”, chẳng hề ăn nhập gì với việc cầu nguyện là việc của người con trao đổi cách thân tình với người Cha thân yêu của mình.

 Định nghĩa cầu nguyện là thưa chuyện với Chúa rất đúng.  Thế nhưng hễ nói đến thưa chuyện thì ắt phải có trao đổi mà trao đổi thì hẳn nhiên phải có kẻ nói người nghe. Chẳng những chỉ Chúa nghe ta mà Chúa cũng còn rất muốn nói với ta. Nhưng nếu Chúa nói thì phần ta, ta cần phải biết lắng nghe.

 Tất cả việc sống Đạo là cốt để Nghe được Tiếng Chúa ở nơi mình nhưng để có thể Nghe thì phải có phương pháp. Cầu nguyện bằng kinh Mân Côi là một phép nghe vừa dễ lại vừa bảo đảm bậc nhất đúng như lời Đức Thánh Cha Léon XIII đã nói “Kinh Mân Côi là một cách sùng kính từ Trời ban xuống chẳng còn phương pháp nào tốt lành và giá trị bằng”.

KINH MÂN CÔI MỘT PHÉP NGHE

Ngoài tên Mân Côi ra Kinh này có khi còn được gọi là Môi Khôi – Mai Khôi hay Văn Côi. Tất cả những tên gọi kể trên đều có nguồn gốc xuất xứ từ chữ La Tinh Rosa có nghĩa là hoa hồng. Thế nhưng nếu hỏi tại sao khi dịch sang tiếng Việt lại là Mân Côi… thì chẳng ai giải thích rõ ràng được. Riêng với tên gọi Văn Côi thấy ghi trong các sách kinh. Phần khác việc đọc tụng kinh này còn được đề ra như là một “phép” tức phương pháp. Bằng chứng cho thấy để khởi sự việc lần hạt, bao giờ người tín hữu cũng phải đọc câu công thức “Phép lần hạt ngắm tắt năm sự Vui hoặc Thương hoặc Mừng”.

 Chân lý cho đến muôn đời vẫn chỉ là một mặc dầu có nhiều cách phô diễn khác nhau – Kinh Văn Côi là một phương pháp và pháp này là pháp NGHE (Văn ) có nghĩa là nghe) cũng là một với pháp Quán thế âm của Đại thừa Phật giáo.

Về cái sự Nghe này chính Đức Kitô có lần sau khi rao giảng về mầu nhiệm Nước Trời – Ngài đã cảnh cáo các môn đệ “Vậy hãy coi chừng về cách các ngươi nghe – Vì hễ ai có sẽ cho thêm còn hễ ai không có dẫu điều họ tưởng mình đã có cũng sẽ bị cất luôn nữa” (Lc 8-18).

 “Hễ ai có” tức những ai biết cách nghe thì sẽ cho thêm còn “Hễ ai không có” tức những ai không biết cách nghe thì sẽ bị cất luôn những điều mình tưởng đã có. Cách nghe quan trọng là thế nhưng biết cách nghe nghĩa là gì? Biết cách nghe có nghĩa phải xoay cái nghe trở vào bên trong để nhận biết Nước Trời ở nơi nội tâm mình (Phản văn văn tự Tánh) Nước Trời này trước hết cần phải được nghe với tất cả lòng tin đồng thời phải ăn năn sám hối mới có thể nhận biết “Thời đã mãn, Nước Trời đã gần đến,  các ngươi hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” (Lc 1-14).

 Ai cũng có thể được nghe rao giảng về Nước Trời thế nhưng chỉ có những người biết cách nghe mới kết quả “Đã ban cho các ngươi được biết những sự mầu nhiệm của Nước Trời song với kẻ khác thì dùng thí dụ hầu họ xem mà không thấy, nghe mà không hiểu. Và thí dụ đó là vầy:  Hột giống là Đạo Đức Chúa Trời, những kẻ ở mé đường là kẻ đã nghe rồi ma quỷ đến giựt lấy Đạo khỏi lòng họ, e rằng họ tin mà được cứu chăng?. Những kẻ ở nơi đá là kẻ nghe Đạo bèn vui mừng nhận lấy nhưng họ không có rễ chỉ tin tạm mà thôi, khi gặp sự cám dỗ thì ngã lui. Giống rơi nhằm gốc gai là những kẻ đã nghe Đạo rồi khi đi thì bị sự lo lắng giầu có, vui thú của đời sống làm cho nghẹt đi, nên không sanh được trái chín. Còn giống ở nơi đất tốt là kẻ nghe Đạo rồi lấy lòng thành thực lương thiện mà gìn giữ nhẫn nại mà kết quả”. (Lc 8-10-15).

