Nội San Kinh Mân Côi Số Tháng 06-2019

TRANG HỌC TẬP

 

Thánh Josemaria Escriva

 (1902-1975)

Người Lữ Khách Kinh Mân Côi

Thánh Josemaria Escriva sinh tại Barbastro, Tây Ban Nha. Ngài lấy được học vị tiến sĩ thần học tại Đại Học Lateranô, Rôma và sống gần như trọn vẹn đời mình trong thế kỉ 20. Cha Escriva có lòng sùng mộ sâu sắc với Bí tích Thánh Thể. Suốt nhiều năm, ngài phục vụ những người nghèo và bệnh tật trong các khu ổ chuột ở Madrid. Năm 1928, ngài thành lập Opus Dei, một tổ chức của giáo dân và linh mục có sứ vụ mời gọi mọi người nên thánh. Hoạt động tông đồ rất có hiệu quả, Opus Dei đã nhận được sự ủng hộ chính thức của phía Giáo Hội vào năm 1950 từ Chân phước Giáo hoàng Piô XII.

Thánh Josemaria Escriva soạn thảo rất nhiều sách, phần lớn trong số đó được chuyển dịch ra nhiều thứ tiếng với triệu ấn bản được phát hành trên toàn thế giới. Viktor Frankl, một nhà tâm lí học, thần kinh học nổi tiếng và là nhân chứng của nạn diệt chủng, từng gặp thánh Escriva. Ông đã bị ấn tượng và thôi thúc đến độ đã mô tả ngài như “quả bom nguyên tử đầy thần khí”.

Lòng Sùng Kính Kinh Mân Côi

Năm hai tuổi, Josemaria mắc phải một chứng bệnh không rõ và được dự báo sẽ qua đời. Người mẹ đạo hạnh đã đem ngài đến đền thờ Đức Maria Torreciudad ở Aragon, Tây Ban Nha và nguyện cầu cho ngài trước bức tượng Nữ Vương các Thiên Thần có từ thế kỉ thứ XI. Thật kì diệu, ngài đã được cứu chữa. Mẹ ngài quả quyết việc chữa lành đó phát xuất từ Đức Maria. Biến cố này đã hình thành nơi ngài lòng sùng kính Đức Maria một cách mãnh liệt và bền bỉ. Khi còn là sinh viên thần học, ngài thường xuyên đi đến thành phố Sarragosa để viếng thăm ngôi thánh đường Đức Mẹ Pilar. Cũng chính tại nơi đây, ngài đã cử hành thánh lễ đầu đời linh mục. Suốt đời, ngài luôn tạ ơn về việc được chữa lành khi còn trẻ, ngài dõi theo tiến trình xây dựng Vương cung thánh đường dâng kính Đức Maria ở Torreciudad. Ngôi thành đường này tiếp tục được điều hành bởi những thành viên của Opus Dei và trở thành điểm hành hương nổi tiếng của toàn Châu Âu.

Thánh Josemaria cũng được biết đến là người có tình yêu đặc biệt với các thánh đường của Đức Maria và những nơi mà Mẹ đã hiện ra. Ngài viếng thăm Fatima không dưới chín lần. Trong vài dịp, cha Escriva viếng thăm trò chuyện với trẻ nhỏ còn lại duy nhất của Fatima là nữ tu Lucia dos Santos. Ngài thích bách bộ trên những con đường ở Rôma để chiêm ngắm và tôn kính Đức Maria qua những bức bích họa về Mẹ. Ngài cũng đã vài lần viếng thăm Lộ Đức. Bên cạnh đó, cha Escriva còn tổ chức một chuyến hành hương đến đền thờ Đức Mẹ Mân Côi ở Pompei. Năm 1951, một năm sau khi Opus Dei được chính thức công nhận, cha tổ chức một chuyến hành hương đến Thánh Điện Loreto, trao phó Opus Dei cho Đức Maria. Một trong những ngôi thánh đường mà cha yêu thích nhất là ngôi thánh đường được dâng hiến cho Đức Maria ở Sonsole, Tây Ban Nha. Trong tiếng Tây Ban Nha, sonsole có nghĩa là “mặt trời của chúng ta”, và có ý chỉ đến đôi mắt tuyệt đẹp của bức tượng Đức Maria ở đây. Ngài thực hiện rất nhiều chuyến hành hương đến những thánh đường ít được biết đến hơn. Tiên cử như vào năm 1970, cha Escriva đến Mexico tổ chức một buổi cầu nguyện đặc biệt tại Vương Cung Thánh Đường Đức Maria Guadalupe. Trong bản di chúc, cha khuyến khích các hội viên hãy thường xuyên tổ chức các chuyến hành hương về bên Mẹ.

