TRANG CHUYÊN ĐỀ
Mẹ Maria LÀ GƯƠNG NHÂN ĐỨC
Nhân đức là một cái gì thuộc về Thiên Chúa, và là ánh sáng vinh hiển từ Thiên Chúa chiếu giãi ra, dựa trên lời Thánh Kinh viết: “Thiên Chúa là chúa các nhân đức, là vua sự vinh quang sáng ngời” (Tv 67,36).
Vì thế, người có nhân đức, hơn nữa người nêu gương mọi nhân đức phải bắt nguồn từ Thiên Chúa.
Adong Evà, vì thiếu nhân đức vâng lời, nên phải lầm than, trở thành nguyên nhân gây đau khổ cho con cháu muôn đời sau.
Khi tặng cho Đức Mẹ tước hiệu “Đức Bà là gương nhân đức”, Giáo Hội muốn nói lên rằng Đức Mẹ là một kỳ công của Thiên Chúa.
Ngay khi tổ tông loài người, vì không vâng lời, nên đánh mất hết mọi nhân đức, Thiên Chúa đã định đoạt để có một người trở nên gương mẫu mọi nhân đức. Thiên Chúa đã dựng nên người ấy một cách trác tuyệt, gìn giữ một cách vẹn toàn và ban ân sủng một cách dư đầy. Thiên Chúa đã đổ tràn phúc lành xuống trên người ấy, và làm cho người ấy trở thành máng thông ơn của Thiên Chúa. Người ấy chính là Đức Mẹ. Và nhờ thế, Đức Mẹ trở nên gương mẫu của mọi nhân đức.
Trước hết, Đức Mẹ là gương về các nhân đức tin, cậy và mến. Đức Mẹ có phúc vì đã tin. Đức Mẹ kiên cường trung thành với Chúa bất chấp mọi thử thách. Và Đức Mẹ yêu mến Thiên Chúa hơn ai hết, và trên hết mọi sự.
Tin cậy mến là ba nhân đức đối thần, ba nhân đức cao cả, ba nhân đức then chốt, do đó các nhân đức khác phải bắt nguồn để phát sinh. Đức Mẹ đã dư thừa ba nhân đức ấy, thì cần gì nói về các nhân đức khác nữa.
Lạy Đức Mẹ là gương các nhân đức nói chung, và ba nhân đức tin cậy mến nói riêng, xin Mẹ thương ban cho chúng con ba nhân đức quý trọng ấy, để chúng con được nên giống như Mẹ, nhất là nhân đức kính mến. Mến Chúa thì tin Chúa. Mến Chúa thì cậy Chúa. Tin cậy Chúa thì ngày mai sẽ được chiêm ngắm Chúa, được Chúa để yêu mến Ngài mà thôi.
(Lược trích theo Lm. Nguyễn Duy Tôn,
Những mắt xích vàng, Tủ Sách Ra Khơi, 1964).
ĐỨC GIÁO HOÀNG LÊÔ XIII
Giáo hoàng của Kinh Mân Côi
(1810-1903)
Triều đại Giáo hoàng: 1878-1903
Đức Lêô XIII là vị giáo hoàng sống lâu nhất trong lịch sử Giáo Hội, ngài qua đời ở tuổi 93. Là nhà văn, nhà thơ và nhà thần học xuất chúng, ngài thành lập Học viện Giáo hoàng Tôma Aquinô (ngày nay là Đại học Angelicum) tại Rôma vào năm 1879. Vì rất yêu thích công việc trồng trọt, nên ngài cho xây cất một vườn nho trong nội vi Vatican.
Trong cương vi là mục tử và nhà thần bí, Đức Giáo hoàng Lêô XIII quan tâm sâu sắc đến những vấn nạn xã hội cũng như nền luân lý trong thời đại của ngài. Thế nên, ngài đã trao cho Giáo Hội nhiều vũ khí thiêng liêng để chống lại những vấn nạn đó. Một ngày nọ, trong lúc dâng lễ, ngài thấy thị kiến về cuộc chiến thiêng liêng khốc liệt đang diễn ra và được linh hứng viết lại lời nguyện nổi tiếng với Tổng lãnh Thiên thần Micaen. Đức Lêô XIII mạnh mẽ cổ võ lòng sùng kính thánh Giuse, hiến dâng toàn thế giới cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, thúc đẩy việc tôn thờ Thánh Tâm vào ngày thứ sáu đầu tháng và ấn định Tháng Sáu là tháng Thánh Tâm Chúa Giêsu. Ngài cũng là vị giáo hoàng mà thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã quỳ gối xin được phép gia nhập Dòng Cát Minh khi mới 15 tuổi. Đức Thánh Cha Lêô XIII là vị giáo hoàng đầu tiên xuất hiện trên truyền hình trong buổi lễ tuyên chân phước cho thánh Louis de Montfort vào năm 1888.
