Nội San Kinh Mân Côi Số Tháng 01-2016

TRANG CHUYÊN ĐỀ 

ĐỨC KITÔ

ĐẤNG Mạc khải về lòng thương xót

Thánh Giáo hoàng Gioan Phao II

“Thiên Chúa giàu lòng thương xót” là Đấng mà Đức Giêsu Kitô đã mạc khải cho chúng ta biết là Cha: Chính Người là Con Thiên Chúa đã tỏ lộ và cho chúng ta biết Cha nơi chính bản thân mình. Về mạc khải này, điều đáng nhớ là lúc Philipphê, một trong mười hai tông đồ, thưa với Đức Kitô: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện”; Đức Giêsu trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philipphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”. Những lời ấy đã được nói lên trong diễn từ giã biệt, vào cuối bữa ăn Vượt Qua, vào thời điểm sắp diễn ra những ngày thánh, là những biến cố khẳng định dứt khoát rằng “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô”.

Theo giáo huấn Công đồng Vatican II, và xét tới những nhu cầu đặc biệt của thời đại chúng ta đang sống, tôi đã dành thông điệp Redemptor Hominis vào việc trình bày chân lý về con người mà trong Đức Kitô chân lý đó đã được mạc khải cho chúng ta cách đầy đủ và sâu xa. Cũng với đòi hỏi quan trọng như thế, trong thời buổi nguy kịch và khó khăn này, lại thúc đẩy tôi một lần nữa khám phá trong chính Đức Kitô dung nhan Chúa Cha là “Người là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an”. Quả thế, người ta đọc được trong hiến chế Gaudium et Spes“Là Ađam mới, Đức Kitô… tỏ lộ đầy đủ con người cho chính con người và khiến con người thấy được sứ mệnh cao cả của mình”: Người làm điều ấy ngay “trong chính việc mạc khải mầu nhiệm Chúa Cha và tình thương của Ngài”. Những lời lẽ như thế chứng thực rất rõ ràng việc tỏ lộ con người trong phẩm giá đầy đủ của nhân tính, không thể nào có được nếu không quy về Thiên Chúa chẳng những về mặt khái niệm mà cả về mặt hiện hữu. Con người và sứ mệnh cao cả nhất của họ được khám phá ra trong Đức Kitô nhờ
sự mạc khải mầu nhiệm Chúa Cha và tình
thương của Ngài.

Chính vì vậy mà bây giờ chúng ta nên hướng về mầu nhiệm đó. Những kinh nghiệm của Giáo Hội và của con người ngày nay mời gọi chúng ta làm như thế. Những khát vọng của biết bao tâm hồn con người, những đau khổ và những hy vọng, những âu lo và những trông chờ của họ cũng đều đòi hỏi việc đó. Nếu thực sự con người theo một nghĩa nào đó là con đường của Giáo Hội – như tôi đã nói trong thông điệp Redemptor Hominis – thì đồng thời Tin Mừng và toàn bộ Truyền thống cũng không ngừng chỉ rõ chúng ta phải cùng với mọi người đi con đường này, đúng như Chúa Kitô đã vạch ra bằng cách mạc khải Chúa Cha và tình thương của Ngài nơi chính bản thân mình. Trong Đức Giêsu Kitô, theo cách thức đã được chỉ định cách dứt khoát cho Giáo Hội trong quá trình thay đổi của thời gian, đi về phía con người là đồng thời tiến gần đến Chúa Cha và tình thương của Ngài. Công đồng Vatican II đã xác định chân lý đó cho thời đại chúng ta.