Thánh Josemaria không bao giờ đảm nhận bất cứ một trách nhiệm nào nếu điều đó không tỏ lộ cho thấy tình yêu đối với Đức Maria. Ngài biết chắc rằng Đức Giêsu chỉ có thể được nhận biết thực sự khi chúng ta tìm kiếm Đức Maria. Vì ý định của Thiên Chúa là qua Mẹ, chúng ta sẽ được đón nhận và trở về với Chúa Giêsu. Một điều mà ngài luôn lặp đi lặp lại là “tất cả chúng ta cùng với thánh Phêrô đến với Chúa Giêsu qua Đức Maria”. Gần như tất cả các bài giảng của cha Escriva đều được kết thúc bằng việc đề cập đến Đức Maria, cổ võ lòng sùng mộ Áo Đức Bà và chỉ rõ tháng Năm là khoảng thời gian đặc biệt cho lòng sùng kính Mẹ. Mỗi khi về phòng, ngài đều hôn kính bức tượng Đức Maria; bức tượng đó sau này được biết đến với cái tên: “Nữ vương các Nụ Hôn”. Trong một lần, sau khi thánh Josemaria tôn kính bức ảnh của thánh Juan Diego, ngài nói cho những người có mặt ở đó là ngài muốn được chết như thế. Ý Chúa, khi ngài qua đời năm 1975 bên cạnh ngài là bức họa Đức Mẹ Guadalupe được treo ngay trên tường.

Chiến Sĩ Kinh Mân Côi

Song thân của cha Escriva là những Kitô hữu rất đạo đức. Khi còn trẻ, các ngài đã nêu gương cho cha về việc đọc Kinh Mân Côi tại gia. Năm 10 tuổi, Escriva đã mang chuỗi Mân Côi trong cặp xách ở mọi nơi ngài đến. Ngài xem Kinh Mân Côi như vũ khí, vị hướng dẫn ngài trong quyền năng của Chúa Giêsu và Đức Maria. Đó còn là phương thức để bày tỏ với Đức Maria là ngài yêu mến Mẹ. Khi hành hương, thánh Josemaria luôn thực hành Kinh Mân Côi như một phần của chuyến hành hương. Ngài sẽ đọc Kinh Mân Côi từ khi bắt đầu cho đến khi đến ngôi thánh đường cũng như trên chuyến trở về. Thậm chí khi ở đền thờ, ngài còn đi vòng quanh thánh đường đọc Kinh Mân Côi.

Trong đời linh mục, cha Escriva đọc Kinh Mân Côi mỗi ngày và viết một tác phẩm rất hay về Kinh Mân Côi chỉ trong vòng một ngày. Trong cuốn sách này, ngài nhấn mạnh Kinh Mân Côi phải được đọc với một tinh thần hăng say chứ không phải là một cách vội vã và hấp tấp. Ngài còn nhấn mạnh rằng Kinh Mân Côi không chỉ dành cho những bé gái mà còn cho người trưởng thành và bất kì ai không phân biệt già trẻ, lớn bé. Dựa vào lời bảo hộ của Đức Kitô: “Chỉ những ai nên như trẻ nhỏ thì mới được vào nước trời”, ngài đã hướng dẫn mọi người rằng chỉ có Kinh Mân Côi mới có thể giúp chúng ta hóa nên như trẻ thơ và thể hiện tình yêu của chúng ta đối với Đức Trinh Nữ. Cho đến ngày nay, Kinh Mân Côi vẫn còn được cất lên hằng ngày tại ngôi thánh đường mà ngài đã xây dựng để dâng kính Đức Maria ở Torreciudad, Tây Ban Nha. Một phần trong luật sống của các hội viên Opus Dei là ngài mong muốn họ hãy noi theo ngài thực hành Kinh Mân Côi hằng ngày.

Trích từ Donald H. Calloway, MIC,
Champions of the Rosary, Marian Press, 2016

 

CHUỖI NGỌC MÂN CÔI

Nếu bạn đọc Kinh Mân Côi hằng ngày với tinh thần tin tưởng và yêu mến, đảm bảo Đức Maria sẽ dẫn bạn tiến rất xa trên hành trình Con của Mẹ.