Lòng Sùng Kính Đức Maria
Khi còn thiếu thời, Đức Giáo hoàng Lêô XIII đã có lòng sùng kính đặc biệt đối với Đức Mẹ. Qua việc khám phá các tác phẩm của thánh Louis de Montfort về Đức Mẹ năm 1846, và những cuộc điều tra những tác phẩm này trong tiến trình tuyên chân phước cho thánh Montfort, Đức Lêô XIII đã chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng của thánh nhân về Đức Mẹ. Ngài bị cuốn hút bởi kiệt tác “Thành thực sùng kính Mẹ Maria” đến độ ngài đã ban ơn xá tội cho những ai tận hiến cho Đức Trinh Nữ bằng phương pháp của thánh Louis de Montfort. Đức Giáo hoàng Lêô XIII cũng có một nguồn cảm hứng khác về Đức Mẹ khởi đi từ tác phẩm của chân phước Bartolo Longo thành Pompeii.
Đức Lêô XIII rất cởi mở đối với mặc khải tư. Ngài khích lệ Dòng Cát Minh, thiết lập ngày lễ kính Ảnh Đức Mẹ Phép Lạ, viết tông thư cổ võ những chuyến hành hương đến các đền thờ Đức Mẹ, nhất là Lộ Đức. Đồng thời, ngài công nhận hai thị kiến ở La Salette và Mélanie Calvat trong hai cuộc tiếp kiến riêng. Đức Giáo hoàng Lêô XIII rất mộ mến Lộ Đức đến nỗi ngài đặt làm một hang động Lộ Đức ngay tại khu vườn Vatican. Theo tư tưởng của thánh Bênadô thành Clairvaux, Đức Lêô XIII dạy rằng các Kitô hữu đang cố gắng sống đức tin mà không có Đức Maria thì cũng giống như con chim đang gắng sức bay mà không có đôi cánh. Trong nhiều tác phẩm viết về Đức Mẹ, ngài nhấn mạnh rằng sự vâng phục của vị đại diện Chúa Kitô giữa các Kitô hữu là do chính Đức Mẹ mang lại. Đức Lêô XIII là vị giáo hoàng đầu tiên được ghi âm giọng nói; trong bản thu âm, ngài hát Kinh Kính Mừng.
Chiến Sĩ Kinh Mân Côi
Đức Giáo hoàng Lêô XIII là chiến sĩ Kinh Mân Côi nổi tiếng nhất trong số các vị đại diện của Chúa Kitô. Suốt triều đại giáo hoàng, ngài đã viết 11 thông điệp, ban hành nhiều tông thư, gửi vô số thông điệp về Kinh Mân Côi cho các giáo phận và hội dòng. Những thông điệp Kinh Mân Côi của ngài là tổng hợp các phát biểu của các vị giáo hoàng tiền nhiệm về vai trò của thánh Đa Minh như là người cha của Kinh Mân Côi và là đấng sáng lập Hội Mân Côi. Trong hầu hết các thông điệp, Đức Lêô XIII khẳng định thánh Đa Minh là đấng sáng lập Kinh Mân Côi. Ngài cho rằng chính Đức Mẹ trao phó Kinh Mân Côi cho thánh Đa Minh và sánh ví Hiệp Hội Mân Côi của thánh nhân như đội quân cầu nguyện đông đảo có khả năng thu phục các linh hồn cho Chúa Giêsu.
Là vị giáo hoàng nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo huấn xã hội của Hội Thánh Công Giáo, Đức Lêô XIII đã viết thông điệp “Tân Sự” (“Rerum Novarum”) và đồng thời nhận định rằng Kinh Mân Côi là một phần giải pháp cho những vấn nạn xã hội trong thời đại của ngài. Ngài không ngừng dạy rằng Kinh Mân Côi là cách thức hiệu quả nhất để mở rộng Vương quốc của Chúa Giêsu Kitô và đem lại ích lợi cho cá nhân nói riêng và xã hội nói chung. Ngài khuyến khích mọi người cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi mỗi ngày. Bên cạnh đó, ngài đặc biệt mời gọi các linh mục và nhà truyền giáo rao giảng Kinh Mân Côi, bởi lời kinh này có sức mạnh xua đuổi ma quỷ và chữa lành những tổn thương nơi tâm hồn con người.
