TRANG CHUYÊN ĐỀ
Tháng hoa và kinh mân côi
Xuân Thái
Đức Maria đã được mọi giáo dân yêu mến cách đặc biệt. Giáo Hội cũng dành riêng tháng Năm để dâng kính Mẹ cách riêng. Tháng 5 còn được gọi là Tháng Hoa. Những bó hoa vật chất, những bó hoa tinh thần và thiêng liêng lúc nào cũng có; nhưng trong tháng 5, những bó hoa ấy được dâng lên Mẹ kính cẩn và thân tình hơn lúc nào. Tháng 5 chính là tháng đỉnh cao của lòng yêu mến Đức Maria.
Yêu kính Mẹ cũng là vâng lời và noi gương Mẹ. Để tâm sự và có thể gặp được Mẹ, Đức Maria đã khuyên mọi người hãy siêng năng cầu nguyện với Mẹ bằng Kinh Mân Côi.
Đức Maria có thiếu khiêm nhường? và có ích lợi gì khi đọc Kinh Mân Côi?
Truyền thống trong Giáo Hội kể rằng, Kinh Mân Côi đã được chính Mẹ Maria truyền dạy cho Thánh Đa Minh. Và nhất là, trong phép lạ lẫy lừng cả thể khi hiện ra tại Fatima (Bồ Đào Nha), Đức Mẹ cũng khuyên các Kitô hữu năng lần chuỗi Mân Côi.
Chủ yếu trong việc truyền Kinh Mân Côi cho loài người là Mẹ muốn con người nên thánh thiện, hoàn hảo và nhờ đó, cá nhân được hạnh phúc và xã hội được bình an trật tự. Trong thực tế, không có một mẫu gương nào trên đời đáng cho mọi người suy ngẫm và bắt chước để nên thánh thiện cho bằng Đức Giêsu và Mẹ. Nên vì ích lợi của con người, Mẹ đã không ngần ngại đưa mình ra làm gương để con cái bắt chước.
Điều này hoàn toàn tự nhiên và phù hợp.
Thật vậy, trong gia đình, người mẹ lấy chính mình ra làm gương cụ thể để cho con cái bắt chước, điều này rất tự nhiên không có gì là quá đáng hoặc kiêu căng như nhiều kẻ chống báng vẫn thường hay nói. Ngược lại, đây còn là một phương pháp sư phạm rất hiệu quả và khôn ngoan. Vì đối với những đứa con, chẳng có ai gần gũi, thân tình và gắn bó hơn chính người mẹ của mình.
Chẳng có mẫu gương nào cụ thể và dễ bắt chước cho bằng gương của mẹ. Nếu ngại đưa mình ra làm gương và lại đưa ra một gương nào khác xa lạ hơn cho con cái, thiết tưởng làm như thế thật là thiếu thận trọng, cũng chính là thiếu khiêm nhường vậy.
Cốt tuỷ của khiêm nhường là tinh thần tự huỷ, không đặt nặng cái tôi, chứ không phải những hành vi tự hạ bên ngoài. Tự hạ bên ngoài mà vẫn còn quan trọng hoá cái tôi thì đâu có phải là khiêm nhường. Chính khi tự lấy mình làm gương mẫu vì lợi ích con cái mình, Mẹ Maria càng chứng tỏ Mẹ không đặt nặng cái tôi của mình.
Do đó, chắc chắn Mẹ Maria không vì muốn người ta ca tụng tung hô mà khuyên họ tôn sùng trái tim mình và năng đọc Kinh Mân Côi. Và càng chắc chắn hơn rằng, không phải hễ ai ca tụng Mẹ, năng đọc Kinh Mân Côi như một kiểu lấy lòng hay nịnh hót, thì Mẹ sẽ đặc biệt ưu ái người ấy hơn người khác.
Nếu Mẹ Maria khi còn sống tại thế đã khiêm nhường hết mực, thì khi lên trời và là Nữ vương Thiên đàng, chắc chắn Mẹ cũng vẫn khiêm nhường như vậy, thậm chí, còn khiêm nhường hoàn hảo hơn nữa vì đang được sống với cả triều đình Nước Trời là khuôn mẫu của hiền lành và khiêm nhường, như lời Chúa đã dạy khi sinh tiền.
Vì thế, ta không thể xét đoán theo tâm lý ham được khen ngợi của con người để nghĩ về Mẹ Maria. Mặt khác, như mẹ và con có liên hệ máu thịt và hữu cơ thế nào, thì Mẹ Maria chính là tiếng vọng của người con là Giêsu như thế.
