Một ngày nọ, triết gia Diogenes ( 413 – 323 ) đến ngôi chợ thành Athen ( Hy Lạp ) dựng một túp lều có tấm bảng ghi đậm mấy câu: “ Ở đây có bán sự khôn ngoan”.
Chợ thì đông đúc, kẻ qua người lại nhưng không một ai hỏi han, ngó ngàng đến cái ông già gàn dở có tiếng ấy. Người ta đi chợ là để mua cá, thịt rau dưa, sắm cái này cái nọ chứ có cần chi đến sự…khôn ngoan làm gì ?
Nhưng rồi cũng có một vị trí thức khoa bảng tình cờ đi qua, có ý tò mò muốn biết cái…sự khôn ngoan ông ta muốn bán ấy thế nào nên sai tên đầy tớ cầm tiền đến…mua. Diogenes cầm mấy hào đút túi trịnh trọng nói: “ Hãy về nói với chủ anh rằng: “ Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích của đời mình”.
Vậy hóa ra…sự khôn ngoan thật sự chỉ đơn giản vậy sao ? Tuy nhiên đây thật sự là khôn ngoan nếu người ta biết nghĩ đến cùng đích của đời mình là cái chết ! Nếu người nào cũng biết chắc rồi ra mình sẽ phải chết thì chẳng ai còn ham hố tham lam tích cóp tiền bạc của cải, tạo lập công danh sự nghiệp cũng như gây thù chuốc oán với nhau làm gì ! Thay vì oán cừu gây nghiệp tội thì thiên hạ sẽ lấy yêu thương thay cho thù hận….
Nhưng thực tế cho thấy rút cục cái sự khôn ngoan mà Diogenes, triết gia thuộc phái Hoài Nghi ấy rao bán cũng vẫn chỉ là thứ của rẻ, của ôi chẳng có ai…mua, bởi vì không thể đem nó ra mà thực hành trong cái cõi đời tham lam, ô trọc này.
Lý do tại sao không thể thực hiện được sự khôn ngoan trong đời sống ? Đó là vì người ta không trả lời được câu hỏi: Chết rồi đi về đâu và chính vì không trả lời thỏa đáng được câu hỏi ấy nên triết học đã lâm phải bế tắc.
Triết học không bao giờ có thể giải quyết được vấn đề do nó đặt ra bởi vì đã không thể trả lời được vấn nạn chết rồi đi đâu ? Một khi không biết chết rồi đi đâu thì cũng chẳng thể biết con người sinh ra bởi đâu và sống trên đời để làm gì ?
Đúng là triết học không thể giải quyết. Duy chỉ tôn giáo mới có thể và đây chính là vấn đề Giải Thoát Sinh Tử. Theo quan điểm Phật Giáo thì Giải Thoát Sinh Tử có nghĩa là thoát khỏi sự trói buộc của vòng tử sinh, sinh tử để đạt đến Niết Bàn là cõi bất sinh, bất diệt. ( Niết là không sinh còn Bàn là không diệt ).
Đạo Chúa cũng là con đường Giải Thoát Sinh Tử một khi đã nhận biết Sự Thật: “ Chúa Giê Su nói với những người đã tin Ngài rằng: Nếu các ngươi cứ ở trong đạo của Ta thì thật là môn đệ Ta, các ngươi sẽ nhận biết sự thật và sự thật sẽ giải thoát các ngươi” ( Ga 8, 31 -32 ).
Sự Thật cần nhận biết đó chính là mỗi người đều được tác tạo, sinh ra là Hình Ảnh Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa ( St 1, 26 ). Được sinh ra vốn là Con Thiên Chúa nhưng vì vô minh che lấp nên không nhận ra chân Bản Tính Con Thiên Chúa ở nơi mình. Tính chất vô minh ấy được Kinh Thánh thể hiện qua biểu tượng Tội Nguyên Tổ là tội phân biệt thiện ác ( St 2, 15 -17 ).
Nguyên Tổ phạm tội, đã bị đuổi khỏi Vườn Địa Đàng và sẽ chẳng bao giờ có thể trở lại nếu không trải qua cuộc giao tranh do Người Nữ Maria làm thủ lãnh để đối đầu với quỷ dữ Sa Tan: “ Đức Chúa Giehova phán với con rắn: “ Ta sẽ làm cho mày cùng Người Nữ. Dòng dõi mày cùng dòng dõi Người Nữ nghịch thù nhau. Người sẽ dày đạp đầu mày. Còn mày thì sẽ rình cắn gót chân Người” ( St 3, 15 ).
