Nội San Kinh Mân Côi Số Tháng 03-2018

TRANG CHUYÊN ĐỀ

 

MẸ MARIA

rất đáng ngợi khen

Bà kia kinh đẹp làm sao?

Đẹp như thành thánh, khác nào đạo binh.

Chân đi oai vệ rung rinh

Uy nghi rực rỡ như tinh mặt trời (Dc 6,9).

Đây là lời ngợi khen từ ngàn xưa, Thánh Kinh đã dành cho Đức Mẹ.

Phàm ở đời có công thì khen thưởng. Đức Mẹ rất đáng ngợi khen, vì công phúc của Mẹ.

Công phúc ấy không phải chỉ là việc cá nhân Đức Mẹ, nhưng là việc có quan hệ đến hết thảy loài người chúng ta. Công phúc của Đức Mẹ to tát oanh liệt không biết đâu mà kể được.

Nếu không sợ lộng ngôn, chúng ta phải nói rằng: Đức Mẹ đã làm một việc kinh thiên động địa, tức là lôi kéo loài người ra khỏi vòng công lí Thiên Chúa. Theo ý tưởng thánh Augustino, việc Đức Mẹ đã làm ấy hầu như chống lại với phép công thẳng Thiên Chúa vậy.

Thiên Chúa hiểu công việc Đức Mẹ làm, nên từ ngàn xưa Người đã khong khen Đức Mẹ. Vừa dứt lời tuyên án phạt tổ tông và rắn quỉ, Thiên Chúa liền cất tiếng lên hoan hô khen ngợi Đức Mẹ ngay: “Ta sẽ đặt hiềm thù giữa mày và Người Nữ. Người sẽ đạp giập đầu mày” (St 3,15).

Lời này chứng tỏ Đức Mẹ có quyền có thế đè bẹp sức mạnh hoả ngục để phất cờ toàn thắng. Được ơn Thiên Chúa soi sáng, Giáo Hội hiểu biết Đức Mẹ là Đấng “rất đáng ngợi khen”.

Giáo Hội luôn luôn ngợi khen Đức Mẹ, và nêu tước hiệu này trong kinh cầu để lưu truyền vạn đại về sau.

Lạy Mẹ, chúng con biết Mẹ là “Đấng rất đáng ngợi khen”. Xin Mẹ giúp chúng con ngợi khen Mẹ, ngợi khen để thúc đẩy những kẻ không ngợi khen, và cảnh cáo cũng như chống lại những kẻ phản đối sự ngợi khen Mẹ.

(Lược trích theo Lm. Nguyễn Duy Tôn,
Những mắt xích vàng, Tủ Sách Ra Khơi, 1964).

Chuỗi ngọc Mân Côi

Riêng Kinh Mân Côi là một dấu chỉ tiền định. Chúng ta trung thành đọc Kinh Mân Côi, đó chắc chắn là dấu chỉ ơn cứu độ.

Chân phước Alan de la Roche

Các linh mục trung thành đọc một Kinh Kính Mừng trước khi giảng để cầu xin ân sủng của Thiên Chúa. Các ngài làm việc đạo đức này vì đây là mặc khải mà Thánh Đa Minh nhận được từ Đức Mẹ. Một ngày kia, Đức Mẹ đã nói với thánh nhân: “Này con, đừng ngạc nhiên khi những bài giảng của con không đem lại kết quả như con mong đợi. Con đang cố gắng vun trồng trên một mảnh đất khô cằn. Giờ đây, khi Thiên Chúa Toàn Năng dự định đổi mới bộ mặt trái đất, Người đã bắt đầu cho mưa từ trời xuống – và đó chính là Lời Chào Thiên Thần: Kính Mừng Maria. Theo cách thức này, Thiên Chúa đã biến đổi toàn bộ trái đất”.

Chân phước Alan de la Roche

Một lần kia, khi ngài (chân phước Alan) đang dâng lễ, Chúa là Đấng muốn cho ngài rao giảng về Kinh Mân Côi, dưới hình Bánh Thánh, đã nói với ngài: “Sao con lại có thể đóng đinh Ta một lần nữa quá sớm như vậy?”. Chân phước Alan hốt hoảng hỏi Chúa: “Lạy Chúa, Chúa phán như thế nghĩa là gì?” Chúa Giêsu trả lời: “Con đã đóng đinh Ta một lần rồi vì tội lỗi của con, và Ta vẫn sẵn lòng chịu đóng đinh lần nữa, để Cha Ta khỏi bị xúc phạm do những tội mà con thường phạm. Vào lúc này đây, con đang đóng đinh Ta một lần nữa, bởi vì con có đủ hiểu biết để giảng về Kinh Mân Côi của Mẹ Ta mà con lại không làm. Nếu con chuyên tâm làm điều này, con đã dạy cho các linh hồn đường ngay nẻo chính và giúp họ tránh khỏi sa ngã phạm tội, nhưng con lại không làm.”