Do đó, nếu có ca ngợi Mẹ Maria thì cũng chính là tôn vinh Chúa Giêsu vậy. Và như thế, làm sao nói được Đức Maria là thiếu khiêm tốn khi truyền dạy mọi người ca tụng Mẹ qua Kinh Mân Côi!
Suy niệm về tràng chuỗi Mân Côi:
Trước đây, Mân Côi là một bộ kinh cầu nguyện với Đức Mẹ gồm 150 Kinh Kính Mừng. Gồm 5 sự Vui, 5 sự Thương, 5 sự Mừng. Sau này, Giáo Hội thêm 5 sự Sáng. Tất cả gồm 200 Kinh Kính Mừng.
Vừa đọc vừa suy ngẫm về 20 biến cố quan trọng xảy ra trong đời Đức Giêsu và Mẹ Maria. 20 biến cố này là cốt yếu trong Tin Mừng, nên nhiều người nói chuỗi Mân Côi là một cuốn Thánh Kinh tóm gọn. Vì thế, đọc Kinh Mân Côi hoặc lần chuỗi là một hình thức đặc biệt để suy ngẫm Tin Mừng theo kiểu miệng đọc tâm suy.
Miệng thì đọc kinh Kính mừng Mẹ Maria, tâm thì suy niệm về những biến cố của Tin Mừng, chủ yếu là những biến cố về Đức Giêsu. Như thế, đọc Kinh Mân Côi không chỉ là cầu nguyện với Mẹ Maria, mà còn là suy ngẫm về Chúa Giêsu và cầu nguyện với Ngài.
Trong Kinh Mân Côi, ta thấy có sự liên kết hết sức chặt chẽ giữa Đức Giêsu và Mẹ Maria. Hai mươi biến cố của Kinh Mân Côi đều liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới Mẹ Maria.
Chẳng hạn như 5 sự Thương, có vẻ như chỉ là biến cố về Đức Giêsu, nhưng trên thực tế, như Thánh Kinh thuật lại, Mẹ Maria luôn luôn theo dõi hoặc có mặt âm thầm. Những biến cố ấy ảnh hưởng rất sâu đậm đối với cuộc đời Mẹ, và một cách nào đó, cũng là những biến cố quan trọng trong cuộc đời của Mẹ.
Những đau khổ của Đức Giêsu đều trở thành đau khổ của Mẹ, vì thấy người yêu dấu của mình bị đau khổ, và vì không ai yêu con bằng mẹ như Mẹ Maria yêu Chúa Giêsu. Trong những đau khổ ấy, Mẹ cũng đau khổ không kém gì Đức Giêsu, chỉ khác ở chỗ, người khổ đau trên thực tế, còn người đau khổ trong tâm hồn.
Ích lợi tự nhiên và siêu nhiên từ Kinh Mân Côi:
Theo các nhà tu đức và cũng là kinh nghiệm của những người yêu mến và thường cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi thì, không phải đọc cho đủ các lần Kinh Kính Mừng cho bằng việc chiêm ngắm các biến cố quan trọng trong cuộc đời Chúa Giêsu và Mẹ Maria để noi gương và bắt chước.
Nếu mỗi ngày ta đều đọc Kinh Mân Côi, thì nhờ năng chiêm ngắm các biến cố trong cuộc đời các Ngài, ngày qua ngày, ta sẽ giống các Ngài trong tư tưởng, lời nói và việc làm.
Theo các nhà tâm lý, tự kỷ ám thị là một phương pháp tự giáo dục vừa đơn giản, dễ dàng lại rất hiệu quả. Khoan nói tới ơn ích siêu nhiên, chỉ nói tới khía cạnh tâm lý tự nhiên, thì Kinh Mân Côi chính là một cách tự kỷ ám thị rất tuyệt vời, có khả năng biến đổi con người ngay từ bên trong, một cách tiệm tiến từ từ, nhưng vô cùng hữu hiệu. Điều quan trọng là có một khuôn mẫu tốt đẹp để tưởng tượng và nghĩ tới thường xuyên.
Người chăm chỉ và siêng năng đọc Kinh Mân Côi là cách hành xử khuôn mẫu của Đức Giêsu và Mẹ Maria, chắc chắn sẽ được biến đổi nên giống khuôn mẫu một cách vô thức, không cần phải nhiều cố gắng.
Nhưng Kinh Mân Côi không chỉ là một phương pháp tự kỷ ám thị theo tự nhiên, nó còn là phương tiện bảo đảm để kéo ơn Chúa xuống. Vì chính Đức Mẹ đã hứa và đã thực hiện, ban ơn dồi dào cho những ai năng đọc kinh này.