Đức Giáo hoàng Lêô XIII dâng tháng Mười là tháng Mân Côi, ban ơn xá tội cho những ai đọc Kinh Mân Côi, chấp thuận những ơn xá tội liên quan đến Kinh Mân Côi, phê chuẩn ngày Chúa Nhật lễ Mân Côi, hỗ trợ việc xây dựng Vương Cung Thánh Đường Mân Côi ở Lộ Đức, thêm tước hiệu “Nữ Vương truyền phép rất thánh Mân Côi” vào Kinh cầu Đức Bà, viết một bản luật lệ cho Hiệp Hội Kinh Mân Côi, khuyến khích các tu sĩ Đa Minh cổ võ Kinh Mân Côi, và hỗ trợ cho sứ vụ tông đồ Kinh Mân Côi của chân phước Bartolo Longo tại Vương Cung Thánh Đường Mân Côi ở Pompeii. Ngày nay, bản rút gọn lời nguyện nổi tiếng của ngài với Tổng lãnh thiên thần Micaen vẫn thường được sử dụng khi kết thúc Kinh Mân Côi. Các bài viết của ngài nêu bật phước lành đặc biệt là: – cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi là cầu nguyện cùng với các thánh thiên thần, bởi vì chính Tổng lãnh thiên thần Gáprien đã thốt lên lời chào đầu tiên “Ave”. Đức Thánh Cha Lêô XIII sẽ mãi là vị giáo hoàng của Kinh Mân Côi.
Trích từ Donald H. Calloway, MIC,
Champions of the Rosary, Marian Press, 2016
CHUỖI NGỌC MÂN CÔI
Đa Minh, con có biết rằng con đã thu hoạch được ít hoa trái do công lao vất vả của con hay không; con đã gieo trên đất khô cằn, chưa được tưới nước sương ân sủng từ trời. Khi Thiên Chúa muốn làm mới lại bộ mặt trái đất, Ngài bắt đầu cho mưa phì nhiêu đổ xuống trên trái đất là Lời Chào Thiên Thần. Vì thế, con hãy rao giảng Thánh Vịnh của Mẹ.
Đức Mẹ nói với Thánh Đa Minh
Nhờ công trạng của Đức Trinh Nữ Maria và nhờ lời chuyển cầu của Thánh Đa Minh, đã từng là nhà giảng thuyết lỗi lạc của Hội Mân Côi, mà toàn thế giới này được bảo toàn.
Giáo hoàng Alexander VI
Bè rối Albigensian đã làm náo loạn một vùng nước Pháp. Chúng đã che mắt nhiều giáo dân đến nỗi họ kịch liệt đả phá các linh mục và hàng giáo sỹ. Thánh Đa Minh ngước mắt lên trời và hướng về Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa. Thánh nhân đã sáng lập một phương thức dễ dàng và phù hợp với mọi người. Đó chính là Kinh Mân Côi hoặc Thánh Vịnh của Đức Trinh Nữ Maria diễm phúc. Lời kinh này bao gồm việc tôn kính Đức Maria qua việc đọc 150 Lời Chào Sứ Thần, tương tự với 150 Thánh Vịnh của vua Đavít, xen vào mỗi chục bằng Kinh Lạy Cha, đồng thời suy ngẫm về những mầu nhiệm trong cuộc đời của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Sau khi thiết lập Kinh Mân Côi, Thánh Đa Minh và con cái ngài đã truyền bá hình thức cầu nguyện này ra toàn Giáo Hội.
Thánh Giáo hoàng Pio V
Theo truyền thống kể lại, khi Thánh Đa Minh được Đức Mẹ khuyên nhủ là phải rao giảng Kinh Mân Côi cho người ta như là một sự che chở đặc biệt để chống lại lạc giáo và tội lỗi, thì thánh nhân đã thực hiện sứ vụ được giao phó với lòng hăng say và chiến thắng oai hùng.
Tôi tớ Chúa Giáo hoàng Benedicto XIII
Nhận ra tính chất nghiêm trọng của tội lỗi đang ngăn cản cuộc hoán cải của những người theo bè rối Albigensian, thánh Đa Minh đã lui về một khu rừng gần Toulouse. Nơi đây, ngài đã cầu nguyện liên tục 3 ngày 3 đêm. Trong suốt thời gian đó, thánh nhân không làm gì khác ngoài việc than khóc và sám hối không ngừng để xoa dịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Ngài thực hành khổ chế nhiều đến nỗi thân hình đầy thương tích, cuối cùng ngài cảm thấy như kiệt lực. Chính khi đó, Đức Mẹ xuất hiện cùng với 3 thiên thần tháp tùng và Mẹ nói: “Con yêu dấu, con có biết vũ khí mà Ba Ngôi Chí Thánh muốn dùng để canh tân thế giới là gì không? Thánh Đa Minh trả lời: “Ôi Mẹ, Mẹ biết điều ấy rõ hơn, bởi lẽ Mẹ luôn gần kề Đức Giêsu Kitô, Con Mẹ, Mẹ luôn luôn là khí cụ chính yếu đem ơn cứu độ đến cho chúng con.” Sau đó, Đức Mẹ đáp: “Mẹ muốn con biết rằng, đối với cuộc chiến này, vũ khí chiến đấu luôn luôn phải là Thánh Vịnh Thiên Thần (Kinh Kính Mừng), lời kinh này là đá tảng của Tân Ước. Vì thế, nếu con muốn đụng chạm đến những tâm hồn chai đá và mang họ trở lại với Thiên Chúa, con hãy rao truyền Thánh Vịnh của Mẹ.”
