Nội San Kinh Mân Côi Số Tháng 04-2018

TRANG CHUYÊN ĐỀ

 

MẸ MARIA
CÓ TÀI CÓ PHÉP

Cuộc đời là một cuộc vật lộn, và là một cuộc vật lộn liên tiếp, vật lộn với thiên nhiên, với thụ tạo và với chính mình.

Ai sống trên đời này mà thoát được các thiên tai, nhân tai, khổ đau, lo lắng, bệnh tật…? Cuộc đời như một bãi chiến trường, là nơi đấu trí, mà có mạnh bạo can đảm mới có thể chịu đựng và đương đầu! Mạnh bạo can đảm ở đây không phải là lấy thịt đè người, nhưng là tinh thần.

Đức Maria là Đấng có tinh thần can trường chịu đựng và cương quyết đối phó. Mẹ đã lật ngược thế cờ trần gian và lật ngược thế cờ nơi mình. Mẹ đã xây cho trần gian và chính mình đời sống tươi đẹp, tươi đẹp giữa những gian lao đau khổ hết cỡ để dọn đường tiến đến một hạnh phúc trong vinh quang, không bao giờ có thể nhìn thấy gian nan đau khổ, hình bóng mà thôi cũng không có nữa.

Đức Mẹ lật ngược thế cờ trần gian

Kể từ khi tổ tông loài người sa ngã phạm tội, ma quỷ đã gieo đau thương, tội lỗi và chết chóc cho con cái loài người. Vì yêu thương, từ giây phút này, Thiên Chúa có ý định tuyển chọn một người nữ mang sứ mệnh đạp nát đầu ma quỷ. Đến thời đến buổi, để thực hiện lời hứa cứu độ, Thiên Chúa đã sai sứ thần đến với Đức Maria. Đức Mẹ đã vâng lời sứ thần truyền mà cộng tác vào kế hoạch của Thiên Chúa. Chương trình cứu độ được bắt đầu khi Con Thiên Chúa nhập thể làm người trong lòng Đức Mẹ bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần. Rồi, qua cuộc khổ nạn và phục sinh, Chúa Giêsu đã chiến thắng tất cả, đặt biệt là chiến thắng ma quỷ! Như thế, người nữ và dòng dõi của bà đã đánh bại ma quỷ.

Đức Mẹ lật ngược thế cờ nơi chính mình

Trót cuộc đời, Đức Mẹ luôn phải đối diện những thảm kịch đau thương, đặc biệt là từ khi nói lời xin vâng với sứ thần cho đến lúc đứng dưới thập giá trên Núi Sọ. Trong giờ phút đau thương cùng cực nhất là khi đứng bên thập giá chứng kiến cái chết bi thảm và nhục nhã của Chúa Giêsu, Đức Mẹ vẫn can đảm đứng đó tê tái lòng. Đức Mẹ đã chịu đựng đau khổ và tủi nhục cùng Chúa Con một cách anh hùng. Như thế, Đức Mẹ đã biến đau thương tủi nhục cùng với Chúa Con thành nguồn ơn cứu độ cho nhân loại. Đức Mẹ đã lật ngược thế cờ của đau khổ thành niềm vui nơi chính mình khi hoàn toàn tuân theo thánh ý Thiên Chúa.

Đức Mẹ thật là có tài có phép!

Lạy Mẹ là “Đấng có tài có phép”, xin giúp đỡ con cùng.

Mẹ là Đấng có tài làm nên những sự tốt cho nhân loại, Mẹ còn có phép làm cho những đau khổ trở nên vui vẻ cho Người.

Mẹ là Đấng có phép làm và có tài chịu mọi đau khổ vì Chúa, xin Mẹ giúp sức cho chúng con được bắt chước Chúa để đời đời chúng con được hát mừng ngợi khen Mẹ là “Đấng có tài có phép”.

(Lược trích theo Lm. Nguyễn Duy Tôn,
Những mắt xích vàng, Tủ Sách Ra Khơi, 1964).

