Nội San Kinh Mân Côi Số Tháng 01-2019

TRANG CHUYÊN ĐỀ

 

ĐỨC GIÁO HOÀNG PIÔ XI
(1857 – 1939)
Người bảo vệ Kinh Mân Côi

Đức Giáo hoàng Piô XI tiếp nối ngai tòa thánh Phêrô trong thời kỳ giữa Đệ nhất và Đệ nhị Thế chiến. Là người bộc trực và có phong thái lãnh đạo thẳng thắn, ngài đã chọn danh xưng “Piô”; bởi khi còn trẻ, ngài hết lòng cảm phục Đức Chân phước Giáo hoàng Piô IX. Đức Piô XI là một học giả rất tài năng. Trước khi trở thành giáo hoàng, ngài đã là quản thủ thư viện thánh Ambrôsiô ở Milan, là Tổng giám mục Milan và quản thủ Thư viện Vatican ở Rôma. Ngài có ba bằng tiến sĩ (triết học, thần học và giáo luật) do Đại học Grêgôriô ở Rôma cấp. Đặc biệt, Đức Piô XI chuyên về cổ ngữ (nghiên cứu chữ viết cổ đại), tập trung vào các bản viết tay và tài liệu thời trung cổ. Có thời điểm, ngài là sứ thần Tòa Thánh tại Ba Lan và có lòng nhiệt thành đối với cộng đoàn Kitô hữu đến nỗi ngài mong muốn tử đạo tại Nga.

Trong triều đại giáo hoàng của mình, Đức Piô XI đã tuyên phong hiển thánh các vị: Bernadette Soubirous, Gioan Vianney, Don Bosco và Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Ngài cũng đã thiết lập Lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ như là một giải pháp nhằm giảm bớt sự căng thẳng giữa các quốc gia. Năm 1931, ngài thành lập Đài phát thanh Vatican và là giáo hoàng đầu tiên lên sóng phát thanh. Giống như vị tiền nhiệm, ngài kiên quyết lên án Chủ nghĩa Tân thời và cổ võ sự hiệp nhất và hòa bình. Là một nhà leo núi đầy khát vọng, Đức Giáo hoàng Piô XI đã lên tới đỉnh của nhiều ngọn núi nổi tiếng, gồm cả đỉnh núi Matterhorn. Thậm chí, có một sông băng ở Chilê đã được đặt theo tên của ngài.

Lòng Sùng Kính Đức Maria

Trước khi trở thành giáo hoàng, Đức Piô XI là thành viên của Hiệp Hội Thánh Mẫu trực thuộc Dòng Tên và ngài được biết đến là vị linh mục hết lòng sùng kính Đức Mẹ. Khi trở thành Tổng giám mục Milan, ngài thành lập Hội Thánh Mẫu trong giáo phận. Ngài yêu mến Hội Thánh Mẫu đến nỗi ví hội này với dải ngân hà, trải dài bất tận và bao trùm vô số các linh hồn. Chính trong triều đại giáo hoàng và với sự am hiểu và ưng thuận của ngài mà Giáo Hội đã phê chuẩn các lần Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Ngài gọi Lithuania là Terra Mariana (vùng đất của Đức Mẹ) và năm 1930, ngài tuyên bố Đức Mẹ Vô Nhiễm (dưới tước hiệu “Đức Mẹ Aparecida”) là quan thầy của nước Brazil. Đức giáo hoàng Piô XI cũng rất quý mến Lộ Đức, và một năm sau khi được bầu làm giáo hoàng, ngài thực hiện cuộc hành hương chính thức đến Lộ Đức. Lần thứ hai, ngài trở lại Lộ Đức là lễ tuyên thánh cho sơ Bernadette Soubirous vào ngày 8/12/1933.