Sứ mệnh của Giáo Hội càng được tập trung vào con người thì có thể nói sứ mệnh đó càng phải được khẳng định và thực hiện theo cách thức tập trung vào Thiên Chúa, nghĩa là trong Đức Giêsu Kitô hướng về Chúa Cha. Trong khi các luồng tư tưởng khác nhau, cổ thời và đương đại, đã từng và tiếp tục có khuynh hướng tách biệt hay thậm chí đối chọi tập trung vào Thiên Chúa với tập trung vào con người, thì trái lại, Giáo Hội theo chân Đức Kitô, vẫn tìm cách bảo đảm sự liên kết hữu cơ và sâu xa giữa hai sự tập trung ấy trong lịch sử loài người. Đó là một trong những nguyên tắc căn bản, và có lẽ còn là nguyên tắc quan trọng nhất của giáo huấn Công đồng Vatican II. Như vậy, nếu chúng ta có ý lấy việc thực hành giáo huấn của Công đồng vĩ đại này làm nhiệm vụ chính trong giai đoạn hiện tại của lịch sử Giáo Hội, chúng ta cần quy chiếu về nguyên tắc ấy với đức tin, với sự khai mở trí năng và hết lòng mình. Trong thông điệp của tôi đã được nhắc tới trên đây, tôi đã cố gắng nhấn mạnh rằng việc nghiên cứu sâu sắc và sự phong phú đa dạng về ý thức Giáo Hội vốn là kết quả của Công đồng, phải mở trí lòng chúng ta rộng hơn cho Đức Kitô. Hôm nay, tôi muốn nói rằng sự khai mở cho Đức Kitô là Đấng Cứu Chuộc thế gian và mạc khải đầy đủ con người cho con người chỉ có thể thực hiện được bằng cách quy chiếu sâu sắc hơn mãi về Chúa Cha và về tình thương của Ngài.

(Trích Thông điệp Dives in Misericordia, số 1)

 

Tìm hiểu Tông chiếu Lòng Thương Xót Chúa CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ (Bài 1)

Tông chiếu Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót gồm 25 số. ĐTC chọn chủ đề cho văn kiện này là “Khuôn mặt của Lòng Thương Xót”. Khi nói như vậy, ngài mở đầu bằng chính Chúa Giê-su Ki-tô là khuôn mặt thương xót của Chúa Cha vì ai thấy Ngài là thấy Cha (x. Ga 14,9) mà Cha lại “giàu lòng thương xót” (Ep 2,4) (n°1).

ĐTC đã giải thích về sự phong phú của cụm từ “Lòng Thương Xót”. Cụm từ này diễn tả mầu nhiệm Ba Ngôi, bản chất của Thiên Chúa, của con người và tương quan giữa Thiên Chúa với con người (n°2).

Ngài nêu ra lý do mở Năm Thánh Lòng Thương Xót: để mọi người tin làm chứng mạnh mẽ và hữu hiệu hơn về Lòng Thương Xót của Chúa Cha mà lúc này là thời điểm cần thiết (n°3§1).

ĐTC cho biết tại sao khai mạc vào lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội với nghi thức mở Cửa Thánh, vì Mẹ Ma-ri-a giữ vai trò khởi đầu lịch sử cứu độ, khởi đầu cho ơn tha thứ của Thiên Chúa. Việc mở Cửa Thánh giống như mở Cửa Lòng Thương Xót để ai đi vào thì sẽ được “an ủi, được tha thứ và hy vọng” (n°3§2).

Chúa nhật III Mùa Vọng, tất cả các Cửa Thánh của những nhà thờ… đã được ban phép sẽ mở để người hành hương đón nhận ân sủng và canh tân đời sống thiêng liêng. Năm Thánh không chỉ ở Rô-ma mà cả ở các Giáo Hội hiệp thông với Giáo Hội Rô-ma như dấu chỉ hiệp thông Hội Thánh (n°3§3).

Chọn ngày 8 tháng 12 cũng là nhắc đến ngày kết thúc Công Đồng Va-ti-ca-nô II tròn 50 năm. Đây là lúc loan báo Tin Mừng theo cách thức mới trong đó Giáo Hội trở nên dấu chỉ tình Cha và mọi Ki-tô hữu cần làm chứng mạnh mẽ về đức tin và nhiệt thành hơn (n°4§1).