 

Chuỗi ngọc Mân Côi

Trong đời sống tâm linh, Thánh Đa Minh luôn cậy nhờ những cách thức hữu hình nhằm gia tăng tâm tình cầu nguyện. Trong số đó, ngài thường sử dụng những hạt cườm khi lần chuỗi Mân Côi. Nhận thấy dân chúng thiếu hiểu biết về đức tin, và nhằm chiến đấu với bè rối Albigensian đang chối bỏ chân lý Kitô giáo, Thánh Đa Minh, được Thiên Chúa gợi hứng, đã cố gắng giúp cho dân chúng suy gẫm về chân lý và mầu nhiệm qua mỗi chục Kinh Mân Côi. Vì thế, trong khi giới thiệu một phương thức cầu nguyện đơn giản, ngài cũng hướng dẫn sao cho mọi người có thể dễ dàng cầu nguyện.

Chân phước James Alberione

Thánh Đa Minh muốn những Mầu nhiệm Mân Côi này được cất lên mỗi ngày. Điều này phải được khắc ghi trong tâm trí và không bao giờ được lãng quên.

Chân phước James Alberione

Thánh Đa Minh (1170-1221) đã đón nhận từ Mẹ Diễm Phúc lệnh truyền rao giảng và phổ biến lòng sùng kính Kinh Mân Côi vì lợi ích của các linh hồn, ngõ hầu chiến thắng tử thần và làm chấn hưng Mẹ Giáo Hội. Do đó, ngài đã gửi đến chúng ta lời Kinh Mân Côi với phương thức hoàn hảo như hiện nay.

Đấng đáng kính Fulton J. Sheen

Truyền thống kể lại rằng vào thế kỉ XIII, Mẹ Diễm Phúc đã sai Thánh Đa Minh truyền bá Kinh Mân Côi. Nhờ vũ khí lợi hại này, Thánh Đa Minh đã lôi kéo nhiều người ra khỏi lạc giáo đang ra sức chống phá Giáo Hội. Cùng với thánh Phanxicô Assisi, Thánh Đa Minh đã làm sống động đức tin thời Trung cổ.

 Tôi tớ Chúa Patrick J. Peyton

Bức ảnh truyền thống về Đức Mẹ Mân Côi miêu tả Đức Maria với một tay ôm Chúa Giêsu và tay còn lại trao tràng Chuỗi Mân Côi cho Thánh Đa Minh. Hình ảnh biểu tượng này cho thấy Chuỗi Mân Côi là một phương tiện được Đức Trinh Nữ Maria trao tặng để chiêm ngắm Chúa Giêsu khi suy niệm về cuộc đời của Ngài, để yêu mến và theo Ngài cách trung tín hơn.

Giáo hoàng Benedicto XVI

Một ngày kia, Đức Mẹ nói với chân phước Alan: “Thiên Chúa Toàn Năng đã chọn Lời Chào Thiên Thần để thực hiện mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể và cứu độ loài người. Cũng vậy, những ai muốn canh tân đời sống luân lý và muốn người ta được tái sinh trong Đức Giêsu Kitô thì phải tôn kính Mẹ bằng chính lời chào kính ấy. Mẹ là đường lối để Thiên Chúa đến với con người. Thế nên, để đến với Đức Giêsu Kitô, Con Mẹ, con người phải qua Mẹ mới được ơn sủng và nhân đức.”

Thánh Louis de Montfort

THÁNH ANPHONGSÔ LIGUORI
Chiến Sĩ Kinh Mân Côi
(1696-1787)

Thánh Anphongsô Ligori sinh trưởng tại một vùng gần Napôli và sống thọ đến 90 tuổi. Được phú ban cho một trí thông minh lạ thường, nên khi mới 16 tuổi ngài đã lấy được học vị tiến sĩ luật của đại học Napôli. Sau nhiều năm làm việc trong ngành luật, ngài từ bỏ sự nghiệp, rồi chuyển sang nghiên cứu để trở thành linh mục. Không lâu sau, thánh nhân đã trở thành một trong những thần học gia về luân lý vĩ đại nhất trong lịch sử Giáo Hội. Ngài soạn thảo một tuyển tập khổng lồ bao gồm những bản văn về thần học và đời sống thiêng liêng, phát hành với hơn 100 ấn bản. Sinh thời, ngài được tấn phong giám mục, sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế và là người cổ võ vĩ đại việc viếng Thánh Thể thường xuyên.