 Đạo là gì và ở đâu để ta có thể nghe hơn nữa, cần phải nghe cho đúng mới kết quả? Qua Lời Chúa vừa trích dẫn ta có thể hiểu Đạo tức là Tin Mừng Nước Trời hoặc chính là Nước Trời Mầu Nhiệm – Cách hiểu này hoàn toàn đúng và thích hợp với bối cảnh của sự việc. Tuy nhiên nếu chỉ hiểu nghe Đạo là nghe chính đích thân Đức Kitô rao giảng thì lại quá hẹp hòi bởi lẽ ngay đương thời đâu có phải ai cũng được nghe Ngài rao giảng Tin Mừng. Rồi từ khi rời bỏ thế gian về Trời “Ta từ Cha mà đến thế gian lại lìa thế gian mà về cùng Cha” (Ga 16–28). Đến nay đã gần hai ngàn năm nào có ai trực tiếp được nghe lời Ngài? Tất cả các tông đồ rồi những con người kế tục dầu muốn nói chi thì nói cũng chẳng phải Đức Kitô bởi vậy không thể nói nghe họ rao giảng tức là nghe Đạo. Vả lại Đạo cũng không chứa đựng nơi cuốn sách Kinh Thánh, bởi thế đọc hoặc dù cho có nghiên cứu sâu xa đến đâu cũng chẳng phải là nghe Đạo.

 Muốn hiểu cho đúng về việc nghe Đạo cần phải biết Đạo tức là Nứơc Trời mầu nhiệm nội tại “Vì này Nước Trời ở trong các ngươi” (Lc 17–21). Nước nội tại ấy cũng là tâm vô phân biệt hiện hữu đầy đủ ở nơi mỗi người bậc thánh không tăng kẻ phàm không giảm. Nhất thiết cần phải hiểu Nước Trời là nước nội tại mới có thể hiểu đúng về dụ ngôn người gieo giống áp dụng cho tất cả mọi người và trong mọi thời.

 Bởi chưng Nước Trời nội tại là một mầu nhiệm vô cùng lớn lao và hầu như chẳng thể tin, thế nên đối với tuyệt đại đa số nhân loại đều chỉ là những kẻ ở “mé đường” tức không hề có chút duyên phần nào với Đạo. Với những kẻ có đôi chút lòng tin khi nghe thì cũng vui mừng nhận lãnh nhưng chỉ gặp sơ qua cám dỗ hay gặp chút trở ngại cũng vội tháo lui. Với những kẻ có lòng tin và cũng có chí quyết tâm thật đấy thế nhưng rồi cũng bị sự lo lắng, sinh kế hoặc vui thú ở đời lôi cuốn khiến cho dần dà bị thui chột và rời bỏ. Chỉ có những ai hết lòng tin nhẫn nại tinh tấn thực hành cho đến cùng tức nghe cho đúng cách mới có thể thu đoạt kết quả tức nhận biết và sống với Nước Trời ở nơi cõi lòng mình.

 Nước Trời, Nước Thiên Chúa,  Nước Cha hay Đức Chúa Trời, Thiên Chúa, Đấng Cha… cũng đều ám chỉ cho một thực tại duy nhất. Thực Tại này đích thực là gì ? ở đâu ? để cho ta có thể Nghe? Xin thưa đó chính là Tâm Vô Phân Biệt. Tâm này bất kể ai ai cũng có nhưng lại không nhận biết. Mặc dầu có thực đấy nhưng không nhận biết thì kể cũng như không. Điều này giống như người kia trong vườn nhà mình dưới lớp đất sâu có chứa một hũ vàng nhưng hắn ta hoàn toàn không biết, và vì không biết nên vẫn sống trong nghèo cực ngày ngày phải ngửa tay đi xin ăn. Đức Kitô ra đời rao giảng Mầu Nhiệm Nứơc Trời thực tế này không ai có thể phủ nhận và như vậy điều ấy chứng tỏ gì nếu không phải một chân lý nội tại? Nước Trời vốn sẵn có đầy đủ ở nơi mỗi người nhưng chỉ vì mê chướng nên ta hầu như quên lãng. Giờ đây sứ mạng của Đức Kitô Đấng Thiên sai đến cõi thế gian này cũng không ngoài mục đích nhắc nhở cho con người Nhớ lại cái mà mình đã QUêN chứ chẳng phải điều gì khác (Lc 4-43).

