NỮ ĐAN VIỆN ĐA MINH TRANG HỌC TẬP
HUẤN QUYỀN VỀ KINH MÂN CÔI
CÔNG HIỆU CỦA KINH MÂN CÔI TRONG LỊCH SỬ
Dưới đây là nguyên văn Thông điệp “Supremi Apostolatus Officio” của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII ban hành ngày 01/09/1883.
Tông Tòa Tối Cao mà Ta đang phải gánh vác, cùng với tình trạng khó khăn càng ngày càng tăng thêm vào những thời buổi này, lưu ý và thôi thúc Ta hằng ngày phải cẩn trọng canh phòng sự an toàn cũng như an sinh của Giáo Hội, để rồi, càng quan tâm mới càng thấy các tai ương Giáo Hội phải chịu càng nhiều. Bởi thế, trong khi nỗ lực bằng mọi cách để bảo trì các quyền lợi của Giáo Hội, cũng như để vô hiệu hóa hoặc đẩy lui những nguy hại hiện nay đang lan tràn, Ta không ngừng tìm cầu sự trợ giúp bởi trời – một phương cách duy nhất có đủ mọi tác dụng – ngõ hầu những công khó và việc coi sóc của Ta đạt được như lòng mong ước.
Để được như vậy, Ta cho rằng không thể có một phương cách nào vững chắc hơn và hiệu nghiệm hơn là, nhờ việc tôn sùng và thảo hiếu, chiếm được lòng của Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Đấng Canh Giữ bình an của chúng ta và là Vị Thừa Tác ban phát ơn trời cho chúng ta, Đấng được ban cho tối thượng quyền và hiển vinh ở trên trời, để Người có thể ban ơn trợ giúp xuống cho con người, thành phần đang trải qua bao khó nhọc và hiểm nguy trên con đường tiến về kinh đô vĩnh cửu.
Giờ đây, đã gần đến dịp tưởng nhớ đến biết bao hồng ân cao cả khôn lường mà Kitô hữu nhận được nhờ lòng sùng kính Kinh Mân Côi, Ta ước mong cho lòng sùng kính này được toàn thể Giáo Hội hoàn vũ thực thi bằng cả nhiệt tình thắm thiết nhất đối với Đức Trinh Nữ, để, nhờ sự cầu bầu của Người, Người Con Thần Linh của Người nguôi giận và thương đến chúng ta đang ở trong cơn khốn khổ đọa đầy. Bởi đó, quí huynh thân kính, Ta quyết định phổ biến đến quí huynh bức thư này, theo như lòng mong ước của Ta, là quí huynh hãy dùng quyền bính và lòng nhiệt thành của mình mà khơi lên tấm lòng sùng mộ nơi thành phần dân Chúa của quí huynh, trong việc thực hiện những ước vọng của chúng ta.
Người Công Giáo vốn có thói quen là luôn luôn chạy đến náu ẩn nơi Mẹ Maria trong những lúc gian nguy khốn khó, để tìm bình an nơi lòng từ mẫu nhân ái của Người, một thói quen chứng tỏ Giáo Hội Công Giáo luôn luôn đặt tất cả tin tưởng và hy vọng một cách chính đáng của mình nơi Mẹ Thiên Chúa. Người là Đấng đã liên kết với Chúa trong công cuộc cứu rỗi loài người, được đặc quyền và năng quyền hơn mọi phàm nhân và thần thánh trên trời từng được hay có thể được. Và, vì nguyện vọng tha thiết nhất của Mẹ là ban ơn trợ giúp và ủi an cho những ai tìm kiếm Mẹ, thì còn hồ nghi gì nữa khi bảo rằng, Mẹ hân hoan, nếu không muốn nói là nao nức, nhận lấy những khát vọng của Giáo Hội hoàn vũ.