Lòng Sùng Kính Đức Maria

Ngay từ khi còn trẻ, thánh Anphongsô đã có lòng mộ mến và hiếu thảo đối với Đức Trinh Nữ Maria. Thánh nhân yêu mến Đức Maria cách đặc biệt như vậy là do ảnh hưởng từ người mẹ đạo đức và thánh thiện của ngài. Trong ngày lãnh học vị tiến sĩ – khi mới 16 tuổi – ngài đã quỳ gối trước toàn thể phân khoa của đại học Napôli và long trọng tuyên thệ bảo vệ chân lý Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Vào thời đó, chân lý này vẫn chưa được Giáo Hội bảo vệ; bởi vì mãi đến năm 1854, tín điều này mới được Giáo Hội nhìn nhận. Suốt cuộc đời và sứ vụ mục tử, ngài luôn luôn cổ võ và bảo vệ đặc ân Vô Nhiễm của Đức Maria qua nhiều tác phẩm về Mẹ. Sau khi qua đời, ngài đã được ban thưởng nước Thiên Đàng vì nỗ lực bảo vệ Đặc Ân Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Năm 1871, thánh nhân được Đức chân phước Giáo hoàng Pio IX tuyên phong là Tiến sĩ Hội Thánh. Và cũng chính Đức Pio IX công bố tín điều này vào năm 1854.

Câu chuyện về cách thức thánh Anphongsô đáp lại lời kêu gọi của Thiên Chúa để trở thành linh mục đã cho thấy lòng yêu mến Đức Maria của ngài. Khi từ bỏ sự nghiệp luật gia và quyết tâm trở thành linh mục, ngài đến trước tượng Mẹ Xót Thương trong thánh đường Đức Mẹ Cứu Chuộc ở Napôli. Thánh nhân quỳ gối, cởi bỏ thanh gươm kỵ sĩ và đặt dưới chân tượng Mẹ Maria. Hành động này tượng trưng cho việc ngài đã không còn là người đầy tớ cho thế gian nữa, nhưng khao khát trở nên người tôi tớ và chiến binh cho Nữ Vương Thiên Quốc. Ngài ăn chay mỗi thứ Bảy để tôn kính Đức Maria. Với vai trò là linh mục và thần học gia, ngài là một trong những học giả viết về Đức Maria nổi tiếng nhất của thế kỉ XVIII. Uy thế của Đức Maria đã ảnh hưởng rất lớn đối với giới tu sĩ cũng như là giáo dân thời bấy giờ. Ngài thường xuyên rao giảng về một ý niệm rằng Đức Maria như một con tàu Nôê mới, nhờ đó tội nhân có thể tìm một nơi nương náu để vượt qua giông tố của cuộc đời.