 Một khi đã hiểu ra rằng cái việc NHớ ấy là nhớ lại cái mà mình đã quên thì thực chất của việc cầu nguyện cốt yếu chỉ cốt sao để cho ta được Nhớ đến Chúa. Đức cố Hồng y F.X. Nguyễn Văn Thuận trong “Năm chiếc bánh và hai con cá” có kể một mẩu chuyện rất ý vị về cầu nguyện – có ông lão tên Jim hàng ngày cứ đúng 12 giờ trưa vào trong nhà thờ không quá hai phút rồi ra. Người trông coi nhà thờ thắc mắc hỏi vào nhà thờ làm gì mà lại ra nhanh thế.

 Vừa già vừa dốt, tôi đọc kinh theo kiểu của tôi “Giêsu – có Jim đây”.

 Đức cố Hồng y cũng bắt chước kiểu cầu nguyện của ông già Jim “Giêsu – có Thuận đây” và đã được Chúa đáp lời “ Thuận ơi! có Giêsu đây”.

 Qua đây ta thấy cầu nguyện là ứng dụng định luật đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu. Ta có nhớ đến Chúa thì Chúa mới nhớ đến ta. Tuy nhiên Nhớ Chúa là việc chẳng dễ chút nào, chỉ khi con người nhận thức được cái tình trạng nguy nan của mình thì mới có thể cầu nguyện cách xứng hợp tức là Nhớ Chúa,  ông lão Jim,  Hồng y Thuận là một trong những trường hợp ấy.

 Kinh Mân Côi truyền thống xưa nay vẫn được coi là kinh của Đức Mẹ và trong khoảng gần hai thế kỷ nay trong những lần hiện ra ở Lộ Đức, ở Fatima rồi ở Mễ Du ở Nadu… Ngài đều ân cần mời gọi con cái Chúa ăn năn sám hối, siêng năng lần chuỗi Mân Côi, Tôn sùng Trái Tim vẹn sạch… Hẳn nhiên là khi đưa ra lời kêu gọi này Đức Mẹ hơn ai hết đã thấu suốt được cái mối nguy nan của nhân loại lúc này và đồng thời Ngài cũng biết phải làm cách sao để thoát ra khỏi nỗi nguy nan ấy.

 Mối nguy nan mà nhân loại hôm nay đã đang và sẽ phải đương đầu đó là cái tình trạng con người đã quên mất Chúa. Giờ đây để tránh thoát khỏi mối nguy nan ấy thì chẳng có cách nào khác ngoài ra phải Nhớ đến Chúa. Kinh Mân Côi là một phép Nghe để giúp cho ta Nhớ Chúa và sở dĩ cái sự Nhớ ấy có thể thành tựu được là do ở nơi cấu trúc đặc biệt của kinh này khác hẳn với các kinh nguyện khác ở chỗ đếm số. 

 Tại sao nói kinh Mân Côi giúp cho ta nhớ Chúa? Đó là muốn đọc được kinh này thì phải đếm số và để có thể đếm số mà không lẫn lộn thì phải nhớ. Nhớ là mình đang đọc ở Mùa nào, Vui hay Thương hay Mừng. Nhớ mùa còn phải nhớ thứ.  Mỗi mùa có năm thứ, nhớ  mình đang đọc ở ngắm thứ mấy – Nhớ thứ lại còn phải nhớ đến hạt. Nhớ mình đang lần ở hạt thứ mấy. Cái việc nhớ mùa nhớ thứ hạt ấy giúp cho tâm ta luôn như được cột chặt vào cỗ tràng hạt khiến nó không thể dong duỗi như chú vượn chuyền cành nọ sang cành kia,  như chú ngựa lồng chạy chỗ này chỗ khác (Tâm viên ý mã) – Sự cột chặt cái Tâm vào cỗ tràng hạt bằng cách đếm số ấy cũng chính là nhớ đến Chúa bởi chưng toàn bộ lời Kinh Mân Côi như kinh Lạy Cha, Kính kính mừng, KinhSáng Danh… đều là Lời Chúa do Chúa truyền dạy.