Trong lời khai mạc Công Đồng, thánh Giáo Hoàng Gio-an XXIII cũng nhắc đến cụm từ “Lòng Thương Xót” này, ngài ví nó như phương thuốc chữa trị bệnh tật. Đến lượt chân phước Giáo Hoàng Phao-lô VI, dù không có cụm từ trên nhưng ngài cũng nói đến kết quả của Công Đồng là nguồn bác ái để chữa trị nhân loại có nhiều bệnh tật và đau khổ (n°4§2).

Với tinh thần biết ơn, Năm Thánh này được mở ra để Dân Chúa chiêm ngưỡng khuôn mặt của Lòng Thương Xót. ĐTC cầu xin Chúa Thánh Thần giúp Giáo Hội và mọi Ki-tô hữu cộng tác vào công cuộc cứu độ của Đức Ki-tô (n°4§3).

Năm Thánh kết thúc ngày 20 thánh 11 năm 2016, nhằm lễ Chúa Ki-tô, Vua Vũ Trụ. Khi tỏ lòng biết ơn vì Năm Thánh, Giáo Hội, nhân loại và cả vũ trụ được phó thác cho Thiên Tính của Chúa Ki-tô. Tất cả đều được hưởng Lòng Thương Xót như dấu của Nước Chúa đã hiện diện giữa chúng ta (n°5§1).

ĐTC trích dẫn lời của thánh Tô-ma A-qui-nô và lời cầu nguyện mở đầu của Chúa nhật 26 Thường Niên để chỉ ra sức mạnh của Lòng Thương Xót Chúa luôn hiện diện trong lịch sử nhân loại (n°6§1).

Ngài dẫn chúng ta trở về Cựu Ước, nơi đó Lòng Thương Xót được diễn tả bằng những hành vi cụ thể (x. Tv 145, 7-9) và với những sắc thái đa dạng của ngôn từ: kiên nhẫn, yêu mến, khoan hồng, tha thứ v.v. (n°6§2).

Đức Phan-xi-cô đã giải thích câu Thánh vịnh 135 quen thuộc để chỉ ra rằng cái nhìn thương xót của Chúa Cha không giới hạn trong lịch sử cứu độ mà còn trải rộng mãi mãi. Do đó, Thánh vịnh này được đọc trong các dịp lễ quan trọng nhất của dân Do Thái (n°7§1).

Từ Thánh vịnh này, ĐTC đã nối kết giữa Cựu Ước với Tân Ước qua cử chỉ hát Thánh vịnh của Chúa Ki-tô vào ngày lễ Vượt Qua, ngày trước khi Ngài chịu chết để mở ra ánh sáng Lòng Thương Xót cho nhân loại. Vì thế, mọi Ki-tô hữu chúng ta cũng phải cầu nguyện bằng điệp khúc “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (n°7§2).

Lược trích theo Lm. Vinhsơn Đinh Minh Thỏa

BÀI GIẢNG LỄ MẸ THIÊN CHÚA (năm 2015)

Đức Thánh Cha Phanxicô

Hôm nay chúng ta được gợi nhắc về những lời chúc phúc mà bà Ê-li-sa-bét đã nói với Mẹ Maria: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1,42-43).

Lời chúc phúc này ở trong sự tiếp nối với lời chúc phúc thượng tế mà Thiên Chúa đã trao ban cho ông Mô-sê để trao cho ông A-ha-ron và cho tất cả mọi người dân: “Nguyện ĐỨC CHÚA chúc lành và gìn giữ anh (em)! Nguyện ĐỨC CHÚA tươi nét mặt nhìn đến anh (em) và dủ lòng thương anh (em)!” (Ds 6,24-26). Khi cử hành Lễ trọng thể mừng kính Mẹ Maria Mẹ Rất Thánh của Thiên Chúa, Giáo Hội nhắc nhớ chúng ta rằng Mẹ Maria, hơn bất cứ một ai khác, đã lãnh nhận phúc lành này. Trong phúc lành của Mẹ có sự thành toàn, bởi vì không một thọ tạo nào khác đã từng thấy diện mạo của Thiên Chúa chiếu toả như Mẹ Maria đã thấy. Mẹ trao ban cho diện mạo nhân loại Lời vĩnh cửu, để tất cả chúng ta có thể chiêm ngắm Ngài.