Như thế, Kinh Mân Côi vừa là phương pháp tâm lý tự nhiên, vừa là một phương thế siêu nhiên do chính Đức Mẹ giới thiệu để nên thánh. Do đó, Kinh Mân Côi thực sự là một cách cầu nguyện thật tuyệt vời mà mỗi người cần biết sử dụng để nên thánh và kéo ơn Chúa xuống cho mình, gia đình và cả cộng đoàn cùng Giáo Hội của mình.
Tuy nhiên, vì thân xác thì nặng nề và tinh thần lại hay thay đổi, nên nhiều lúc con cũng biếng lười và bê trễ, Maria Mẹ ơi! xin luôn nhắc nhở và giúp con thức tỉnh, để cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi luôn là một phần đời sống của con.
(nguồn: tinmung.net)
NHỮNG PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC ĐỨC TIN CHO CON CÁI TRONG GIA ĐÌNH
Để chu toàn sứ vụ này, chính cha mẹ cũng phải cố gắng học tập để hiểu biết và sống đạo; đọc thêm sách vở, tài liệu hay tham dự các khoá huấn luyện cho phụ huynh. Mỗi giáo xứ nên tổ chức những buổi học hỏi để giúp phụ huynh chu toàn bổn phận này. Một số điểm chính yếu cần quan tâm.
1. Giáo dục bằng gương sáng
“Cha mẹ là những người đầu tiên có trách nhiệm giáo dục con cái. Họ thể hiện trách nhiệm này qua việc xây dựng một mái ấm gia đình dựa trên tình âu yếm, lòng tha thứ, tôn trọng lẫn nhau, chung thủy và tinh thần phục vụ vô vị lợi. Mái ấm gia đình là nơi thích hợp cho việc giáo dục các đức tính, nơi đây con cái học biết hy sinh, phán đoán lành mạnh, tự chủ, là những điều kiện cho tự do đích thực. Cha mẹ phải dạy cho con cái biết ‘coi trọng các chiều kích tâm linh hơn là những gì thuộc thể lý và bản năng’. Cha mẹ có trách nhiệm quan trọng là phải nên gương tốt cho con cái. Khi biết nhìn nhận những thiếu sót của mình trước mặt con cái, cha mẹ có uy tín hơn để hướng dẫn và sửa dạy con cái Giáo Dục bằng Chia Sẻ Lời Chúa trong Gia Đình” (GLCG 2223).
Cha mẹ phải giáo dục đức tin cho con cái ngay từ tuổi ấu thơ. Việc giáo dục này khởi đầu ngay khi các phần tử trong gia đình giúp nhau lớn lên trong đức tin, nhờ làm nhân chứng bằng một đời sống đạo phù hợp với Tin Mừng (GLCG 2226).
2. Giáo dục bằng cầu nguyện và Thánh Kinh
Thánh Phanxicô nói rằng cần phải dạy bằng lời, cần phải rao giảng Tin Mừng, nhưng lời thường vào lỗ tai này rồi đi qua lỗ tai khác. Nhưng các em không thể quên được những gì các em thấy chúng ta làm, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm nọ. Cha mẹ nào phản ảnh tình yêu của Cha Trên Trời đối với con cái, cha mẹ nào sống đời cầu nguyện và làm việc lành, chung thủy với nhau và siêng năng lãnh nhận các Bí Tích, thì đã làm được ba phần tư công tác là nhà giáo dục đầu tiên của con cái mình.
Hơn nữa, qua việc cầu nguyện chung với con cái, qua việc đọc Lời Chúa với các em và dẫn các em đi sâu vào việc gia nhập Nhiệm Thể Đức Kitô…, họ hoàn toàn trở nên cha mẹ, mà trong đó không những chỉ họ sinh ra sự sống thể xác mà còn sự sống phát sinh từ Thánh Giá và sự Phục Sinh của Đức Kitô qua sự canh tân của Chúa Thánh Thần (FC, số 39).
“Chắc chắn rằng… Tràng Hạt Mân Côi phải được kể là một trong những kinh nguyện tốt và có hiệu quả nhất mà gia đình Kitô giáo được mời gọi để đọc” (FC, số 61).
Bằng cách cầu nguyên trong gia đình, cha mẹ không những nêu gương cho con cái mà còn đem các em đến gần Thiên Chúa. Cầu nguyện mỗi ngày và thường xuyên cần ơn khôn ngoan và cương nghị. Đương nhiên là rất ít trẻ em thích đọc Kinh Mân Côi, hay tham dự Thánh Lễ hằng ngày. Bắt buộc các em đôi khi tạo ra những phản ứng ngược lại. Vì thế cha mẹ phải biết cách hướng dẫn cầu nguyện làm sao cho các em không nhàm chán. Dù thế nào đi nữa, đừng buông xuôi, nhưng cứ làm và phó thác cho Chúa.