 Miệng đọc Lời Chúa tai nghe lại Lời Chúa, lời nào lời ấy đều được nghe một cách rõ ràng phân minh đó là Tâm mình nói để cho Tâm mình nghe. Quá trình luân chuyển theo vòng tròn liền khít này Duy Thức học gọi là Tập. Khởi.  Tập tức là huân tập là dồn chứa. Còn Khởi là phát động (khởi ra hiện hành). Miệng đọc là khởi,  tai nghe là tập.  Miệng sở dĩ có thể đọc (tụng niệm) Lời Chúa là vì tai nghe Lời Chúa  Nếu tai không nghe Lời Chúa (Tập) thì có đâu Lời Chúa để mà đọc (Khởi).

 Nói cho dễ hiểu thì cầu nguyện bằng kinh Mân Côi như thế chẳng qua đó chỉ là đọc kinh mà không chia lòng chia trí tức không phân tâm. Không phân tâm thì nghe từng câu kinh tức Lời Chúa sẽ thấm nhập được vào trong tâm giống như khi ta rót nước vào bình. Nếu để ý thì giọt nào cũng vào được trong bình, còn nếu không để ý thì giọt vào giọt không có khi chẳng được giọt nào. Mặt khác phải có nước trong bình thì khi cần mới có nước để mà rót ra. Đổ vào nước nào thì rót ra thứ nước ấy. Đổ nước trong,  nước sạch vào thì rót ra sẽ có nước trong nước sạch. Trái lại đổ nước đục nước dơ vào thì rót ra chỉ có thể là đục là dơ.

 Nước đổ vào thế nào thì nước rót ra thế ấy, cái lẽ nhân quả này xem ra trong đời thường ai mà chẳng biết. Thế nhưng trong đời tâm linh thực hành thì người ta lại tỏ ra rất lơ mơ. Nước trong, nước sạch ám chỉ cho  Lời Chúa. Còn nước đục nước dơ cho  cái tâm lừa lọc gian ác. Người làm lành sẽ hưởng được quả lành, kẻ làm ác sẽ phải lãnh quả ác. Luật báo ứng không bao giờ sai chạy dù chỉ trong phạm vi một ý niệm “Họa phúc không có cửa, tự nơi người rước lấy> Quả báo của điều thiện, điều ác không khác nào như bóng theo hình. Cho nên lòng người nghĩ thiện thì thiện dù chưa làm, cát thần cũng đã theo bên cạnh. Người nghĩ ác thì ác dù chưa làm hung thần cũng đã theo bên cạnh – Song làm ác mà sau biết ăn năn sửa đổi thì lâu ngày cũng sẽ gặp được lành và như thế gọi là chuyển họa ra phúc vậy” (Minh Tâm Bửu Giám – Thiên Thái Thượng Cảm ứng).

 Họa phúc không có cửa chỉ do nghiệp tự cảm ứng. Cứ xem cảnh thế thái nhân tình cùng với biết bao họa tai đang diễn ra ngày càng dữ dằn, càng lan rộng trên thế giới thì đủ rõ chẳng mấy người còn có ý thức chi về lễ nhân quả tội phúc. Nào khủng bố – chiến tranh giữa các bộ tộc, bắt cóc,giết hại con tin vô tội cực kỳ dã man. Nào đại dịch HIV, Corona Virut, cúm gà, cúm heo Sars cho đến những trận bão lụt – lốc xoáy, chuồi đất, cháy rừng, cháy siêu thị – v.v. thật kinh hoàng. Tất cả đó chẳng phải là quả xấu của những cái nhân rất xấu đó ư? Cứ mặc tình gây nhân xấu ác mà lại có thể trông chờ ở tương lai tươi sáng giàu đẹp  sao?

