THÁNH MAXIMILIANÔ KÔNBÊ
Hiệp sĩ Kinh Mân Côi
(1894-1941)
Thánh Maximilianô Kônbê sinh tại Zdunska Wola, Ba Lan và là tu sĩ Dòng Phanxicô. Khi còn rất trẻ, Maximilianô đã có bằng tiến sĩ Triết học và Thần học từ các trường đại học giáo hoàng tại Rôma. Trong thời gian học tập ở Rôma, thánh nhân rất lo lắng khi chứng kiến các thành viên Hội Tam Điểm ra sức chống phá Giáo Hội và Đức Giáo Hoàng. Trước hoàn cảnh đó, ngài thành lập Hội Militia Immaculate (MI – đội quân vô nhiễm) vào năm 1917, cùng năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima. Đội quân Vô Nhiễm là phong trào chống lại Hội Tam Điểm và những người theo chủ nghĩa duy tân thâm nhập vào Giáo Hội.
Thánh Maximilianô luôn cháy lửa nhiệt thành phục vụ Chúa Kitô và Giáo Hội qua công việc tông đồ, và thậm chí ngài còn truyền giáo ở vùng Viễn Đông, đặc biệt là ở Nhật Bản. Ở Nagasaki, ngài thiết lập một cộng đoàn mà sau này sẽ được che chở cách lạ lùng trong vụ ném bom nguyên tử vào ngày 09/8/1945. Trong Thế chiến thứ II, thánh Maximilianô trở lại châu Âu, rồi bị lực lượng Gastapo bắt giữ và giải ngài đến trại tập trung của Đức Quốc Xã ở Auschwitz. Trong một hành vi bác ái Kitô giáo anh hùng, ngài đã tình nguyện chết thay cho một người đàn ông hoàn toàn xa lạ, Franciszek Gajownzek, bởi vì người này đã lập gia đình. Ý định của Đức Quốc Xã là giết cha Maximilianô cùng mọi người ở trong phòng giam bằng cách bỏ đói. Tuy nhiên, sau hai tuần, thánh nhân đã sống sót lâu hơn cách tù nhân khác, và Đức Quốc Xã đã giết ngài bằng một mũi tiêm thuốc độc. Thi thể ngài được hỏa táng tại trại tập trung vào ngày 15/8/1941, nhằm ngày Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Vì tình yêu quả cảm, Giáo Hội tuyên bố Maximilianô là vị tử đạo về lòng nhân hậu. Khi Maximilianô được phong chân phước vào năm 1971 và phong thánh vào năm 1982, Franciszek Gajownzek, người đàn ông mà được thánh nhân cứu sống, cũng hiện diện trong các buổi lễ.
Lòng Sùng Kính Đức Maria
Khi còn thơ bé, Maximilianô thường bày tỏ mong muốn trở thành người lính. Năm 1906, sau lần thân mẫu ngài hỏi về mong muốn sau này sẽ làm gì, ngài thấy một thị kiến về Đức Maria. Trong đó, Đức Mẹ trao cho ngài hai chiếc vương miện: một chiếc màu trắng tượng trưng cho sự tinh khiết và một chiếc màu đỏ tượng trưng cho sự tử đạo. Đức Mẹ đã hỏi ngài muốn chọn chiếc nào. Vì lòng nhiệt thành của người lính, ngài thưa rằng muốn cả hai. Từ khoảnh khắc ấy, lòng sùng kính của chàng trai Maximilianô dành cho Đức Maria tựa như hiệp sĩ thời trung cổ đối với nữ hoàng xinh đẹp của mình. Maximilianô đã giúp khơi lại lòng sùng kính Đức Maria nơi nhiều người Công giáo. Trong nhà Kônbê, gia đình có một bàn thờ tôn kính Đức Mẹ Czestochowa, Nữ Vương Ba Lan, nơi Maximilianô dành nhiều giờ cầu nguyện trước bức ảnh Nữ Vương của ngài.