Thánh Louis de Montfort
GIA ĐÌNH VÀ SỨ VỤ THƯƠNG XÓT
- Ngoài ngôi nhà của mỗi gia đình, chúng ta còn phải quan tâm đếnngôi nhà chung của mọi gia đình là trái đất, “người chị mà chúng ta đang chung phần sự sống, người mẹ tuyệt vời luôn mở rộng vòng tay ôm ấp chúng ta” (Laudato si’, 1). Trái đất này “đang kêu khóc vì những tổn hại chúng ta gây ra do việc sử dụng vô trách nhiệm và lạm dụng những tài nguyên Thiên Chúa ban tặng” (Laudato si’, 2). Ngày nay, người dân Việt Nam đang phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng do tình trạng ô nhiễm môi sinh. Cá chết dọc bờ biển miền Trung, hạn hán tại các tỉnh Tây nguyên và Nam Trung bộ, ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long… là những điều được mọi người quan tâm. Các nhà khoa học cho thấy con người là thủ phạm chính gây ra tình trạng biến đổi khí hậu qua việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên cách thiếu trách nhiệm. Các quốc gia và các tổ chức quốc tế đang nỗ lực để đạt đến thoả thuận chung về việc giảm bớt khí thải nhà kính.
Đây là vấn đề rất lớn, đòi hỏi những chính sách ở tầm vĩ mô, tuy nhiên các giám mục Á châu cho rằng các gia đình có thể đóng góp hữu hiệu vào việc chăm sóc môi trường sống bằng những việc nhỏ bé hằng ngày: tiết kiệm nước, dùng loại đèn ít tiêu hao năng lượng, rút dây khỏi ổ cắm điện khi không sử dụng, không đốt lá và rác thải, không xả rác ngoài đường phố, không sử dụng hoá chất độc hại trong canh tác và sản xuất… Nếu mỗi gia đình đều ý thức và giữ gìn như thế, thì những việc nhỏ bé hằng ngày trong mỗi gia đình sẽ trở thành nguồn lực lớn trong việc chống ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất đai, ô nhiễm không khí, và giữ gìn môi trường sống trong lành cho mọi người, hôm nay cũng như thế hệ mai sau.
- Anh chị em thân mến, giờ đây chúng ta hãy hướng tâm hồn lên Cha trên trời, cội nguồn mọi ân phúc, và thưa với Ngài:
Lạy Thiên Chúa là Cha đầy lòng từ bi nhân hậu,
là cội nguồn của mọi gia đình dưới đất.
Tạ ơn Cha đã thương ban cho gia đình nhân loại,
mẫu gương tuyệt vời của Thánh Gia Thất.
Xin Cha ban ơn Phúc-Âm-hoá mọi gia đình,
giúp đưa ánh sáng Tin Mừng Cứu độ,
là ánh sáng chân lý, yêu thương và bình an,
vào mọi lãnh vực đời sống gia đình chúng con.
Cho gia đình trở nên cái nôi của sự sống,
mái ấm của tình thương bao dung và hợp nhất,
ngôi trường giáo dục nên người tốt và hữu ích,
thành trì che chở phẩm giá của mọi người.
Cho mọi tư tưởng và việc làm của vợ chồng,
mang lại an hoà hạnh phúc cho gia đình.
Cho các bạn trẻ tìm gặp nơi ông bà, cha mẹ,
nguồn hỗ trợ cho sự phát triển phẩm giá làm người.
Xin Thánh Gia Thất phù hộ gia đình chúng con,
vững vàng tin yêu trong mọi gian lao thử thách,
và loan báo Chúa Giêsu Kitô là nguồn sống mới,
cho mọi gia đình, bây giờ và mãi mãi. Amen.
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam,
Tâm thư gửi các gia đình Công giáo, số 13-14