 Gây nhân xấu ắt không khỏi quả xấu và nhân của mọi nhân xấu ác nhất mà con người mắc phải là do đã đành quên mất Chúa, Đấng nguồn cội mọi phước hạnh.  Đức Maria với tấm lòng Từ Mẫu thương yêu vô bờ đã phải khóc chảy cả nước mắt máu, cũng không ngoài mục đích để khuyên con cái hãy luôn Nhớ Chúa bằng cách lắng nghe Tiếng Ngài trong tâm tưởng mình. Thế gian có tiếng nói của thế gian Thiên Chúa có tiếng nói của Thiên Chúa. Nghe tiếng nói nào thì sẽ chịu lực tác động của tiếng ấy. Nghe tiếng thế gian thì ắt không khỏi bị nó dẫn vào con đường mê lầm khổ lụy. Còn nghe Tiếng Chúa tất sẽ được an lạc giải thoát. Chính bởi đó mà Đức Kitô mới khuyên nhắc “Vậy hãy coi chừng về cách các ngươi nghe” (Lc 8-18).

NGHE ĐỂ THOÁT KHỔ

 Chúa nói “Hãy coi chừng về cách các ngươi nghe” thì cách nghe ở đây ám chỉ cho sự tiếp nhận lãnh nạp huân tập bởi các căn:  Ở tai thì đó là nghe,  ở mắt là thấy… ở ý là nhớ… Mỗi cách tiếp nhận đều gây ở nơi ta những ảnh hưởng khác nhau. Nghe một lời nói, thấy một hình tướng. hoặc nhớ đến điều gì tâm lập tức sẽ sanh các thứ tư tưởng. Mỗi tư tưởng cũng gọi là THứC đều chứa đựng những cảm giác khác nhau hoặc khổ đau hoặc vui sướng thư thái hạnh phúc.

 Nghe một câu ca vọng cổ buồn sẽ tạo trong ta những cảm giác (Thức) tái tê ủ dột. Trái lại nghe một khúc quân hành rộn rã chợt thấy lòng phấn chân hăng say. Nhìn ngó một tấm ảnh lõa lồ khêu gợi cảm thấy bứt rứt dậm dật. Trái lại nhìn bức ảnh Thánh lại thấy tâm hồn như được nâng cao thanh thoát. Nhớ lại những lời nói việc làm xấu xa sẽ làm cho mình bị lương tâm cắn rứt bực bội. Trái lại nhớ đến một việc lành bác ái dù đã được làm rất lâu xa trong quá khứ nhưng vẫn thấy vui tự hài lòng về mình.

 Những việc nghe, thấy, nhớ… ấy chẳng những tạo cảm giác khổ, vui ở nơi mình nhưng nó còn quyết định cho hành động của mỗi người. Ta có nhớ đến việc ác mà người đã làm cho mình thì mới có thể làm ác cho người. Hoặc ta có nhớ đến sự việc lành mà người đã làm cho mình thì mới có thể làm lành cho người. Cũng thế ta có quên việc lành người đã làm cho mình thì mới có thể làm ác cho người. Người con mà có hiếu đó là bởi người con ấy biết nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Trái lại con bất hiếu là vì đã quên công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha.

 Tất cả những việc nghe thấy nhớ… ấy đều tạo cảm giác tức gây ảnh hưởng ở nơi con người và ảnh hưởng ấy lại có những mức độ khác nhau. Nghe một lời nói ác nặng nề gợi cho mình cảm giác tức giận nhiều, nghe một lời nói ác nhẹ hơn thì cảm giác tức bực của mình sẽ ít hơn – Nghe lời nói thiện lành sâu đậm gợi cho mình những cảm giác thiện lành thắm thiết.

 Nghe, thấy, nhớ… tạo cảm giác đồng thời cũng có thể khiến cho người tiếp nhận nó được khai sáng hay bị lôi cuốn vào vòng si mê ám chướng – Nghe một lời nói sáng suốt sâu rộng sẽ gợi cho mình những thấy biết rộng rãi bao la. Trái lại nghe một lời nói lầm lạc sẽ khiến cho mình bị trầm trệ trói buộc.

 Lời nói sở dĩ gây ảnh hưởng như thế đó là do tinh thần của tác giả lời nói ấy. Ta nghe câu ca vọng cổ thấy buồn bởi đó là sáng tác của một nhạc sĩ có tâm hồn đa sầu đa cảm. Trái lại nghe một bản Thánh Ca thấy du dương thanh thoát bởi đó là sáng tác của một nhạc sĩ có tâm hồn đạo đức hướng thượng. Tinh thần của tác giả thế nào thì lời nói thế ấy – Những lời giảng dạy của Chúa Giêsu gây được ảnh hưởng lớn lao đến người đương thời bởi vì đó là lời của một Đấng Cứu Nhân Độ Thế “Chúng đều kinh ngạc về sự dạy dỗ của Ngài vì lời của Ngài có quyền năng” (Lc 4-32).