Không lâu sau khi gia nhập Dòng Phanxicô, thầy Maximilianô được gửi đến Rôma học tập. Chính tại Rôma, lần đầu tiên ngài được nghe về sự biến đổi kỳ diệu của Anphongsô Ratisbonne. Ratisbonne là người đàn ông Do Thái đã nhận được một thị kiến về Đức Maria vào năm 1842, cuối cùng dẫn đến việc ông trở lại Công giáo, trở thành một nhà hoạt động nhiệt thành cho Hội dòng Ảnh Phép Lạ, sau đó, chịu chức trở thành một linh mục Dòng Tên. Câu chuyện này đã gợi lên nơi tâm hồn Maximilianô mong muốn sử dụng Ảnh Phép Lạ như một phương thức cầu nguyện hầu giúp các kẻ thù của Giáo Hội biết hoán cải, đặc biệt là những thành viên của hội Tam Điểm và những người theo chủ nghĩa duy tân. Trong quá trình chuẩn bị thành lập Đội quân Vô Nhiễm, ngài nghiên cứu những lần Đức Mẹ hiện ra với thánh Catarina Labôrê, nhất là tập trung vào lời hứa của Đức Mẹ về bức linh ảnh. Thánh Maximilianô tin tưởng vào quyền năng của Ảnh Phép Lạ đến nỗi khi thành lập Đội quân Vô Nhiễm, ngài đã yêu cầu mỗi thành viên đeo một tấm ảnh. Sau khi đã được chịu chức linh mục, ngài dâng thánh lễ mở tay ở nhà thờ Thánh Anrê Fratte, Rôma, nơi Anphongsô Ratisbonne nhận được thị kiến về Đức Maria. Suốt đời linh mục, cha Maximilianô dùng ảnh Phép lạ như là một thứ vũ khí linh thiêng chống lại kẻ thù của Chúa Kitô.
Năm 1927, ngài thành lập một tu viện ở Ba Lan với tên gọi Thành Đô Vô Nhiễm (Niepokalanów), đôi khi còn được gọi là Thị trấn Đức Maria. Tu viện nhanh chóng trở thành một trung tâm hoạt động tông đồ sôi nổi về Đức Maria, gồm có đài phát thanh và một nhà xuất bản văn chương về Đức Trinh Nữ. Có thời điểm, tu viện là nơi trú ngụ của gần 900 tu sĩ. Năm 1983, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viếng thăm Niepokalanów.
Cha Maximilianô cũng xuất bản một tạp chí rất phổ biến với tựa đề “Hiệp sĩ Vô Nhiễm”. Năm 1930, khi đang truyền giáo ở Nhật Bản, ngài đã thiết lập một cộng đoàn truyền giáo tại Nagasaki với tên gọi “Vườn Vô Nhiễm”. Là tu sĩ Phanxicô, ngài có một tình yêu mãnh liệt dành cho Đức Mẹ Vô Nhiễm và cá nhân hóa tước hiệu ấy thành “Immaculata”- Đấng Vô Nhiễm. Khởi đi từ lòng nhiệt thành đối với tước hiệu “Immaculata”, ngài dành tình yêu đặc biệt cho Lộ Đức vì Đức Mẹ hiện ra với thánh Bernadette dưới tước hiệu Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Như hầu hết các nhà hoạt động khác về việc thánh hiến cho Chúa Giêsu qua Đức Mẹ, cha Maximilianô cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng của thánh Louis de Montfort khi tổng hợp truyền thống Công giáo về lòng sùng kính Đức Maria. Từ đó, ngài trình bày phương pháp của riêng mình về sự tận hiến cho Đức Mẹ. Cha tin rằng những ai trao dâng đời mình cho Đức Mẹ sẽ trở thành những khí cụ ngoan ngùy của Mẹ trong việc “Maria hóa” muôn vật trong Chúa Kitô. Dựa theo truyền thống của Dòng Phanxicô trong tư tưởng về Đức Mẹ, ngài cũng nhấn mạnh vai trò của Mẹ như Tân Nương của Chúa Thánh Linh, thậm chí còn nói rõ rằng Đức Mẹ là hóa thân của Chúa Thánh Linh. Ngài còn đi xa hơn khi nói rằng mục đích thực sự của người môn đệ Chúa Kitô là để được “hóa thể” vào trong Đức Mẹ Vô Nhiễm. “Hóa thể” có nghĩa tất cả môn đệ Chúa Kitô đều trở thành “một Đức Maria khác” trong sự hiện hữu của mình, đó là: vô nhiễm, trinh khiết, thánh thiện và hoàn hảo. Qua Đấng Đồng Cứu Chuộc Vô Nhiễm và cũng là Trung gian của mọi Ân Sủng, cha Maximilianô thực sự mong muốn đem tất cả các linh hồn về cho Chúa Kitô.