Thánh Josemaria Escriva

Ngày nay, cũng như những thời đại khác, Kinh Mân Côi phải là vũ khí đầy năng lực trợ giúp chúng ta chiến thắng trong các cuộc đấu tranh nội tâm và cứu chữa tất cả linh hồn.

Thánh Josemaria Escriva

Kinh Mân Côi rất thánh là một vũ khí linh thánh. Sử dụng lời kinh ấy với lòng tin tưởng, chúng ta sẽ bất ngờ về kết quả của lời kinh ấy.

Thánh Josemaria Escriva

Đọc Kinh Mân Côi rất thánh, chiêm ngắm những mầu nhiệm, lặp lại lời Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng, ca ngợi Ba Ngôi diễm phúc và cầu khẩn Mẹ Thiên Chúa, là một hành động liên lỉ của đức tin, đức cậy và đức mến; là hành động của sự tôn thờ và phạt tạ.

Thánh Josemaria Escriva

Đối với Kitô hữu, đọc Kinh Mân Côi phải phát xuất từ con tim. Vì vậy, trong khi đọc lời kinh ấy, tâm trí có thể đi vào chiêm ngắm mỗi mầu nhiệm.

Thánh Josemaria Escriva

Bạn luôn bỏ giờ Kinh Mân Côi vì đã trễ, và bạn đã không đọc giờ kinh ấy vì đã quá buồn ngủ. Nếu bạn không có thời gian, hãy đọc nó trên đường mà đừng bận tâm đến bất cứ ai. Hơn nữa, lời kinh ấy còn cho thấy nơi bạn có sự hiện diện của Thiên Chúa.

Thánh Josemaria Escriva

Nhiều Kitô hữu có tập tục mặc Áo Đức Bà hoặc nhớ lại nhũng sự kiện trọng yếu trong đời Kitô hữu bằng việc đọc Kinh Mân Côi. Họ đọc lời kinh ấy một cách không mệt mỏi, giống như những người đang yêu vậy.

Thánh Josemaria Escriva

Bạn có muốn yêu mến Đức Maria? Có ư? Vậy, hãy tìm hiểu để biết Mẹ. Bằng cách nào ư? Đọc Kinh Mân Côi của Mẹ.

Thánh Josemaria Escriva

Hãy đọc Kinh Mân Côi rất thánh. Thật hạnh phúc! Sự đều đặn của Kinh Kính Mừng sẽ xóa sạch mọi tội lỗi của bạn.

Thánh Josemaria Escriva

Hãy cất lên lời Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng sau mỗi chục cách rành mạch và từ tốn: điều này sẽ giúp bạn luôn sánh bước trên con đường tình yêu của Đức Maria.

Thánh Josemaria Escriva

Hãy luôn lưu giữ Kinh Mân Côi, một trong những gốc rễ sâu chắc nhất của lòng sùng mộ Kitô hữu. Giáo Hội khuyến khích con cái mình chiêm niệm những mầu nhiệm ẩn chứa trong lời kinh ấy.

Thánh Josemaria Escriva

Dừng lại đôi chút -khoảng 3 hoặc 4 giây- trong sự chiêm niệm sâu lắng để suy gẫm mỗi mầu nhiệm của Kinh Mân Côi trước khi đọc Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng của mầu nhiệm ấy. Tôi chắc chắn việc thực hành này sẽ làm gia tăng việc hồi tâm và đơm hoa kết trái cho lời kinh của bạn.

Thánh Josemaria Escriva

 

ĐỨC MARIA LÀ MẸ GIÁO HỘI

LTS: 03.03.2018, Đức giáo hoàng Phanxicô đã quyết định thiết lập lễ kính Đức Maria là Mẹ Giáo Hội và cử hành hằng năm vào ngày thứ hai sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Công Đồng Vaticanô II trong Hiến chế Lumen Gentium, sau khi tuyên bố Đức Maria là “thành viên trổi vượt”, là “kiểu mẫu” và “gương sáng” của Giáo Hội, dạy tiếp: “Giáo Hội Công Giáo, được Chúa Thánh Thần chỉ dạy, dâng lên Người tình con thảo, như đối với một người Mẹ rất dấu yêu” (LG 53).

Khi mô tả những tình cảm con thảo của mình, Giáo Hội nhìn nhận Đức Maria là người Mẹ yêu quý nhất của mình, gián tiếp tuyên bố người là Mẹ Giáo Hội, vì những lý do sau:

– Mẹ làm Mẹ Giáo Hội khi nhận làm Mẹ Chúa Giêsu: “Đức Maria, với tư cách là Mẹ Đức Kitô cũng là Mẹ của tất cả mọi tín hữu và các chủ chăn, nghĩa là Mẹ Giáo Hội” (Đức phaolô VI).