 Lời của Đức Kitô có quyền năng và quyền năng ấy mang tính trí tuệ giải thoát. Trái lại có những lời cũng có quyền năng nhưng đây là thứ quyền năng đem lại sự u mê trói buộc. Trường hợp này là của Niezche (1844–1900) với nhiều câu nói nổi tiếng chẳng hạn “Thượng Đế đã chết rồi – các bạn đã không nghe thấy tiếng xôn xao của đám người đào huyệt chôn Thượng Đế đó sao? Các bạn không ngửi thấy mùi của Thượng Đế đang bị thối rửa sao?” (Ma quỷ trong thế giới ngày nay).

 Muốn nói gì thì nói những tác phẩm chống phá miệt thị  Công  giáo của Nit, cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự sụp đổ niềm tin vào thứ Thượng Đế hữu ngã và ảnh hưởng ấy đến nay chẳng những chưa hết mà ngày càng tăng. Một khi niềm tin tôn giáo đã bị triệt phá đến tận gốc như thế thì ảnh hưởng của nó đến toàn thể nhân lọai sẽ thật là kinh khủng “Ai cũng biết rằng quân đội quốc xã Hítle trao tay nhau những trang sách của Nít, ca tụng người hùng và khi quân Đồng Minh đến giải giáp họ đã lục được trong các trại lính Hítle vô số những tập sách nhỏ gồm những tư tưởng của Nit về ý chí hùng cường và con người siêu nhân. Trong sách của ông ta nhan nhản những câu như “Người hùng thì tàn bạo – Anh em ơi! Anh em ơi! Hãy nêu cao tôn chỉ này. Ta phải tàn bạo” (xem T.T. Đỉnh. Triết học hiện sinh).

 Xướng xuất cái lý tưởng siêu nhân ca tụng sự tàn bạo để rồi tiếp đó là đệ nhất rồi đệ nhị thế chiến và bây giờ là khủng bố Thánh chiến với những vụ bắt cóc chặt đầu con tin. Tất cả những hậu quả này do đâu nếu không phải là của những lời quyền năng chứa đầy sự dữ đã và đang còn tràn ngập thế giới trong cái thời gọi là “bùng nổ thông tin” này – Với cái thời mà không nhà nào mà không có ít nhất một cái Tivi, cả nhà con cái chồng vợ ông bà suốt ngày cứ dán mắt vểnh tai hóng vào cái máy truyền hình ấy với không biết bao là phim nào Tàu nào Hồng Kông – Đài Loan – Thái Lan – Mỹ – Nhật… thì chắc chắn cái hậu quả do nó đem lại sẽ không chỉ dừng lại ở cái mức này mà còn sẽ kinh khiếp hơn gấp nhiều lần.

 Trước cái thảm cảnh mà nhân loại đã đang và sẽ phải gánh chịu do bởi sự cứng lòng mê muội của chính con người gây ra. Đức Mẹ hơn bất cứ ai,  Người thấu suốt cái nguy cơ diệt vong ấy nên không biết đã bao lần hiện ra nhắc bảo con người phải trở lại với Thiên Chúa bằng cách hãy chuyên cần cầu nguyện,  ấy vậy nhưng dường như con cái Mẹ vẫn chẳng chịu nghe – Bằng cớ cho thấy về sự không nghe này đó là sự dữ vẫn ngày càng gia tăng ngay cả trong Giáo hội Chúa Kitô.

 Nếu cứ nhìn bề ngoài thì tại nơi các nhà thờ, các địa điểm hành hương này khác giáo hữu vẫn tuôn đến kìn kìn nhưng đó chỉ là hình thức mà thôi,  ngay cả việc cầu nguyện cũng thế. Bởi vậy mà Mẹ vẫn cứ phải khuyên phải khóc “Các con thân mến Mẹ mời gọi các con cầu nguyện nhưng các con vẫn đứng đàng xa (không nghe) vậy từ hôm nay hãy quyết tâm nghiêm chỉnh hiến dâng thời giờ cho Thiên Chúa để cầu nguyện. Mẹ ở với các con Mẹ dạy các con cầu nguyện bằng trái tim. Chỉ khi nào cầu nguyện bằng trái tim các con mới gặp được Thiên Chúa. Hãy cầu nguyện – Hãy cầu nguyện – Hãy cầu nguyện” (Đức Mẹ Mễ Du truyền dạy Ivanka ngày 25-10-1989).