Thánh Louis de Montfort

Một lần kia, Đức Mẹ gợi hứng cho ngài (chân phước Alan) là phải rao giảng về Kinh Mân Côi ngày càng nhiều hơn nữa: “Con là một trọng tội khi còn trẻ”, Đức Mẹ nói, “nhưng Mẹ đã xin với Con Mẹ cho con ơn ăn năn hối cải. Nếu có thể, Mẹ sẵn lòng chịu mọi đau khổ để cứu con, bởi vì tội nhân hối cải là vinh quang cho Mẹ. Mẹ cũng đã thực hiện điều này để làm cho con xứng đáng rao giảng Kinh Mân Côi rộng rãi hơn nữa.”

Thánh Louis de Montfort

Thánh Đa Minh cũng hiện ra với chân phước Alan và nói với ngài về kết quả lớn lao của việc mục vụ mà thánh nhân đã làm: Thánh Đa Minh không ngừng rao giảng Kinh Mân Côi, nên những bài giảng của thánh nhân sinh nhiều hoa trái, làm cho nhiều người trở lại trong khi thánh nhân thực hiện sứ mệnh của mình. Thánh Đa Minh nói với chân phước Alan: “Đó con thấy các thành quả lạ lùng mà cha đã gặt hái được bằng Kinh Mân Côi chưa? Con và những ai yêu mến Đức Mẹ cũng phải làm y như vậy, để nhờ thực hành điều thiện hảo với Kinh Mân Côi như thế, con có thể lôi kéo mọi người đến với khoa học thực sự của các nhân đức.”

Chân phước Alan viết: khi đang đọc Kinh Mân Côi, nhiều anh em Đa Minh hiện ra và tuyên bố rằng ngoài Hiến tế Thánh trong Thánh lễ thì không có một cách thức nào có tác động mạnh bằng Kinh Mân Côi để giúp các linh hồn đau đớn trong luyện ngục. Hằng ngày, nhiều linh hồn được giải thoát nhờ Kinh Mân Côi, nếu không họ buộc phải ở lại luyện ngục trong nhiều năm nữa.

Thánh Alphonsô Liguori

Chân phước Alan thuật lại câu chuyện của một phụ nữ quý tộc tên là Alexandra xứ Aragon. Sinh tiền, bà đã gây ra sự ghen tuông và hận thù giữa các thanh niên trong thành phố. Hậu quả của sự kình địch này là cái chết của Alexandra và xác của bà bị quăng xuống giếng. Thánh Đa Minh, người đã khiến Alexandra theo đạo, đã giới thiệu bà vào Hội Mân Côi, và chính thánh nhân đã xin nhiều người cầu nguyện với Đức Mẹ để linh hồn bà được an nghỉ. Sau này, nhân danh các linh hồn đang chịu đau đớn cùng với bà nơi luyện ngục, Alexandra đã hiện ra để cám ơn Thánh Đa Minh và nài xin ngài rao giảng việc thực hành Kinh Mân Côi trong việc cầu nguyện ở khắp mọi nơi, bởi vì thông qua điều này mà các linh hồn có được sự trợ giúp lớn lao.

Chân phước Giacôbê Alberione

Người ta nói rằng Đức giáo hoàng (thánh giáo hoàng Piô V) được Thiên Chúa mặc khải cho biết về chiến thắng ở vịnh Lepanto, đã cảm nhận được vào chính lúc mà những hội viên Hội Mân Côi trên khắp thế giới Công Giáo khẩn nài sự trợ giúp của Mẹ Maria theo thể thức được Thánh Đa Minh khởi xướng và được con cái của ngài phổ biến rộng rãi khắp nơi.

Đức giáo hoàng Biển Đức XV

THÁNH LOUIS DE MONTFORT
NHÀ GIẢNG THUYẾT KINH MÂN CÔI
(1673 – 1716)

Thánh Louis de Montfort sinh năm 1673, tại Brittany, nước Pháp. Ngài được xem là một nhà giảng thuyết nhiệt thành về sự khôn ngoan vĩnh cửu của Chúa Giêsu Kitô, về Thánh Giá và về Đức Trinh Nữ Maria. Thánh nhân rảo bước trên 18.000 dặm (khoảng 28.960 km) khắp Châu Âu trong hành trình nỗ lực truyền giáo. Năm 1706, Đức giáo hoàng Clement XI đã ghi nhận những thành quả tốt đẹp trong sứ vụ rao giảng của thánh nhân và bổ nhiệm ngài là vị thừa sai tông đồ. Thánh nhân đã thành lập hai cộng đoàn tu trì: Hội Thừa Sai Đức Mẹ (Hội các cha Montfort) và Nữ Tử Đức Khôn Ngoan. Ngài hướng dẫn các hội truyền giáo ở trên 200 giáo xứ và là tác giả của nhiều cuốn sách được công nhận như là những tác phẩm kinh điển về thần học và tâm linh Công Giáo. Một lần, trong khi đang giảng thuyết, Louis đã đấm và hạ gục một vài kẻ phá rối đang say xỉn vì họ chế nhạo chủ thể thông điệp của ngài, đó là Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Thánh Louis de Montfort là một người đáng được kính trọng! Ngài qua đời ở tuổi 43 và được an táng tại Saint-Laurent-sur-Sèvre, nước Pháp, trong một vương cung thánh đường sau này được đặt theo tên của ngài. Louis de Montfort được phong thánh năm 1947.