Ý Chúa an bài, một năm trước khi Đức Piô XI được bầu làm giáo hoàng, Người Tôi tớ Chúa, Phan Đức, đã thành lập Hội Legio Mariae. Trong triều đại giáo hoàng của Đức Piô XI, Hội Legio Mariae đã lan rộng khắp thế giới. Vì thế, vào ngày 16/09/1933, ngài đã ban đặc ân cho tất cả các thành viên của hội. Về ơn ban này, ngài lưu ý rằng giống như Đức Mẹ đã cộng tác vào công trình cứu độ, các thành viên của Hội Legio Mariae cũng trở thành những người cộng tác với Chúa Kitô trong sứ mạng cứu độ. Đức Giáo hoàng Piô XI dạy rằng Đức Mẹ xứng đáng đón nhận tước hiệu Đấng trung gian mọi ân sủng và Đấng Đồng Công Cứu Chuộc.

 

Chiến Sĩ Kinh Mân Côi

Trong triều đại giáo hoàng của mình, Đức Thánh Cha Piô XI đã đối phó với hậu quả của Thế Chiến I, khả năng xảy ra Thế Chiến II và các cuộc khủng bố chống Công Giáo tại Mêxicô, Tây Ban Nha và Liên bang Xô Viết. Ngài cảnh báo thế giới về tội lỗi của Chủ nghĩa Phát xít, Chủ nghĩa Cộng sản và Chủ nghĩa Quốc xã; đồng thời thúc giục đọc Kinh Mân Côi. Với mục đích này, năm 1937, ngài viết thông điệp Ingravescentibus Malis về Kinh Mân Côi. Trong thông điệp có sức tác động mạnh mẽ này, Đức Giáo hoàng Piô XI khẳng định rằng thánh Đa Minh là người sáng lập Kinh Mân Côi; nhấn mạnh Kinh Mân Côi là vũ khí chống lại các lạc thuyết, hệ tư tưởng và nguy cơ đi ngược lại chân lý; đồng thời yêu cầu mọi người cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi. Ngài dạy rằng Kinh Mân Côi là vũ khí chống lại cái ác đang hoành hành trên thế giới và mang lại sự an bình trong thâm tâm con người. Trong triều đại giáo hoàng của ngài, nhiều tín hữu trở thành vị thánh tử đạo làm chứng cho Kinh Mân Côi như: chân phước Miroslav Bulesic, chân phước Ceferino Giménez Malla, chân phước Miguel Pro và nhiều vị khác nữa. Đức Giáo hoàng Piô XI biết rằng Kinh Mân Côi có sức mạnh chế ngự mọi hệ tư tưởng, nhất là ý thức hệ của Chủ nghĩa Cộng sản.

Là chiến sĩ Kinh Mân Côi, Đức Thánh Cha Piô XI đã ban hành sắc lệnh mở rộng Vương Cung Thánh Đường Mân Côi ở Pompei để nhiều người có thể đến hành hương. Ngài nhấn mạnh rằng Kinh Mân Côi không phải là kinh nguyện lặp lại một cách vô ích, nhưng như là lời của một người nói với người yêu của mình “Anh yêu em” được lặp đi lặp lại. Ngài đã viết một lá thư riêng cho Bề trên Tổng quyền Dòng Đa Minh để khẳng định truyền thống đạo đức, nói rõ Prouille chính là cái nôi của Kinh Mân Côi, và chỉ bảo các tu sĩ Đa Minh rằng Kinh Mân Côi là trung tâm đoàn sủng của họ, vì thế, các tu sĩ Đa Minh phải nhiệt thành cổ võ gia sản này. Đức Giáo hoàng Piô XI xem Kinh Mân Côi như thầy dạy luân lý và các nhân đức hướng thần, có khả năng khơi dậy trong tâm hồn niềm khát khao sự thánh thiện và tình yêu lớn lao dành cho Chúa Kitô và Giáo Hội.