 Đức Mẹ khuyên phải chuyên cần cầu nguyện, nhưng các con cái Mẹ vẫn đứng đàng xa như thế có nghĩa tất cả những việc chúng ta làm bấy lâu như đọc kinh xem lễ hoặc hành hương chỗ này nơi khác xem ra có vẻ đạo đức sốt sắng lắm nhưng chỉ có cái bề ngoài chứ không phát xuất bằng trái tim tức bằng cái tâm chân thật. Phải phát xuất từ tâm chân thật mới có thể gặp được Thiên Chúa. Thế nhưng để cầu nguyện với tâm chân thật lại rất khó – Ngay chính Thánh Phaolô cũng phải xác nhận như thế “cùng một lẽ ấy Thánh Linh giúp đỡ sự yếu đuối của chúng ta vì chúng ta chẳng biết thế nào cầu nguyện cho xứng đáng nhưng chính Thánh Linh lấy sự than thở không thể nói ra được mà cầu thay cho chúng ta” (Rm 8–26).

 ý niệm cầu thay nguyện giúp như vậy là đã có ngay từ thuở ban sơ Giáo hội và thể hiện rõ nhất cho tính chất cầu thay này là ở kinh Kính Mừng. Thật vậy mỗi khi chúng ta đọc Kinh Kính Mừng thì tiếp liền đó là câu “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử. Amen”. Lời cầu này có một lịch sử rất lâu đời từ thế kỷ thứ V nhân dịp mừng sự thành công của Công đồng Epheso (431) các giáo hữu trong khi long trọng rứơc kiệu Đức Mẹ đã cùng đồng thanh đọc lên lời cầu nguyện đó.

 Lời cầu của giáo hữu thành Epheso xưa kia đúng là xuất phát từ lòng đạo đức… bình dân thật đấy. Thế nhưng đây quả thật là ơn soi sáng của Chúa Thánh Linh cho một quan niệm vô cùng sâu xa về vai trò của Đức Maria trong nhiệm cục cứu độ  “Ad Jesum per Mariam” Không qua trung gian Maria thì không một ai có thể đến với Chúa Giêsu Kitô.

 Công việc của Đức Mẹ là dẫn đưa chúng ta đến với Chúa nhưng sự dẫn đưa ấy không phải để dẫn đến một nơi một chốn nào khác nhưng chính là tâm hồn của mỗi người “Về phần anh em há không biết rằng Chúa Giêsu Kitô ở trong anh em sao?” (2C 13-5).

 Chúa vốn ở trong nhưng ta bởi mê nên không biết và một khi đã không biết thì không Nhớ – không Nhớ thì làm gì có cầu? Việc cầu nguyện nói riêng và phụng thờ Thiên Chúa nói chung mục đích là để giúp cho con người được Nhớ Chúa và ngay cả đến bí tích Thánh Thể trọng hơn hết các bí tích Chúa lập cũng là để cho ta có được cái sự Nhớ ấy “Này là Mình Ta đã hiến tế vì các con – Các con hãy làm việc này để Nhớ đến Ta” (Lc 21-19).

 Công hiệu của việc rước lễ như lời Chúa nói chính là để cho ta được Nhớ đến Chúa . Hay nói đúng hơn để cho ta nhớ đến Chúa Đấng đã vì Tình Yêu mà hiến cả mạng sống mình vì ta. Nếu rước lễ mà chẳng hề nhớ chi đến Chúa thì cũng giống như cái việc mời khách vào nhà rồi để mặc cho khách ngồi trơ ra đó còn mình thì thản nhiên quay ra các việc khác coi như không có sự gì? Thật ra với cái tình trạng phạm Thánh nhan nhản tức có tội trọng mà vẫn rước lễ như ngày nay – người ta không những để mặc Chúa cô đơn mà còn hành hạ đánh đập Ngài – Ngày 13 tháng 2 năm 1938 Chúa nói với Thánh nữ Maria Faustina lời này “Cha ngự vào một số tâm hồn giống như vào cuộc thương khó lần thứ hai vậy”. (Nhật ký Lòng thương xót Chúa. Câu 1.598)

