TRANG HỌC TẬP
THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN XXIII
(1881 – 1963)
Vị Mục Tử Về Kinh Mân Côi
Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII chào đời ở vùng Lombardi, Italia và có 13 anh chị em. Khi còn ở chủng viện, ngài đã là hội viên của Dòng Ba Phanxicô. Kết thúc thời gian tu học, ngài phục vụ Tòa Thánh trong nhiều công tác ngoại giao, đặc biệt là được bổ nhiệm làm sứ thần Tòa Thánh ở Pháp. Trong Thế Chiến II, khi còn là sứ thần, ngài đã cứu giúp nhiều người Do Thái khỏi những điều kinh khủng của nạn tàn sát người Do Thái thời Đức Quốc Xã. Đắc cử giáo hoàng năm 1958, ngài được tuyển chọn để dẫn dắt Giáo Hội trong những năm đầu khủng hoảng của thập niên sáu mươi. Nhận thức rằng có một sự thay đổi văn hóa đang diễn ra trong xã hội, ngài đã khai mở một công đồng lịch sử, Công đồng Vatican II vào tháng 10/1962. Đức Gioan XXIII có thói quen âm thầm ra khỏi thành Vatican để bách bộ trên những con đường ở Rôma vào ban đêm, vì thế, người ta gán cho ngài biệt danh là “Johnny Walker”. Ngài thường ngài là “Vị giáo hoàng của thánh Giuse” bởi vì ngài đã làm nhiều việc để cổ võ lòng sùng kính thánh Giuse.
Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII rất có khiếu hài hước. Một lần, khi được hỏi có bao nhiêu người làm việc ở thành Vatican, ngài đã trả lời: “Khoảng một nửa người!”. Năm 1963, ngài qua đời vì căn bệnh ung thư dạ dày.
Lòng Sùng Kính Đức Maria
Từ lúc còn thiếu thời, Đức Gioan XXIII đã có tình yêu lớn lao đối với Đức Mẹ, nhất là Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Khi là một linh mục, ngài thể hiện lòng quý mến đặc biệt đối với Đức Maria và thường xuyên viếng thăm các đền thờ được cung hiến cho Mẹ. Ngài hành hương đến Fatima ở Bồ Đào Nha; Czestochowa ở Ba Lan, và Lộ Đức (đền thờ Đức Maria mà ngài yêu thích) ở Pháp. Ngài đến Lộ Đức lần đầu tiên vào năm 1905, và tiếp sau đó là hàng loạt các cuộc hành hương đến thánh địa này trong vai trò là sứ thần. Quãng thời gian làm Tổng giám mục Venice, với tư cách là đại diện Đức Thánh Cha, ngài đã thánh hiến Vương Cung Thánh Đường mới ở Lộ Đức.
Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII tin rằng lòng sùng đạo hướng về Đức Trinh Nữ Rất Thánh là biểu hiện tâm hồn của một người Công Giáo đích thực. Trong triều đại giáo hoàng, Đức Gioan XXIII đã nỗ lực cổ võ lòng sùng kính Đức Maria. Trước khi khai mạc Công đồng Vatican II, ngài có cuộc hành hương đến Đền Thánh Loreto để cầu xin sự trợ giúp của Đức Maria cho Công đồng. Ngài chịu trách nhiệm án tuyên thánh cho nhiều vị có lòng sùng kính Đức Maria, đặc biệt là các thánh Vinh Sơn Pallotti và Phêrô Julian Eymard.
Chiến Sĩ Kinh Mân Côi
Khi còn nhỏ, Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII yêu mến Kinh Mân Côi và cầu nguyện bằng lời kinh ấy mỗi buổi tối cùng với gia đình. Ngài đem tình yêu Kinh Mân Côi vào trong đời linh mục của mình; khi là Tổng giám mục Venice, ngài đọc 15 chục Kinh Mân Côi mỗi ngày. Sau khi được bầu làm giáo hoàng, thông điệp đầu tiên (26/09/1959) trong triều đại của ngài là về Kinh Mân Côi có tựa đề Grata Recordatio. Trong đó, ngài nhắc lại và ca ngợi các thông điệp về Kinh Mân Côi của Đức Giáo hoàng Lêô XIII. Qua đó, Đức Gioan XXIII khẳng định rằng Kinh Mân Côi là biện pháp xã hội nhằm khắc phục thời đại rối ren mà ngài được chọn để dẫn dắt Giáo Hội.
Tình yêu Kinh Mân Côi của Đức Gioan XXIII lớn tới mức ngài thiết lập hẳn một lịch trình hằng ngày trong triều đại giáo hoàng cho phép ngài cầu nguyện hoàn toàn bằng Kinh Mân Côi. Ngài đọc Năm Sự Vui vào buổi sáng, Năm Sự Thương vào buổi trưa, và lúc 7h30 mỗi buổi tối ngài đọc Năm Sự Mừng với các thành viên phục vụ điện giáo hoàng (thư ký, các nữ tu, quản gia). Ngài đã viết hàng loạt bài suy niệm về các mầu nhiệm Kinh Mân Côi, và lưu ý rằng sau Thánh lễ và Các Giờ Kinh Phụng Vụ thì Kinh Mân Côi có vị trí cao quý trong số các hình thức đạo đức Kitô giáo. Đức Gioan XXIII đặc biệt hỗ trợ tôi tớ Chúa, Patrick Peyton, trong những nỗ lực của Patrick để cổ võ các chiến dịch Kinh Mân Côi và gia đình Mân Côi, và khích lệ mọi người cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi. Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII coi Kinh Mân Côi là hình thức cầu nguyện đơn giản và dễ dàng nhất.
Trích từ Donald H. Calloway, MIC,
Champions of the Rosary, Marian Press, 2016
Chuỗi ngọc Mân Côi
Lời cầu nguyện này –Kinh Mân Côi rất thánh– là hình thức đơn giản và dễ dàng nhất đối với mọi Kitô hữu.
Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII
Khi cha mẹ và con cái quây quần bên nhau đọc Kinh Mân Côi vào lúc cuối ngày, họ cùng suy ngẫm về mẫu gương sáng chói của lao động, của sự vâng phục và lòng bác ái nơi gia đình Nadarét; họ cùng học hỏi nơi Mẹ Thiên Chúa để biết âm thầm chịu đựng, cao thượng và can đảm chấp nhận những khó khăn, biết phân định những biến cố trong cuộc sống hằng ngày. Chắc chắn rằng họ sẽ đương đầu với những vấn đề của cuộc sống gia đình cách dễ dàng hơn. Nhờ đó, gia đình sẽ được biến đổi thành nơi nương ẩn bình an. Dòng nước ân huệ của Thiên Chúa sẽ chảy đến họ, ngay cả ân huệ vô giá của thiên chức linh mục hay ơn gọi tu trì.
Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII
Dù tình trạng tâm linh có thế nào đi chăng nữa, thì bất cứ ai, khi sốt sắng đọc Kinh Mân Côi, chắc chắn sẽ tìm thấy một lời mời gọi điều chỉnh cuộc sống theo đúng những nguyên tắc của Kitô giáo. Thực vậy, họ sẽ tìm thấy nơi Kinh Mân Côi một dòng suối tràn trề ân sủng, giúp họ làm trọn bổn phận của mình trong cuộc sống.
Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII
Đọc Kinh Mân Côi cách sốt sắng là một tổng thể gồm ba yếu tố. Vì mỗi chục kinh là một bức tranh, và mỗi bức tranh lại bao gồm một bộ ba yếu tố đan quyện vào nhau: chiêm ngắm huyền nhiệm, suy tư thâm sâu, và ý hướng tốt lành.
Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII
Kinh Mân Côi là một hình thức cầu nguyện và suy niệm rất đáng ngợi khen. Đang khi đọc Kinh Mân Côi, chúng ta đan kết một vòng hoa huyền nhiệm gồm Kinh Kính Mừng, Kinh Lạy Cha và Kinh Sáng Danh.
Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII
Là một thực hành đạo đức Kitô giáo, Kinh Mân Côi xếp sau Thánh lễ và Kinh Nhật Tụng dành cho hàng giáo sĩ, và dành cho giáo dân sau khi tham dự các bí tích. Đó là một hình thức đạo đức kết hiệp với Thiên Chúa và nâng tâm hồn lên tầm mức siêu nhiên.
Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII
Nguyện xin Kinh Mân Côi đừng bao giờ rời khỏi bàn tay của bạn.
Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII
Kinh Mân Côi là vinh quang của Giáo Hội Công Giáo.
Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII
Ôi, Kinh Mân Côi đầy phúc lành và niềm vui! Ôi, nơi dương thế cũng như trên các tầng trời vĩnh cửu được lắng nghe sự đảm bảo mà Kinh Mân Côi đem lại!
Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII
Tôi biết Đức Giáo hoàng Gioan. Tình yêu ngài dành cho Đức Mẹ và lòng sùng kính đối với Kinh Mân Côi đã góp phần quan trọng cho sự thăng tiến tâm linh của ngài.
Tôi tớ Chúa Patrick Peyton
Gia đình là Hội Thánh tại gia
Ngay từ đầu, Hội Thánh thường được hình thành từ những người “cùng với cả gia đình” trở thành tín hữuhttp://www.simonhoadalat.com/hochoi/giaoluat/honnhangiadinh/Bai13.htm – _ftn1 (x. Cv 18,8). Khi theo Đạo, họ ao ước cho “cả nhà” được ơn cứu độ (x. Cv 16,31; 11,14). Những gia đình tín hữu này là những hòn đảo nhỏ mang sự sống Kitô giữa một thế giới ngoại giáo, và mỗi gia đình đã thực sự là một Hội Thánh tại gia.
- Gia đình là Hội Thánh tại gia
Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới xa lạ và đôi khi thù nghịch với đức tin. Gia đình tín hữu có vai trò quan trọng nhất, vì là những ngọn đuốc đức tin sống động và chiếu sáng. Trong gia đình như một Hội Thánh nhỏ, ước gì cha mẹ là những người đầu tiên dùng gương lành và lời nói mà truyền dạy đức tin cho con cái, cũng như cổ võ ơn gọi riêng của từng đứa con và đặc biệt chăm sóc đến ơn gọi linh mục (GLHT 1656).
Gia đình là nơi thể hiện đặc biệt chức tư tế cộng đồng của người cha, người mẹ, con cái và mọi phần tử trong gia đình, nhờ lãnh nhận các bí tích, nhờ kinh nguyện, tạ ơn và chứng từ đời sống thánh thiện, hy sinh và đức ái hữu hiệu. Gia đình là trường học đầu tiên về đời sống Kitô giáo, và là một trường học phát triển nhân tính. Chính trong gia đình, người ta học biết làm việc với sự nhẫn nại và vui thích, học biết tình bác ái huynh đệ, sự quảng đại tha thứ, nhất là sự phụng thờ Thiên Chúa qua kinh nguyện và hy lễ đời sống (GLHT 1657).
- Gia đình tham dự vào cuộc sống của Hội Thánh
Cũng như Hội Thánh, gia đình Kitô hữu được mời gọi: sống mầu nhiệm hiệp thông của Chúa Ba Ngôi; đón nhận và thông truyền ơn cứu rỗi.
2.1. Sống mầu nhiệm hiệp thông của Chúa Ba Ngôi
Nơi mầu nhiệm Thiên Chúa, ba ngôi vị thần linh phân biệt với nhau, ngôi này không phải là ngôi kia, nhưng lại không hề tách rời nhau, mà chỉ là một Thiên Chúa duy nhất. Mầu nhiệm ấy là nguồn gốc và mẫu mực cho các gia đình (x. Ep 3,14-15).
2.2. Đón nhận và thông truyền ơn cứu rỗi
“Trước hết chính Mẹ Hội Thánh sinh ra, giáo dục, xây dựng gia đình Kitô hữu, bằng cách thực hiện cho nó sứ mạng mà Hội Thánh đã nhận được từ nơi Chúa mình {…}. Hội Thánh làm sinh động và hướng dẫn gia đình Kitô hữu vào việc phục vụ tình yêu, để giúp nó bắt chước và sống lại chính tình yêu hiến mình và hy sinh mà Chúa Giêsu đã dành cho toàn thể nhân loại.
Đến lượt mình, gia đình Kitô hữu cũng hoà nhập vào trong mầu nhiệm Hội Thánh đến độ được dự phần vào sứ mạng cứu rỗi đặc biệt của Hội thánh theo cách riêng của mình. Nhờ ơn Bí tích Hôn phối “trong bậc sống và trong lãnh vực của họ, đôi bạn và cha mẹ Kitô hữu cũng có được ơn riêng dành cho họ trong lòng dân Thiên Chúa”. Do đó, không những họ “nhận được” tình yêu của Đức Kitô để trở nên một cộng đồng “được cứu rỗi”, mà còn được mời gọi truyền đạt cho anh chị em của họ chính tình yêu của Đức Kitô, và như thế, họ trở nên một cộng đồng cứu rỗi người khác.” (GĐ 49).
- Gia đình tham dự vào sứ mạng của Hội Thánh
Gia đình Kitô hữu được mời gọi góp phần tích cực và có trách nhiệm vào cuộc sống và sứ mạng của Hội Thánh với tư cách là một cộng đồng thân mật của sự sống và tình yêu, một cộng đồng tham dự vào sứ mạng làm vua, tư tế và tiên tri của Đức Kitô và của Hội Thánh Ngài. Chính tình yêu và sự sống kết thành tâm điểm cho sứ mạng cứu độ của gia đình Kitô hữu trong Hội Thánh và vì Hội Thánh.
3.1. Gia đình Kitô hữu, cộng đồng tin và loan báo Tin mừng
Trước hết, gia đình Kitô hữu sống vai trò tiên tri của mình bằng cách đón nhận Lời Thiên Chúa là Đấng mặc khải cho họ cái mới mẻ kỳ diệu trong đời sống hôn nhân và gia đình. Chỉ trong đức tin họ mới có thể, với một niềm vui sướng và biết ơn, khám phá và thán phục phẩm giá của hôn nhân và gia đình mà Thiên Chúa đã nâng cao, bằng cách lấy đó làm dấu chỉ và môi trường của giao ước yêu thương giữa Thiên Chúa và con người, giữa Đức Kitô và Hội Thánh.
Tùy mức độ đón nhận Tin mừng và trưởng thành trong đức tin, mà gia đình Kitô hữu trở nên một cộng đồng loan báo Tin mừng. Sứ mạng loan báo Tin mừng này bắt nguồn từ bí tích Rửa tội và nhận được nơi bí tích Hôn phối một sức đẩy mới, để họ có thể truyền đạt đức tin, thánh hóa và biến đổi xã hội theo ý định của Thiên Chúa.
3.2. Gia đình Kitô hữu, cộng đồng đối thoại với Thiên Chúa
Khi chu toàn sứ mạng hôn nhân và gia đình của mình nhờ sức mạnh của bí tích Hôn phối, gia đình Kitô hữu được đổ tràn tinh thần của Đức Kitô, nhờ đó tất cả đời sống của họ thấm nhuần đức tin, đức cậy, đức mến, ngày càng tiến tới sự trọn lành riêng biệt của họ và sự thánh hóa lẫn nhau, cùng nhau góp phần tôn vinh Thiên Chúa. Đó là vai trò tư tế mà gia đình Kitô hữu có thể và phải chu toàn trong sự kết hợp mật thiết với toàn thể Hội Thánh, qua những thực tại hằng ngày của đời sống hôn nhân và gia đình.
3.3. Gia đình Kitô hữu, một cộng đồng phục vụ con người
Hội Thánh có sứ mạng hướng tất cả mọi người tới chỗ đón nhận Lời Thiên Chúa trong đức tin, cử hành và công bố đức tin ấy trong các bí tích và kinh nguyện, sau cùng diễn tả đức tin ấy qua những thực tại cụ thể của đời sống phù hợp với giới răn mới về tình yêu. Cũng vậy, gia đình Kitô hữu được Luật mới của Thánh Thần linh hoạt và hướng dẫn, và được mời gọi sống tình yêu phục vụ đối với Thiên Chúa và tha nhân trong sự hiệp thông mật thiết với Hội Thánh là dân tộc vương giả.
Tinh thần và thái độ phục vụ của gia đình Kitô hữu được thực hiện trước hết giữa đôi bạn và gia đình của họ, rồi được mở rộng cho cộng đồng Hội Thánh, và sau cùng phải vượt qua phạm vi những anh chị em cùng đức tin, bởi vì “mọi người đều là anh em của tôi”. Đó là một tình bác ái biết nhận ra nơi mỗi người khuôn mặt của Đức Kitô và là một người anh em mà mình phải yêu mến và phục vụ, nhất là khi họ nghèo túng, yếu đuối, đau khổ hoặc bị đối xử bất công.
Cầu nguyện
Lạy Thánh Gia Nadarét, là gương mẫu của đời sống thánh thiện, công bình và yêu thương, xin cho gia đình chúng con trở nên nơi đào tạo nhân đức, trong hiền hòa, phục vụ và cầu nguyện.
Xin cho chúng con biết cố gắng xây dựng gia đình thành nơi an ủi giữa cuộc đời đầy thử thách. Xin cho chúng con biết làm cho mọi người trong gia đình được thăng tiến, để góp phần vào việc phát triển xã hội và cộng tác trong việc xây dựng Giáo Hội.
Xin Ba Đấng luôn hiện diện trong gia đình chúng con, khi vui cũng như lúc buồn, khi làm việc cũng như lúc nghỉ ngơi, khi lo âu cũng như lúc hy vọng, khi sinh con cũng như lúc có kẻ qua đời, để dù gặp phải những thăng trầm của cuộc sống, chúng con vẫn luôn chúc tụng Chúa, cho đến ngày được sum họp với Ba Đấng trong Nước Trời. Amen.
(Lược trích, nguồn: simonhoadalat.com)