Lòng sùng kính Đức Maria

Thánh Louis de Montfort là một trong những vị thánh nổi tiếng về lòng sùng kính Đức Maria, nếu không muốn nói là vị thánh nổi tiếng nhất. Tác phẩm trứ danh nhất của thánh nhân về Đức Mẹ là kiệt tác “Thành thực sùng kính Mẹ Maria”. Trong suốt 126 năm, kiệt tác này được giấu trong một chiếc hòm chôn dưới cánh đồng cho tới khi được khám phá vào năm 1842. Sau khi được tìm thấy và xuất bản, nó nhanh chóng trở thành tác phẩm Thánh Mẫu học quan trọng. Tác phẩm giá trị này đã trở thành nguồn tham khảo của nhiều vị thánh, các học giả và các giáo hoàng có lòng sùng kính Đức Mẹ. “Thành thực sùng kính Mẹ Maria” được phát hành trên 300 ấn bản và được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ. Thánh Louis de Montfort được biết đến như là vị thánh tận hiến cho Đức Maria. Ngài cũng là tác giả của cuốn sách rất nổi tiếng là “Bí mật Kinh Mân Côi”.

Thánh Louis de Montfort có lòng sùng kính Đức Maria một cách đặc biệt. Khi tổng hợp các giáo huấn về Đức Mẹ trong 17 thế kỷ đầu của Giáo Hội, thánh nhân đã rao giảng và viết về Đức Mẹ như là “Bà đẹp đến nín thở”, là tuyệt tác của Đấng Tạo Hóa, là con đường chắc chắn và hiệu quả nhất để thực sự bước theo Đức Giêsu. Thực tế, có rất ít vị thánh diễn tả cách hoa mỹ và súc tích về bản chất của lòng sùng kính Đức Maria như thánh Louis de Montfort. Thánh nhân dạy rằng: với địa vị là Thánh Mẫu Thiên Chúa và người mẹ thiêng liêng của con cái Thiên Chúa, Đức Maria là máng dẫn và Nữ trạng sư đầy ân sủng, là trái tim của Thân thể huyền nhiệm Chúa Giêsu, là dưỡng khí cho chúng ta hít thở, là con đường ngắn nhất và dễ dàng nhất dẫn đến Chúa Giêsu và là khuôn mẫu của mọi vị thánh. Là khuôn mẫu thánh thiện cho mọi thụ tạo, Đức Maria được thánh Louis xem là Nữ Trạng Sư trong hành trình nên thánh của chúng ta. Đối với những ai mong muốn đào sâu lòng sùng kính và hiếu thảo đối với Đức Mẹ thì không gì thay thế cho việc đọc các tác phẩm nguyên bản của thánh Louis de Montfort. Theo dòng thời gian, tài năng xuất chúng của thánh Louis de Montfort về Đức Maria có thể là nguyên nhân để Giáo Hội tuyên bố ngài là Tiến Sĩ Hội Thánh.

 