Năm 1750, ngài xuất bản tác phẩm Vinh quang Đức Maria, một trác tuyệt về Đức Mẹ. Thật vậy, thánh nhân đã dành đến 16 năm để có thể hoàn thành kiệt tác này. Vì mãi đến năm 1842, các tác phẩm của thánh Louis de Montfort mới được biết đến, cho nên Vinh Quang Đức Maria chính là điểm quy chiếu đầu tiên. Do đó, tác phẩm này được xem là có tầm ảnh hưởng lớn nhất mọi thời đại. Nó đã trải qua hơn 800 lần tái bản và được dịch ra rất nhiều ngôn ngữ khác nhau. Mặc dù chưa được tìm hiểu các tác phẩm về Đức Maria của thánh Montfort, nhưng Vinh Quang Đức Maria có rất nhiều điểm tương đồng với các tác phẩm của thánh Louis và cùng chống lại phái Jansen xuất hiện vào thời kỳ này. Tương tự như các tác phẩm khác, cuốn sách này được viết ra khi thánh Anphongsô ngồi trước ảnh Mẹ Trạng Sư được đặt ngay trên bàn làm việc. Trong đoạn mở đầu, ngài đã nói rằng ngài chịu ơn Mẹ về mọi thứ. Thánh nhân cũng nhấn mạnh rằng đây là động lực mãnh liệt nhất giúp ngài thể hiện lòng sùng kính đối với Mẹ. Thánh Anphongsô dạy rằng áo choàng của Mẹ như tấm lá chắn cho tội nhân. Và đằng sau vinh dự này, chúng ta phải chịu ơn Đức Giêsu Kitô. Chúng ta phải dâng cho Đức Maria, người mẹ tâm linh của chúng ta, vị trí quan trọng trong tâm hồn mình. Ngài soạn thảo những bản thánh ca, vẽ tranh về Mẹ và chú giải kinh Salve Regina. Ngài đã được Đức giáo hoàng đặc biệt ưu ái qua việc ngài được tấn phong giám mục tại thánh đường Santa Maria Sopra Minerva, một ngôi thánh đường của những tu sĩ Đa Minh ở Roma vào năm 1762. Ngài qua đời với linh ảnh Đức Maria trong tay, đang khi mọi người đọc kinh Truyền Tin.

Chiến Sĩ Kinh Mân Côi

Với tư cách là Tiến sĩ Hội Thánh, thánh Anphongsô đôi khi cũng được xem là“Tiến Sĩ Cầu Nguyện”. Một trong những lời kinh mà ngài đọc mỗi ngày là Kinh Mân Côi. Ngài sùng kính Kinh Mân Côi đến nỗi trong những ngày cuối đời khi trí nhớ không còn minh mẫn, thánh nhân thường xuyên cảm thấy lo lắng bởi lẽ không chắc là đã đọc Kinh Mân Côi trong ngày đó hay chưa. Kinh Mân Côi chính là người bạn của ngài cho đến khi trút hơi thở cuối cùng.

Một điều khá thú vị là thánh Anphongsô sống cùng thời với thánh Louis de Montfort, thế nhưng ngài lại không biết đến sự xuất hiện của tác phẩm “Bí mật Kinh Mân Côi”. Thế nhưng, thánh Anphongsô đã chứng tỏ mình là một chiến binh thực sự của Kinh Mân Côi qua cuộc đời và kiệt tác của mình, Vinh quang Đức Maria. Trong cuốn sách này, ngài đưa ra rất nhiều những ví dụ về quyền năng của Kinh Mân Côi trong cuộc sống của những người đã thực hành lời kinh này. Đồng thời, thánh nhân cũng trình bày nhiều câu chuyện của những người được cứu vớt nhờ sức mạnh Kinh Mân Côi. Bản thân ngài cũng khuyến khích mọi người hãy gia nhập Hội Mân Côi và nhấn mạnh rằng mọi người nên cầu nguyện bằng lời kinh này cho những linh hồn còn đang trong luyện tội. Cho đến nay, Chuỗi Mân Côi 15 chục trở thành một phần tu phục của các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế.

Trích từ Donald H. Calloway, MIC,
Champions of the Rosary, Marian Press, 2016

 

Gia đình là mái ấm của tình yêu
và lòng thương xót

  1. Gia đình còn làmái ấm của tình yêu và lòng thương xót. Trong thông điệp Niềm vui của tình yêu, Đức giáo hoàng Phanxicô dành phần lớn của chương bốn để suy tư về tình yêu trong hôn nhân, dựa vào Bài ca Đức Ái (1Cr 13). Theo đó, gia đình là nơi mỗi chúng ta cảm nghiệm, học tập và vun đắp tình yêu chân thật