Bên cạnh việc chiêm ngắm diện mạo của Thiên Chúa, chúng ta còn có thể chúc tụng và tôn vinh Ngài, giống như các mục đồng đã rời khỏi Bê-lem với lời ca khen cảm tạ sau khi đã thấy được Hài Nhi và người mẹ trẻ của Ngài (x. Lc 2,16). Cả hai đã ở bên nhau, như khi các Ngài đã ở bên nhau trên đồi Canvê, bởi vì Đức Kitô và Mẹ Ngài thì không thể tách rời: có một mối quan hệ rất gần gũi giữa các Ngài, cũng như sự gần gũi giữa mọi đứa trẻ và người mẹ của nó. Nhục thể (caro) của Đức Kitô – điều mà Tertulian nói, là bản lề (cardo) của ơn cứu độ của chúng ta – đã là một gút nối lại với nhau trong cung lòng của Mẹ Maria (x. Tv 139,13). Sự không thể tách lời này cũng thật rõ ràng từ sự kiện Đức Maria, được chọn từ trước để trở thành Mẹ của Đấng Cứu Chuộc, đã cùng chia sẻ cách gần gũi trong toàn bộ sứ mạng của Ngài, vẫn ở bên cạnh Con của Mẹ cho đến tận cùng tại đồi Canvê.

Mẹ Maria hiệp nhất cách gần gũi với Chúa Giêsu bởi vì Mẹ đã lãnh nhận từ Ngài sự hiểu biết của tâm hồn, sự hiểu biết của niềm tin, được nuôi dưỡng bởi kinh nghiệm của Mẹ trong tư cách là một người Mẹ và bởi mối quan hệ gần gũi của Mẹ với Con Mẹ. Đức Nữ Trinh Diễm Phúc là một người phụ nữ của niềm tin, một người đã tạo chỗ trống cho Thiên Chúa trong tâm hồn của Mẹ và trong các dự định của Mẹ; Mẹ là người tin có khả năng đón nhận quà tặng của Con Mẹ sự ngự đến của “thời gian đến hồi viên mãn” ấy (Gl 4,4) mà trong đó Thiên Chúa, ngang qua việc chọn lựa một con đường khiêm tốn của sự hiện hữu nhân loại, đã một cách cá nhân đi vào dòng lịch sử ơn cứu độ. Đó là lý do vì sao mà chúng ta không thể hiểu Chúa Giêsu mà không có Mẹ của Ngài.

Tương tự như thế là sự không thể tách rời giữa Đức Kitô và Giáo Hội; ơn cứu độ được thành toàn bởi Chúa Giêsu không thể hiểu được nếu không tôn trọng tính mẫu tử của Giáo Hội. Tách rời Chúa Giêsu ra khỏi Giáo Hội có lẽ chỉ giới thiệu một “sự phân rẽ ngớ ngẩn”, như Đức Chân Phúc Phaolô VI đã viết (Evangelii Nuntiandi, 16). Không thể “yêu Đức Kitô mà không có Giáo Hội, lắng nghe Đức Kitô mà không lắng nghe Giáo Hội, thuộc về Đức Kitô mà ở bên ngoài Giáo Hội” (ibid.). Bởi vì chính Giáo Hội là một đại gia đình của Thiên Chúa, mang Đức Kitô đến cho chúng ta. Niềm tin của chúng ta không phải là một giáo lý hay triết lý trừu tượng, nhưng là một mối quan hệ sống động và trọn vẹn với một con người: Đức Giêsu Kitô, Con duy nhất của Thiên Chúa, Đấng trở thành con người, đã bị kết án tử hình, sống lại từ cõi chết để cứu chúng ta, và giờ đây đang sống ở giữa chúng ta. Chúng ta có thể gặp gỡ Ngài ở đâu? Chúng ta có thể gặp gỡ Ngài trong Giáo Hội. Đó chính là Giáo Hội hôm nay đang nói: “Đây Chiên Thiên Chúa”; đó chính là Giáo Hội đang loan báo về Ngài; đó chính là Giáo Hội mà Chúa Giêsu tiếp tục kiện toàn bằng chính những hành động ân sủng của Ngài là các bí tích.