– Mẹ làm Mẹ Giáo Hội khi đứng dưới chân Thánh Giá Chúa Kitô: “Đây là con Bà… Đây là mẹ con” (Ga 19,26-27).

– Mẹ là Mẹ Giáo Hội khi ở nhà Tiệc Ly, ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Một ngày kia, thánh Gioan Bosco rao giảng về vinh quang của Mẹ Maria tại nhà thờ chính toà Torino. Giữa lúc đang thao thao bất tuyệt, ngài bỗng dừng lại thinh lặng một hồi lâu rồi đặt câu hỏi với cử toạ như sau: “Ai trong anh chị em có thể nói cho tôi biết Đức Mẹ là ai?” Thánh nhân phải lập lại câu hỏi đó đến ba lần mới nghe được một tiếng trả lời yếu ớt từ phía cuối nhà thờ như sau: “Thưa Cha, Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa”. Thánh Gioan Bosco gật đầu nói tiếp: “Đúng thế, Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, nhưng nói thế vẫn chưa đủ. Tôi muốn anh chị em kể hết những tước hiệu của Mẹ Maria”. Liền sau đó, cử toạ liền kể ra tất cả những tước hiệu của Mẹ: Mẹ là cửa Thiên Đàng, Mẹ là Đấng an ủi những kẻ có tội, Mẹ là Đấng phù trợ các tín hữu, Mẹ là Đấng cứu chữa kẻ bệnh tật v.v… Sau khi nghe kể hết những tước hiệu mà người ta gán cho Đức Maria, thánh Gioan Bosco mỉm cười nói tiếp: “Đức Maria là tất cả những gì anh chị em vừa kể ra, nhưng vẫn chưa hết. Tôi muốn nói thêm về Đức Maria…”. Chờ mãi vẫn không thấy có câu trả lời nào, thánh nhân mới nói: “Tôi xin được nói với anh chị em Đức Maria là ai: Ngài là Mẹ chúng ta. Phải, Mẹ chúng ta. Đó là điều đáng nói nhất về Mẹ Maria. Trên trần gian này, không ai có thể gần gũi thiết thân với chúng ta cho bằng Mẹ chúng ta, không ai yêu thương chúng ta hơn Mẹ chúng ta. Cũng thế trên Thiên Đàng không có vị thánh nào yêu thương chúng ta và sẵn sàng lắng nghe chúng ta cho bằng Mẹ Maria…”.

Mẹ Giáo Hội: Tước hiệu nói lên tương quan mẫu tử của Đức Maria với Giáo Hội

Tước hiệu này ít được sử dụng trong quá khứ, nhưng mới đây trở nên phổ biến hơn trong những công bố của huấn quyền Giáo Hội và trong sự sùng kính của dân Kitô hữu. Đầu tiên, người tín hữu kêu cầu Đức Maria với tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa”, “Mẹ tín hữu” hay là “Mẹ chúng con” để nhấn mạnh tới tương quan với từng đứa con của mình.

Về sau, do sự chú ý nhiều hơn tới mầu nhiệm Giáo Hội và mối tương quan của Đức Maria với Giáo Hội, nên Đức Trinh Nữ Rất Thánh bắt đầu được kêu cầu thường hơn là “Mẹ Giáo Hội”.

Trước Công Đồng Vaticanô II, kiểu nói này được Đức Lêo XIII sử dụng, quả quyết rằng Đức Maria “đúng thật là Mẹ Giáo Hội” (Acta Leonis XIII, 15, 302). Tước hiệu này về sau được sử dụng nhiều lần trong các bài giảng của Đức Gioan XXIII và Đức Phaolô VI.

Khởi từ ngày Truyền Tin, Đức Maria đã được kêu mời thuận ý khai mở Vương quốc cứu thế mà sau này sẽ xuất hiện với sự hình thành của Giáo Hội (Lc 2,26-35).

Tại Cana (Ga 2,2-11), khi xin Con mình thi hành quyền năng cứu thế của Người, Đức Maria đã góp phần cơ bản vào việc ghi dấu đức tin trong cộng đoàn các môn đệ đầu tiên và hợp tác trong việc khai mở Nước Chúa, một nước đặt “mầm giống” và “khởi điểm” nơi Giáo Hội (LG 5).