Chiến Sĩ Kinh Mân Côi
Thánh Maximilianô là hiệp sĩ Kinh Mân Côi thực thụ. Ngài cầu nguyện với Kinh Mân Côi mọi ngày trong suốt đời linh mục. Mặc dù có ý định dùng ảnh Phép Lạ làm vũ khí chính yếu của Đội quân Vô Nhiễm, nhưng ngài vẫn yêu cầu mọi thành viên phải cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi hằng ngày. Ngài rao giảng và diễn thuyết thường xuyên về sức mạnh của Kinh Mân Côi, chỉ dạy anh em về lịch sử của Kinh Mân Côi, và đưa ra một hình thức hỏi thưa về các mầu nhiệm Mân Côi. Là hiệp sĩ của Đức Mẹ Vô Nhiễm, thánh Maximilianô hiểu rằng Kinh Mân Côi là thanh gươm linh thiêng. Đồng thời, ngài nhận thấy rõ ràng mỗi hiệp sĩ của Đức Mẹ Vô Nhiễm (thành viên của Đội quân Vô Nhiễm) phải đọc Kinh Mân Côi với tấm lòng yêu mến và sốt sắng.
Năm 1941, khi thánh Maximilianô bị Đức Quốc Xã bắt giữ và giải đến trại tập trung, một trong số các sỹ quan Đức Quốc Xã để ý thấy chuỗi hạt Mân Côi treo ở áo dòng của thánh nhân. Và hắn đã dùng chuỗi hạt như một phương tiện tra tấn ngài. Hắn giật chuỗi Mân Côi một cách thô bạo, giơ thánh giá lên trước mặt ngài, hỏi xem liệu ngài có thực sự tin tưởng vào Chúa Giêsu và Kinh Mân Côi không. Câu trả lời của thánh Maximilianô kiên quyết là “có”. Chính vì thế mà nhiều lần, ngài đã bị đánh đạp tàn nhẫn trước mặt các tù nhân khác. Trong trại Auschwitz, thánh Maximilianô thường xuyên hướng dẫn các tù nhân khác cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi, nhất là những người bị giam chung phòng với ngài. Thánh nhân vừa là vị tử đạo về lòng bác ái, vừa là Hiệp sĩ Kinh Mân Côi.
Chuỗi ngọc Mân Côi
Nguồn gốc của Kinh Mân Côi đã được nhiều người biết đến. Một nhân chứng cùng thời với thánh Đa Minh, cha Tiery thành Alpola (1228-1297) – tu sĩ Dòng Đa Minh, kể lại chi tiết về Kinh Mân Côi. Cha nói rằng thánh Đa Minh không thể hoán cải những người lạc giáo ở một nơi chốn nhất định; cha thánh đã trở về với Đức Trinh Nữ Maria, Đấng mà ngài sùng kính từ thời thơ ấu và khẩn cầu Mẹ trợ giúp. Sau đó, Nữ Vương Thiên Đàng đã hiện ra với thánh Đa Minh, trao cho thánh nhân tràng chuỗi Mân Côi và hướng dẫn ngài truyền bá Kinh Mân Côi. Cha thánh sốt sắng bắt tay vào việc và kể từ đó, ngài dễ dàng thu phục một số lượng lớn các linh hồn lầm lạc, cả trăm ngàn người. Toàn thể thế giới Công giáo hân hoan đón nhận Lời kinh rất thánh Mân Côi. Vô số ân sủng cũng như những phép màu về ơn hoán cải đã minh chứng cho nguồn gốc siêu nhiên của Kinh Mân Côi.
