TRANG HỌC TẬP
THÁNH PIÔ NĂM DẤU
(1887-1968)
Thánh Piô Năm Dấu tên thật là Piô Pietrelcina, được biết đến với tên gọi thân thương là cha Piô, một tu sĩ Dòng Phanxicô (nhánh Capuchin) và là một trong những nhà thần bí lớn nhất thế kỷ XX. Trong suốt hơn 50 năm, ngài được in năm dấu thánh của Đức Giêsu. Ngài chịu nhiều đau khổ và thường bị các anh em linh mục trong và ngoài dòng hiểu lầm. Do đó, ngài không được phép cử hành bí tích giải tội và dâng thánh lễ công khai trong 2 năm. Tuy nhiên, Đức Giáo hoàng Piô XI đã đích thân chỉ thị cho Bộ Giáo Lý Đức Tin hủy bỏ các quyết định chống lại cha Piô.
Thậm chí khi cha Piô còn sống, Đấng Đáng kính Giáo hoàng Piô XII xem cha là một vị thánh và khuyến khích mọi người đến thăm nhà thần bí thánh thiện Dòng Phanxicô ở San Giovanni Rotondo, nơi thánh Piô sống và rốt cuộc trở thành một bệnh viện. Năm 1947, Karol Józef Wojtyla, một linh mục trẻ người Ba Lan đang học tập tại Rôma, đã tới thăm cha Piô ở San Giovanni Rotondo. Lúc ấy, nhiều người tin rằng trong cuộc gặp gỡ giữa hai vị thánh tương lai này, nhà thần bí Dòng Phanxicô đã nói cho vị khách Ba Lan biết về việc người đó sẽ được bầu chọn làm giáo hoàng. Dù điều ấy có đúng hay không, ý Chúa cũng đã định cho Wojtyla được chọn làm giáo hoàng với tước hiệu Gioan Phaolô II và chính ngài đã tôn phong chân phước và hiển thánh cho cha Piô Năm Dấu.
Lòng Sùng Kính Đức Maria
Theo truyền thống nổi bật của Dòng Phanxicô về linh đạo Đức Maria, cha Piô Năm Dấu hiểu Đức Mẹ như là hòm bia Thiên Chúa, được các thiên thần không ngớt vây quanh. Thánh nhân luôn nhận thức rằng Đức Maria ở cạnh ngài như người mẹ và Đấng bảo trợ. Là nhà thần bí đã thường xuyên được trải nghiệm các thị kiến về Chúa Giêsu, Đức Maria, các thánh và các thiên thần trong suốt cuộc đời, thánh Piô ngạc nhiên khi biết rằng người khác không có thị kiến tương tự. Ngài luôn cầu xin thiên thần hộ thủ giúp mình yêu mến Đức Mẹ nhiều hơn và thường nói rằng trong Thánh lễ, ngài cảm nhận được sự hiện diện của Mẹ và các thiên thần ngay cạnh.
Là linh mục sùng kính Đức Maria, thánh Piô đưa ra chỉ dẫn đầy tình huynh đệ về Đức Maria dành cho các anh em linh mục. Ngài nói rằng họ sẽ chỉ trở nên thánh thiện và sứ vụ sẽ thành toàn nếu họ đón mừng Đức Mẹ vào tâm hồn và duy trì mối tương quan sâu đậm với Mẹ. Trái tim mục tử của ngài bùng cháy ngọn lửa tình yêu dành cho Đức Maria; ngài biết rằng không có con đường nào dẫn tới sự sống ngoài con đường mà người mẹ thiêng liêng của chúng ta dẫn dắt.
Đức Mẹ đã ban ơn chữa lành cho thánh Piô ít nhất là một lần vào năm 1959, khi tượng Đức Mẹ Fatima hành hương đang được rước khắp các thành phố ở Italia. Khi bức tượng được rước đến San Giovanni Rotondo, ngài rất muốn trông thấy tượng Đức Mẹ, nhưng quá ốm yếu đến nỗi sau ba lần cố gắng để được nhìn thấy bức tượng hành hương, ngài không thể nhấc mình ra khỏi giường. Lúc chiếc trực thăng chở bức tượng rời đi, ngài đã thổ lộ nỗi niềm đau khổ với Đức Mẹ, biểu lộ nỗi thất vọng của mình vì không thể trông thấy bức tượng huyền diệu của Mẹ. Thế rồi, đột nhiên, chẳng hiểu sao người phi công lại điều khiển chiếc trực thăng bay vòng lại và hướng đến tu viện nơi cha Piô đang nằm trên giường. Sau đó, người phi công chứng nhận rằng anh không giải thích được lý do thay đổi hướng bay và lượn nhiều vòng phía trên một tu viện. Chỉ có trời và thánh Piô mới biết được lý do! Đức Mẹ mong muốn ban cho người con của Mẹ những gì tốt lành. Và như một ơn lành thêm vào, chính lúc chiếc trực thăng lượn vòng phía trên tu viện, thánh Piô cảm thấy cơ thể mình rung động. Ngài đã cảm nghiệm ơn chữa lành hoàn toàn. Để tạ ơn, cha đã gửi tặng Fatima một cây thánh giá. Một vài tháng sau, một phái đoàn của Đạo Binh Xanh đã trao tặng cha một bức tượng Đức Mẹ Fatima được chạm khắc bằng tay. Cha Piô đặt bức tượng trong phòng thánh nơi ngài chuẩn bị dâng Thánh lễ mỗi ngày. Năm 1968, cha Piô qua đời trong khi miệng ngài thầm thì đọc danh xưng mà ngài đã tán dương, ca tụng ngàn lần mỗi ngày, đó là: “Đức Maria”.