Trên Núi Sọ (Ga 19,27-27), Đức Maria kết hợp với hy lễ của Con và đã góp phần hợp tác mẫu tính của mình vào công trình cứu chuộc dưới hình thức của cơn đau đẻ, sinh ra nhân loại mới.

Chính lúc Đức Maria đứng câm lặng dưới chân thập giá, mà Chúa Giêsu đã long trọng trối phó Ngài cho thánh Gioan và đồng thời cũng trao phó thánh Gioan cho Mẹ. Sự sinh nở nào cũng diễn ra trong đớn đau. Chính trong niềm đau tột cùng của những giây phút đứng kề bên thập giá Chúa Giêsu mà Đức Maria mới sinh hạ chúng ta, đã trở thành Mẹ của chúng ta. Thánh Gioan cũng tiếp nhận Mẹ trong niềm hiệp thông sâu xa vào thập giá của Chúa Giêsu.

Sứ điệp của Đức Maria trong tất cả những lần hiện ra đều có chung một nội dung: đó là kêu gọi loài người ăn năn sám hối, cải thiện cuộc sống. Cũng như ngày xưa, đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu, Mẹ đã câm lặng nuốt từng nỗi đớn đau, ngày nay khi nhìn thảm cảnh của những người con cái đang chối bỏ lẫn nhau, đang chém giết nhau, đang đóng đinh nhau, Mẹ cũng bày tỏ một niềm đau.

Thánh sử Luca nhắc tới sự hiện diện của Mẹ Chúa Giêsu trong cộng đoàn đầu tiên ở Giêrusalem (Cv 1,14; 2,3-4). Như vậy Thánh sử nhấn mạnh vai trò người mẹ của Đức Maria trong Giáo Hội mới sinh; bằng cách so sánh vai trò đó với vai trò của Người khi sinh ra Đấng Cứu Thế. Chiều kích Mẹ như thế trở thành một yếu tố cơ bản trong tương quan của Đức Maria với Dân mới được cứu chuộc.

Căn cứ theo Kinh Thánh, giáo huấn của các giáo phụ nhìn nhận chức làm Mẹ của Đức Maria trong công trình Chúa Kitô và do đó, trong công trình của Giáo Hội.

Theo thánh Irênê, Đức Maria “trở nên nguyên nhân cứu rỗi cho toàn dòng giống loài người” (PG 7, 959), và lòng thanh sạch của Đức Trinh Nữ “tái sinh người ta trong Thiên Chúa” (PG 7, 1080). Điều đó được thánh Ambrôsiô lặp lại: “Một Trinh Nữ đã sinh ra Đấng cứu rỗi cho thế gian, một Trinh Nữ đã mang đến sự sống cho mọi sự” (PL 16,1198), và nhiều giáo phụ  khác cũng lập lại khi gọi Đức Maria “Mẹ của sự cứu rỗi”.

Thời trung cổ, thánh Anselmô thưa với Đức Maria thế này: “Mẹ là Mẹ của sự công chính hoá và cả những kẻ được công chính hoá, là Mẹ sự hoà giải và cả những kẻ được hoà giải, là Mẹ sự cứu rỗi và cả những kẻ được cứu rỗi” (PL 158, 957), còn nhiều tác giả khác lại gán cho Người tước hiệu “Mẹ ân sủng” và “Mẹ sự sống”.

Đức Maria là “Mẹ Giáo Hội”

Đức giáo hoàng Phaolô VI đã muốn Công Đồng Vaticanô II tuyên bố “Đức Maria là Mẹ Giáo Hội, nghĩa là của toàn thể Dân Chúa, của người tín hữu và các mục tử của họ”. Chính Đức Giáo Hoàng thực hiện điều đó khi đọc bài diễn văn bế mạc khoá thứ 3 Công Đồng (21.11.1964), Người cũng bảo: “từ nay toàn thể dân Kitô hữu hãy tôn kính và kêu cầu Đức Trinh Nữ Rất Thánh với tước hiệu này”.

Kết Luận

Đức Maria là “Mẹ Giáo Hội” phản chiếu niềm xác tín sâu xa của cộng đoàn Dân Chúa, họ nhìn thấy nơi Đức Maria không những là người Mẹ của con người Chúa Kitô, mà còn của người tín hữu. Đức Maria được nhìn nhận là Mẹ sự cứu thế, Mẹ sự sống và Mẹ ân sủng, Mẹ những người được cứu chuộc và Mẹ của những kẻ sống… và là Mẹ đích thực của mỗi người chúng ta.

Lược trích P.K.M, CMC (tinmung.net)

Chia sẻ Bài này:

Related posts