Việc tôn sùng rất cao cả và đáng tin cậy đối với Nữ Vương uy linh Thiên Đàng này chưa bao giờ chiếu giải ánh quang như những lúc Giáo Hội chiến đấu của Thiên Chúa gặp gian nguy bởi những tấn công của lạc thuyết lan tràn, bởi đạo đức băng hoại không thể chấp nhận được, hay bởi những tấn công của các địch thủ dũng mãnh. Lịch sử trong quá khứ cũng như mới đây, nhất là Giáo sử biên niên, còn ghi chứng về những lời cầu chung riêng dâng lên Mẹ Thiên Chúa xin ơn trợ giúp đã được Mẹ ban cho, và xin ơn an bình trật tự cũng đã được Thiên Chúa ban cho qua Mẹ. Bởi thế, Mẹ xứng danh là “Đấng Phù Hộ Các Giáo Hữu”, “Đấng An Ủi Kẻ Âu Lo”, “Quyền Năng Chiến Đấu của chúng ta”, “Nữ Vương Vinh Thắng”, “Nữ Vương Hòa Bình.” Trong số những tước hiệu này, một tước hiệu quen thuộc đáng chú ý nhất là tước hiệu Mân Côi, một tước hiệu mà những ơn ích tỏ tường Người đã xin cho toàn thể thế giới Kitô giáo vẫn được tưởng nhớ một cách long trọng.
Quí huynh thân kính, không một ai trong quí huynh lại không nhớ đến việc Hội Thánh Chúa, vào cuối thế kỷ 12, đã chịu đựng một cơn hoạn nạn hết sức đau buồn gây ra do bè rối Albigensê, miêu duệ của các Hậu Nhị Nguyên Thuyết, một bè rối lan tràn ở miền Nam nước Pháp và các phần đất khác thuộc thế giới Latinh, đầy những sai lầm hiểm hại cùng với những lực lượng tàn sát và tàn phá khủng khiếp khắp nơi khắp chốn.
Thiên Chúa nhân lành của chúng ta, như quí huynh biết, đã dùng một vị rất thánh thiện để chống lại các kẻ địch thù lợi hại này, đó là vị tổ phụ lừng danh sáng lập dòng Đa Minh. Cao cả ở giáo thuyết thuần tín, ở gương sáng các nhân đức và ở các công cuộc tông đồ của mình, thánh nhân đã dũng liệt tấn công các đối thủ của Giáo Hội Công Giáo, không phải cậy dựa vào khí giới, song bằng việc tôn sùng mà ngài là người đầu tiên khởi xướng lên, việc tôn sùng dưới tước hiệu Rất Thánh Mân Côi, việc tôn sùng mà ngài cũng như các môn đệ của ngài đã truyền bá khắp nơi trên thế giới.
Thật vậy, được thần hứng và ân sủng hướng dẫn, thánh nhân đã thấy trước được rằng việc tôn sùng này như là một khí giới chiến đấu vô địch sẽ đẩy lui địch thủ, khống chế được lòng vô đạo điên cuồng và ngang tàng của họ. Thành quả đúng là như vậy. Nhờ phương thức cầu nguyện mới mẻ này – khi được chấp nhận và thi hành như thánh Đa Minh sáng lập dòng thuyết giáo – lòng đạo đức, đức tin và sự hiệp nhất bắt đầu vãn hồi; những dự tính và sách lược của các kẻ lạc đạo tan như mây khói. Nhiều kẻ lạc bước quay về con đường cứu rỗi, và cơn phẫn nộ của những kẻ vô đạo bị kiềm tỏa bởi khí giới của những người Công Giáo cương quyết chống lại cuộc tấn công của họ.
Công hiệu và quyền lực của việc tôn sùng này còn được thể hiện trong thế kỷ 16, khi mà lực lượng hùng hậu của người Thổ Nhĩ Kỳ đang đe dọa chụp cái gông hoang đường và man rợ lên gần hết cả Âu Châu. Đức giáo hoàng lúc ấy là thánh Piô V, sau khi khơi động lòng nhiệt thành của các vua chúa trong việc cùng nhau tự vệ, đã hăng hái nỗ lực, hơn hết mọi sự, để xin Mẹ Thiên Chúa hết sức quyền năng thương đến thế giới Kitô giáo. Tấm gương hết sức cao quí này được dâng lên thiên đình, và tất cả hợp một lòng một ý với ngài lúc bấy giờ. Thế là, sẵn lòng hy sinh mạng sống và máu đào để bảo toàn Đức Tin và quê hương của mình, các chiến sĩ tín hữu Chúa Kitô hiên ngang đối đầu với địch quân ở gần vịnh Côrintô; trong khi đó, những người không thể đi chiến đấu như họ thì hợp lại thành đạo quân sốt sắng nguyện cầu, hiệp nhất trong lời Kinh Mân Côi liên tục chúc tụng Mẹ Maria, kêu xin Người ban chiến thắng cho thành phần đang chiến đấu của mình. Đức Mẹ cao sang quả thật đã ban ơn trợ giúp. Trong trận thủy chiến gần quần đảo Echinades, hạm đội Kitô hữu đã đại thắng mà không bị thiệt hại nặng và địch quân hoàn toàn thảm bại.
Để tưởng nhớ đặc ân này và để kỷ niệm một cuộc chiến đáng ghi nhớ như thế, vị Thánh giáo hoàng này đã muốn lập một lễ tôn kính Đức Mẹ Thắng Trận, một lễ mà Đức giáo hoàng Gregôriô XIII đã đặt cho danh xưng là “Rất Thánh Mân Côi”.
Trong thế kỷ qua còn có những thành quả quan trọng khác tương tự như thế đối với quân Thổ Nhĩ Kỳ tại Temesvar nước Hung Gia Lợi và ở Corfu. Trong cả hai trường hợp này đều dính dáng trùng hợp với các ngày lễ của Đức Mẹ và với các cuộc tổ chức đọc Kinh Mân Côi chung. Kết quả đã làm cho vị tiền nhiệm của Ta là Đức Clementê XI, để tỏ lòng tri ân, đã truyền cho cả Giáo Hội hằng năm phải đặc biệt tôn kính Đức Mẹ Thiên Chúa bằng Kinh Mân Côi của Người.
Từ đó, thể thức cầu nguyện này rõ ràng là một cách cầu nguyện đẹp lòng Đức Trinh Nữ, và cũng là một phương tiện hiệu nghiệm trong việc bảo vệ Giáo Hội và mọi Kitô hữu. Bởi thế, không lạ gì đã có một số vị tiền nhiệm của Ta tỏ ra mộ mến và thúc giục truyền bá ra cho sâu rộng.
– Đức Urbanô IV chứng nhận là: “mỗi ngày Kinh Mân Côi mang lại những ơn phúc mới mẻ cho Kitô giáo.”
– Đức Sixtô IV tuyên ngôn rằng phương pháp cầu nguyện này “làm tăng thêm việc tôn vinh Thiên Chúa và Đức Trinh Nữ, cũng như rất thích hợp trong việc phòng ngừa những hiểm nguy đang đe dọa”.
– Đức Lêô X: “Kinh Mân Côi được thiết lập để chống lại các kẻ gieo rắc lầm lạc và các lạc thuyết.”
– Đức Giuliô III lại gọi Kinh Mân Côi là “vinh quang của Giáo Hội.”
– Thánh Piô V nói rằng “nhờ việc truyền bá lòng tôn sùng này mà tín hữu trở nên nhiệt tình hơn trong việc suy niệm và sốt sắng hơn trong việc cầu nguyện; họ biến đổi một cách nhanh chóng; bóng tối lạc thuyết biến tan và ánh sáng Đức Tin Công Giáo bừng rạng trong vinh quang đổi mới.”
– Sau hết, Đức Gregôriô XIII công bố rằng: “Kinh Mân Côi được thánh Đa Minh thiết lập để ngăn cản cơn thịnh nộ của Thiên Chúa và để kêu cầu sự can thiệp của Đức Trinh Nữ Maria.”
Cảm kích trước những lời và gương sáng này của các vị tiền nhiệm, Ta tin rằng, với cùng một lý lẽ như các ngài, đây là lúc thuận tiện nhất cho việc thiết lập những kinh nguyện chung và cho việc cố gắng lợi dụng những lời kinh nguyện của chuỗi Kinh Mân Côi dâng lên Đức Trinh Nữ, để xin Chúa Giêsu Kitô, Con Mẹ, một sự trợ giúp tương tự đối với những hiểm nguy hiện nay. Quí huynh thân kính, quí huynh đã thấy rõ những thử thách mà Giáo Hội hằng ngày phải đương đầu: lòng đạo đức Kitô hữu, nền luân lý chung, không những thế, ngay cả chính Đức Tin, sự thiện tối cao và đầu mối của mọi sự.
Ban hành tại Rôma, ngày 01/09/1883
Đức Giáo Hoàng Lêô XIII