Điều này, hoạt động và sứ mạng của Giáo Hội, là một sự diễn tả của tình mẫu tử của Giáo Hội. Bởi vì Giáo Hội giống như một người mẹ dịu dàng ôm lấy Chúa Giêsu mà mang Ngài đến cho mọi người bằng niềm vui và sự đại lượng. Không có một sự tỏ hiện nào của Đức Kitô, kể cả dưới hình thức mầu nhiệm nhất, lại có thể tách rời khỏi máu thịt của Giáo Hội, khỏi đặc tính cụ thể mang tính lịch sử của Thân Mình Đức Kitô. Không có Giáo Hội, Đức Giêsu Kitô chỉ mang lấy kết cục như một ý niệm, một lời dạy đạo đức, một cảm giác. Không có Giáo Hội, thì mối quan hệ giữa chúng ta và Đức Kitô có lẽ hệ tại ở nơi lòng thương xót của sự tưởng tượng của chúng ta, những sự diễn giải của chúng ta, những tâm trạng của chúng ta mà thôi.

Anh chị em thân mến! Đức Giêsu Kitô là phúc lành cho tất cả mọi người nam nữ, và cho tất cả nhân loại. Giáo Hội, trong việc trao ban cho chúng ta Chúa Giêsu, cũng trao ban cho chúng ta sự thành toàn của phúc lành của Thiên Chúa. Đây rõ ràng là sứ mạng của dân Chúa: để lan toả cho hết mọi dân tộc phúc lành của Thiên Chúa đã thành nhục thể ở nơi Đức Giêsu Kitô. Và Mẹ Maria, người môn đệ đầu tiên và hoàn hảo nhất của Chúa Giêsu, mẫu gương của Giáo Hội lữ hành, là một Đấng mở ra con đường cho tình mẫu tử của Giáo Hội và hằng luôn duy trì sứ mạng mẫu tử của mình cho tất cả nhân loại. Chứng tá mẫu tử đầy tinh tế của Mẹ Maria đã đồng hành cùng Giáo Hội ngay từ thuở ban đầu. Mẹ, Mẹ Thiên Chúa, cũng là Mẹ của Giáo Hội, và thông qua Giáo Hội, là Mẹ của mọi người nam nữ, và của mọi dân tộc.

Xin Người Mẹ dịu dàng và đầy yêu thương này lãnh nhận cho chúng ta phúc lành của Chúa trên toàn thể gia đình nhân loại. Vào ngày hôm nay, Ngày Thế Giới Hoà Bình, chúng ta đặc biệt xin sự chuyển cầu của Mẹ để Chúa ban cho chúng ta sự bình an trong thế giới hôm nay; sự bình an trong các tâm hồn, sự bình an trong các gia đình, sự bình an giữa các quốc gia. Thông điệp của Ngày Hoà Bình năm nay là “Không còn nô lệ nữa, nhưng là Anh Chị Em”. Tất cả chúng ta đều được mời gọi để được tự do, tất cả đều được mời gọi để trở thành những người con trai và con gái, và mỗi người, theo những trách nhiệm riêng mình, được mời gọi để chiến đấu với những hình thức hiện đại của tình trạng nô lệ. Từ hết mọi dân tộc, nền văn hoá và tôn giáo, chúng ta hãy cùng gia nhập vào các lực lượng của chúng ta. Xin Chúa dẫn dắt và nuôi dưỡng chúng ta, Đấng, để làm cho tất cả chúng ta thành anh chị em của nhau, đã trở thành tôi tớ của chúng ta…

Joseph C. Pham (chuyển ngữ từ News.va)

Chia sẻ Bài này:

Related posts