Thánh Maximilianô Kônbê
Các Đức Giáo hoàng đều đề cao Kinh Mân Côi. Đức Giáo hoàng Adrianô VI khẳng định: “Kinh Mân Côi đánh bại Satan”. Đức Giáo hoàng Phaolô III đã nói: “Nhờ Kinh Mân Côi của thánh Đa Minh, Thiên Chúa đã kìm nén cơn thịnh nộ của Người đối với nước Pháp và Ý”, và Đức Giáo hoàng Giuliô III tuyên bố: “Kinh Mân Côi là niềm vinh dự của Hội Thánh Công Giáo”. Đức Grêgôriô XIV nói: “Kinh Mân Côi tẩy trừ tội lỗi, phục hồi ân sủng, gia tăng vinh quang Thiên Chúa”. Đức Phaolô V nói: “Kinh Mân Côi là kho tàng ân sủng”. Đức Giáo hoàng Urbanô VIII nói: “Nhờ Kinh Mân Côi, số các Kitô hữu sốt sắng nhất tăng lên”. Chân phước Giáo hoàng Piô IX nói: “Nếu bạn muốn hòa bình ngự trị trong trái tim và gia đình mình, hãy tụ họp nhau lại mỗi buổi tối để đọc Kinh Mân Côi”. Trong các thông điệp về Kinh Mân Côi, Đức Giáo hoàng Lêô XIII khẳng định: “Chúng tôi khẩn thiết mời gọi tất cả các tín hữu, dù thực hiện công khai ở nhà thờ, ở nhà riêng hay trong gia đình, cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi bao lâu có thể chứ đừng giảm bớt thực hành đạo đức thánh thiện này”.
Thánh Maximilianô Kônbê
Ngoài lời cầu nguyện của Chúa và Lời Chào Thiên Thần, bản chất của Kinh Mân Côi là suy niệm các mầu nhiệm về cuộc đời Chúa Kitô và Mẹ Cực Thánh của Người.
Thánh Maximilianô Kônbê
Áo Đức Bà, Kinh Mân Côi và Ảnh Phép Lạ: đó là ba linh vật mà chính Đức Mẹ Vô Nhiễm đã rủ tình thương ban để cứu chuộc nhân loại.
Thánh Maximilianô Kônbê
Các Hiệp sĩ của Đức Mẹ Vô Nhiễm và tất cả những ai đọc những lời này… đều lần chuỗi Mân Côi (năm chục kinh) mỗi ngày.
Thánh Maximilianô Kônbê
Liệu lương dân có thể đọc Kinh Mân Côi không? Và tại sao không? Quả thật, họ có thể dễ dàng đào sâu chân lý đức tin. Nhờ lời cầu nguyện, lương dân có thể lãnh nhận ơn hiểu biết chân lý trong các vấn đề tôn giáo và sức mạnh chấp nhận tôn giáo ấy dễ dàng hơn. Họ sẽ thừa nhận tôn giáo ấy là chân lý, không màng đến sự chống đối và chỉ trích từ những người vẫn còn xa lạ với các vấn đề đức tin.
Thánh Maximilianô Kônbê
Thật dễ hiểu khi trẻ em và cả những người bình dị không biết đọc, cũng có thể sử dụng Kinh Mân Côi như một cách thức cầu nguyện.
Thánh Maximilianô Kônbê
Chúng ta cần phải kiên trì và hết sức tin tưởng vào Đức Mẹ. Hơn nữa, chúng ta phải cầu nguyện nhiều trong những lúc buồn phiền, đau khổ. Chúng ta cầu khẩn Đức Mẹ với tên gọi ngọt ngào nhất: “Đức Maria” hoặc nói lời “Kính Mừng Maria”, và trong những lúc khó khăn, quyết định nhất, chúng ta vẫn có thể đọc Kinh Mân Côi một cách trọn vẹn.
Thánh Maximilianô Kônbê
Lời kinh nguyện đơn sơ nhưng siêu phàm được chính Đức Maria chỉ cho biết khi Mẹ hiện ra ở Lộ Đức là Kinh Rất Thánh Mân Côi. Kinh Mân Côi có thể trở thành thanh kiếm của hiệp sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm, cũng như Ảnh Phép Lạ là viên đạn bắn hạ điều xấu xa.
Thánh Maximilianô Kônbê
Nguyện xin Ảnh Phép Lạ trở nên viên đạn trong tay các Hiệp sĩ của Đức Mẹ Vô Nhiễm và Kinh Mân Côi trở nên thanh gươm sắc bén.
Thánh Maximilianô Kônbê
Lời nguyện, đặc biệt là Kinh Mân Côi và sự thống hối – đó là những lệnh truyền của Đức Mẹ Vô Nhiễm dành cho tất cả chúng ta.
Thánh Maximilianô Kônbê
Chắc chắn trong thời đại chúng ta, thủ lĩnh các thành viên của con rồng địa ngục là Hội tam Điểm. Và Đức Mẹ sẽ đạp nát đầu nó. Hơn nữa, lịch sử cho biết rằng hầu như không có một sự hoán cải nào mà trong đó chúng ta không nhìn thấy sự can thiệp rõ ràng của Đức Mẹ. Các thánh đã nuôi dưỡng lòng sùng kính đặc biệt đối với Đức Mẹ, và trong một thông điệp về Kinh Mân Côi (ngày 22/9/1891), Đức Thánh Cha Lêô XIII nói: “Chúng ta khẳng định rằng từ kho tàng ân sủng rộng lớn… bởi thánh ý Thiên Chúa, không có gì ban cho chúng ta mà không nhờ Đức Mẹ. Vì không ai có thể tới gần Chúa Cha Toàn Năng mà không nhờ Chúa Con cho nên theo cách thông thường, không ai có thể đến gần Chúa Kitô mà không nhờ Mẹ của Người.
Thánh Maximilianô Kônbê
Vào tháng 10, người Công giáo có thói quen tôn kính Mẹ Cực Thánh bằng cách đọc Kinh Mân Côi trong nhà thờ hay tại tư gia. Năm 1858, Đức Mẹ Vô Nhiễm đã hiện ra ở Lộ Đức với chuỗi Mân Côi trên tay. Chính Mẹ đã nêu gương và khuyến khích chúng ta lần chuỗi Mân Côi. Vì thế, khi đọc Kinh Mân Côi, chắc chắn chúng ta làm hài lòng Mẹ Thiên Chúa cũng như kéo xuống trên bản thân và gia đình muôn ơn lành của Chúa.
Thánh Maximilianô Kônbê
Năm 1858, trong lần hiện ra ở Lộ Đức, Mẹ Thiên Chúa đã cầm trong tay chuỗi Mân Côi và qua Thánh nữ Bernadette, Mẹ khuyên chúng ta đọc Kinh Mân Côi. Do đó, chúng ta có thể kết luận rằng cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi khiến Đức Mẹ Vô Nhiễm hài lòng. Hơn nữa, nhờ lời kinh nguyện này, chúng ta có thể có được ân huệ lớn lao và ơn lành thánh thiêng một cách dễ dàng.
Thánh Maximilianô Kônbê
Cần lưu ý, nếu chúng ta mong muốn vươn tới sự hiểu biết về Đức Mẹ và tình thương của Chúa Giêsu, chúng ta phải thầm đọc “Kính Mừng Maria”, và lặp lại dựa trên suy niệm về những mầu nhiệm Mân Côi trong sự kết hiệp với Đức Mẹ.
Thánh Maximilianô Kônbê
Trong mọi gia đình Công giáo dù nghèo nhất đi nữa, chúng ta đều có thể tìm thấy chuỗi Mân Côi. Đặc biệt, trong giờ cầu nguyện ở nhà thờ hoặc trong lễ tang, người ta thấy rằng các tín hữu cầm trong tay chuỗi Mân Côi. Những lúc vui hay buồn, bất kể khi nào người tín hữu trở về với Chúa trong lời cầu nguyện, họ đều đọc Kinh Mân Côi và vô cùng gắn bó với lời kinh nguyện này.
Thánh Maximilianô Kônbê
Lời kinh nguyện khiêm nhường (Kinh Mân Côi rất thánh) cùng với lòng chân thành dâng lên Đức Mẹ Vô Nhiễm sẽ chỉ cho ta biết hành động khi nào và ra sao, bởi chính khi đó, Đức Mẹ hướng dẫn ta và đẩy lui bất kỳ khó khăn nào.
Thánh Maximilianô Kônbê
Người ta thường kể đến 15 lời hứa mà nhờ đó, Đức Trinh Nữ Rất Thánh cổ võ người tín hữu đọc Kinh Mân Côi. Các vị đón nhận những lời hứa ấy chính là Thánh Đa Minh và Chân phước Alan de la Roche.
Thánh Maximilianô Kônbê