Chiến Sĩ Kinh Mân Côi
Thánh Piô hoàn toàn sống cuộc đời của một kẻ chịu khổ phần hồn (người được Thiên Chúa mời gọi chia sẻ cách đặc biệt những nỗi thống khổ của Chúa Giêsu và đền bù tội lỗi cho nhân loại). Ngài được xem là “Kinh Mân Côi sống”. Vì là nhà thần bí mang những vết thương của Đức Kitô, ngài trực tiếp sống các mầu nhiệm Kinh Mân Côi hơn là luôn cầm tràng hạt trong tay. Khi còn thơ bé, Piô đã được hun đúc một tình yêu lớn lao dành cho Kinh Mân Côi qua mẫu gương trong gia đình. Mỗi tối, gia đình ngài lại quây quần bên nhau để cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi. Thậm chí, họ ăn chay để tán tụng Đức Mẹ Camêlô. Thời thanh niên cũng như khi là quân nhân đóng tại Napôli, Piô thường xuyên thăm viếng Đền thờ Đức Mẹ Mân Côi ở Pompei.
Một trong những đau khổ mà Giáo Hội buộc cha Piô phải chịu là cấm ngài viết những trải nghiệm thần bí của mình. Đó chính là lý do tại sao có rất ít tác phẩm của cha Piô về Kinh Mân Côi và về những tình yêu lớn lao khác trong đời sống thánh thiện của ngài. Tuy nhiên, thánh nhân đã miêu tả sống động hình ảnh chứng nhân trung kiên của Kinh Mân Côi nơi ngài qua những cuộc nói chuyện với mọi người. Khi các linh mục đến thăm, ngài luôn giới thiệu Kinh Mân Côi cho họ. Người ta nói rằng bài giảng không lời của ngài luôn là Kinh Mân Côi. Ngài trung thành cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi suốt ngày. Một lần, khi bề trên hỏi ngài đọc bao nhiêu Kinh Mân Côi trong ngày, ngài trả lời: “Bốn mươi bốn!”. Một lần khác, khi một người anh em Phanxicô hỏi ngài lời cầu nguyện nào làm hài lòng Đức Mẹ nhất, ngài nhanh chóng trả lời đó là Kinh Mân Côi bởi vì chính Mẹ dạy lời kinh ấy cho chúng ta và luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của lời kinh ấy trong những lần Mẹ hiện ra.
Thánh Piô hiểu rằng Kinh Mân Côi là một vũ khí thiêng liêng đầy uy lực có khả năng đánh bại những sai lạc về thần học và các chế độ chính trị giả trá. Nhiều lần, ngài đã phân thân tới nơi giam giữ người chiến sĩ vĩ đại khác của Kinh Mân Côi, József Cardinal Mindszenty. Bị tống giam vì kiên quyết chống đối Đảng Cộng Sản, Mindszenty là giám mục Hungary, người luôn rao giảng rằng Kinh Mân Côi là vũ khí bí mật của Giáo Hội Công Giáo chống lại Đảng Cộng Sản. Thánh Piô cũng biết điều đó và rất mong muốn truyền vũ khí linh thiêng là Kinh Mân Côi cho những người con thiêng liêng của ngài. Trước lúc qua đời, khi được xin lời khuyên cuối cùng cho những người đang đứng xung quanh, ngài đã khuyên nhủ mọi người yêu mến Đức Mẹ, làm cho danh Mẹ được biết đến và luôn cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi. Khi qua đời, ngài không chỉ kêu danh thánh của Mẹ mà còn nắm trong tay chuỗi hạt Mân Côi.
Trích từ Donald H. Calloway, MIC,
Champions of the Rosary, Marian Press, 2016
Chuỗi ngọc Mân Côi
Hãy yêu mến và làm cho Đức Mẹ được mến yêu. Hãy luôn đọc Kinh Mân Côi.