 Tham dự bí tích Thánh Thể tức có nghĩa cũng là dấn thân vào cuộc hành trình đức tin và ta tin điều gì nếu chẳng phải là tin Chúa hiện hữu ở nơi mình? Tin Chúa ở nơi mình là điều vô cùng khó. Tuy nhiên đây mới chính là Tin Mừng của Đức Kitô ngoài ra Ngài không hề rao giảng bất cứ một thứ Tin Mừng nào khác (Gal 1-6-9).

 Một cái tin sở dĩ được gọi là tin mừng hay báo hỉ đó là bởi tin ấy đem lại sự vui mừng cho kẻ nào nghe, tiếp nhận tin ấy. Nghe mà chẳng thấy vui thấy mừng gì cả thì đâu gọi là tin mừng? Đức Kitô xuống thế rao giảng Tin Mừng Nước Trời và nước ấy nội tại “Vì này Nước Trời ở trong các ngươi” (Lc 17–20).

 Nước Trời là nước nội tại những ai tin vào lời rao giảng của Chúa thì tất sẽ được vui mừng và nỗi vui ấy rất chi là lớn. Tại sao? Bởi vì Nước Trời được ví như ngọc châu quý giá (Lc 13-44). Một kẻ đang nghèo cùng nghèo cực mà lại được báo trong nhà mình có giấu cả một kho tàng như thế thử hỏi sao lại chẳng vui?

 Chính là trong tính chất nội tại ấy mà Kinh Mân Côi mới thật sự là những lời cầu nguyện đẹp lòng Thiên Chúa bởi lý do là vì khi ta lặp đi lặp lại Kinh Kính Mừng tức là đang nhắc Nhớ lại lời chào của Sứ thần Gabrielle “Kính Chào Bà đầy ơn phúc,  Đức Chúa Trời ở cùng Bà” (Lc 1–28). Được có Thiên Chúa ở cùng đó không chỉ là niềm vui tuyệt đỉnh cho Đức Maria nhưng còn là cho tất cả những ai nhắc Nhớ lại lời chào ấy.

 Làm sao để cho ta có thể Nhớ Chúa ở cùng đó là mục đích chân chính nhất của việc cầu nguyện. Phân tích hai chữ cầu nguyện ta thấy trong đó có chữ Nguyện – Đây là yếu tố đóng vai trò quan trọng bậc nhất, nó có nghĩa là nguyện vâng làm,  nguyện qui hướng về đồng thời cũng tức là Nhớ có Nhớ thì mới nguyện tha thiết bằng như không Nhớ thì nguyện ấy chỉ là nguyện xuông, nguyện dối.

 Có Nguyện có Nhớ thì trong giây phút lâm chung chắc chắn sẽ được cứu thoát. Nhược bằng không Nguyện không Nhớ thì dù cho cả đời có làm công đức nhiều đến đâu cũng chẳng ăn thua gì. Tuy nhiên để có thể có được điều Nguyện điều Nhớ cực kỳ quý giá ấy thì nhất thiết cần phải bền đỗ trong cầu nguyện>Trọn đời không cầu nguyện đợi đến lúc lâm chung mà mong có được một lời, dù chỉ một lời nguyện thôi đó là chuyện mò trăng đáy nước không thể nào có. Lúc đang khỏe mạnh tâm trí còn sáng suốt mà chẳng hề tưởng Nhớ đến Chúa thì đến khi sự chết đến, thân thể đớn đau các căn tan rã tinh thần mờ mịt hoảng hốt loạn cuồng như con cua bò chạy nháo nhào trên chảo nóng, còn tỉnh táo gì được đâu mà Nhớ?

 Ta có Nhớ Chúa thì Chúa mới Nhớ đến ta – đây là lẽ đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu chẳng khi nào sai chạy “Hãy trở lại cùng Ta thì Ta sẽ trở lại cùng ngươi” (Mt 3-7)./.

 

Phùng  Văn  Hóa

( Trích tác phẩm Thiền  và  Cầu Nguyện )

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts