Nội San Kinh Mân Côi Số Tháng 09-2018

TRANG CHUYÊN ĐỀ

 

TÔI TỚ CHÚA GIUSE KENTENICH

Người bạn của Kinh Mân Côi

(1885-1968)

Giuse Kentenich – Tôi Tớ Chúa – sinh ở gần Cologne, Đức, năm 1885 và gia nhập Hội truyền giáo Pallotti năm 1904. Với tư cách là cha linh hướng và giáo sư tại học viện của Hội dòng ở Schoenstatt, Đức, Giuse Kentenich được thôi thúc thành lập phong trào Schoenstatt vào năm 1914. Tự bản chất, Schoenstatt là một phong trào giáo dục mang chiều kích Đức Maria. Là nhà giáo dục giới trẻ và hoạt động tông đồ Công giáo nhiệt thành, cha Kentenich cố gắng mang lại cuộc canh tân về tâm linh, luân lý và nhân chủng học trên thế giới qua Đức Maria.

Năm 1914, trong Thế chiến thứ II, Gestapo (lực lượng mật vụ của tổ chức SS do Đức Quốc xã lập ra) đã bắt giữ và bỏ tù cha Kentenich. Năm 1942, vì lý do sức khỏe, cha có cơ hội tránh được thời gian giam giữ ở một trại tập trung, nhưng cha kiên quyết chịu đau khổ vì phong trào Schoenstatt. Cha bị giam giữ 3 năm ở Dachau.  Sự đau khổ của cha đã trổ sinh hoa trái và còn tiếp tục sau khi cha được trả tự do.

Hoạt động tông đồ của cha Kentenich đi trước thời đại của ngài và chỉ được đánh giá cao vào thời kỳ hậu Công đồng Vatican II. Suốt cuộc đời, cha gặp phải rất nhiều hiểu lầm, đau khổ. Có thời điểm, cha Kentenich bị ép buộc phải chuyển giao vị trí lãnh đạo phong trào Schoenstatt cho những người khác và bị thuyên chuyển đến một cộng đoàn của Hội dòng ở Milwaukee, Wisconsin, Hoa Kỳ. Trước khi sang Hoa Kỳ, cha đã có chuyến hành hương tới đền thờ Đức Mẹ Mân Côi  Pompeii, phó thác mọi sự trong tay Đức Mẹ. Suốt thời gian lưu trú ở Wisconsin, cha không có được bất kỳ mối liên hệ nào với Schoenstatt trong 14 năm (từ 1951 đến 1965). Thật không may, trong thời gian sống trên đất khách quê người, cha lại là chủ đề của những nghi ngờ vô căn cứ và bị tước đoạt năng quyền dâng lễ công khai trong một tuần. Năm 1965, Chân phước Giáo hoàng Phaolô VI chấm dứt thời gian lưu trú của cha Kentenich và cha có thể trở lại Đức. Trong một lần trở lại Châu Âu, cha xin ra khỏi Hội truyền giáo Pallotti và trở thành linh mục giáo phận. Cha qua đời ngày 15/9/1968 (ngày Lễ Đức Mẹ Sầu Bi). Trên ngôi mộ của cha có ghi hàng chữ: “Dilexit Ecclesiam” (“Người yêu mến Giáo Hội”). Đó cũng chính là tất cả những gì cha muốn ghi khắc trên phần mộ của mình.

Lòng Sùng Kính Đức Maria

Khi Kentenich lên 9 tuổi, thân mẫu của cha buộc phải để con trai mình ở lại trại trẻ mồ côi thánh Vinh Sơn tại Oberhausen, Đức. Bởi vì bà không có khả năng chăm sóc Kentenich. Ở trại trẻ mồ côi, có bức tượng mô tả cảnh Đức Mẹ trao tràng chuỗi Mân Côi  cho Thánh Đa Minh và Thánh Catarina Siêna. Trước bức tượng này, bà đã dâng người con mình cho Đức Mẹ, đồng thời cầu xin Người dạy dỗ và làm Mẹ của đứa trẻ. Sự kiện này đã để lại ấn tượng không thể phai mờ trong tâm hồn cậu bé. Suốt cuộc đời, cha Kentenich thốt lên cụm từ nổi tiếng của Pallotti “Mater habebit curam” (“Đức Mẹ bầu chữa”) để nhắc đến sự trợ giúp đượm tình mẫu tử của Đức Trinh Nữ.

Qua việc học hỏi và sống linh đạo về Đức Mẹ trong Hội truyền giáo Pallotti, cha Kentenich nhìn nhận Đức Mẹ là nhà truyền giáo, nhà sư phạm và là vị  thầy vĩ đại. Khi mới bước vào đời tu, Kentenich đọc cuốn “Thành thực sùng kính Mẹ Maria” của thánh Louis de Montfort và chịu ảnh hưởng rất lớn từ tác phẩm này. Lúc còn là chủng sinh, thầy Kentenich chuyên tâm nghiên cứu các tác phẩm của thánh Montfort, và khi trở thành linh mục, cha giảng thuyết tại nhiều hội nghị về sự tận hiến cho Đức Mẹ theo phương pháp của thánh Montfort. Cha Kentenich là nhà hoạt động nhiệt thành của Hiệp hội Thánh Mẫu. Ngày 18/10/1914, trong buổi nói chuyện với Hiệp hội Thánh Mẫu tại Tiểu chủng viện ở Schoenstatt, cha khẩn cầu Đức Maria dựng xây Nước Mẹ tại chính nơi đó theo một cách thế đặc biệt. Sự kiện này đánh dấu bước khởi đầu của phong trào Schoenstatt. Cũng năm ấy, cha đọc một bài viết về công việc của vị tông đồ nhiệt thành là Chân phước Bartolo Longo, ở Pompeii và được gợi hứng để biến Schoenstatt thành một phong trào quốc tế.

Điểm đặc biệt của phong trào Schoenstatt là giao ước tình yêu mà các thành viên thực hiện với Mẹ Thiên Chúa, gửi gắm nơi Mẹ một tờ séc trắng, có nghĩa là Đức Mẹ có thể làm cho họ bất cứ điều gì Mẹ muốn. Hình thức tận hiến cho Đức Mẹ của phong trào Schoenstatt được hiện thực hóa bởi những thành viên yêu mến, bắt chước và kêu cầu Đức Mẹ cũng như qua các công việc tông đồ mà họ đảm trách. Tất cả các thành viên đều được gọi là sự hiện thân của Đức Mẹ trong thế giới và dẫn đưa mọi người đến gần hơn với Chúa Giêsu và Mẹ của Người bằng cách trở thành một “altera Maria” (“một Đức Maria khác”). Cha Kentenich đã sánh ví các thành viên của Schoenstatt với ngôi sao lạ của ba nhà chiêm tinh phương Đông đang đưa dẫn mọi người đến với Chúa Giêsu và Đức Maria. Nhờ trí óc thông minh, cha nhận thấy các tín điều của Giáo Hội về Đức Mẹ như một bản toát yếu những chân lý quan trọng của Công Giáo. Thuyết Thánh Mẫu học nhân chủng của cha Kentenich là tiền thân cho thần học về thân xác của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Cha Kentenich nhận thấy Đức Mẹ chính là “miếng mồi ngon” mà Thiên Chúa dùng để bủa lưới giăng bắt nhiều linh hồn. Tự bản chất, Đức Mẹ như là thỏi nam châm hút các linh hồn và Thiên Chúa mong muốn đưa chiến xa khải hoàn của Đức Mẹ vào chiến trường của thời kỳ khủng hoảng hiện nay nhằm đạt được hòa bình và sự phục hồi vạn vật trong Chúa Kitô.

Chiến Sĩ Kinh Mân Côi

Ba năm giam giữ ở trại tập trung Dahau đã giúp cha Kentenich cảm nhận sâu sắc về cuộc đấu tranh thiêng liêng giữa tốt và xấu. Trong trận chiến đó, cha nhận biết Đức Mẹ chính là người phụ nữ chiến bại vượt trên mọi thế lực sự dữ, lạc giáo và luôn nhấn mạnh rằng Kinh Mân Côi là người bạn của chúng ta. Kinh Mân Côi là vũ khí được chọn lọc kỹ lưỡng mà Đức Mẹ trao cho các chiến binh và hiệp sĩ của Mẹ trên chiến trường. Ở thời đại của ngài, cha Kentenich đã sánh ví Kinh Mân Côi như quả bom nguyên tử, hàm ý rằng tràng chuỗi Mân Côi mạnh gấp nhiều lần bất cứ quả bom nhân tạo khổng lồ nào. Cha dạy rằng trên chiến trường, con của Đức Mẹ thì không có gì phải sợ hãi vì Mẹ là Nữ Vương Chiến Thắng và là Mẹ Khải Hoàn của Thiên Chúa. Cha thường mạnh dạn tuyên bố: “Servus Mariae Nunquam Peribit” (“Người tôi tớ Đức Mẹ sẽ không bao giờ hư mất”).

Cha Kentenich dạy rằng Đức Maria là nhà sư phạm vĩ đại của chúng ta và lớp học của Đức Mẹ chính là Kinh Mân Côi. Bằng chuỗi Mân Côi, Mẹ chỉ dạy con cái tránh bất cứ điều gì khiến Cha trên Trời buồn lòng. Kinh Mân Côi là người bạn không chỉ trong cuộc chiến mà còn trong những lúc vui mừng, hân hoan; bởi vì Kinh Mân Côi giúp chúng ta tránh xa tội lỗi. Năm 1950, để thực hiện nỗ lực mới mẻ trong công cuộc rao giảng Tin Mừng bằng Kinh Mân Côi, một hoạt động tông đồ mang tên chiến dịch Mân Côi  Schoenstatt đã được khai sinh tại Braxin. Hoạt động này lan rộng nhanh chóng, và đến năm 1976 mở rộng sang nhiều quốc gia khác ở Nam Mỹ. Năm 1985, nhân dịp lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cha Kentenich, chiến dịch Mân Côi Schoenstatt đã lan rộng trên quy mô toàn cầu và bắt đầu lan truyền khắp thế giới.

 

Chuỗi ngọc Mân Côi

Trong thời hiện đại, giải pháp tuyệt vời, ảnh hưởng đến các sự kiện thế giới hơn tất cả các nỗ lực ngoại giao, và có tác động mạnh mẽ đối với đời sống xã hội hơn mọi tổ chức, chính là Kinh Mân Côi.

Giuse Kentenich – Tôi tớ Chúa

Vào thời Trung cổ, giáo phái Cathar (những người ủng hộ bè lạc giáo An-bi-gioa) lan tràn rất nhanh. Các vua chúa tìm cách tiêu diệt giáo phái này. Nhờ Kinh Mân Côi, lạc giáo này đã bị đánh bại.

Giuse Kentenich – Tôi tớ Chúa

Kinh Kính Mừng (của chuỗi Mân Côi ) đưa chúng ta vào nơi linh thánh trong trái tim Đức Mẹ.

Giuse Kentenich – Tôi tớ Chúa

Kinh Mân Côi là một loại súng máy và bom nguyên tử, đó là loại vũ khí vượt xa tất cả các vũ khí chiến tranh hiện đại để đánh bại kẻ thù của Chúa.

Giuse Kentenich – Tôi tớ Chúa

Kinh Mân Côi tỏ ra là người bạn trong cuộc sống và công việc của những người vĩ đại.

Giuse Kentenich – Tôi tớ Chúa

Kinh Mân Côi là người bạn tốt trong những lúc hân hoan, vui mừng và còn tốt hơn nữa khi chiến đấu. Ngày nay trống trận vẫn tiếp tục vang lên. Cuộc đời chúng ta là một trận chiến lớn. Chúng ta cần đến những người bạn tốt và trung nghĩa. Kinh Mân Côi chính là người bạn như vậy trong trận chiến lớn của thời đại này.

Giuse Kentenich – Tôi tớ Chúa

Kinh Mân Côi là người bạn tốt của chúng ta. Thói quen lần chuỗi Mân Côi định hình chúng ta trở nên giống Chúa Kitô. Nhờ Kinh Mân Côi, chúng ta trở thành hiện thân của Chúa Kitô và gặp gỡ Người. Có được một người bạn tốt thật quan trọng biết bao! Người bạn đem đến cho đứa trẻ cảm giác được che chở ngay cả khi ở một nơi lạ lẫm. Người bạn tốt là kho báu tuyệt vời và rất quý hiếm. Ôi, chúng ta đã nói và hát những điều đẹp đẽ về tình bạn! Và chúng ta có thể nói và hát tất cả những điều ấy về Kinh Mân Côi, người bạn tốt lành của chúng ta!

Giuse Kentenich – Tôi tớ Chúa

Những hoa trái của thế giới và của Giáo Hội có được là nhờ Kinh Mân Côi.

Giuse Kentenich – Tôi tớ Chúa

Những ai cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi thì sinh lợi ích cho toàn thể nhân loại nhiều hơn tất cả các nhà hùng biện và nghị sĩ, nhiều hơn các nhà tổ chức, thư ký và văn sĩ; nhiều hơn các nhà tư bản ngay cả khi họ làm nên toàn bộ của cải cho Giáo Hội.

Giuse Kentenich – Tôi tớ Chúa

Chúng ta hãy đắm mình trong biển tình mà Kinh Mân Côi cho chúng ta được uống thỏa chí, và để tình yêu mãnh liệt của Chúa Kitô và Mẹ Người đốt cháy tâm hồn yếu đuối của chúng ta.

Giuse Kentenich – Tôi tớ Chúa

 

Đồng hành với các gia đình trẻ

Đồng hành với các gia đình trẻ là yếu tố quan trọng trong Mục vụ gia đình. Mục vụ hôn nhân không chỉ dừng lại ở khoá chuẩn bị nhưng phải đồng hành với các đôi vợ chồng trẻ trong những năm tiếp theo, bằng cách giúp họ hiểu rằng: (1) Hôn nhân là một hành trình dài, trong đó mỗi người phải gạt đi những ảo tưởng để đón nhận bạn đời của mình như họ là, cùng nhau nên hoàn thiện hơn mỗi ngày; (2) Hành trình này đòi hỏi sự kiên nhẫn, hiểu biết, hy sinh và quảng đại; (3) Hành trình đó giúp đôi bạn đào sâu và làm phong phú hơn quyết định của họ khi bước vào đời sống hôn nhân (Niềm vui của tình yêu, số 223).

4- Các linh mục và các cộng đoàn giáo xứ đóng vai trò quan trọng trong việc đồng hành này, cụ thể qua những việc sau:

– Cổ võ việc cầu nguyện chung trong gia đình, năng tham dự Thánh Lễ và lãnh nhận các bí tích;

– Tổ chức những buổi tĩnh tâm cho các đôi vợ chồng trẻ;

– Tổ chức thánh lễ nhân dịp kỷ niệm hôn phối, để tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho đời sống gia đình;

– Tổ chức những buổi nói chuyện về đề tài cụ thể như: sinh sản và giáo dục con cái, những vấn đề thường gặp sau khi kết hôn, cách giải quyết xung đột trong gia đình;

– Chia sẻ kinh nghiệm của các đôi vợ chồng đi trước, đặc biệt gương sáng và kinh nghiệm của cha mẹ đôi bên có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với các gia đình trẻ;

– Sinh hoạt nhóm nhỏ theo mô hình “cộng đoàn Giáo Hội cơ bản”, ở đó các gia đình trẻ có thể chia sẻ và nâng đỡ nhau cách cụ thể.

Chúng tôi ước mong các đoàn thể tông đồ quan tâm nhiều hơn đến các gia đình trẻ, có những hoạt động thích hợp để quy tụ và đồng hành với họ trong những năm đầu đời của sống hôn nhân, những năm ngập tràn hạnh phúc nhưng cũng không ít thử thách.

5- Nhân dịp này, chúng tôi muốn hướng anh chị em tới một gia đình lớn hơn là Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, trải dài trong suốt bề dày lịch sử truyền bá đức tin. Năm 2018, chúng ta sẽ kỷ niệm 30 năm Toà Thánh nâng 117 vị Tử đạo lên hàng hiển thánh. Đây là một dấu son trong lịch sử và là niềm tự hào của Giáo Hội Việt Nam. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Hội những chứng nhân anh dũng, dám sống mầu nhiệm hạt lúa được gieo vào lòng đất, chấp nhận chết đi để mang lại nhiều hoa trái (x. Ga 12,23-25). Thật vậy, trong lễ phong thánh tại Rôma, ngày 19-6-1988, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhắn nhủ: “Hỡi các Kitô hữu Việt Nam, chúng tôi có thể nói rằng máu Các Thánh Tử Đạo là cho anh chị em, là nguồn ân sủng để tăng trưởng đức tin. Nơi anh chị em, đức tin của cha ông chúng ta tiếp tục được thông truyền cho những thế hệ mới. Đức tin này là nền tảng giúp cho anh chị em, vừa trung thành với quê hương Việt Nam, vừa tiếp tục là những môn đệ đích thực của Đức Kitô”.

Kỷ niệm biến cố phong Thánh Tử Đạo là dịp để chúng ta ôn lại đời sống chứng nhân của các ngài, noi gương các ngài, sống tinh thần Phúc Âm trong mọi hoàn cảnh, cộng tác phần mình xây dựng một Giáo Hội vững mạnh và một xã hội công bằng và nhân ái. Để kỷ niệm biến cố quan trọng này, chúng tôi sẽ bàn thảo và đưa ra những đề nghị, nhằm hướng tới một chương trình bao gồm cử hành, học hỏi và sống đức tin. Cử hành để tạ ơn Chúa, tôn vinh các bậc Tiền Nhân và xin các ngài bầu cử cho Giáo Hội và Quê Hương; học hỏi để hiểu biết cuộc đời và ý nghĩa sự hy sinh cao cả của các ngài; sống đức tin theo gương các Thánh Tử Đạo là những người trước khi chết vì Đạo thì đã sống cho Đạo, Đạo làm người và Đạo làm con cái Chúa.

Hội đồng Giám mục Việt Nam,
(Thư mục vụ gửi cộng đồng Dân Chúa 2018, số 4-5)

 

Kinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Lạy các Thánh Tử đạo Việt Nam, là con thảo của Cha trên trời, là chứng nhân anh dũng của Chúa Kitô, là thành phần trung kiên của Hội Thánh. Nay chúng con xin hợp với các ngài, và với Đức Trinh Nữ Maria, là Nữ Vương các Thánh Tử Đạo, mà ca tụng Chúa muôn trùng cao cả. Xưa Chúa ban cho các ngài được vững tin vào lời Chúa, và đầy sức mạnh của Thánh Thần, nên các ngài đã kiên tâm chịu gian lao đau khổ, quyết một lòng theo Đức Kitô trên con đường Thập Giá và hy sinh đến giọt máu cuối cùng. Các ngài đã chấp nhận nên hạt lúa gieo vào lòng đất, để Hội Thánh Việt Nam thu lượm được một mùa lúa dồi dào. Nay Hội Thánh lại dâng các ngài lên Chúa, như hoa quả đầu mùa để cảm tạ tri ân. Các ngài đã yêu mến quê hương, xin cầu cho Đất Nước được an vui hạnh phúc, và góp phần xây dựng một thế giới hoà bình. Các ngài đã cam lòng chịu chết mà không oán hận, xin cầu cho đồng bào mọi giới biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Các ngài đã hy sinh tất cả vì đức tin, xin cầu cho mọi Kitô hữu biết sống và chia sẻ niềm tin của mình. Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam, là những bậc tiền nhân đã hoàn thành sứ mạng, xin chuyển cầu cho chúng con là con cháu được noi gương các ngài, biết đem lòng bác ái dấn thân vào phục vụ, để một ngày kia trên thiên quốc, chúng con được hợp tiếng với các ngài, ca tụng tạ ơn Chúa muôn đời vinh hiển. Amen.

Chia sẻ Bài này:

Related posts