Cuộc giao tranh giữa một bên là quỷ Sa Tan, đứa lừa dối nguyên tổ khi nó nói: Hai người cứ…ăn trái cây phân biệt đi chẳng chết chóc gì đâu. Còn một bên là Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội chống lại nó bằng Lời Xin Vâng ( Fiat ). Để chống lại cám dỗ của Sa Tan, Đức Mẹ đã truyền dạy Kinh Mân Côi như một phương thế vô cùng hữu hiệu để cho chúng ta có thể trở lại Vườn Địa Đàng xưa cũng là Tâm Vô Phân Biệt mà từ đó Nguyên Tổ đã phải ra đi.
Người đời từ muôn kiếp, không một ai không sống với Tâm Phân Biệt có nghĩa đã mang nơi mình tính chấp ngã phân biệt, thấy có Ta có Người và …Vật ở ngoài mình ( Ngã Chấp ). Cái Thấy đó là một sai lầm có tính nguyên thủy không ai tránh khỏi và nó chỉ có thể phá vỡ bằng sự chuyển hóa của Tâm.
Kinh Mân Côi do Đức Mẹ truyền dạy chính là một phương pháp chuyển hóa vừa dễ dàng lại vừa đắc lực dành cho hết thảy mọi người.
Đức Mẹ trong tất cả những lần hiện ra, Ngài đều khuyên dạy thực hành Kinh Mân Côi như muốn nài ép mọi người. Nhưng đáng buồn thay, chẳng mấy ai chịu nghe và áp dụng lời Mẹ ! Lý do người ta không nghe là bởi không tin và vì không tin nên mới bày đặt ra đủ thứ …suy niệm này nọ.
Lời Chúa là để cho ta sống chứ không phải để…suy. Suy niệm Lời Chúa thì cũng ví như ngồi bên bàn lại không…ăn mà chỉ suy xét luận bàn những món ăn trên bàn thì có bao giờ…no được ? Thực hành Kinh Mân Côi chính là…ăn, là huân tập Lời Chúa vào trong tâm tưởng để làm nên cuộc chuyển hóa cho chính mình.
Sống đời sống tôn giáo chính là sống cuộc chuyển hóa và cuộc chuyển hóa ấy tất cả đều diễn ra ở nơi nội tâm mỗi người. Người đời ai cũng cho rằng mình sống bằng thân xác nhưng thực ra là sống với tư tưởng. Chính tư tưởng mới là cái điều khiển tất cả mọi hành vi cũng như lời nói của con người.
Bởi tư tưởng mang tính quyết định như thế, cho nên khổ hay vui cũng là do ở nơi tư tưởng. Tuy nhiên vì u mê, con người đã chất chứa ( Huân tập ) những tư tưởng xấu ác ( Ác tưởng ) nơi mình để rồi lãnh lấy hậu quả khổ đau, tiếc hận mà không biết.
Nhận ra như thế để cho thấy sự huân tập là hết sức quan hệ, nó quyết định cho hạnh phúc hay khổ đau của mỗi người. Đức Khổng Tử nói: “ Bầy tôi giết vua. Con giết cha không phải một buổi sớm, một buổi tối. Cái căn do dần dần đã lâu mà thành ra vậy. Bởi vì những kẻ lo liệu, phòng bị những việc ấy không biết lo liệu phòng bị sớm” ( Thần thí kỳ quân, tử thí kỳ phụ, phi nhất triêu nhất tịch chi cố. Kỳ sở do lai giả tiện hỹ. Do liệu chi bất tảo biện dã – T.T. Kim, Nho Giáo Q. Thượng )
Nếu việc bầy tôi giết vua, con giết cha không do một sớm một chiều thì trong việc Giải Thoát Sinh Tử tức lo cho cái chết cũng vậy. Diogenes nói: “ Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích của mình” thì ý nghĩa của nó chính là ở chỗ những ai thực sự khôn ngoan thì cần phải biết chuẩn bị cho cái chết của mình ngay khi nó chưa đến. “ Cho nên các ngươi hãy tỉnh thức sẵn sàng vì chính giờ phút các ngươi không ngờ thì Con Người sẽ đến” ( Mt 9, 44 ).
