KINH LẠY NỮ VƯƠNG

Kinh Lạy Nữ Vương là bản dịch của kinh La Tinh “Salve Regina”. Dù có nhiều giả thuyết xác định một số tác giả*, nhưng theo những bài nghiên cứu lịch sử mới nhất, ta vẫn chưa biết chính xác tác giả của kinh này là ai, chỉ xác định được rằng vào thế kỷ thứ XI, kinh này đã được nói đến trong một bản văn tại một tu viện ở Pháp (Cluny, vào năm 1135). Thánh Bênađô (1090-1153), viện phụ người Pháp, đã cổ vũ việc đọc và hát kinh này.

Đây là một trong những bài thánh ca phổ biến nhất kể từ thời Trung cổ. Sau công đồng Trentô (1545-1563), kinh Salve Regina và một số kinh kính Đức Mẹ được chính thức cho vào sách Các Giờ Kinh Phụng vụ của Giáo Hội (năm 1568), theo đó các kinh kính Đức Mẹ phải được đọc hoặc hát sau giờ Kinh Tối, hoặc sau giờ Kinh Chiều nếu đó là giờ kinh phụng vụ cuối cùng trong ngày. Thông lệ này vẫn còn được giữ cho đến ngày nay. Riêng dòng Xitô, nam và nữ, sau giờ Kinh Tối thì buộc phải hát kinh Salve Regina.

Tại Việt Nam, ngoài các Giờ Kinh Phụng vụ, kinh Lạy Nữ Vương còn được đọc sau chuỗi Kinh Mân Côi.

Trong sách Các Giờ Kinh Phụng vụ hiện nay, ta thấy bản dịch kinh Salve Regina như sau:

 

Kính Chào Đức Nữ Vương

 

Kính chào Đức Nữ Vương,

Bà là Mẹ xót thương,

Ngọt ngào cho cuộc sống,

Kính chào lẽ Cậy Trông.

 

Này con cháu E-và,

Thân phận người lưu lạc,

Chúng con ngửa trông Bà,

Kêu Bà mà khóc lóc,

Than thở với rên la

Trong lũng đầy nước mắt.

 

Bà là Nữ Trạng Sư,

Nguyện đưa mắt nhân từ

Phía đoàn con ngoái lại;

 

Và sau đời khổ ải,

Xin Bà khứng tỏ ra,

Cho đoàn con được thấy

Quả phúc bởi lòng Bà:

Đức Giê-su khả ái.

 

Ôi lượng cả khoan hồng,

Ôi tấm lòng xót thương,

Ôi dịu hiền nhân hậu,

Trinh Nữ Ma-ri-a.

 

Tuy nhiên, bản dịch phổ thông dưới đây được sử dụng phổ biến hơn với các tín hữu Việt Nam và vẫn được phép dùng trong phụng vụ:

 

Lạy Nữ Vương,

Mẹ nhân lành làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy.

Thân lạy Mẹ, chúng con, con cháu Evà ở chốn khách đầy, kêu đến cùng Bà ;

Chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khấn Bà thương.

Hỡi ôi! Bà là chủ** bầu chúng con, xin ghé mặt thương xem chúng con.

Đến sau khỏi đày, xin cho chúng con được thấy Đức Chúa Giêsu,

Con lòng Bà gồm phúc lạ.

Ôi khoan thay! nhân thay! dịu thay! Thánh Maria trọn đời đồng trinh. Amen.

Dẫu đã có những bản nhạc phổ lời hoặc phỏng theo lời kinh “Kính chào Đức Nữ Vương” (theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ), nhưng thiết thấy các tín hữu Việt Nam vẫn quen đọc kinh này theo bản dịch phổ thông, nên tôi đã phổ nhạc theo bản dịch phổ thông này, với mong ước đơn sơ là giúp cho các tín hữu được thêm lòng tin tưởng vào lời cầu bầu của Mẹ và thêm lòng yêu mến Mẹ hơn mỗi khi “ngân nga” lời kinh “Lạy Nữ Vương” này. Bản nhạc này đã được Imprimatur, nghĩa là được phép sử dụng trong phụng vụ.

Xin Đức Maria Nữ Vương luôn cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta. Amen.

 

Lm. Giuse Vũ Thái Hòa

* Giả thuyết xác định bốn tác giả kinh Salve Regina : thánh Bênađô (1090-1153), Đức Cha Pedro de Mezonzo  († 1003), Đức Cha Adhémar de Monteil († 1098) và Hermann Contract († 1054), tu sĩ người Đức. Các tài liệu và sách phụng vụ Việt Nam, dựa trên tài liệu xác quyết của thế ký XIX, cho rằng tu sĩ Hermann là tác giả.

** “chủ bầu” chứ không phải “Chúa bầu” hoặc “Chủ bầu”. Khi nói Đức Mẹ là “chủ bầu”, nghĩa là nói Đức Mẹ là trạng sư của chúng ta (advocata nostra), là người đứng ra bào [bầu] chữa cho chúng ta trước mặt Chúa.

* Để tải bản nhạc PDF:

https://bit.ly/468xLEw

 

* Để tải bài nhạc audio MP3:

https://bit.ly/3QySATQ

 

* Để coi và nghe trên Youtube:

https://youtu.be/wNtD40SGLHs

Chia sẻ Bài này:

Related posts