3. Giáo dục bằng dạy giáo lý
“Việc dạy giáo lý trong gia đình đi trước, đồng hành và làm phong phú thêm các hình thức giáo dục đức tin khác” (GLCG 2226).
“Sứ mệnh giáo dục đòi hỏi các cha mẹ Kitô giáo phải trình bày cho con cái tất cả các đề tài cần thiết để các em từ từ trưởng thành về nhân cách theo quan điểm giáo dục của Hội Thánh” (FC, số 39). Điều này có nghĩa là dù dạy con ở nhà hay gửi các em đến các lớp giáo lý, nhiệm vụ dạy giáo lý cho con cái vẫn là nhiệm vụ chính của cha mẹ. Điều này có thể thực hiện được bằng cách trước hết là làm gương cho con bằng việc học đạo và sống đạo của mình, rồi bỏ ít thì giờ ra mỗi ngày để dạy con về cách sống đạo. Có thể mỗi tối vài phút trong giờ kinh tối, có thể trước bữa ăn…
Cách tốt nhất để dạy giáo lý cho con là cùng con ôn lại các bài giáo lý trong các sách hay các bài tập mà các em đem về từ các lớp giáo lý. Chúng ta là giáo dân không ai hoàn toàn hiểu về giáo lý, nhưng trong khi giúp con cái học giáo lý ở nhà, chúng ta cũng có dịp học thêm.
4. Giáo dục bằng việc chọn trường học và bạn bè cho con
“Cha mẹ là những người đầu tiên có trách nhiệm giáo dục con cái, nên có quyền chọn lựa cho con cái một trường học theo ý mình. Quyền này là quyền căn bản. Cha mẹ phải cố gắng chọn lựa trường học nào giúp chu toàn tốt nhất trách vụ của người giáo dục đức tin. Nhà Nước có bổn phận bảo đảm và giúp đỡ để cha mẹ thực thi quyền ấy” (GLCG 2229).
Trong một xã hội bị thế tục hoá cao độ như hiện nay, những chương trình truyền thông đại chúng có tính cách vô luân, chống Kitô giáo, cùng cổ võ một nền văn hoá tiêu thụ và “thỏa mãn lập tức” (instant gratification), cha mẹ có quyền và có bổn phận che chở con em khỏi những ảnh hưởng xấu xa này. Khi chúng ta lãnh nhận Bí Tích Hôn Phối, Thiên Chúa ban cho chúng ta đủ ơn để hướng dẫn gia đình chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta biết cầu nguyện và cậy trông vào Chúa trong những quyết định về giáo dục con cái.
Hầu hết các em dễ bị ảnh hưởng của bạn bè hơn là của cha mẹ. Cha mẹ nên tìm cách để biết bạn bè con mình là ai và gia đình các em ra sao. Nhưng dù ở đâu và gia nhập đoàn thể nào, cha mẹ vẫn không tránh né được nhiệm vụ dạy con về đức tin và làm gương sống đạo cho con ngay ở trong gia đình của mình. “Khi trở thành cha mẹ, đôi hôn nhân nhận được ân sủng của Thiên Chúa và đồng thời cũng lãnh nhận trách nhiệm. Trước mặt con cái, tình yêu của cha mẹ phải trở thành dấu chỉ của chính tình yêu Thiên Chúa” (FC, số 14).
Thánh Kinh nói “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8). Là cha mẹ chúng ta được mời gọi để trở thành dấu chỉ và cách diễn tả tình yêu của Thiên Chúa, và điều này được thể hiện qua tình yêu của cha mẹ đối với con cái. Tình yêu của Thiên Chúa là tình yêu sáng tạo, tình yêu của chúng ta cũng phải trở thành động lực để giúp cho chúng ta tìm mọi cách trong phạm vi khả năng của mình mà tạo nên trong con cái chúng ta một Kitô hữu và một con người hoàn hảo.
Kết:
Giáo dục đức tin và dạy giáo lý là việc rất quan trọng trong Giáo hội. Đó là một sự đào tạo toàn diện về con người, không chỉ dừng lại việc làm cho một người thành hữu ích cho xã hội mà còn có khả năng trở thành con Chúa, công dân nước trời. Vì vậy, đây phải là ưu tư của tất cả mọi người, nhờ đó đức tin của người Kitô hữu ngày càng trưởng thành và có khả năng thích ứng với mọi hoàn cảnh xã hội…
Lược trích từ Lm. Phêrô Võ Thanh Nhàn