 

 

Chuỗi Ngọc Mân Côi

Như các tín hữu biết rõ, trong số các vũ khí mà thánh Đa Minh sử dụng để hoán cải những người theo lạc giáo, hiệu quả nhất là Kinh Mân Côi và cách thức thực hành Kinh Mân Côi mà chính Đức Trinh Nữ chỉ dạy đã lan rộng khắp giới Công Giáo. Ngày nay, hiệu quả và sức mạnh của phương thức cầu nguyện bắt nguồn từ đâu? Dĩ nhiên bắt nguồn từ chính những mầu nhiệm của Chúa Cứu Thế mà chúng ta chiêm ngắm và suy niệm. Do đó, chúng ta có thể nói cách dứt khoát rằng Kinh Mân Côi là cội nguồn và nền tảng của Dòng Đa Minh để đem lại đời sống hoàn thiện cho chính anh em trong Dòng và ơn cứu độ cho tha nhân.

Đức Giáo hoàng Piô XI

Khi tiếp kiến các cặp vợ chồng mới cưới, chúng tôi nói đôi lời huấn đức, thành tâm trao gửi đến họ những tràng chuỗi Mân Côi. Chúng tôi nêu gương sáng và khuyên nhủ họ đừng để, dù chỉ một ngày qua đi, mà không đọc Kinh Mân Côi, cho dẫu nỗi lo lắng và công việc có thể chất chồng thế nào đi chăng nữa.

Đức Giáo hoàng Piô XI

Thánh Đa Minh đã sáng lập Dòng Anh Em Giảng Thuyết, một dòng tu được Đức Giáo hoàng Hônôriô III đặt dưới sự che chở và bảo trợ đặc biệt của riêng ngài và như một nhà tiên tri, ngài ngợi khen các anh em trong Dòng là “ánh sáng đích thực của thế giới” và “những chiến sĩ đức tin”. Tu viện đầu tiên được thành lập tại Prouille, nơi thực sự là cái nôi của Kinh Mân Côi.

Đức Giáo hoàng Piô XI

Làm thế nào tình yêu không thể trở nên nồng nàn hơn nhờ Kinh Mân Côi? Chúng ta suy niệm cuộc thương khó và khổ nạn của Đấng Cứu Thế cũng như những nỗi đau khổ của Đức Mẹ sầu bi.

Đức Giáo hoàng Piô XI

Quốc vương, hoàng thân, những người gánh vác công việc và trách nhiệm quan trọng phải có bổn phận đọc Kinh Mân Côi.

Đức Giáo hoàng Piô XI

Trong số những lời van xin mà chúng ta khẩn cầu Mẹ Thiên Chúa, chắc chắn Kinh Mân Côi rất thánh giữ một vị trí đặc biệt và nổi bật.

Đức Giáo hoàng Piô XI

Kinh Mân Côi làm cho niềm hy vọng về những điều vĩnh cửu trên trời trở nên tươi sáng. Khi suy niệm vinh quang của Chúa Giêsu và Mẹ của Người, chúng ta nhìn thấy tầng trời mở ra và được khuyến khích cố gắng giành lấy nước Trời.

Đức Giáo hoàng Piô XI

Người làm cha, làm mẹ trong gia đình phải đặc biệt nêu gương cho con cái, nhất là vào lúc chiều tà, sau một ngày làm việc, họ quây quần bên nhau trong ngôi nhà của mình và quỳ gối đọc Kinh Mân Côi trước ảnh tượng Đức Trinh Nữ, cùng nối kết tiếng nói, đức tin và tình cảm. Đó là một thói quen tốt đẹp và hữu ích. Từ đó, gia đình có thể đón nhận không chỉ sự an bình mà còn rất nhiều thiên ân.

Đức Giáo hoàng Piô XI

Những ai xem Kinh Mân Côi đơn thuần chỉ là công thức phiền phức lặp đi lặp lại với giọng điệu ê a đều đều, và khước từ Kinh Mân Côi vì kinh nguyện ấy chỉ dành cho trẻ con và những người đàn bà ngớ ngẩn, thì họ đang đi chệch con đường chân lý.