Thánh Piô Năm Dấu
Kinh Mân Côi là vũ khí trong tay chúng ta, nhờ đó, chúng ta đánh bại các cuộc tấn công của ma quỷ.
Thánh Piô Năm Dấu
Nhờ đọc Kinh Mân Côi mà Đức Mẹ chưa bao giờ từ chối tôi một ân huệ nào.
Thánh Piô Năm Dấu
Hãy đến nhận lấy vũ khí của tôi (Kinh Mân Côi).
Thánh Piô Năm Dấu
Hãy yêu mến Thánh Mẫu và cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi, bởi vì Kinh Mân Côi của Mẹ là vũ khí chống lại những tội ác của nhân loại hôm nay.
Thánh Piô Năm Dấu
Kinh Mân Côi, đó chính là vũ khí của tôi.
Thánh Piô Năm Dấu
Satan luôn cố gắng phá hủy lời cầu nguyện này (Kinh Mân Côi), nhưng nó sẽ không bao giờ thành công. Kinh Mân Côi là lời nguyện cầu của Đức Mẹ, Đấng chiến thắng mọi vật và mọi người.
Thánh Piô Năm Dấu
Kinh Mân Côi là vũ khí chiến thắng trong mọi trận chiến.
Thánh Piô Năm Dấu
Chúng ta không thể nêu hết danh tính của tất cả các vị thánh đã khám phá trong Kinh Mân Côi một lối sống đích thực để thăng tiến trên đàng thánh thiện. Nhưng chúng ta cần phải nói đến thánh Louis De Montfort, tác giả của một kiệt tác về Kinh Mân Côi, và, gần với bản thân chúng ta hơn, cha Piô thành Pietrelcina, người mà mới đây tôi vui mừng tuyên phong hiển thánh.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II
TÂM TÌNH THÁNG HOA
Mỗi lần tháng hoa về ở gíao xứ quê tôi vui lắm. Có lẽ tháng hoa là tháng vui nhất trong năm. Vui vì trong suốt cả tháng hoa tuần nào cũng có rước kiệu Đức Mẹ và dâng hoa. Khi đó giáo xứ được chia thành bốn khu mang tên bốn hướng là các khu Đông, khu Tây, khu Nam và khu Bắc. Mỗi Chúa nhật đều có một khu đảm trách việc rước kiệu và như vậy là vừa đủ bốn lần rước kiệu và dâng hoa trong suốt cả tháng hoa.
Mỗi lần có rước kiệu thì không phải chỉ có khu nào đảm trách việc rước kiệu mới náo nhiệt mà cả giáo xứ đều náo nhiệt. Khu đứng ra tổ chức rước kiệu thì dĩ nhiên là bận rộn với nhiều công việc phải chuẩn bị như trang hoàng kiệu Đức Mẹ, làm kiệu hoa, cổng chào, giăng cờ ngũ sắc và cờ Hội Thánh v.v. Nhưng ở ba khu còn lại cũng nhộn nhịp không kém. Ai làm gì thì làm nhưng vào ngày rước kiệu đều không quên nhắc nhau nghỉ việc sớm để còn về sửa soạn cho kịp tham dự cuộc rước.
Cuộc rước sẽ xuất phát từ một điểm nào đó trong khu để từ đó rước về nhà thờ. Trên đường về nhà thờ, ngoài những lúc hát hay đọc kinh, thỉnh thoảng hội kèn Tây trổi lên những bản nhạc hùng tráng có sức thôi thúc lòng người làm cho ai nấy đều phấn khởi. Bên cạnh đó âm thanh từ trống lớn, trống con, chũm chọe quyện vào nhau nghe rất vui tai. Riêng hội trắc với cách gõ những thanh trắc vào nhau rất nhanh và nhịp nhàng vừa tạo ra những âm thanh dòn dã, trông lại rất đẹp mắt.
Khi đoàn rước vừa về đến nhà thờ thì chuông đổ hồi chào mừng đoàn rước. Khi tiếng chuông vừa dứt vào lúc mọi người đã ở bên trong nhà thờ thì mọi người cùng cất cao tiếng hát:
Lạy Mẹ là ngôi sao sáng. Soi lối cho con lúc vượt biển thế gian…
Quang cảnh những buổi rước kiệu ở giáo xứ quê tôi những ngày xa xưa đã in đậm trong ký ức thỉnh thoảng lại trở về trong những giấc mơ. Tôi đã nhiều lần mơ thấy mình hòa lẫn trong đoàn người rước kiệu, thích thú nghe tiếng kèn, tiếng trống rất quen thuộc khi tỉnh dậy vẫn còn tiếc ngẩn tiếc ngơ. Rời xa quê hương với biết bao kỷ niệm của thời niên thiếu, tôi vẫn ấp ủ niềm ao ước có một ngày được trở về thăm lại giáo xứ quê nhà và để được đi trên con đường mà tôi đã nhiều lần đi rước kiệu nhưng rồi vì lý do này lý do khác điều mong ước của tôi vẫn chưa thể thực hiện.