Chiến sĩ Kinh Mân Côi

Thánh Louis de Montfort là tác giả của cuốn sách nổi tiếng nhất về tràng hạt Mân Côi, “Bí mật Kinh Mân Côi”. Tương tự cuốn “Thành thực sùng kính Mẹ Maria”, “Bí mật Kinh Mân Côi” cũng không được biết đến suốt cuộc đời của thánh nhân và chỉ được khám phá vào giữa thế kỷ XIX. Kể từ lần xuất bản đầu tiên vào năm 1911, hàng triệu ấn bản được phát hành và dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau. Nhờ “Bí mật Kinh Mân Côi”, Giáo Hội và thế giới một lần nữa nhận thức được tầm quan trọng của Kinh Mân Côi trong cuộc đời của Thánh Đa Minh và của chân phước Alan de la Roche. Thánh Louis de Montfort đã đặt tựa đề cho tác phẩm của mình là “Bí mật Kinh Mân Côi” vì rất ít linh hồn thực sự biết được bí mật linh thiêng ẩn giấu trong những hạt thánh thiêng của Đức Mẹ. Không có một cuốn sách nào dành nhiều sự tôn kính đối với Kinh Mân Côi cho bằng cuốn “Bí mật Kinh Mân Côi”. Người ta nói thánh Louis de Montfort thực sự là một tông đồ, một chiến sĩ và là tác giả nổi tiếng nhất về Kinh Mân Côi trong lịch sử Giáo Hội. Thánh Louis de Montfort yêu quý Kinh Mân Côi đến nỗi ngài đã trở thành một hội viên của Dòng Ba Đa Minh vào ngày 10/11/1710. Được sự cho phép của Bề trên Tổng quyền Dòng Đa Minh, thánh nhân đã rao giảng Kinh Mân Côi khắp nơi ngài đi qua và thiết lập những Hiệp Hội Mân Côi trong suốt thời gian thi hành sứ vụ. Người ta ước lượng trong suốt cuộc đời, thánh nhân đã chiêu nạp hơn 100.000 người tham gia Hiệp Hội Mân Côi. Ngài đặc biệt khuyên các linh mục rằng Kinh Mân Côi như là một cách thức hoán cải nhiều linh hồn nhất có thể và chỉ dạy Kinh Mân Côi ban phát ân sủng ở đời này cũng như vinh quang đời sau. Nếu như Thánh Đa Minh dùng Kinh Mân Côi để chiến thắng bè rối Albigensê vào thế kỷ XIII thì thánh Louis cũng dùng Kinh Mân Côi để giảng thuyết chống lại lạc giáo Jansenists vào thế kỷ XVIII. Là một thừa sai tông đồ và là một hội viên Dòng Ba, thánh nhân đã mang một Chuỗi Mân Côi gồm 15 chục từ dây lưng của ngài như là một thanh gươm thiêng liêng. Cách thực hành Kinh Mân Côi gồm một kinh Tin Kính, kinh Lạy Cha và ba kinh Kính Mừng lúc khởi đầu, cũng như xin một ơn cho mỗi mầu nhiệm thì được bắt nguồn từ bài giảng của thánh Louis de Montfort.

Trích từ Donald H. Calloway, MIC,
Champions of the Rosary, Marian Press, 2016

HỠI GIA ĐÌNH,
HÃY TRỞ THÀNH HỘI THÁNH TẠI GIA

Đáp lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha và vì hạnh phúc của các gia đình, chúng tôi tha thiết xin anh chị em hãy kiến tạo gia đình mình thành Hội Thánh tại gia, nghĩa là ngôi nhà thờ phượng, mái ấm tình yêu, ngôi trường giáo dục.

Gia đình là ngôi nhà thờ phượng khi gia đình tràn ngập sự hiện diện của Chúa. Ngài sẽ bước vào ngôi nhà của anh chị em khi mọi người trong nhà cầu nguyện chung, lắng nghe Lời Chúa và mời Chúa đến thăm: “Này Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20). Do đó việc lập bàn thờ và cầu nguyện chung trong gia đình là điều rất quan trọng với gia đình Công giáo. Những giờ cầu nguyện chung liên kết mọi người trong Chúa, giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa trong mọi biến cố gia đình, cùng nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và trở nên chứng nhân của Chúa giữa lòng đời. Đây là kinh nghiệm sống động của biết bao gia đình Công giáo để lại cho chúng ta, cũng là lời khuyên nhủ chí tình của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Cầu nguyện trong gia đình là một phương thế ưu việt để diễn tả và củng cố đức tin phục sinh. Gia đình có thể dành ít phút mỗi ngày để quy tụ với nhau trước nhan Thiên Chúa hằng sống, nói với Ngài về những lo lắng bận tâm, cầu xin với Ngài cho những nhu cầu của gia đình, cầu nguyện cho ai đang gặp khó khăn, xin Chúa giúp ta biết sống yêu thương, tạ ơn Ngài về sự sống và về bao ơn lành khác, cầu xin Đức Trinh Nữ che chở chúng ta dưới tà áo Mẹ. Với ít lời lẽ đơn sơ thôi, nhưng những phút giây cầu nguyện đó có thể mang lại điều tốt lành lớn lao cho gia đình” (Niềm vui của tình yêu, 318).

Càng sống trong một thế giới xa lạ và thậm chí thù nghịch với đức tin Công giáo, gia đình tín hữu càng phải là “những lò lửa đức tin sống động và chiếu sáng” giữa thế gian. Đây chính là cách chúng ta thực thi chức tư tế do Phép Rửa “trong việc lãnh nhận các bí tích, trong kinh nguyện và tạ ơn, qua chứng từ đời sống thánh thiện, sự từ bỏ, lòng bác ái sống động” (Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 1657).

 Hội Đồng Giám Mục Việt Nam,
Tâm thư gửi các gia đình Công giáo,
số 7

Chia sẻ Bài này:

Related posts