Đức Giáo hoàng Piô XI

Vương miện huyền nhiệm này (Kinh Mân Côi) không chỉ được nhìn thấy và lướt trên tay người nghèo mà còn được tôn vinh bởi mọi công dân của các giai tầng xã hội.

Đức Giáo hoàng Piô XI

Mọi người đều biết Kinh Mân Côi hữu ích như thế nào, đặc biệt trong thời đại của chúng ta khi mà nhiều tín hữu tỏ ra thờ ơ với những điều thánh thiêng và không ưa thích học thuyết Kitô giáo.

Đức Giáo hoàng Piô XI

 

GỢI Ý MỤC VỤ GIA ĐÌNH NĂM 2019

Đồng hành với các gia đình gặp khó khăn

Năm 2019, Hội Thánh tại Việt Nam – theo định hướng mục vụ Hội đồng Giám mục đã đề ra trong Thư Chung 2016 – giữa những mối quan tâm mục vụ sẽ quan tâm cách đặc biệt đến việc “Đồng hành với các gia đình gặp khó khăn”. Các Đức Giám mục của chúng ta, cách riêng, nêu ra ba loại đối tượng phạm trù: các gia đình di dân, các gia đình của các cặp hôn phối khác tôn giáo/tín ngưỡng, và các “gia đình” li thân, li dị tái hôn. Để Hội thánh thể hiện một sức bật mục vụ có tính tập trung, chúng tôi đề nghị điểm nhấn mục vụ chi tiết và cụ thể hơn theo thời gian của năm mục vụ tới:

Giai đoạn 1 (từ tháng 12/2018 – 3/2019): đồng hành với các gia đình di dân;

Giai đoạn 2 (từ tháng 4 – tháng 7/2019): đồng hành với gia đình các cặp hôn nhân khác đạo;

Giai đoạn 3 (từ tháng 8 – tháng 11/2019): đồng hành với các “gia đình” li thân, li dị tái hôn.

Chúng ta thiếu điều thiết yếu của mục vụ

Đức Thánh Cha Phanxicô, trong các Thượng Hội đồng Giám mục về Gia đình 2014 và 2015 vừa qua, khi nói về việc Đồng hành với các gia đình gặp khó khăn đã có nhận xét về sự khiếm khuyết này trong thực hành của Giáo hội hiện nay: “Những phúc đáp của cuộc tham vấn đã thực hiện cho thấy rằng trong các hoàn cảnh khó khăn hoặc nguy kịch phần đông người ta không nhờ đến các trợ giúp của mục vụ đồng hành, vì họ không cảm thấy được sự thông cảm, gần gũi, hay không thực tế, cụ thể. Bởi vậy, giờ đây chúng ta  nên tìm cách tiếp cận với các cuộc khủng hoảng hôn nhân bằng một cái nhìn nhạy cảm hơn với những gánh nặng của đau đớn và thống khổ họ phải chịu” (Amoris laetitia, 234).

Trong thực tế các gia đình trong những lúc khó khăn, khốn khổ, chênh vênh không cảm thấy được Hội thánh quan tâm, giúp đỡ, họ cảm thấy cô đơn, và càng ngày càng rời xa Giáo hội. Hướng tới một viễn tượng Mục vụ Đồng hành có nghĩa là bắt đầu một cuộc hoán cải mục vụ, mà để đồng hành thực sự hiệu quả chúng ta cần thời gian, cần kiên trì, và hành động thực tế. Chương trình Mục vụ này cần phải được phác thảo cho tốt và đi đến chạm tới đời sống của người ta. Đức Thánh Cha Phanxicô xác định Đồng hành là tiêu chuẩn trọng tâm của Mục vụ gia đình, ngài nói:

“Hội Thánh muốn đến với các gia đình trong sự cảm thông khiêm tốn, và ước muốn của Hội thánh là “đồng hành với mỗi gia đình và mọi gia đình để họ có thể khám phá ra cách tốt nhất để vượt qua những khó khăn mà họ gặp phải trên hành trình của họ” {Relatio Finalis (RF) 2015, 56}. Không phải chỉ đưa vào các kế hoạch mục vụ lớn lao với mối bận tâm chung chung đối với gia đình là đủ. Để các gia đình có thể mỗi lúc một trở nên là chủ thể tích cực của mục vụ gia đình hơn nữa, đòi hỏi ta phải có “một nỗ lực loan báo Tin mừng và huấn giáo hướng vào trong chính gia đình” {RF 2015, 89}, theo định hướng này” (AL 200).

Đồng hành là gì?

Đồng hành là việc Hội thánh khởi đầu đến với con cái mình để thiết lập một mối quan hệ bền vững và ngày càng tiến triển. Đồng hành không nhằm giải quyết tức thời các vấn đề cuộc sống, ngược lại, Hội thánh ý thức cần có thời gian và kiên nhẫn giúp người ta, cách riêng những người đang ở trong hoàn cảnh khó khăn hoặc “trái qui tắc”, được lớn lên đến mức trưởng thành trong tình yêu đích thật. Không để họ cô đơn lạc lõng, dưới ánh sáng Lời Chúa Hội thánh giúp phân định mục vụ để nhận ra sự thật của con người trong hoàn cảnh thực tế hiện tại còn xa với sự thật của tình yêu như Chúa muốn. Mục vụ Đồng hành cần giúp nhìn sâu vào hoàn cảnh thực tế, cả trong những trường hợp rất chông chênh, hoặc đã đổ vỡ, và ý thức luật tiệm tiến là tiêu chuẩn căn bản của sự phân định và sẽ không thực hành được nếu không có sự đồng hành. “Vấn đề là một lộ trình đồng hành và phân định nhằm hướng dẫn các tín hữu này đi đến ý thức về tình trạng của họ trước mặt Thiên Chúa” (AL 300). Chìa khóa của sự phân định này là sự thật của dây hôn phối, như là diễn tả đầu tiên của Lòng Thương Xót, được Tông huấn Amoris laetitia xem như là tiêu chuẩn căn bản (AL 211). Sau cùng, Hội thánh giúp các cá nhân tín hữu và gia đình họ hội nhập cách hài hòa trọn vẹn vào Thân Mình Đức Kitô toàn thể, tức là Gia đình Hội thánh. Hội nhập hoàn toàn, vào mối hiệp thông hội thánh, là mục đích sau cùng của Đồng hành. Hội nhập dựa trên cơ sở của bí tích Rửa tội như ơn huệ khởi đầu chung và hiệp thông Thánh Thể như là mục đích sau cùng của toàn thể tiến trình Đồng hành.

Từ đó, có thể gợi lên những đề tài suy tư mục vụ cho năm 2019 tập trung vào những hành động mục vụ trong Đồng hành, thể hiện qua các từ khóa sau đây: ĐỒNG HÀNH – PHÂN ĐỊNH – HỘI NHẬP, như sau:

  1. Chúa Giêsu dạy chúng ta đồng hành
  2. Gia đình là nơi đồng hành đầu tiên
  3. Qui luật của đồng hành: sự tiệm tiến theo thời gian
  4. Đồng hành với các gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn
  5. Các bước của lộ trình đồng hành
  6. Phân định để làm gì?
  7. Cách thức phân định
  8. Phân định cái gì?
  9. Hội nhập: trở về để hiệp thông trọn vẹn
  10. Chăm sóc những thương tích cản trở ta tham dự trọn vẹn
  11. Làm thế nào để khích lệ những người li dị tiến bước trên đường hướng về tham dự trọn vẹn?
  12. Hội nhập: xây nhà trên đá. Tiếp cận mục vụ toàn diện.

Ủy ban Mục vụ Gia Đình (hdgmvietnam.com)

Chia sẻ Bài này:

Related posts