Trong các buổi dâng hoa ta thường chỉ thấy có 5 sắc hoa tượng trưng cho 5 nhân đức của Đức Mẹ là:
– Hoa trắng chỉ sự trong sạch của tâm hồn
– Hoa tím chỉ sự tuân phục thánh ý Chúa
– Hoa vàng chỉ đức mến vẹn toàn
– Hoa xanh chỉ sự trọn lành thánh thiện
– Hoa đỏ chỉ sự hy sinh hãm mình.
Người Công giáo Việt Nam vốn có lòng mộ mến Đức Mẹ cách đặc biệt. Chỉ cần nhìn vào con số người hàng năm hành hương đến La Vang, Trà Kiệu, Bãi Dâu, Tà Pao v.v. hay nhìn vào con số người ngày ngày đứng trước hang đá Đức Mẹ ở khắp các giáo xứ đủ thấy lòng tin của người Công giáo Việt Nam vào Đức Mẹ mãnh liệt đến chừng nào.
Có một câu chuyện về một bà lão sống ở một vùng quê Việt Nam. Bà lão này nghèo lắm và như người ta thường nói “đã nghèo còn gặp cái eo”, bà lão gặp hết điều bất hạnh này đến bất hạnh khác. Tuy nhiên không bao giờ người ta thấy bà than thở với ai mà ngược lại bà vẫn sống an vui như thể bất hạnh chưa bao giờ đến với bà. Ai cũng lấy làm lạ không thể hiểu được tại sao bà có thể có thái độ bình thản đến thế cho đến một hôm có người đến gặp bà và đề cập đến điều mà nhiều người đang thắc mắc.
Bà lão cười hiền từ đáp lại rằng vì bà có Đức Mẹ. Người đối diện với bà không phải là người Công giáo nên không hiểu được ý của bà đã yêu cầu bà nói rõ thêm. Cũng lại với nụ cười hiền lành bà lão lấy ví dụ có hai người đang chới với trên dòng nước. Trong hai người này có một người vớ được một vật nổi có thể dùng làm phao còn người kia thì không. Bà lão nói tiếp người có được chiếc phao chắc chắn là rất bình tĩnh vì có hy vọng được cứu vớt còn người kia sẽ vô cùng hoảng hốt. Bà lão kết luận Đức Mẹ mà bà tôn kính chính là chiếc phao trong cuộc sống của bà. Bà đã phó thác mọi sự cho Đức Mẹ nên chẳng còn lo lắng, băn khoăn gì.
Một người bạn của tôi nói rằng mỗi khi có điều gì muốn tâm sự, muốn thổ lộ nỗi lòng hay muốn xin ơn, ông thích chạy đến với Đức Mẹ hơn là đến kêu cầu cùng Chúa. Có lẽ không phải chỉ có một mình ông nghĩ như vậy. Tuy nhiên một số người lại cho rằng làm như vậy là không đúng vì Đức Mẹ cũng chỉ là loài thụ tạo. Họ sợ rằng việc sùng kính Đức Mẹ có thể làm sao nhãng hay giảm bớt sự tôn thờ đối với Thiên Chúa.
Thật ra khi ta chạy đến kêu cầu cùng Đức Mẹ cũng chính là nhờ Đức Mẹ cầu thay nguyện giúp với Chúa. Quyền năng mà Đức Mẹ có được để ban phát cho ta ơn này ơn nọ tất cả đều từ Thiên Chúa mà ra. Thiên Chúa chắc chắn sẽ hài lòng khi thấy Đức Mẹ được tôn kính. Giáo Hội đã dành đến hai tháng (tháng hoa và tháng Mân côi) và nhiều ngày khác nữa trong lịch Phụng vụ để tôn vinh Đức Mẹ cho thấy Giáo Hội muốn con cái mình dành nhiều thời gian để tôn kính Mẹ Maria. Vì vậy việc sùng kính Đức Mẹ không có gì cần phải bàn cãi.
Trong tháng hoa, để tỏ lòng tôn kính Mẹ, nếu có thể ta hãy dâng lên Đức Mẹ những bông hoa tươi thắm. Đồng thời ta cũng cần dâng lên Đức Mẹ những bó hoa thiêng liêng được đan kết bằng những hy sinh, hãm mình, bác ái,… nhất là lần chuỗi Mân Côi. Trong đời sống hàng ngày nếu ta biết chấp nhận nghịch cảnh và coi đó như những đoá hoa đem dâng cho Đức Mẹ thì chắc chắn sẽ rất đẹp lòng Đức Mẹ.
Lược trích từ Lại Thế Vãng (tinmung.net)