Đó là tình yêu kiên nhẫn, biết đón nhận người khác như họ là;

tình yêu phục vụ, không chỉ bằng cảm tính hay lời nói nhưng bằng hành động cụ thể;

tình yêu không ghen tị, nhưng trân trọng thành quả của người khác;

tình yêu không khoe khoang tự phụ, không coi mình hơn người khác;

tình yêu dịu dàng, không cứng cỏi;

tình yêu quảng đại, cho đi mà không tính toán;

tình yêu tha thứ, biết tìm hiểu người khác để thông cảm và tha thứ hơn là soi mói;

tình yêu vui với niềm vui của người khác, chứ không vui vì sự thất bại của họ;

tình yêu chịu đựng, giữ gìn miệng lưỡi, tránh xét đoán và nói xấu;

tình yêu tin tưởng tất cả nên không tìm cách thống trị nhưng tôn trọng người khác;

tình yêu hy vọng tất cả vì Thiên Chúa có thể vẽ đường thẳng bằng những nét cong;

tình yêu chịu đựng tất cả với thái độ tích cực.

  1. Là mái ấm tình yêu và lòng thương xót, gia đình phải là nơiđón nhận và trân trọng sự sống. Tự bản chất, tình yêu vợ chồng hướng đến việc sinh sản. Con cái không phải là điều gì đó được thêm vào cách ngẫu nhiên, nhưng phát xuất từ chính tâm điểm của tình yêu, là hoa trái và sự phong phú của tình yêu. Chính vì thế, gia đình được coi là cung thánh của sự sống. Vì giá trị tối thượng của sự sống và vì quyền sống của con người ngay từ giây phút khởi đầu, không ai và không điều gì có thể biện minh cho việc tước đoạt sự sống của các thai nhi. Trong hai thập niên qua, chúng ta phải đau lòng nhìn nhận rằng tình trạng phá thai ngày càng trở thành phổ biến và gia tăng tại Việt Nam, kể cả trong một số gia đình Công giáo. Với ơn Chúa, anh chị em hãy can đảm dứt khoát với hành động phá thai, trở thành người xây dựng nền văn minh tình thương và văn hoá sự sống, thay cho nền văn minh thù hận và văn hoá chết chóc. 

Trong mái ấm của tình yêu và lòng thương xót, không thể không nói đến bổn phận hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. Không ai trong chúng ta tự ban sự sống cho mình nhưng đều đón nhận sự sống từ Thiên Chúa qua cha mẹ. Vì thế, nếu sự sống là hồng ân lớn lao nhất chúng ta lãnh nhận, thì hiếu thảo với cha mẹ cũng phải là bổn phận căn bản của đạo làm con. Không lạ gì trong Mười Điều Răn, bổn phận thảo kính cha mẹ chỉ đứng sau điều răn thờ phượng Chúa và dẫn đầu những điều răn khác trong tương quan với tha nhân. Lòng hiếu thảo này được thể hiện qua sự vâng phục cha mẹ (x. Cn 6,20-22), cũng như qua trách nhiệm trợ giúp cha mẹ về vật chất và tinh thần khi các ngài về già hoặc đau yếu (x. Hc 3,2-6). 

Cũng ở đây, cần phải nói đến bổn phận chăm sóc người cao tuổi, vốn là nét đẹp truyền thống trong văn hoá dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời đại quá đề cao thành công vật chất và hiệu năng sản xuất ngày nay, người ta có khuynh hướng coi người già như gánh nặng của xã hội và muốn loại ra bên lề. Chúng ta cần phải có cách nhìn tích cực hơn về vai trò của người cao tuổi. Thật vậy, người già là ký ức của lịch sử, sợi dây nối kết các thế hệ, người truyền lại kinh nghiệm và sự khôn ngoan cho con cháu. Vì thế, một gia đình không biết trân trọng người già thì gia đình đó đang trên đà suy thoái; ngược lại, gia đình tôn quý người cao tuổi là gia đình có tương lai bền vững.

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam,
Tâm thư gửi các gia đình Công giáo,
số 8-9

Chia sẻ Bài này:

Related posts