Người đời có thể lo lắng đủ mọi thứ nhưng nếu không chuẩn bị sẵn sàng cho cái chết của mình thì thật quá ư dại dột. Chúa Giê Su đưa ra ví dụ về người giàu kia cứ lo xây dựng kho lẫm với ý định để hưởng an nhàn, sung sướng nhưng rồi cái chết thình lình ập đến: “ Song ĐCT phán cùng người ấy rằng: Hỡi kẻ ngu dại kia. Đêm nay linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại thì những của cải ngươi dự bị sẽ thuộc về ai ? Kẻ nào dồn chứa của cải cho mình mà không giàu có nơi ĐCT thì cũng như vậy” ( Lc 12, 15 -21 ).
Vấn đề ở chỗ phải làm sao để được giàu có nơi Thiên Chúa ? Việc…làm giàu ấy có thể nơi việc thực thi các giới răn, làm phúc bố thí, chăm lo cầu nguyện, tham dự Thánh Lễ v.v…. Tuy nhiên những việc làm ấy chỉ có thể mang lại ơn ích nếu được thực hiện với Tâm Vô Phân Biệt. Trái lại chẳng những không có ơn ích mà còn bị Chúa quở trách.
Lý do việc làm…giàu có ấy cần phải làm với Tâm Vô Phân Biệt bởi vì Thiên Chúa là Đấng nội tại ở nơi ta. Về Đấng…nội tại ấy cũng chính là Sự Sống Đời Đời chúng ta cần nhận biết cho cuộc tìm về: “ Còn Sự Sống Đời Đời là nhận biết Cha tức Chân Thần duy nhất cùng Giê Su Ki Tô mà Cha đã sai đến” ( Ga 17, 3 ).
Để nhận biết Đấng Cha nội tại ấy thì nhất thiết cần phải Nhớ đến Ngài. Làm sao để luôn Nhớ đến Đấng Cha, đây chính là việc giải thoát sinh tử. Người đời bị cuốn lôi vào vòng sinh tử, tử sinh không thể thoát ra chính là vì đã Quên mất Đấng Cha Hằng Hữu, Tự Hữu ( Ego sum qui sum – Xh 3, 14 ) chứ không phải điều chi khác.
Tính chất mầu nhiệm của Kinh Mân Côi do nơi cấu trúc của nó làm cho ta được luôn Nhớ đến Chúa. Thật vậy, ai cũng biết Kinh Mân Côi truyền thống gồm có ba Mùa: Vui, Thương, Mừng. Mỗi Mùa gồm năm Thứ. Mỗi Thứ gồm có mười Kinh Kính Mừng.
Để thực hành Kinh Mân Côi thì cần Nhớ mình đang ở Mùa nào, Thứ nào và Hạt nào. Không Nhớ như vậy thì không làm sao lần chuỗi khi cầu nguyện một mình được. Trái lại lần chuỗi mà Nhớ như thế đó là chúng ta đã cột chặt Tâm mình không cho nó dong duổi ra bên ngoài nơi thế giới hiện tượng: Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp.
Cột chặt Tâm mình vào tràng chuỗi Mân Côi như thế có nghĩa chúng ta đã chủ động huân tập Thánh Danh Chúa Giê Su và Mẹ Maria vào trong tâm tưởng. Thánh Danh Chúa Giê Su một khi đã hiện hữu ở nơi Tâm thì chúng ta đã được giải thoát khỏi những tư tưởng xấu, ác làm khổ mình. Thánh Danh Chúa và Đức Mẹ hiện hữu ở nơi ta khi nào thì được thoát khổ khi ấy và sự thoát khổ ấy chắc chắn sẽ đến với ta trong giờ lâm tử: “ Cũng vì cớ đó, nên ĐCT đã nhắc Ngài lên rất cao, ban cho Ngài Danh vượt trên hết mọi danh. Hầu cho mọi đầu gối trên trời, dưới đất và cả trong Hỏa Ngục đều nhơn Danh Giê Su mà quỳ gối xuống và mọi lưỡi đều thừa nhận Giê Su Ki Tô là Chúa để quy vinh ĐCT là Cha” ( Pl 2, 9, 11 ).
Phùng Văn Hóa
Để kính tặng cha Vinh Sơn, quản hạt Phú Thịnh, gp Xuân Lộc
(Nhân bài giảng Thánh lễ an táng anh Giu Se Nguyễn Chí Tài chết vì điện giật.)